Chính phủ Đức xem xét lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G

    Nguyễn Hải,  

    Nếu được thông qua, đây sẽ là lệnh cấm tiếp theo giáng vào Huawei sau khi những lệnh cấm tương tự đã được thông qua tại Mỹ và Úc.

    Theo Reuters, Đức đang xem xét một lệnh cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị phần cứng về mạng và viễn thông của hai hãng Huawei và ZTE khi triển khai 5G.

    Báo cáo từ Reuters cho biết, "các quan chức cấp cao" đang thúc giục áp đặt lệnh cấm này do các lo ngại về an ninh quốc gia. Nếu một lệnh cấm như vậy được áp đặt, nó sẽ là sự tiếp nối với các lệnh cấm đã được triển khai tại Mỹ và Úc, trong khi đó chính phủ Nhật cũng đang xem xét một lệnh cấm hoàn toàn đối vói cả Huawei và ZTE. Ngoài ra Anh cũng đang cân nhắc một lệnh cấm tương tự.

    Chính phủ Đức xem xét lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G - Ảnh 1.

    Thông tin này xuất hiện ngay trước đợt đấu thầu băng tần 5G tại Đức, do đó có thể ảnh hưởng hoạt động kinh doanh cũng như số tiền đấu thầu của các bên tham gia dự thầu.

    "Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng." Một quan chức cấp cao giấu tên nói với Reuters. "Nếu giao trách nhiệm cho tôi, chúng ta sẽ làm những gì Úc đang làm."

    Những lo ngại này xuất hiện sau các cuộc nói chuyện với những đồng nghiệp ở Úc và Mỹ về lý do cho những lệnh cấm của các quốc gia này đối với Huawei và ZTE, và các lãnh đạo đối lập trong chính quyền Liên bang Đức đã lên tiếng ngăn cản.

    "Việc loại trừ tất cả các nhà đầu tư từ một quốc gia nào đó là cách tiếp cận sai lầm." Katharian Droege, thành viên Đảng Xanh cho biết. "Nhưng chúng ta cần có thể xem xét từng trường hợp cụ thể để đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta được bảo vệ. Điều đó có thể dẫn đến việc loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của chúng ta."

    Chính phủ Đức xem xét lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G - Ảnh 2.

    Bên cạnh đó, các lo ngại này còn đến từ việc các nhà lập pháp Trung Quốc thông qua Luật Tình báo Quốc gia vào năm 2017, trong đó yêu cầu các tổ chức và các cá nhân phải "hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với công việc tình báo nhà nước." Điều này làm dấy lên nỗi e ngại rằng, bất kỳ công ty Trung Quốc nào hay nhân viên của họ cũng có thể cài đặt các backdoor trên các thiết bị IT.

    Theo Reuters, tuần trước, tờ báo The Australian tuyên bố rằng tình báo Trung Quốc đã sử dụng các nhân viên Huawei để chiếm đoạt mã truy cập nhằm xâm nhập vào mạng lưới viễn thông của một nhà mạng nước ngoài.

    Giám đốc Cục tín hiệu Úc, ông Mike Burgess, tuyên bố rằng, việc lắp đặt các thiết bị từ hai công ty viễn thông Trung Quốc này có thể gây ra các nguy cơ cho việc cung cấp nước và hệ thống điện. Ngay cả khả năng bảo mật của các thiết bị xe tự hành và Internet of Things cũng có thể bị tấn công.

    Trong khi đó, tuần trước chính phủ Anh cũng đã cảnh báo các nhà mạng BT, Vodafone, O2 và Three UK về một đánh giá bảo mật trong cơ sở hạ tầng viễn thông tại Anh có thể dẫn tới việc cấm cửa một số nhà cung cấp thiết bị cho mạng lưới của họ. Một lệnh cấm như vậy có thể tác động lớn tới Three UK, nhà mạng vốn đang lựa chọn Huawei để xây dựng mạng lưới 5G của mình.

    Tham khảo Computing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ