Apple đã ngã ngựa; Tesla, Facebook, Microsoft hay Amazon sẽ trở thành công ty nghìn tỷ đô đầu tiên?

    Lê Hoàng,  

    Khi iPhone bắt đầu xuống dốc cũng là lúc Apple phải từ bỏ giấc mơ nghìn tỷ. Vậy ông lớn nào, công nghệ nào sẽ giúp cho những gã khổng lồ Silicon có thể lập kỳ tích nghìn tỷ đô?

    Chúng ta đã rất nhiều lần được nghe dự đoán về những công ty nghìn tỷ. Cuối năm 1999, Microsoft đạt trị giá thị trường 618,9 tỷ USD. Chỉ nửa năm sau, khi ADSL còn là một khái niệm tương đối xa lạ, gã khổng lồ chuyên về thiết bị mạng Cisco đã từng đạt mức trị giá 552 tỷ USD và được nhà phân tích Paul Weinstein dự đoán sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ. Đến khi Apple đạt mức kỷ lục 775 tỷ USD nhờ thành công khổng lồ của iPhone 6 và iPhone 6s, nhà đầu tư Carl Icahn lại vẽ ra viễn cảnh tỷ đô cho Táo.

    Đáng tiếc là cả Microsoft lẫn Cisco đều đã trở thành những công ty làng nhàng. Và cơ hội tốt nhất để Apple vươn lên nghìn tỷ là chiếc iPhone cũng đã bắt đầu nguội lạnh. Vào tháng trước, Carl Icahn đã bán đi toàn bộ cổ phần của mình tại Apple.

    Nhưng những dự đoán nghìn tỷ vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Đến tuần này, chỉ ít lâu sau khi Amazon công bố bản kết quả tài chính nức lòng giới đầu tư, mạng thương mại điện tử số 1 hành tinh lại được gia nhập danh sách "có thể vươn lên 1000 tỷ" bởi một nhà nghiên cứu thị trường của Social Capital Managing Partner.

    Chìa khóa nghìn tỷ

    Liệu Amazon hay các tên tuổi khác có thể làm được điều mà những gã khổng lồ thống trị như Apple và Microsoft đã không thể làm được? Nếu Jeff Bezos không bước lên đỉnh cao, tên tuổi nào sẽ cán đích nghìn tỷ đô đầu tiên?

    Trước khi đi tìm câu trả lời, hãy cùng nhìn lại những tên tuổi đã từng vươn lên đỉnh cao thế giới với các mức trị giá thị trường cao khủng khiếp. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ chỉ cần một hoặc hai thứ vũ khí có ý nghĩa bao trùm, thay đổi thế giới. Chiếc iPhone của Apple chiếm trọn phân khúc cao cấp của một loại thiết bị điện tử mà ai cũng cần có, trong khi vai trò của iPad hay MacBook là gần như vô nghĩa: iPad vào năm 2014 đã ngừng tăng trưởng, MacBook thì may mắn lắm mới đạt doanh thu ngang bằng iPad. Nói cách khác, Apple được trao niềm hy vọng nghìn tỷ đô chỉ vì kinh doanh smartphone thành công.

    Microsoft cũng vậy. Trong một thời gian dài chiếc PC là thiết bị thông minh nhất, đa năng nhất tại các tập đoàn và trong gia đình. Microsoft thành công vì Mac OS chỉ có mặt trên duy nhất những chiếc PC đắt tiền nhất còn Linux thì mãi mãi không đủ trưởng thành để trở thành một giải pháp nghiêm túc cho người tiêu dùng. Công ty của Bill Gates cũng sở hữu bộ ứng dụng văn phòng chất lượng cao Microsoft Office cũng như các giải pháp không thể thiếu vắng trong môi trường doanh nghiệp như Active Directory hay Outlook/Exchange. Dĩ nhiên, gã khổng lồ phần mềm cũng kinh doanh các mảng khác như phát hành game hoặc thiết bị phần cứng, nhưng chỉ nhờ thống trị hệ điều hành và phần mềm/giải pháp doanh nghiệp mà Microsoft đã vươn lên mức trị giá cao hơn cả Apple và Google của ngày hôm nay (có tính lạm phát).

    Hãy áp dụng bài học này vào các ông lớn mới nổi.

    Amazon: Lãnh chúa đám mây

    Nếu Amazon có thể vươn lên vị trí số 1 thì chìa khóa sẽ không phải là trang thương mại điện tử, không phải dịch vụ phát phim, cung cấp nội dung trực tuyến và cũng không phải là máy đọc sách Kindle hay máy tính bảng Fire, đầu giải mã FireTV, loa trợ lý ảo Echo v...v... Đó sẽ là Amazon Web Services - mảng kinh doanh hiện tại mới đạt trị giá 10 tỷ USD/năm.

    Nhưng 10 tỷ USD/năm vẫn là quá đủ để đè bẹp các đối thủ khác. Theo số liệu của SGResearch, kết thúc năm 2015 AWS chiếm thị phần tới 31% trong khi không một đối thủ cạnh tranh nào khác vươn được tới mức thị phần 2 chữ số, bao gồm cả những tập đoàn đã luôn đóng vai trò thúc đẩy khoa học công nghệ tiến về phía trước như Microsoft, Google và IBM. Một nghiên cứu khác được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp trung thành với AWS đạt 100% và những doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ khác cũng rất muốn tìm hiểu đám mây của Amazon.

    Khi số lượng thiết bị thông minh trên toàn cầu ngày càng gia tăng, con người càng ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ dữ liệu (lưu trữ, liên lạc, xem nội dung... và dĩ nhiên là cả các giải pháp phần mềm doanh nghiệp), các đám mây cũng sẽ dần dần trở thành trung tâm của thế giới số nói riêng và loài người nói chung. Phần lớn người tiêu dùng sẽ không nhận biết được họ phụ thuộc vào đám mây, nhưng hãy nhớ rằng khi mở PC chạy Windows bạn sẽ dành phần lớn thời gian chạy các ứng dụng độc lập chứ không phải là Start Menu hay Windows Explorer. Điều đó không làm bạn bớt phụ thuộc vào Microsoft cho đến tận bây giờ.

    Đám mây AWS có tiềm năng để trở thành Windows của thời đại mới. Khi "Vạn vật" được kết nối vào Internet of Things, bạn không thể mong chờ những chiếc PC hay những hệ thống máy chủ nhỏ lẻ có thể xử lý dữ liệu vận hành cả thế giới. Mọi thứ sẽ phải được đẩy lên mây, giống như người ta đã "Windows hóa" tất cả các công cụ làm việc của thập niên 70, 80. Nếu AWS tiếp tục giữ vững được vị thế hiện thời và Internet of Things sớm diễn ra, Amazon hoàn toàn có cơ sở để trở thành công ty tỷ đô đầu tiên.

    Tesla: Một mô hình xe hơi hoàn toàn mới

    Tesla đang gặp khó khăn chồng chất. Không ai biết Tesla sẽ làm thế nào để hoàn thành 300.000 đơn hàng dành cho Model 3, và thậm chí không ai biết liệu vấn đề sản xuất của Model X đã được giải quyết triệt để hay chưa. Trong suốt 12 quý vừa qua, Tesla liên tiếp thu lỗ.

    Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Elon Musk vượt qua được thử thách này? Mô hình kinh doanh của Tesla sẽ được chứng minh và cũng sẽ thay đổi cả thế giới. Ngành sản xuất xe hơi đã mất 100 năm vẫn không thể tạo ra xe điện, và chừng nào còn sợ xe điện ảnh hưởng đến nguồn sống xe xăng dầu thì họ vẫn sẽ tụt hậu so với Tesla. Cũng giống như Apple mạnh mẽ thúc đẩy smartphone khi Nokia vẫn còn cố công bảo vệ điện thoại thanh kẹo, công ty của Elon Musk cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng xe tự lái trong lúc các đối thủ mới chỉ bước những bước chập chững.

    Bạn có thể kể tên một số đối thủ sừng sỏ như Nissan (với chiếc Leaf) hay Google (với dự án xe tự lái chạy trên đường phố San Francisco trong nhiều năm qua), nhưng rõ ràng vào thời điểm hiện tại nếu nhắc tới "ô tô điện tự lái", người ta sẽ nghĩ ngay tới Tesla và Elon Musk. Vai trò của chiếc xe tự lái hiện tại cũng giống như vai trò của iPhone những năm 2007, 2008: người ta mới chỉ nghĩ đây là một loại xe mới, chiếm thị phần rất nhỏ. Nhưng một khi thế giới đã quyết định dịch chuyển lên smartphone để thay thế cho điện thoại "ngu", iPhone cũng nhanh chóng thu về 90% lợi nhuận của toàn bộ ngành sản xuất smartphone về tay Apple.

    Nếu xe điện, xe tự lái trở nên phổ cập như smartphone, Tesla cũng sẽ thu về 90% lợi nhuận của toàn bộ ngành sản xuất xe hơi. Con số nghìn tỷ hoàn toàn không phải là thứ gì đó quá xa vời.

    Microsoft, Facebook và Google: AI

    Cả 3 ông lớn này đều đã bỏ lỡ cơ hội của mình để trở thành công ty nghìn đô. Windows vẫn còn tồn tại vững chắc nhưng cũng không còn tăng trưởng, Google cũng không thể tăng trưởng nóng khi Internet không còn bùng nổ và khi smartphone Android đã ngập tràn thế giới. Facebook đã vượt lên thâu tóm trải nghiệm xã hội của cả thế giới, nhưng đưa 1 tỷ người tiếp theo lên Internet sẽ là một quá trình khó khăn hơn rất nhiều so với thành tựu đưa 1,5 tỷ người đã được kết nối Internet lên Facebook.

    May mắn là 3 ông lớn này đều đang đầu tư vào một công nghệ có thể thực sự thay đổi tất cả mọi thứ: trí thông minh nhân tạo. Microsoft đang có trợ lý ảo chất lượng bậc nhất thế giới, các API có tri giác không kém gì con người và cả một rừng chatbot thông minh. Facebook cũng có trợ lý ảo và chatbot, nhưng AI của Facebook đang chủ yếu tập trung vào cải thiện trải nghiệm mạng xã hội như nhận diện hình ảnh hoặc sắp xếp News Feed. Tương tự, dù có hẳn một AI có thể đánh bại đại kỳ thủ cờ vây nhưng Google cũng đang chủ yếu dùng các thuật toán cao siêu để sắp xếp kết quả tìm kiếm.

    Đừng để những tác vụ có vẻ "nhàm chán" đó đánh lừa bạn về tiềm năng của AI. Khi một bộ não bằng máy móc có thể tạo ra một bộ não bằng máy móc, khi thuật toán có thể tạo ra thuật toán, khi AI càng ngày càng tự thông minh hơn, không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Nói cách khác, AI đang mang tiềm năng thay đổi bản chất cuộc sống, trải nghiệm giải trí và quá trình làm việc của con người ở mức độ vượt xa những gì Windows và smartphone đã từng thực hiện. Hiện tại, AI mới chỉ giúp được Facebook và Google thu thêm vài trăm triệu USD tiền quảng cáo mỗi năm, nhưng bạn hoàn toàn có thể coi con số "vài trăm triệu" đó là hạt giống cho tương lai nghìn tỷ.

    Dĩ nhiên, đó là trong trường hợp AI của Google, Microsoft hay Facebook không kịp tự thiết lập Skynet và hủy diệt thế giới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ