Chính phủ Mỹ vận động các quốc gia đồng minh nói không với Huawei

    Nguyễn Hải,  

    Chính phủ Mỹ lo ngại rằng các thiết bị viễn thông của Huawei có thể đe dọa đến an ninh mạng của họ, đặc biệt tại các quốc gia nơi họ đặt căn cứ quân sự.

    Theo nguồn tin từ tạp chí WSJ cho biết, chính phủ Mỹ đã bắt đầu một chiếc dịch với một quy mô chưa từng có khi vận động hàng loạt quốc gia đồng minh của mình, thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ internet và mạng không dây ở các nước này cùng cấm cửa thiết bị viễn thông từ công ty Huawei Technologies của Trung Quốc.

    Theo những nguồn tin này, các quan chức Mỹ đã gửi thông báo tới lãnh đạo các chính phủ, giám đốc điều hành các công ty viễn thông ở những quốc gia đồng minh đang sử dụng rộng rãi thiết bị của Huawei, bao gồm cả Đức, Ý và Nhật.

    Theo đó, chính phủ Mỹ xem thiết bị của Huawei như những mối đe dọa về an ninh. Nguồn tin này còn cho biết, chính phủ Mỹ cũng đang xem xét gia tăng các biện pháp hỗ trợ tài chính về phát triển viễn thông cho những nước giảm bớt sử dụng thiết bị của Trung Quốc.

    Chính phủ Mỹ vận động các quốc gia đồng minh nói không với Huawei - Ảnh 1.

    Các lo ngại về an ninh mạng của chính phủ Mỹ

    Theo nguồn tin của WSJ, một trong những lo ngại lớn nhất của Mỹ về việc sử dụng các thiết bị viễn thông Trung Quốc nằm ở chỗ, những quốc gia này đều có các căn cứ quân sự của Mỹ. Trong khi Bộ quốc phòng Mỹ có hệ thống viễn thông và vệ tinh riêng dành cho các liên lạc nhạy cảm, nhưng phần lớn băng thông tại các căn cứ quân sự ở nước ngoài vẫn đi qua các mạng lưới thương mại.

    Cho dù Huawei đã nhiều lần khẳng định công ty mình không chịu ơn bất cứ chính phủ nào, nhưng việc người sáng lập của công ty, ông Ren Zhengfei vốn là một cựu quan chức trong lực lượng Quân đội Trung Quốc, cũng như việc gần đây chính phủ nước này đã ban hành Luật Tình báo Quốc gia đang làm dấy lên lo ngại từ nhiều quốc gia khác.

    Điều 7 trong bộ luật này tuyên bố: "Theo luật này, tất cả mọi doanh nghiệp và công dân sẽ phải hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia, và đảm bảo tính bí mật cho hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết. … Nhà nước sẽ bảo vệ các cá nhân và các tổ chức hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia."

    Chính phủ Mỹ vận động các quốc gia đồng minh nói không với Huawei - Ảnh 2.

    Động thái mới này của chính phủ Mỹ đi kèm với việc gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã mở rộng sang các lĩnh vực khác bên ngoài thương mại. Trước đó chính quyền của ông Trump đã áp đặt các biện pháp thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh. Ngoài ra chính phủ Mỹ cũng đang thắt chặt lại các quy định đầu tư nước ngoài, nhắm vào các thỏa thuận có liên quan đến Trung Quốc.

    Làn sóng mạng 5G đang tới gần

    Chính phủ Mỹ vận động các quốc gia đồng minh nói không với Huawei - Ảnh 3.

    Không chỉ vậy, động thái này còn xuất hiện vào thời điểm các quốc gia trên toàn cầu đang chuẩn bị mua các thiết bị kết nối 5G để trang bị cho hệ thống mạng của mình. 5G hứa hẹn mang lại tốc độ kết nối siêu nhanh, cho phép triển khai các xe tự lái và các thiết bị "Internet of Things", vốn đang được sử dụng trong các nhà máy cũng như dùng để theo dõi sức khỏe người dùng.

    Các quan chức Mỹ cho rằng họ lo ngại về việc các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc - những công ty đang sớm cung cấp thiết bị viễn thông 5G với chi phí thấp hơn - có thể do thám hoặc làm mất kết nối đối với số lượng khổng lồ các thiết bị trên, bao gồm cả các linh kiện trong những nhà máy sản xuất.

    "Chúng tôi đã gửi tới nhiều quốc gia trên thế giới về mối lo ngại của mình đối với các đe dọa an ninh mạng trong cơ sở hạ tầng viễn thông." Một quan chức Mỹ cho biết. "Khi họ chuẩn bị chuyển sang 5G, chúng tôi nhắc lại các mối lo ngại này. Việc gia tăng thêm độ phức tạp cho mạng 5G sẽ làm chúng trở nên dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng hơn."

    Trong khi đó, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, năm ngoái Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với 22% thị phần toàn cầu, vượt qua các đối thủ khác như Nokia với 13% thị phần, Ericsson 11% thị phần và ZTE 10% thị phần.

    Cho đến nay, bên cạnh Mỹ, một số quốc gia khác cũng đã có biện pháp giới hạn Huawei. Vào tháng Tám vừa qua, chính phủ Úc tuyên bố cấm thiết bị của Huawei và ZTE trong hệ thống mạng 5G của mình. Vào tháng Mười, đến lượt chính phủ Anh cho biết, họ đang xem xét lại việc trang bị thiết bị viễn thông của các nhà mạng nước này.

    Ngoài ra, gần đây cũng có thông tin về việc chính phủ Đức và Nhật đang xem xét một số lệnh cấm tương tự đối với thiết bị của hai công ty này.

    Tham khảo WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ