Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang nói gì về tiền mã hóa, bitcoin?

    Tấn Minh,  

    Qua hơn 8 năm tồn tại và phát triển của bitcoin, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới ngày càng nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu tiềm tàng của các loại tiền tệ điện tử. Các "vệ sĩ" của nền kinh tế toàn cầu hiện quan tâm đến 2 vấn đề của tiền mã hóa: cần làm gì với sự trỗi dậy của các đồng tiền mã hoá tư nhân đang ngày càng trở nên phổ biến, và liệu họ có nên tung ra các đồng tiền mã hoá chính thức của mình hay không?

    Dưới đây là những nhận định của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới về chủ đề đang rất nóng này:

    Mỹ: lo ngại về quyền riêng tư

    Cơ quan dự trữ liên bang đang tiến hành một số cuộc điều tra về tiền mã hoá, và họ không thực sự tỏ thái độ hưởng ứng ý tưởng một ngân hàng trung ương phát hành một đồng tiền mã hoá đối thủ của bitcoin. Jerome Powell - một thành viên hội đồng quản trị và là ứng viên chức chủ tịch - phát biểu hồi đầu năm nay rằng vẫn còn nhiều vấn đề về kỹ thuật đối với công nghệ này, và "quản trị và quản lý rủi ro sẽ phải thực sự nghiêm túc". Powell nói rằng sẽ có nhiều thách thức "không hề nhỏ" dành cho một đồng tiền mã hoá của ngân hàng trung ương, trong đó có vấn đề quyền riêng tư, và các lựa chọn thay thế từ khối tư nhân có lẽ sẽ là lựa chọn tốt hơn.

    Randal Quarles - phó chủ tịch giám sátsát tại Fed - phát biểu hồi ngày 1/12 rằng trong khi ngân hàng trung ương không có chính sách nào đối với việc điều chỉnh bitcoin, nhưng đồng tiền mã hoá này "vẫn đáng quan tâm". Khối lượng giao dịch tiền mã hoá tới một lúc nào đó sẽ là một vấn đề về mặt chính sách tiền tệ. Theo ông thì khối lượng giao dịch này "đơn giản là chưa đủ lớn" ở thời điểm hiện tại.

    Châu Âu: tiền mã hóa giống bong bóng Tulip

    Ngân hàng Trung ương châu Âu đã liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm khi đầu tư vào các đồng tiền mã hóa. Phó Chủ tịch Vitor Constancio phát biểu hồi tháng 9 rằng bitcoin không phải là một đồng tiền, mà là một "bông hoa tulip" - ám chỉ bong bóng kinh tế hoa tulip hồi thế kỷ 17 tại Hà Lan.

    Đồng nghiệp của ông là Benoir Coeure cũng cảnh báo về giá trị bất ổn định của bitcoin, ghép bitcoin với các tội phạm trốn thuế và nhiều loại tội phạm có khả năng gây ra nhiều nguy cơ lớn khác.

    Chủ tịch Mario Draghi phát biểu hồi tháng 11 rằng tác động của tiền mã hóa lên nền kinh tế khu vực đồng Euro vẫn còn khá hạn chế và chưa gây ra mối đe doạ nào đối với thế độc quyền tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

    Trung Quốc: điều kiện đã chín muồi

    Trung Quốc đã đưa ra lời khẳng định: ngân hàng trung ương có toàn quyền kiểm soát đối với tiền mã hoá. Lập hẳn một nhóm nghiên cứu vào năm 2014 để phát triển tiền mã hóa chính thức, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc tin rằng "điều kiện đã chín muồi" để chào đón công nghệ này. Thế nhưng, chính quyền nước này đã triệt phá nhiều nhà phát hành tiền mã hóa tư nhân, cấm giao dịch bitcoin và nhiều loại tiền mã hoá khác.

    Hiện chưa rõ thời điểm chính thức Trung Quốc sẽ giới thiệu đồng tiền mã hóa của mình, nhưng chính quyền nước này tuyên bố tiền mã hóa có thể giúp cải thiện hiệu quả thanh toán và cho phép kiểm soát tốt hơn các loại tiền tệ.

    Nhật Bản: cần nghiên cứu thêm

    Thống đốc ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda phát biểu hồi tháng 10 rằng họ chưa có kế hoạch nào nhằm tung ra các đồng tiền mã hóa, nhưng việc nghiên cứu kỹ hơn về chúng là rất quan trọng.

    "Việc tung ra đồng tiền mã hóa của ngân hàng trung ương giống như cho phép mọi người truy cập vào tài khoản của chính ngân hàng vậy. Vì lý do đó, thảo luận về đồng tiền mã hóa của ngân hàng trung ương cũng nhằm xem xét lại các vấn đề cơ bản của ngân hàng".

    Đức: trò chơi đầu cơ

    Tại quốc gia mà người dân vẫn thích trả tiền mặt hơn, thì ngân hàng Đức cũng tỏ ra đặc biệt thận trọng với sự bùng nổ của bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác. Thành viên hội đồng quản trị Carl-Ludwig Thiele nói hồi tháng 9 rằng bitcoin "giống trò chơi đầu cơ hơn là một hình thức thanh toán".

    Việc chuyển đổi sang công nghệ blockchain sẽ dẫn đến khả năng phá vỡ các mô hình kinh doanh của ngân hàng và sẽ cần các chính sách tiền tệ mới. Tuy nhiên, ngân hàng Đức cũng vẫn đang tích cực nghiên cứu tính ứng dụng của công nghệ này trong hệ thống thanh toán.

    Anh: một cuộc Cách mạng tiềm tàng

    Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho rằng tiền mã hoá là một phần của một cuộc cách mạng tài chính tiềm tàng. Ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu ứng dụng tăng tốc (accelerator) tài chính công nghệ vào cuối năm ngoái - một hình thức "ươm" các công ty trẻ tại thung lũng Silicon. Carney nói rằng cơ sở dữ liệu kế toán phân phối - một công nghệ dựa trên blockchain - cho thấy tiềm năng lớn trong việc cho phép các ngân hàng trung ương tăng cường phòng vệ chống lại tấn công mạng và cải tổ hình thức thanh toán giữa các tổ chức và người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng Ngân hàng Anh vẫn còn rất lâu nữa mới tạo ra một đồng tiền mã hóa của chính mình.

    Pháp: cảnh giác cao độ

    Thống đốc ngân hàng Pháp nói rằng các quan chức Pháp "yêu cầu cảnh giác cao độ với bitcoin vì không có tổ chức công khai nào đứng đằng sau để đảm bảo cho nó. Trong lịch sử, mọi trường hợp về các đồng tiền tư nhân đều kết thúc rất xấu". Bitcoin thậm chí còn có mặt trái, đó là các vụ tấn công dữ liệu, và cảnh báo mọi người dùng tiền mã hoá nên tự chịu rủi ro.

    Ấn Độ: không cho phép

    Ngân hàng trung ương Ấn Độ không cho phép tiền mã hoá bởi chúng có thể được sử dụng để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên Ngân hàng dự trữ nước này thì có một nhóm nghiên cứu khả năng các đồng tiền mã hóa phát hành bởi các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể được sử dụng một cách hợp pháp hay không. Hiện ở nước này, sử dụng tiền mã hoá là vi phạm quy định giao dịch ngoại thương.

    Brazil: hỗ trợ cải cách

    Ngân hàng trung ương Brazil "không thấy rủi ro nào đối với hệ thống tài chính", nhưng vẫn cảnh báo các nhà phát triển về việc sử dụng các đồng tiền này. Ngân hàng Brazil cho biết "ủng hộ cải cách tài chính, bao gồm các công nghệ mới giúp hệ thống tài chính an toàn và hiệu quả hơn".

    Canada: xem như tài sản

    Ngân hàng Canada cho rằng tiền mã hoá không phải là một dạng tiền thực sự, mà "là một tài sản, hoặc một loại tiền bảo chúng, và nó nên được xem là vậy". Họ cũng cho rằng công nghệ sổ cái phân tán có tiềm năng giúp hệ thống tài chính hiệu quả hơn.

    Hàn Quốc: làm hỏng giới trẻ

    Ngân hàng Hàn Quốc tập trung bảo vệ người tiêu dùng và ngăn việc sử dụng tiền mã hoá như một công cụ phạm tối. Thống đốc ngân hàng này cho rằng cần nghiên cứu và giám sát hơn nữa. Rất nhiều người Hàn Quốc ủng hộ bitcoin đến nỗi Thủ tướng phải cảnh báo rằng tiền mã hoá có thể làm hỏng giới trẻ của quốc gia.

    Nga: mô hình Ponzi

    Ngân hàng trung ương Nga bày tỏ quan ngại về rủi ro tiềm tàng của tiền mã hóa, rằng "chúng tôi không hợp pháp hoá mô hình kim tự tháp lừa đảo" và "chúng tôi hoàn toàn không ủng hộ tiền tư nhân, dù dưới hình thức vật chất hay ảo". Họ cũng sẽ làm việc với các công tố viên để chặn các website cho phép giao dịch bitcoin.

    Úc: cơn sốt đầu cơ

    Ngân hàng trung ương Úc cho rằng tiền mã hoá có vẻ được dành cho tội phạm hơn là người tiêu dùng. Theo họ, sự hứng thú với tiền mã hoá thời gian qua giống như một cơn sốt đầu cơ, chứ không liên quan đến tính hiệu quả và tiện lợi cuả nó trong thanh toán điện tử.

    Ngân hàng này cũng không có ý định phát hành đồng tiền tiện tử riêng vì không có lý do chính đáng nào để làm vậy. Rất ít các đối tác của họ ở nước ngoài nhận thấy tiền mã hóa sẽ phát triển trong tương lai.

    Thổ Nhĩ Kỳ: yếu tố quan trọng

    Theo ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thì tiền mã hóa nếu được thiết kế tốt sẽ góp phần vào việc ổn định tài chính. Dù cho rằng tiền mã hóa đem đến rủi ro mới cho các ngân hàng trung ương, bao gồm việc kiểm soát nguồn cung tiền và ổn định giá, và các chính sách tiền tệ, nhưng ngân hàng này cho biết tiền mã hóa sẽ là một yếu tố quan trọng trong một nền kinh tế không tiền mặt, và các công nghệ liên quan có thể giúp tăng tốc và nâng cao hiệu quả của hệ thống thanh toán.

    Hà Lan: táo bạo

    Hà Lan là một trong những nước táo bạo nhất trong ứng dụng tiền mã hóa. Hai năm trước ngân hàng trung ương nước này đã tạo ra một đồng tiền mã hoá riêng gọi là DNBcoin, dùng lưu hành nội bộ để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của nó. Mới đây, họ công bố kết quả thử nghiệm, cho rằng blockchain có thể được ứng dụng một cách tự nhiên trong giải quyết các giao dịch tài chính phức tạp.

    Bắc Âu: nhiều lựa chọn

    Cũng như Hà Lan, các chính quyền Bắc Âu rất táo bạo trong khám phá các giá trị của tiền mã hóa.

    Riksbank - ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới tại Thuỵ Điển - đang dự định tung ra một đồng tiền đăng ký điện tử là e-krona, lưu trữ trong các tài khoản tại ngân hàng trung ương, hoặc trong một ứng dụng, hoặc một card. Họ cho biết việc giới thiệu e-krona không tạo ra chướng ngại lớn nào cho chính sách tiền tệ.

    Nauy thì tìm hiểu các giải pháp khác, như các tài khoản cá nhân tại ngân hàng trung ương, hoặc các thẻ nhựa, hoặc một ứng dụng để thanh toán.

    Đan Mạch thì đi ngược lại với ban đầu, cảnh báo các ngân hàng trung ương về việc cung cấp tiền mã hóa đến người tiêu dùng bởi khả năng gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế.

    New Zealand: quá bất ổn định

    Ngân hàng dự dữ New Zealand cảnh báo bitcoin giống như một bong bóng đầu cơ. Theo họ tiền điện tử, tiền mã hoá, là thực và là một phần của tương lai, nhưng không phải như những gì chúng ta thấy ở bitcoin. Ngân hàng này cũng đang xem xét kế hoạch phát hành một đồng tiền mới, và liệu các đồng tiền điện tử sẽ đóng vai trò thế nào trong kế hoạch này.

    Ma-rốc: vi phạm pháp luật

    Ma-rốc là một trong những nước nghiêm khắc nhất với tiền mã hoá, tuyên bố mọi giao dịch dùng tiền mã hoá đều vi phạm quy định giao dịch và bị trừng trị bởi pháp luật.

    Ngân hàng thanh toán quốc tế: không thể làm ngơ

    Ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương này cho rằng các nhà hoạch định chính sách không thể làm ngơ trước sự phát triển của tiền mã hoá, và sẽ xem xét liệu có nên phát hành các đồng tiền mã hóa của họ vào một thời điểm nào đó hay không.

    Theo họ, một lựa chọn đáng xem xét là một đòng tiền chỉ do ngân hàng trung ương phát hành ra công chúng, có thể chuyển đổi thành tiền mặt và dự trữ. Tuy nhiên điều này cũng sẽ mang lại những rủi ro lớn hơn trong hoạt động ngân hàng, và các nhà cho vạy thương mại cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hút tiền gởi, hay những quan ngại về tính riêng tư.

    Ngân hàng này cho rằng bitcoin nên được giám sát chặt chẽ.

    "Bất kỳ thứ gì phát triển nhanh như bitcoin mà không có một hiểu biết rõ ràng về thứ đứng đằng sau nó, cũng cần phải được quan tâm".

    Tham khảo: TheNextWeb

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ