Cuộc chơi của các hacker tại Olympic Rio 2016

    PV,  

    Tin tặc tạo các điểm Wi-Fi thu hút khách du lịch, sau đó đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

    Song song với không khí tranh tài sục sôi của các vận động viên tại Olympic, một cuộc cạnh tranh ngầm khác cũng đồng thời diễn ra. Các tin tặc ganh đua nhau trong việc thu thập dữ liệu cá nhân từ du khách đến Rio de Janeiro trong dịp này. Lời khuyên của các chuyên gia là sử dụng kết nối di động thay vì truy cập Wi-Fi.

     Brazil là quốc gia nổi tiếng tập trung nhiều tin tặc, xếp thứ tám trên thế giới về tội phạm mạng. Ảnh: lifehacker.

    Brazil là quốc gia nổi tiếng tập trung nhiều tin tặc, xếp thứ tám trên thế giới về tội phạm mạng. Ảnh: lifehacker.

    Sau khi có thông báo về các địa điểm phát Wi-Fi miễn phí trong thành phố, những công ty bảo mật hàng đầu đã tiến hành phân tích, nghiên cứu. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, những điểm truy cập này đều tiềm ẩn nguy cơ bị kiểm soát bởi hacker.

    Hãng bảo mật di động Skycure công bố danh sách mạng lưới dày đặc các trạm Wi-Fi giả, do tin tặc dựng lên ở các trung tâm mua sắm, cửa hàng cà phê, khách sạn và sân bay. Ngay tại sân bay Rio Galeao, Skycure đã phát hiện vô số mạng Wi-Fi với khả năng giải mã SSL. Điều này đồng nghĩa với việc khi du khách vừa bước ra khỏi máy bay, họ đã bị hacker tấn công.

    Từ đây, kẻ xấu sẽ truy cập vào hoạt động của người dùng trên mạng, trục lợi một cách phi pháp thông qua việc kiểm tra tài khoản ngân hàng, đánh cắp mật khẩu ATM…

     Vận động viên bóng ném đội tuyển Pháp - Luka Karabatic - kiểm tra điện thoại trong cuộc họp báo tại Rio de Janeiro trước ngày diễn ra Olympic. Ảnh: Getty Images.

    Vận động viên bóng ném đội tuyển Pháp - Luka Karabatic - kiểm tra điện thoại trong cuộc họp báo tại Rio de Janeiro trước ngày diễn ra Olympic. Ảnh: Getty Images.

    Mới đây, hãng phần mềm Kaspersky đã tiến hành khảo sát 4.000 điểm truy cập Wi-Fi. 18% trong số này bị đánh giá là không an toàn khi sử dụng mã nguồn mở, 7% sử dụng bộ mã hóa lạc hậu và lỗi thời, dễ bị lợi dụng.

    Các cuộc tấn công còn được ngụy trang bằng ứng dụng phần mềm độc hại và quảng cáo trên Google Play. Hacker tạo ra phần mềm theo dõi số lượng huy chương các vận động viên đạt được. Khi người hâm mộ tải về, họ không biết rằng đã vô tình cung cấp miếng mồi béo bở cho kẻ xấu.

    Đây không phải lần đầu tiên du khách đến Brazil bị cảnh báo về an ninh mạng. Năm 2014, quốc gia này đã tổ chức thành công Giải bóng đá vô địch thế giới. Tại kỳ World Cup đó, Brazil đã hứng chịu hơn 90.000 cuộc tấn công trong 30 ngày, nhằm đánh cắp tiền hay phục vụ mục đích chính trị.

    Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này và tiến hành một số biện pháp an ninh. ABIN, cơ quan tình báo Brazil, đang theo dõi khoảng 40 nhóm tin tặc nổi tiếng để đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời nếu có dấu hiệu khả nghi.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ