Burstcoin – tiền ảo đào bằng HDD: hướng đi ít người biết cho dân "cày tiền ảo"

    Master Dùi,  

    Xoá nhoà khoảng cách giữa người chơi ASIC và người dùng bình dân.

    Thị trường tiền ảo trong những tuần gần đây vẫn ghi nhận nhiều biến động với giá của các đồng tiền lớn như Bitcoin, Ethereum liên tục trồi sụt. Dù vậy, mảnh đất màu mỡ này vẫn chưa bao giờ hết hấp dẫn các “nông dân” bởi khả năng sinh lời vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, có một điều mà những người đào tiền ảo chuyên nghiệp có đôi chút quan ngại là độ khó khi đào càng tăng.

    Đây cũng là một điều hoàn toàn dễ hiểu bởi hàng ngày hàng giờ lại có thêm những “nông dân” mới. Khi lượng phần thưởng giữ nguyên trong khi số người tranh đoạt tăng mạnh, việc tính toán, “hash” sẽ càng trở nên khó khăn hơn bởi bản chất của việc đào tiền ảo truyền thống như hiện nay là các máy tính sẽ cùng “thi” giải thuật toán, ai đạt được câu trả lời đúng và nhanh nhất sẽ được phần thưởng trong khi những người khác sẽ trắng tay và tìm vận may vào lượt tiếp theo.

    Vấn đề nảy sinh là những người chỉ sở hữu 1-2 dàn cày tiền gồm 6 card sẽ khó có thể cạnh tranh với những nhà máy chứa hàng ngàn VGA của GBMiner hay các anh tài cày tiền bằng ASIC (vi mạch thiết kế chuyên biệt) ở Hongkong. Tính “decentralised” – phân trung theo thiết kế ban đầu của các đồng tiền ảo về cơ bản đã bị phá vỡ khi những nhà máy cày tiền trị giá hàng triệu USD sẽ luôn có lợi thế hơn hẳn.

    Trong bối cảnh đỏ, BurstCoin ra đời với mục tiêu trở thành một đồng tiền luôn phân trung. Vẫn dựa trên Blockchain tương tự Bitcoin hay Ethereum nhưng BurstCoin lại có một cách đào hoàn toàn khác biệt, sử dụng HDD. Thoạt nghe đây có vẻ là một điều phi lí bởi ổ lưu trữ nói chung không có chip xử lý đủ mạnh để thực hiện các tác vụ tính toán. Thế nhưng, với thuật toán của BurstCoin, thứ bạn cần là dung lượng ổ cứng chứ không phải hiệu năng tính toán.

    Theo định nghĩa của BurstTeam, những người khai sinh ra đồng tiền này, để đào BurstCoin, thứ bạn cần là dung lượng trống của ổ cứng để tạo ra Proof of Capacity (POC) – chứng nhận dung lượng. Nhờ vậy, việc đào BurstCoin sẽ tiêu thụ cực kì ít điện năng. Đội ngũ sáng lập cũng tin rằng việc đào tiền này gần như sẽ không khiến hoá đơn tiền điện của bạn bị trội lên khủng khiếp như khi đào coin truyền thống bởi mỗi chiếc ổ cứng cũng chỉ tốn dưới 5W mỗi giờ để chạy hết công suất. Không những thế, những chiếc HDD sẽ có thể được tái sử dụng nếu không đào nữa mà không gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc.

    Điểm đáng quan tâm nhất đó là tính phân trung của đồng tiền này. Khi phần cứng yêu cầu là ổ cứng dung lượng cao, thứ mà ai cũng có thể dễ dàng mua được, các “nông dân” nhỏ lẻ sẽ không bị thua thiệt với các đại gia bởi BurstCoin sẽ không thể được đào bằng ASIC. Với mức đầu tư vốn đã quá rẻ, sẽ khó để người ta có thể thiết kế ra một con chip ASIC tiết kiệm điện hơn, có dung lượng lớn hơn và hiệu quả hơn 1 chiếc ổ cứng thông thường. Khi đó, khoảng cách hiệu năng/chi phí giữa ASIC và VGA sẽ được cào bằng. Để cho dễ hiểu, anh A có nhiều tiền gấp 10 anh B thì sẽ chỉ có thể mua được tổng dung lượng ổ cứng gấp 10 và đào được nhiều gấp 10 thay vì gấp 3-40 lần như khi so ASIC với VGA thông thường.

    Một điểm cần lưu ý khác là việc đào BurstCoin sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào may mắn. Theo những nhà sáng lập, bạn sẽ khó có thể tính toán chính xác được hôm nay và ngày mai mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ việc đào này. Có thể cả tháng bạn chẳng nhận được block nào nhưng có khi lại được cả chục block trong một tuần. Tất nhiên, khi bạn có nhiều dung lượng ổ cứng trống, tương đương với nhiều POC thì bạn sẽ nhận được nhiều “vé xổ số” hơn. Nhiều vé hơn thì cơ hội trúng cao hơn cũng là điều dễ hiểu.

    Tuy nhiên, BurstCoin lại có một vấn đề cực lớn và vi phạm quy tắc tài chính là việc lượng tiền được đào ra không hề bị giới hạn. Khi có càng nhiều máy tham gia mạng BurstCoin thì dung lượng của nó sẽ càng phình to ra trong khi vẫn được phân bố đều. Như vậy, mặc dù dựa vào may mắn thì khi tính trung bình, số lượng BurstCoin người ta nhận được vẫn sẽ giữ nguyên khiến giá trị về lâu dài của đồng tiền này được đặt một dấu hỏi lớn. Điều này giống như một ngân hàng nhà nước liên tục in tiền sẽ khiến lạm phát tăng mạnh và khiến chính đồng tiền đó mất giá trị.

    Với mức giá hiện tại 1000 Burst tương đương 20 USD thì thực sự đồng BurstCoin này sẽ đóng vai trò như thế nào, tương lai của nó ra sao, cách đào và lợi nhuận ở mức nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn trong loạt bài kế tiếp!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ