Chiêm ngưỡng thiết kế siêu thuyền buồm khổng lồ cánh dài 80 mét chạy bằng sức gió

    Bảo Nam,  

    Đặc biệt là những cánh buồm khổng lồ này có thể thu vào một phần tư chiều dài để đảm bảo an toàn khi có bão.

    Ý tưởng sử dụng buồm để cung cấp năng lượng cho một chiếc thuyền đã được phát hiện trên các di chỉ có niên đại từ 5.000-5.500 Trước Công Nguyên. Những cánh buồm đã đưa nhân loại đi khắp thế giới trong hàng nghìn năm, trước khi bị loại bỏ và chỉ còn chủ yếu để sử dụng giải trí trong vài trăm năm qua bởi sự phát triển của công nghệ hơi nước và động cơ đốt trong. Những con tàu đốt cháy nhiên liệu đã thành công phi thường, mở ra mạng lưới thương mại toàn cầu mà chúng ta đang tận hưởng ngày nay, nhưng không vì thế mà thời đại của những cánh buồm kết thúc.

    Để đối phó với những hậu quả ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu, một số công ty đang tìm cách đưa động cơ cánh buồm không phát thải trở lại thế giới trong vai trò vận chuyển hàng hóa. Điều này được thực hiện bằng cách tận dụng các vật liệu tiên tiến, khả năng điều khiển máy tính chính xác và một số thiết kế mới thú vị để nâng cao hiệu suất và tốc độ lên một cấp độ mới.

    Chiêm ngưỡng thiết kế siêu thuyền buồm khổng lồ cánh dài 80 mét chạy bằng sức gió - Ảnh 1.

    Oceanbird sẽ sử dụng năm cánh buồm khổng lồ dài 80 mét (có thể thu vào) để giảm lượng khí thải vận chuyển hàng hóa tới 90%.

    Mẫu concept thuyền buồm mới nhất là Oceanbird, một chiếc thuyền vận tải khổng lồ có khả năng vận chuyển tới 7.000 chiếc ô tô với tốc độ trung bình 10 hải lý mỗi giờ. Nó không nhanh bằng một con tàu thông thường, nhưng bốn cánh buồm khổng lồ có thể mở rộng 80 mét của Oceanbird hứa hẹn giảm lượng khí thải tới 90%.

    Các cánh buồm, được chế tạo bằng kim loại và vật liệu tổng hợp, có thể thu vào khoảng 20 mét khi cần thiết, giữ chúng an toàn trong điều kiện bão to hay cho phép tàu chui vào gầm cầu. Tất nhiên, bên cạnh việc sử dụng năng lượng từ những cánh buồm, nó cũng sẽ có những động cơ được trang bị để di chuyển ở khu vực gần đất liền và bến cảng, hay giúp con tàu thoát khỏi tình trạng khó khăn trong một số trường hợp khẩn cấp.

    Oceanbird là một dự án ba bên giữa các công ty đóng tàu nổi tiếng Wallenius Marine, đơn vị khởi xướng dự án, viện nghiên cứu Thụy Điển SSPA và Viện Công nghệ Hoàng gia ở Stockholm.

    Chiêm ngưỡng thiết kế siêu thuyền buồm khổng lồ cánh dài 80 mét chạy bằng sức gió - Ảnh 2.

    Khi hạ thủy vào năm 2024, Oceanbird dự kiến ​​sẽ là con thuyền buồm lớn nhất thế giới, với khả năng chở tới 7.000 ô tô.

    Nhóm nghiên cứu đã chế tạo một mô hình tàu có kích thước 7 mét, đã tiến hành thử nghiệm ở vùng nước mở và sẽ tiếp tục thử nghiệm trên biển trong vài tháng tới. Theo họ, một thiết kế để sẵn sàng sản xuất sẽ hoàn thiện để đáp ứng các đơn đặt hàng vào cuối năm 2021. Và Wallenius dự kiến ​​sẽ giao chiếc tàu đầu tiên cho khách hàng vào cuối năm 2024.

    Nhóm dự án cho biết đây sẽ là con thuyền buồm lớn nhất thế giới khi nó hạ thủy, dài khoảng 200 mét và rộng 40 mét. Và tất nhiên, công nghệ này sẽ được áp dụng cho nhiều loại tàu lớn, bao gồm những thứ như tàu du lịch. Tất nhiên, nó không có khả năng thay thế các con tàu vận chuyển container, nơi mà toàn bộ bề mặt boong cần phải hoàn toàn bằng phẳng để những chiếc container có thể xếp chồng lên nhau.

    Ngành công nghiệp vận chuyển thương mại đang đóng góp khoảng 2,5% vào lượng khí thải CO2 của thế giới, cũng như chịu trách nhiệm cho 18-30% nitơ oxit thải vào khí quyển, cùng 9% oxit lưu huỳnh do dựa trên các loại nhiên liệu rẻ, bẩn. Do đó, đây rõ ràng là một lĩnh vực cần cải tiến bởi trên khắp thế giới, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với các quy định ngày càng nghiêm ngặt về việc phát thải gây ô nhiễm.

    Thuyền buồm khổng lồ chuyên để vận chuyển hàng hóa trên biển

    Tham khảo newatlas

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày