Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không?

    BILL CIPHER, Theo Helino 

    Nhân bản vô tính không phải đơn giản nhét con người vào một cái máy rồi bấm nút là xong. Đó là một quy trình phức tạp, và về mặt bản chất còn rất nhiều vấn đề cần nắm được.

    Mỗi ngày qua đi, nhân loại được chứng kiến nhiều hơn những thành tựu của chính mình. Trình độ khoa học hiện đại cho phép chúng ta làm được rất nhiều thứ - kể cả những từng được cho là không tưởng.

    Nhân bản vô tính là một trong số đó. Việc nhân bản thành công cừu Dolly của Anh (1996), nối tiếp là hai chú khỉ của Trung Quốc (2018) đã chứng minh rằng không gì là không thể.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 1.

    Hai chú khỉ nhân bản vô tính đầu tiên tại Trung Quốc

    Nhưng nhân bản vô tính là như thế nào? Bạn có thực sự hiểu về quá trình này không?

    Khi nghĩ tới nhân bản vô tính, không ít người trong chúng ta liên tưởng ngay đến các bộ phim. Mọi thứ đều được tiến hành trong phòng thí nghiệm và làm toàn bộ bằng máy móc, dụng cụ siêu hiện đại.

    Trong phim, chúng ta có thể tạo ra bao nhiêu bản sao tùy thích một cách dễ dàng, như người ta sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nhà máy. Tuy nhiên, sự thực thì lại khác xa với những hình ảnh hư cấu này.

    Thuật ngữ "nhân bản vô tính" có thể hiểu nôm na là nhân giống không qua thụ tinh. Vật hiến gen không cần quan tâm đến giới tính, và chỉ cần gen từ một cá thể duy nhất là quá trình nhân bản cũng có thể được tiến hành.

    Điều khiến quá trình này trở nên độc nhất vô nhị chính là khả năng tạo ra 2 sinh vật với bộ ADN giống y hệt nhau – điều không thể xảy ra ở sinh sản hữu tính.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 2.

    Đây là những gì xảy ra khi sinh sản bình thường, mỗi con đều có một bố và một mẹ

    Để có thể nhân bản vô tính, trước hết phải thực hiện một quá trình gọi là Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (Somatic Cell Nuclear Transfer).

    Trước hết ta cần hiểu cấu tạo của trứng. Trứng là tế bào sinh sản giống cái đơn bội – nghĩa là chỉ có một n của bộ nhiễm sắc thể - trong khi các tế bào khác là 2n NST. Do vậy, những nhiễm sắc thể trong trứng là vô nghĩa ở quá trình này.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 3.

    Tế bào trứng (n) và tế bào sinh dưỡng thường (2n)

    Chính vì thế, các trứng tốt nhất sau khi chọn ra sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm, tách các ADN trong nhân bỏ đi, tạo khoảng trống cho một bộ gen khác.

    Tiếp sau đó, tất cả các cặp NST 2n lấy từ tế bào của một cá thể trưởng thành khác sẽ được chuyển vào trong nhân của các tế bào trứng "rỗng" này. Đây chính là điểm mấu chốt của nhân bản vô tính.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 4.

    Những thao tác thực hiện phải vừa chính xác, vừa nhanh để tránh gây tổn thương cho trứng

    Chưa dừng lại ở đây, các chuyên gia sẽ phải kích thích cho tế bào trứng kia phân chia bằng phương pháp sốc điện, cho đến khi nó phát triển thành phôi.

    Phôi sẽ được cấy vào vật mang thai hộ, và sau đó "bản sao" sau một khoảng thời gian sẽ chào đời, cũng có "mẹ" như bất kì một sinh vật bình thường nào khác.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 5.

    Tất cả mọi thứ từ tế bào nguyên mẫu, tế bào trứng, môi trường cấy… đều phải được giữ ở những điều kiện nhất định.

    Những lợi ích và rủi ro của nhân bản vô tính là gì?

    Mục đích đáng quan tâm nhất cho tới thời điểm này của nhân bản vô tính là tạo ra những công cụ tuyệt vời cho y học.

    Trên chặng đường này, chúng ta đã hiểu thêm rất nhiều điều về quá trình sinh sản ở cấp tế bào của động vật. Kĩ thuật được sử dụng trong nhân bản vô tính có thể được thay đổi một chút, lấy cốt lõi là công nghệ chỉnh sửa gen, giúp chúng ta phòng tránh bệnh di truyền, khắc phục nhiều ca vô sinh.

    Tiếp theo, chúng ta cũng chứng kiến thêm một điều kì diệu về tế bào gốc. Với khả năng tạo thành một sinh vật mới hoàn chỉnh với đầy đủ các bộ phận, tế bào gốc hoàn toàn có thể được dùng để nuôi thành các mô, hoặc cơ quan nội tạng mới, bổ sung nguồn nội tạng cấy ghép cho con người.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 6.

    Nếu bằng cách nào đó có thể nhân bản được nội tạng, đó sẽ là một thành tựu tuyệt vời

    Thậm chí, các "bản sao" được tạo ra cũng được tận dụng để thử nghiệm thuốc, nếu không vướng phải các vấn đề về đạo đức.

    Mặc dù không thể phủ nhận những lợi thế không tìm được ở nơi nào khác của nhân bản vô tính, nhưng kỹ thuật này cũng tồn tại rất nhiều vấn đề nếu được phát triển và sử dụng đại trà. Trong đó, mối lo ngại lớn nhất là nếu nhân bản vô tính được thực hiện thành công ở người.

    Ngoài các tranh luận về mặt đạo đức, chúng ta sẽ có 2 hay nhiều hơn những người có bộ gen giống hệt nhau. Điều này gây đến vô vàn những khó khăn cho luật pháp trong việc quản lý an ninh cũng như dân số.

    Và nếu có quốc gia nào tạo ra hàng loạt các "bản sao" để lập thành quân đội, các vấn đề về quân sự sẽ khá nghiêm trọng.

    Liệu rằng đến khi nào thì viễn cảnh đáng sợ này sẽ trở thành hiện thực?

    Việc nhân bản người hoàn toàn là có thể sau khi bản đồ gen người được công bố vào năm 2000. Đặc biệt, thành tựu nhân bản một loài linh trưởng của khoa học Trung Quốc cũng chứng minh điều này là sự thật.

    Tuy nhiên, kĩ thuật và thái độ của xã hội hiện nay đều chưa ủng hộ việc này.

    Để tạo ra thành công một vài cá thể có thể sống được, phòng thí nghiệm phải sử dụng số lượng trứng và tế bào rất lớn. Phần lớn số đó chết trong các giai đoạn khác nhau trước khi quá trình nhân bản hoàn thành. Hơn nữa, trong những con sống sót chỉ có một vài con sống khỏe mạnh, còn lại hầu hết đều bị lão hóa sớm, mắc nhiều bệnh và hay chết yểu.

    Ai cũng nghe về nhân bản vô tính, nhưng bạn có thực sự hiểu về nó không? - Ảnh 7.

    Cừu Dolly được đánh giá là yếu hơn đồng loại và tuổi thọ chỉ bằng một nửa cừu bình thường

    Về phía dư luận, dù được nhiều người ủng hộ song cũng có một luồng ý kiến phản đối nhân bản người ngay chính trong giới khoa học.

    Mọi rủi ro cũng như mọi lợi ích đều phải được cân nhắc một cách công bằng. Vậy còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này?

    Nguồn: LiveScience, Learn Genetics, Forbes…

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ