Cuộc sống của những người đã "làm hòa" với HIV: Như được sinh ra một lần nữa

    zknight,  

    "Bạn vẫn có thể làm bất cứ điều gì bạn đã dự định làm trong cuộc đời của mình".

    Mới chuyển đến một trường đại học tại Mỹ, A'le dậy sớm, dành 1 tiếng đồng hồ để chạy bộ. Anh ăn một bữa sáng no nê rồi tới quán cà phê tự học.

    Cùng buổi sáng hôm ấy, Xiaojuan lại rất bận rộn khi phải dọn dẹp cửa hàng hoa của mình. Cô chuẩn bị các đơn đặt hàng cho khách, rồi phải cắm hoa tươi lên ô cửa sổ trang trí.

    Mingzai thì khá mệt mỏi khi bị kẹt cứng lại trên đường vì giao thông ùn tắc. Con gái ông đã ho suốt cả đêm hôm qua. Bây giờ, hai cha con đang phải đến bệnh viện.

    Mặc dù sống ở ba thành phố với ba cuộc sống rất khác nhau, A'le, Xiaojuan và Mingzai có một điểm chung: Họ đều là những người nhiễm HIV.

     Cuộc sống của những người làm hòa với HIV: Như được sinh ra một lần nữa

    Cuộc sống của những người "làm hòa" với HIV: Như được sinh ra một lần nữa

    Làm hòa với HIV

    Một ngày trôi qua rất nhanh với cả A'le, Xiaojuan và Mingzai. Mang H trong người, nhưng lúc này cả 3 người thấy cuộc sống của mình chẳng có gì khác biệt. Cho tới một giờ nhất định vào mỗi buổi tối, chuông nhắc vang lên từ điện thoại của họ.

    A'le đang trên đường về từ phòng tập thể dục. Xiaojuan cũng đang nói chuyện video call với cha mẹ. Cả hai phải dừng lại một lúc để lấy vỉ thuốc và bóc ra ba viên.

    Lúc đó, Mingzai đang ăn tối với khách hàng của mình. Nhưng bởi chuông điện thoại, ông cũng phải kiếm một lý do để ra ngoài, nuốt những viên thuốc với một chai nước.

    Cả A'le, Xiaojuan và Mingzai đều đang điều trị HIV bằng liệu pháp ART. Kết hợp ba loại thuốc kháng virus sẽ ngăn chặn được HIV và chống lây truyền bệnh sang người khác. Từ năm 2003, Trung Quốc đã phát thuốc ART miễn phí cho tất cả các bệnh nhân HIV của mình.

    Với liệu pháp điều trị này, AIDS không còn được coi là một căn bệnh chết người. Nó trở thành một chứng bệnh mạn tính có thể kiểm soát. Việc tuân thủ, uống thuốc đều đặn và đúng giờ có thể giữ cho nồng độ virus HIV trong máu người bệnh ở mức rất thấp, đến nỗi không thể phát hiện bằng xét nghiệm máu.

    Hệ thống miễn dịch của bệnh nhân khi đó sẽ hồi phục. Họ có thể sống đến cuối đời như người bình thường với tuổi thọ không bị ảnh hưởng. Những cặp vợ chồng nhiễm H lúc này vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

    "Sau khi được chẩn đoán dương tính với HIV, nhiều người đã để tâm hơn, rèn luyện một lối sống lành mạnh, chấp nhận thái độ sống có trách nhiệm và nhờ vậy lại có một cuộc sống tốt đẹp hơn", Li Hui từ Hiệp hội Phòng chống AIDS tỉnh Sơn Đông. Trung Quốc cho biết.

    Li đã mở một tài khoản WeChat cộng đồng cách đây 4 năm, đăng thông tin hữu ích về HIV và điều trị HIV/ AIDS, những nghiên cứu cập nhật nhất về căn bệnh, những thông điệp lạc quan và những câu chuyện từ những chính những bệnh nhân đang theo dõi tài khoản.

    Hơn 70.000 người đã đăng ký. Mỗi ngày, Li nhận được hơn 1.000 yêu cầu từ những người nhận chẩn đoán nhiễm HIV mới.

    Tài khoản WeChat này đã truyền một nguồn cảm hứng cho A'le, cho phép anh ta tiếp cận, kết nối với người khác và vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong một bài viết gần đây trên tài khoản, anh viết: "WeChat của chị Hui đã dẫn dắt tôi qua giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời mình. Tới giờ, tôi đã ăn "kẹo" được một năm, và sống trọn vẹn mỗi ngày".

     Điều trị ART yêu cầu bệnh nhân HIV phải uống thuốc đúng giờ mỗi ngày

    Điều trị ART yêu cầu bệnh nhân HIV phải uống thuốc đúng giờ mỗi ngày

    Sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, A’le đã kiếm được việc làm đầu tiên. Nhưng ngay trong đợt kiểm tra sức khỏe để đi làm, anh phát hiện mình nhiễm H. Cảm giác được A’le miêu tả giống như “rơi từ thiên đường xuống địa ngục”.

    Xiaojuan cũng từng nghĩ mình là một "người may mắn". Cô kết hôn với mối tình đầu của mình, và họ ngay lập tức có kế hoạch sinh con. Nhưng trong lần kiểm tra sức khỏe trước mang thai, cô nhận chẩn đoán nhiễm H. Hóa ra, chồng Xiaojuan đã ngoại tình rồi truyền HIV sang cho cô.

    Sau một trận khóc hết nước mắt, Xiaojuan quyết định bỏ chồng và chuyển đến một thành phố mới để "bắt đầu lại từ đầu".

    Kể lại chuyện nhiễm HIV của mình, Mingzai nói rằng ông đáng bị như vậy. Thời còn trẻ, Mingzai nghiện ma tuý. Thậm chí, ông còn đánh đập cha mẹ một cách tàn nhẫn khi họ cố gắng nói chuyện để giúp ông thoát khỏi cuộc sống tệ nạn của mình.

    Chỉ sau khi ông bị một trận ốm thập tử nhất sinh rồi sống sót nhờ điều trị chống virus cấp, Mingzai mới bắt đầu thay đổi.

    Trung Quốc có khoảng 718.000 trường hợp nhiễm HIV đã được chẩn đoán. Nhưng Han Mengjie, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nói: "Khoảng 20 đến 30% người nhiễm HIV vẫn chưa được chẩn đoán và không biết mình mắc bệnh”.

    Theo luật pháp ở Trung Quốc, thông tin cá nhân của người mang virus HIV là bí mật và không được tiết lộ cho các bên không liên quan. Người bị nhiễm HIV cũng được điều trị kháng virus miễn phí. Họ được khám sức khỏe định kỳ và ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con nếu người nhiễm HIV mang thai.

    Những người nghèo sống chung với HIV còn nhận được một khoản tiền trợ cấp sinh hoạt.

     Tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, người nhiễm HIV được phát thuốc điều trị miễn phí. Người nghèo nhiễm bệnh còn được nhận một khoản tiền trợ cấp

    Tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, người nhiễm HIV được phát thuốc điều trị miễn phí. Người nghèo nhiễm bệnh còn được nhận một khoản tiền trợ cấp

    Sống chung với virus

    Thứ sáu tuần này đã đánh dấu 30 năm ngày Thế giới phòng chống AIDS. Michel Sidibe, giám đốc điều hành của Tổ chức AIDS Liên Hợp Quốc (UNADIS), nhấn mạnh "tầm quan trọng của quyền được chăm sóc sức khoẻ, và những thách thức mà người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV phải đối mặt để thực hiện quyền của mình".

    Theo mục tiêu 90-90-90 đầy tham vọng của Liên Hợp Quốc: Đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV sẽ biết tình trạng của họ, 90% người được chẩn đoán sẽ được điều trị kháng virus đến suốt đời và 90% những người được điều trị sẽ ức chế được HIV.

    Wu Zunyou, người đứng đầu bộ phận Phòng chống HIV/AIDS tại CDC Trung Quốc, cho biết: 90% đầu tiên là chìa khóa để thực hiện toàn bộ mục tiêu. Bởi việc nắm bắt chính xác tỉ lệ lây nhiễm HIV sẽ có lợi cho việc theo dõi và kiểm soát virus.

    "Xét nghiệm tự nguyện là lý tưởng nhất, nhưng nó phụ thuộc vào việc làm sao để người có nguy cơ tự tin hơn", Wu nói.

    Do những định kiến xung quanh AIDS, người nhiễm HIV có thể bị phân biệt đối xử về giáo dục, việc làm và khi tìm kiếm sự chăm sóc sức khoẻ. Tất cả đang ngăn cản họ thực hiện xét nghiệm tự nguyện, dẫn tới nguy cơ lây lan HIV vào cộng đồng cũng như tăng tỉ lệ tử vong vì AIDS.

    Vào tháng 10, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC) cho biết: Những người nhiễm HIV có lượng virus giảm tới mức không thể phát hiện và vẫn đang tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng virus thì không thể lây truyền HIV cho người khác.

    Đó là thời khắc quan trọng, khẳng định rằng, một khi mức độ HIV trở nên không thể phát hiện được, chúng cũng không thể lây truyền. Có nghĩa là quan hệ tình dục hoặc thực hiện phẫu thuật với những bệnh nhân này là an toàn.

    Các bác sĩ nói rằng hầu hết những người nhiễm HIV/AIDS đều có thể giảm lượng virus xuống mức không thể phát hiện được trong vòng ba đến sáu tháng, sau khi điều trị bằng liệu pháp kháng virus hiệu quả. Và họ sẽ được "sinh ra một lần nữa".

     Điều trị HIV với thuốc kháng virus sẽ giúp người bệnh như được sinh ra một lần nữa

    Điều trị HIV với thuốc kháng virus sẽ giúp người bệnh như được sinh ra một lần nữa

    A'le nhớ đến sự tuyệt vọng của mình khi nhận chẩn đoán lần đầu. Anh đã mất việc, và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể đi du học.

    Nhưng anh đã gặp một người đã trải qua tình huống tương tự, người đã nói với anh rằng tình trạng HIV của anh sẽ không là vấn đề trong việc nộp đơn xin cấp thị thực hay du học ở Hoa Kỳ. "Bạn vẫn có thể làm bất cứ điều gì bạn dự định làm trong cuộc đời của mình", A’le nhận được lời tư vấn ấy trong một email.

    Anh đã tranh thủ học tiếng Anh và tập thể dục đều đặn trước khi nộp hồ sơ du học. Lần kiểm tra sức khỏe gần đây nhất cho thấy A'le đã hoàn toàn khỏe mạnh. Tập thể dục thường xuyên khiến cơ thể anh chuẩn chỉnh hơn nhiều.

    A'le cũng liên lạc với một tổ chức về HIV địa phương, ở thành phố có trường đại học anh định học. Họ nói một tình nguyện viên sẽ hướng dẫn anh về chính sách bảo hiểm, khám sức khỏe và điều trị khi đến Hoa Kỳ.

    Lần đầu tiên đến khám để điều trị ART, Xiaojuan đưa tay cho người y tá chuẩn bị lấy máu xét nghiệm. Cô đã nói nhỏ: "Hãy cẩn thận, tôi bị AIDS". Người y tá hoàn toàn bình tĩnh đáp lại: "Cảm ơn chị. Nhưng trước tiên, chị phải nhớ rằng mình chỉ là một người mang virus và có cơ hội tiếp tục sống bình thường cho đến hết cuộc đời khi điều trị. Thứ hai, tôi đã làm việc đây hơn một thập kỷ và chẳng có gì xảy ra cả. Đừng lo lắng cho tôi".

    "Mắt tôi ngấn lệ khi nghe những lời nói đó", Xiaojuan kể lại. Sau này, cô trở thành một tình nguyện viên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương, và cũng giúp nhiều thanh thiếu niên nhận chẩn đoán nhiễm H mới.

    Điều khiến Xiaojuan hết sức ngạc nhiên, một chàng trai mới đây đã ngỏ ý muốn hẹn hò với cô. "Anh ấy là một người đàn ông tốt về mọi mặt, nhưng tôi đoán tôi sẽ từ chối", Xiaojuan chia sẻ. “Có lẽ vài năm nữa tôi mới muốn kết hôn. Bây giờ, tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình".

    Kể từ khi bỏ thuốc phiện, Mingzai về thăm cha mẹ mỗi cuối tuần và giúp họ một chút việc nhà. Vợ ông đã xét nghiệm HIV nhưng âm tính. Bà cũng không bỏ ông trong những ngày gian khổ nhất của đợt đầu điều trị. Một năm trước, cặp vợ chồng một âm tính một dương tính với HIV này đã có với nhau một đứa con gái khỏe mạnh.

    "Bây giờ, tôi có một mục tiêu vững chắc trong cuộc sống, kiếm nhiều tiền hơn để giúp gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn", Mingzai nói.

     Khi bạn biết mình chỉ tình cờ mắc bệnh mà chẳng có lỗi lầm gì, bạn vẫn còn tâm lý phân biệt - điều này phản ánh bạn vẫn đang chứa chấp đầy định kiến và phán xét

    Khi bạn biết mình chỉ tình cờ mắc bệnh mà chẳng có lỗi lầm gì, bạn vẫn còn tâm lý phân biệt - điều này phản ánh bạn vẫn đang chứa chấp đầy định kiến và phán xét

    A'le đã mở một tài khoản Weibo để viết nhật ký quá trình hồi phục của mình, ngay vào ngày đầu tiên khi anh nhận điều trị với liệu pháp kháng virus. Một ngày nọ, anh đã trích lên đó những dòng tin nhắn từ một người bạn cũng nhiễm HIV như mình:

    "AIDS giống như một chiếc gương phản chiếu bạn là ai. Khi bạn không biết hoặc không muốn biết về nó, bạn quay lưng lại - điều này phản ánh sự mù quáng của bạn. Khi bạn hoàn toàn biết rằng nó là một bệnh mạn tính, nhưng lại chôn mình vào nỗi buồn sâu thẳm - điều này phản ánh sự hèn nhát của bạn. Khi bạn biết mình chỉ tình cờ mắc bệnh mà chẳng có lỗi lầm gì, bạn vẫn còn tâm lý phân biệt - điều này phản ánh bạn vẫn đang chứa chấp đầy định kiến và phán xét”.

    Tham khảo Xinhuanet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ