Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX

    Nguyễn Hải,  

    Những chiếc camera thò thụt trên Oppo Find X và Vivo Nex đang cho thấy một cuộc đua khốc liệt giữa các thương hiệu smartphone Android để trở nên khác biệt trong mắt người dùng.

    Vào đầu tuần trước, chiếc OPPO Find X đã chính thức được ra mắt. Thiết bị này nắm giữ kỷ lục về chiếc smartphone có tỷ lệ màn hình trên thân máy cao nhất, lên tới 93,8%. Nó làm được điều này nhờ việc giấu các camera trước và sau phía sau màn hình, và chỉ nổi lên phía trên đỉnh khi cần sử dụng. Quả thật cách chiếc smartphone này mở camera lên khá “ngầu”.

    Trước đó chỉ một tuần, kỷ lục về tỷ lệ màn hình trên thân máy này thuộc về chiếc Vivo NEX với 91,24%. Chiếc NEX cũng giấu camera trước phía sau màn hình và chỉ bật lên khi sử dụng, còn camera sau vẫn ở mặt lưng thay vì giấu đi. Nó cũng có máy quét vân tay trong màn hình và sử dụng chính màn hình làm loa thoại.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 1.

    Cách mở camera khá ngầu của Oppo Find X.

    Sự xuất hiện của OPPO Find X và Vivo NEX là đại diện cho những nỗ lực không ngừng để đưa tới khách hàng một trải nghiệm smartphone thực toàn màn hình. Dù vậy, việc lựa chọn các bộ phận cơ khí để giấu camera có lẽ chỉ là giải pháp tình thế - hay một mánh lới phần cứng - để tạo nên trải nghiệm đó với những công nghệ mà họ đang có sẵn trong tay.

    Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với những ấn tượng truyền thông mà các thiết bị này đang mang tới cho người dùng, dường như những chiếc camera dạng "thò thụt" này sẽ tạo ra một làn sóng các mánh lới phần cứng mới trong tương lai gần, khi các nhà sản xuất smartphone đang chạy đua để làm thiết bị của họ trở nên nổi bật hơn.

    Tương lai có thuộc về camera với cơ cấu thò thụt?

    Không còn nghi ngờ gì nữa, các smartphone toàn màn hình chắc chắn trông sẽ ngầu hơn, nhưng việc đưa vào các bộ phận chuyển động và camera bật lên phía trên đỉnh máy có thể không phải là điều nên làm. Vấn đề rõ ràng nhất với những loại thiết kế này nằm ở việc sử dụng các bộ phận cơ khí để ẩn đi và bật lên các camera.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 2.

    Camera trước dạng thò thụt của Vivo NEX.

    Các bộ phận chuyển động có thể bị mòn đi và hỏng theo thời gian (cửa sổ điện trong xe ô tô là một minh chứng rõ ràng nhất). Trong khi cả OPPO và Vivo đều tuyên bố rằng, họ đã thực hiện các bài kiểm tra đáng tin cậy với các bộ phận cơ khí trên camera của Find X và Nex để đảm bảo chúng sẽ không hỏng, chúng ta sẽ phải chờ một thời gian mới có thể có câu trả lời chính xác cho vấn đề đó.

    Ngay cả khi các bộ phận chuyển động trên camera không hỏng, vẫn còn những vấn đề khác nữa. Những chiếc ốp lưng (hay ít nhất là các loại ốp lưng thông thường) sẽ trở thành điều không thể với OPPO Find X, nếu bạn muốn chụp một bức selfie. Các cơ cấu này cũng cho phép bụi, xơ vải và nước lọt vào điện thoại dễ dàng hơn và rất khó ngăn chặn. Theo thời gian, chúng có thể trở thành vấn đề đau đầu với những người sở hữu các thiết bị này.

    Trên thị trường không thiếu các mánh lới phần cứng khác

    Bạn không cần một camera trượt trên điện thoại của mình để thấy các mánh lới phần cứng xuất hiện quanh ta như thế nào. Từ một vài năm nay, Motorola đã quảng bá về khả năng sử dụng các phụ kiện Moto Mods cho dòng điện thoại Moto Z của họ. Các phụ kiện này có thể gắn vào mặt lưng những chiếc Moto Z bằng nam châm và bổ sung thêm một số tính năng mới, bao gồm thời lượng pin dài hơn, camera tốt hơn và tay cầm chơi game nữa.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 3.

    Phụ kiện Moto Mods biến chiếc Moto Z thành máy chơi game cầm tay.

    Gần đây hơn là chiếc Essential Phone, với cổng kết nối từ tính và truyền dữ liệu không dây lại là một ví dụ khác. Nói về điện thoại có gắn các module rời, không thể không kể đến LG G5 và những người bạn – một nỗ lực đã thất bại vài năm trước của LG.

    Bên cạnh đó còn có các điện thoại chuyên chơi game cũng đang nổi lên, với những phần cứng đặc biệt như màn hình 90 Hz hoặc thậm chí 120 Hz, cùng với khả năng làm mát đặc biệt, và một bộ xử lý được ép xung, ít nhất như trong trường hợp của Asus ROG Phone sắp ra mắt.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 4.

    Smartphone chơi game RED Hydrogen Phone.

    Ngoài ra đừng quên chiếc Red Hydrogen One sẽ ra mắt vào cuối năm nay với màn hình 3D hologram, có tên gọi 4 View. Nó được cho là có khả năng tạo trước và phát nội dung trực tiếp dưới góc nhìn 3D có thể nổi lên bên trên màn hình.

    Nhưng có lẽ mánh lới phần cứng lớn nhất trên smartphone sắp tới sẽ là điều này: một chiếc điện thoại với màn hình hoàn toàn dẻo, có thể thực sự gập lại được. Trong khi chúng ta đều đã nhìn thấy các smartphone có 2 màn hình riêng biệt được nối với nhau qua một bản lề, Samsung đang nghiên cứu để ra mắt một màn hình dẻo thực sự, và có lẽ nó sẽ ra mắt trong năm 2019.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 5.

    Concept về smartphone màn hình gập của Samsung.

    Ngoài ra, còn có tin đồn về việc Huawei đang hợp tác với nhà sản xuất màn hình Trung Quốc BOE để ra mắt một chiếc điện thoại gập màn hình 8 inch, có thể ra mắt vào cuối năm 2018.

    Một số sự bổ sung về phần cứng càng làm nổi bật hơn định nghĩa về mánh lới, nhưng nó thực sự mang lại các chức năng hữu ích. Chúng ta từng thấy các tính năng phần cứng thú vị trên một số điện thoại nhất định, như 3 camera sau trên chiếc Huawei P20 Pro.

    Cuộc chạy đua tìm kiếm sự khác biệt giữa các smartphone Android dưới góc nhìn về Oppo Find X và Vivo NEX - Ảnh 6.

    Huawei P20 Pro với cụm 3 camera ở mặt lưng.

    Các cảm biến dấu vân tay dưới màn hình đang bắt đầu phổ biến trên những điện thoại như Vivo Nex và trước đó là Vivo X21. Khả năng nhận diện gương mặt dựa trên hồng ngoại đang dần xuất hiện trên nhiều điện thoại hơn. Bên cạnh camera, chiếc Vivo Nex còn một mánh lới khác, khi họ đánh đổi chiếc loa thoại tiêu chuẩn để lấy thiết kế bằng cách dùng chính màn hình làm loa thoại.

    Cuộc chiến để trở nên độc đáo

    Dường như các nhà sản xuất smartphone biết rằng không thể cứ tiếp tục ra mắt những chiếc flagship hàng năm với chỉ bộ xử lý nhanh hơn, nhiều RAM và bộ nhớ lưu trữ hơn, hay màn hình độ phân giải cao hơn. Có thể đó là xu hướng của vài năm trước, nhưng giờ ai cũng có thể làm điều đó. Bạn phải làm thiết bị của mình trở nên khác biệt hơn nữa.

    Các tính năng phần cứng mới, cả những thứ có thể nhìn thấy bên ngoài và những điều ẩn sâu bên trong, sẽ làm được điều đó. Nhưng vẫn cần có thời gian để xem liệu những mánh lới này sẽ là các tiến bộ phần cứng thực sự hay chỉ là các xu hướng nhất thời sớm tan biến.

    Tham khảo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ