Cuối cùng các nhà khoa học cũng tìm ra nguyên nhân khiến chúng ta thành "cú đêm": Tất cả là do... đột biến gen

    Lưu An,  

    Các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra rằng đột biến gen di truyền là nguyên nhân làm nhiều người thức khuya hơn phần còn lại của thế giới.

    Một nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng những người buổi tối đi ngủ muộn và buổi sáng phải “đấu tranh” để thức dậy không phải là những người lười biếng, mà đơn giản là vì một đột biến trong gen đồng hồ cơ thể gọi là CRY1, đã lập trình đồng hồ sinh học của họ chạy chậm hơn 2 đến 2 tiếng rưỡi so với những người khác.

    Alina Patke - nhà nghiên cứu hàng đầu từ trường Đại học Rockefeller ở New York có nói rằng: “Những người mang gen đột biến này có ngày dài hơn ngày thực tế của hành tinh, vì vậy về cơ bản, họ phải bắt kịp và thích nghi với điều đó suốt cuộc đời của họ.”

    Để được rõ ràng, chúng ta không chỉ nói về những người nghiện smartphone và vào ban đêm phải “đấu tranh” để ngủ.

    Những "cú đêm” thực sự là những người mà khi thiếu vắng smartphone hay ánh đèn điện thì họ vẫn sẽ ngủ và thức dậy muộn. Ngược lại, với những người đi cắm trại và rời xa ánh đèn điện của thành phố, thì thông thường sau một vài ngày, họ sẽ điều chỉnh giấc ngủ của mình phù hợp với thời điểm mặt trời mọc và lặn. Những con cú đêm đấu tranh để có thể được ngủ đủ giấc thường được chẩn đoán là bị rối loạn giấc ngủ chậm (DSPD). Và các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 10% dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

    Ngoài việc trở nên dễ mệt mỏi hơn, những người mắc chứng DSPD còn phải chịu đựng một loạt các vấn đề sức khỏe bởi cơ thể của họ phải liên tục cố gắng bắt kịp với thời gian biểu của phần còn lại của thế giới. Tình trạng này liên quan đến chứng lo âu, suy nhược, trầm cảm, các bệnh về tim mạch và tiểu đường.

    Michael Young – một trong số các nhà nghiên cứu nói rằng: “Đó như thể là họ phải chịu đựng jet lag khi mỗi ngày phải di chuyển sang hướng đông vậy. Vào buổi sáng, họ không sẵn sàng để chào đón ngày mới.”

    Nói chung, đồng hồ của cơ thể con người là khoảng 24 giờ, có nghĩa là những thứ như tiêu hóa, ngủ và hồi phục tế bào sẽ phù hợp với một ngày Trái Đất chuẩn. Nhưng nhờ đột biến gen CRY1, nghiên cứu mới đã cho thấy một số người cần có thời gian nhiều hơn thế.

    Patke và các đồng nghiệp của cô lần đầu tiên xác định sự đột biến di truyền này là cách đây 7 năm, khi một người phụ nữ 46 tuổi bước vào phòng kiểm soát giấc ngủ sau khi phải vật lộn với chu kỳ ngủ muộn. Ngay cả sau khi được đặt trong một căn hộ không có cửa sổ, ti vi, hay internet trong hai tuần, người phụ nữ này vẫn có một nhịp điệu sinh học kéo dài 25 giờ. Sau khi nghiên cứu gen của cô, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cô đã có đột biến trong gen CRY1, mà họ nghi ngờ là có thể gây ra vấn đề.

    Đối với một diện nhỏ, đồng hồ sinh học của chúng ta bắt đầu mỗi ngày bằng cách xây dựng các protein, được gọi là các chất kích hoạt (activators) trong tế bào của chúng ta. Những chất kích hoạt này sản sinh chất ức chế của riêng mình, theo thời gian sẽ làm ngừng hoạt động của các chất kích hoạt.

    Khi tất cả các chất kích hoạt trong tế bào đã bị “im lặng”, các chất ức chế không còn được sản xuất nữa và dần dần các chất kích hoạt sẽ tăng trở lại, bắt đầu chu kỳ cho ngày hôm sau một lần nữa. Protein sản sinh ra bởi gen CRY1 là một trong những chất ức chế này. Nhưng các nhà khoa học vẫn không chắc chắn một biến thể duy nhất trong gen có thể có những ảnh hưởng cực đoan đến đồng hồ cơ thể của người phụ nữ này như thế nào.

    Trong nghiên cứu mới nhất này, các nhà nghiên cứu đã tiến thêm một bước và nghiên cứu các gen CRY1 trong tế bào da từ gia đình của người phụ nữ, và kết quả cho thấy tất cả họ đều có cùng gen đột biến. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy sự thay đổi này làm cho một đoạn lớn protein bị thiếu khiến protein CRY1 hoạt động quá mức và ngăn chặn hoạt hóa trong thời gian lâu hơn bình thường, kéo dài chu trình hàng ngày của tế bào. Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ kết luận của họ bằng cách phân tích mô hình giấc ngủ của sáu gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ - 39 người tham gia mắc chứng DSPD và mang gen “cú đêm” CRY1, còn 31 người không có.

    Đối với 31 người không có đột biến di truyền, điểm giữa giấc ngủ của họ là 4 giờ sáng, nhưng đối với những người có gen, thì là từ 6 đến 8 giờ sáng - cho thấy đột biến đẩy đồng hồ cơ thể họ trở lại ít nhất là 2 giờ.

    Tuy nhiên, có một tin vui là đồng hồ cơ thể của chúng ta, bao gồm cả CRY1, được kiểm soát bởi các tín hiệu bên ngoài chẳng hạn như tiếp xúc với ánh sáng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có thể cải thiện tình trạng DSPD bằng cách thiết lập thói quen dù ban đầu cũng khá khó khăn. Ngoài ra, họ cũng đã nói rõ rằng không phải tất cả các trường hợp DSPD đều do đột biến gene này gây ra mà thường có những yếu tố khác liên quan đến, nhưng Young khẳng định: "Biến thể của chúng ta có ảnh hưởng đến một phần lớn dân số”.

    Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng cần phải nghiên cứu thêm trên kích thước mẫu lớn hơn để biết được kết quả này có thật sự chính xác như thế và để biết thêm liệu đột biến gene này có ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể khác ngoài giấc ngủ hay không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ