CEO Vinalink: "Bitcoin là một xu thế không thể ngăn cấm"

    Duy Vũ, Theo ICTnews 

    Theo nhận định từ các chuyên gia, Bitcoin hay tiền điện tử là xu thế chắc chắn sẽ xảy ra và không thể ngăn cấm.

    CEO Vinalink: Bitcoin là một xu thế không thể ngăn cấm - Ảnh 1.

    Tiền điện tử là một xu thế không thể ngăn cấm. Ảnh minh họa: Internet


    Bitcoin là câu chuyện đang được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi thông tin trường Đại học FPT sẽ thực hiện thí điểm việc cho học sinh ngoại quốc thanh toán học phí bằng đồng tiền ảo này.

    Trong một hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội, khi được hỏi về việc thanh toán bằng Bitcoin cũng như các chính sách về tiền ảo, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink cho rằng "Bitcoin hay nói đúng hơn là Cryptocurrency là xu thế không thể dừng lại".

    CEO Vinalink cho biết: "Tiền điện tử là không thể dừng lại và không thể ngăn cản xu thế này được. Nhưng có một điều đáng tiếc là không phải Chính phủ đi trước mà là cá nhân lại đi trước. Hiện nay tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang ngăn cấm các hoạt động thanh toán, giao dịch tiền điện tử, thế nhưng trong tương lai sẽ không thể ngăn cấm được".

    Thế giới sẽ dịch chuyển đến ngày đó và Chính phủ không thể ngăn cấm. Ông Tuấn Hà cũng cho rằng là xu thế không thể ngăn cấm nên Chính phủ phải làm sao để lành mạnh hóa việc đó. Chẳng hạn bằng cách đưa ra một đồng tiền ảo được công nhận và sẽ công khai, kiểm soát hệ thống đó.

    Đồng thời ông này cũng cho hay "Câu chuyện thanh toán bằng Bitcoin chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai nhưng không phải ở Việt Nam".

    Trong khi đó, nêu ý kiến của mình về cùng vấn đề, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Ecomviet, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phân tích sâu hơn về bản chất của tiền điện tử.

    Cụ thể, ông Kỳ Minh cho rằng: khi nói đến Bitcoin chúng ta đều biết nó dựa trên Blockchain. Do đó, việc cấm hay không cấm phải đi vào bản chất của Blockchain bởi Blockchain làm thay đổi thế giới Internet rất lớn. "Trước đây chúng ta trao đổi Internet về thông tin. Nhưng với Blockchain thì cái chúng ta đang trao đổi với nhau chính là giá trị. Nó đã thay đổi cách thức giao dịch rất lớn của con người từ tương tác, trao đổi thông tin đến trao đổi giá trị".

    Vì vậy, ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định rằng: "Việc cấm của các cơ quan Nhà nước sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì đây là vấn đề tự nhiên. Vậy nên các cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm cách quản lý nó".

    Cách đây chưa lâu, ngay sau thông tin trường Đại học FPT đang có ý định thử nghiệm việc trả học phí bằng đồng tiền ảo Bitcoin, Ngân hàng Nhà nước lập tức phát đi thông báo cho biết Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

    Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán bị cấm tại Việt Nam và có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Mức xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng theo đũng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

    Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ