Câu chuyện đau lòng chưa bao giờ được kể về bố của cậu bé Andy trong Toy Story - Câu chuyện Đồ chơi

    Dink,  

    Tôi không khóc, chỉ là bụi bay vào mắt thôi!

    Tựa phim Toy Story tới từ Disney Pixar cho ta những tràng cười dài sảng khoái, những hồi ức tuổi thơ vọng về và những giọt nước mắt đầy xúc động khi phần phim thứ 3 kết thúc. Nhưng có vẻ, họ chưa dừng lại ở đó: họ muốn ta mất nhiều nước mắt hơn nữa với câu chuyện buồn cháy lòng về bố của Andy, cậu bé có những món đồ chơi là “nhân vật chính” trong phim.

    Nhiều năm qua, trôi nổi trên mạng là những tin đồn và các giả thuyết được đưa ra bởi cư dân mạng về lý do tại sao bố của Andy lại không hề có mặt trong bất cứ bộ phim Toy Story nào. Người ta thường nhất trí rằng hoặc là đã có một vụ ly dị xảy ra, hoặc là bố Andy đã qua đời. Có vẻ như vế hai đã đúng, và đúng một cách vô cùng đau lòng, và đau lòng hơn bạn tưởng nhiều.

    Trong một buổi phỏng vấn trực tiếp hồi đầu tháng này, nhà thiết kế đồ chơi Mike Mozart có chia sẻ rằng anh đã từng là một nhà cố vấn đồ chơi cho bộ phim Toy Story, dưới danh nghĩa giúp đỡ người bạn thân Joe Ranft, cố chỉ đạo kịch bản phim của Pixar. Trước khi Ranft qua đời hồi năm 2005 ở tuổi 45 trong một tai nạn xe hơi, anh đã chia sẻ câu chuyện về câu chuyện bí mật về cuộc đời của bố Andy với Mozart, có lẽ đã được dựng thành phim với cái tên Toy Story 0.

     Joe Ranft và những nhân vật anh từng lồng tiếng cho Pixar.

    Joe Ranft và những nhân vật anh từng lồng tiếng cho Pixar.

    Đây không phải là câu chuyện chính thức nhưng Mozart là một cá nhân tin tưởng được trong cộng đồng Pixar nên có lẽ, ta có thể tin tưởng được lời nói của anh. Dù rằng Andrew Stanton, đồng tác giả kịch bản của cả ba phần Toy Story (cùng phần thứ tư sắp ra mắt) đã phản bác lại những gì Mozart nói, gọi đó là một “thông tin hoàn toàn giả dối”. Trang tin Gizmodo đã liên lạc với cả hai người xem họ có chia sẻ thêm gì về vấn đề này không, thông tin sẽ được tiếp tục cập nhật.

    Dưới đây là câu chuyện ấy: bố của Andy bị bệnh bại liệt.

    Theo lời Mozart, thì bố của Andy cũng tên là Andy, là người đầu tiên và cũng là người duy nhất có được chú cao bồi Woody đồ chơi (tên trên đế giày Woody chính là tên của người bố). Ông nhận được Woody như là một mẫu thử cho chuỗi sản phẩm đồ chơi mới được sản xuất, nhưng vì loạt phim về Woody (loạt phim nằm trong thế giới Toy Story của Pixar) bị hủy, nên không bao giờ có thêm một Woody khác nữa được sản xuất.

    Năm 1959, Andy Cha mắc chứng bại liệt và đa số đồ chơi của cậu bị tiêu hủy vì lý do an toàn (bại liệt là một chứng nhiễm trùng cấp tính lây lan theo đường phân-miệng). Toàn bộ số đồ chơi, tất nhiên là trừ Woody, Slinky – chú chó lò xo và Ông Đầu Khoai tây – Mr. Potato Head bởi Andy Bố đã bất chấp bệnh tật và cái chân đã bị bại liệt của mình, bò khỏi giường cứu lấy những món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của mình khỏi số phận nghiệt ngã trong ngọn lửa.

    Một thời gian sau, Andy Cha lành bệnh, cưới vợ và sinh ra Andy Con – chính là cậu bé Andy mà ta đã thân quen trong loạt phim Toy Story. Nhưng đáng buồn thay, Andy Cha không khỏe mạnh được bao lâu, anh mắc phải hội chứng hậu bại liệt, Hội chứng Sau Viêm tủy xám - Post-Polio Syndrome. Cả gia đình chuyển về sống với ông bà của Andy, điều đó đồng nghĩa với việc hình của đứa trẻ đeo kính trên tường chính là Andy Cha, cha của Andy và ta biết được rằng suốt 3 tập phim, Andy không hề đeo kính.

     Hai chữ Andy khác nhau ...

    Hai chữ Andy khác nhau ...

     ... trên chân của hai nhân vật chính.

    ... trên chân của hai nhân vật chính.

    Những dòng sau đây nếu dựng thành phim thì sẽ đau buồn chẳng khác nào 10 phút đầu của bộ phim Up cũng từ hãng Disney Pixar: cha của Andy gọi cậu tới giường bệnh của mình, đưa cho cậu một chiếc chìa khóa được cất cẩn thận trong ví của ông và dặn cậu hãy lên gác xép, mang xuống một chiếc hòm cũ được cất trong góc. Nhưng khi Andy mang được chiếc hòm xuống, cha cậu đã trút hơi thở cuối cùng rồi.

    Sau tang lễ, Andy mở chiếc hộp ra và Woody, Slinky và Mr. Potato Head bừng tỉnh từ giấc ngủ sâu, tin rằng đứng trước mặt mình chính là cậu bé Andy đã lớn lên cùng họ nhiều năm về trước. Những nhân vật đồ chơi này không biết chủ nhân cũ của mình đã qua đời. Nhưng ta có thể thấy rằng, di sản của người cha vẫn còn sống trong bản thân Andy và trong những món đồ chơi mà bố cậu đã từng rất gắn bó.

    Câu chuyện này giải thích được rất nhiều câu hỏi tồn đọng trong Toy Story: lý do vì sao Woody không hề biết rằng mình là nhân vật chính của một show truyền hình, vì sao chữ “Andy” trên bàn chân của Buzz Lightyear lại khác chữ “Andy” trên bàn chân của Woody, tại sao lão gà béo Al trong phần 2 lại trân trọng “món hàng trị giá ngàn đô” Woody đến thế (bởi Woody chỉ là sản phẩm duy nhất, độc nhất).

    Và đó có thể đã là câu chuyện về Toy Story 0, kể về người cha chưa bao giờ lộ mặt của cậu bé Andy. Nếu mà được dựng thành phim, những cảnh xúc động ấy sẽ phải lấy được hàng lít nước mắt từ khán giả, những người đã trưởng thành cùng với loạt phim Toy Story nổi tiếng.

    Tôi không hề khóc khi đọc câu chuyện này, chẳng qua là do bụi bay vào mắt thôi ...

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ