Cùng là “xe ôm công nghệ”, tại sao Uber và Grab áp dụng mức giá linh hoạt, còn Mai Linh thì không?

    Vương Diệu Quân, Theo Trí Thức Trẻ 

    Việc điều chỉnh giá cước linh hoạt khiến khách hàng cảm thấy bức xúc và phải chi trả nhiều hơn cho hành trình. Nhưng các hãng phải làm điều này để cân bằng số lượng tài xế và nhu cầu vận chuyển.

    Surge pricing là chính sách điều chỉnh giá dựa trên việc kết nối cung - cầu của Uber. Bằng cách tăng mức giá bình thường theo cấp số nhân, Uber đã tạo ra điểm cân bằng khi số lái xe đáp ứng đủ cho số khách hàng và giảm thời gian khách hàng phải chờ đợi xuống mức tối thiểu. Tại Việt Nam, Uber và Grab đều áp dụng chính sách tăng giá linh hoạt. Mức giá có thể tăng tới 3 lần khi nhiều lái xe đăng xuất khỏi ứng dụng lúc thời tiết chuyển xấu.

    Nguyễn Trường, CEO AhaMove cho biết, hệ thống của những đơn vị kết nối vận tải có thể “sập” ngay khi xảy ra hiện tượng mất cân bằng cung - cầu. Do đó, việc bảo đảm cân bằng giữa cung và cầu đặc biệt quan trọng đối với ứng dụng kết nối vận tải như Uber, Grab hay AhaMove.

    “Lúc AhaMove mới tham gia thị trường, một đối thủ tuyên bố rằng họ có hàng nghìn lái xe. Đó là một con số khủng nếu so sánh với chúng tôi. Nhưng việc thiếu đơn hàng vận chuyển cho lượng lái xe hùng hậu đó đã khiến hệ thống sập toàn bộ chỉ sau vài ngày” – Nguyễn Trường chia sẻ.

    Để giải quyết vấn đề mất cân bằng cung - cầu, AhaMove đã thiết lập hệ thống đo lường và cập nhật chỉ sổ theo từng giây. Startup này từ chối tiết lộ chi tiết về cách thức vận hành hệ thống, nhưng có đưa ra một ví dụ nhỏ.

    Giả sử, có 100 yêu cầu và tất cả được các lái xe nhận sau vài giây. Tỷ lệ nhận cao cho thấy lượng lái xe đang dư thừa. Ngược lại, tỷ lệ nhận thấp, yêu cầu chậm được giải quyết thể hiện việc thiếu hụt lái xe. Dựa trên biến động về tỷ lệ nhận, mức giá ngay lập tức được điều chỉnh để tái cân bằng cung - cầu.

    Cùng là “xe ôm công nghệ”, tại sao Uber và Grab áp dụng mức giá linh hoạt, còn Mai Linh thì không? - Ảnh 1.

    Uber, Grab áp dụng mức giá cước linh hoạt nhằm giải quyết vấn đề cân bằng cung - cầu.

    Tất nhiên, câu chuyện không đơn giản là nhìn chỉ số rồi đặt ra mức giá mới. Nếu 1.000 lái xe bật ứng dụng nhưng chỉ có 200 yêu cầu, 800 lái xe sẽ tắt app vì chán nản. Như vậy, tỷ lệ nhận vẫn là 100%, song thực chất đang rất tệ vì lái xe không làm việc nữa.

    Việc càng phức tạp hơn khi ngày hôm sau, yêu cầu tăng đột biến lên mức 500 trong khi chỉ còn 200 lái xe còn bật ứng dụng. Khách hàng sẽ không chờ đợi lâu và chuyển sang sử dụng ứng dụng khác. Lượng cầu từ đó sẽ ngày càng giảm.

    “Để tăng trưởng nhưng vẫn cân bằng được cung - cầu, phải bảo đảm tỷ lệ nhận xấp xỉ 90%. Trong đó, số lái xe hoạt động cần nhiều hơn lượng yêu cầu của khách hàng. Còn để mức chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu thì chắc chắn hệ thống sẽ sập. Do đó, chúng tôi có khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế, tài xế là ngọc hoàng”. Chúng tôi phải làm sao cân bằng số lượng hai bên và phải rất tôn trọng khách hàng, tài xế” – CEO AhaMove khẳng định.

    Tuy vậy, không phải lúc nào tăng giá cũng là biện pháp tốt. Nguyễn Trường cho biết, tăng giá cước lên cao không mang nhiều hiệu quả trong thời điểm Tết nguyên đán 2017. Lái xe tắt ứng dụng và chuyển sang các công việc thời vụ khác. Trong khi đó, các chủ hàng đang đẩy mạnh bán hàng để về ăn Tết. Nhu cầu vận chuyển tăng đột biến, còn AhaMove không không có nhiều lái xe để kết nối. Bên cạnh việc tăng giá, AhaMove đã phải cấp tốc tìm lái xe để phục vụ nhu cầu.

    Cùng là “xe ôm công nghệ”, tại sao Uber và Grab áp dụng mức giá linh hoạt, còn Mai Linh thì không? - Ảnh 2.

    Tính năng "Bản đồ nhiệt" cho phép lái xe lái xe M.Bike biết được khu vực đang có nhu cầu lớn

    Đối với dịch vụ “xe ôm công nghệ” M.Bike, Mai Linh không áp dụng mức giá cước linh hoạt. Giống như dịch vụ taxi, cước phí M.Bike vẫn được Mai Linh giữ ở mức ổn định. Đây cũng là điểm khác biệt của hãng trong cuộc cạnh tranh đối với Uber, Grab.

    Đại diện Phòng dự án M.Bike từ chối trả lời các câu hỏi về kỹ thuật. Do đó, chưa thể biết rõ Mai Linh sẽ giải quyết vấn đề cân bằng cung – cầu ra sao. Hiện tại, lái xe M.Bike có thể biết được khu vực đang có nhu cầu lớn. Mai Linh gọi tính năng này là “bản đồ nhiệt”. Nhiều mảng màu đỏ, xanh sẽ được thể hiện trên bản đồ số, tích hợp trong ứng dụng. Màu đỏ thể hiện nhu cầu đặt xe trong khu vực cao. Nhu cầu thấp hơn thể hiện bằng màu xanh nhạt. Từ những thông tin này, lái xe có thể chọn nơi để hoạt động.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ