Đánh giá AMD Threadripper 1950X từ ArsTechnica: vượt trội Intel gần như mọi mặt

    Master Dùi,  

    Rẻ hơn, mạnh hơn và nhiều tính năng hơn Skylake-X thì có gì để không thích?

    Nếu Ryzen chỉ là một cái vuốt má nhẹ nhàng mà AMD dành cho Intel để đánh dấu sự trở lại của mình thì Threadripper thực sự là một cái tát nổ đom đóm mắt. Để nói về lịch sử phát triển CPU HEDT (High end desktop – máy bàn cao cấp) thì AMD chẳng thể so sánh với Intel nhưng đội đỏ mới chính là người cứu rỗi thị trường này.

    Thất bại của Bulldozer trước Sandy Bridge cách đây hơn nửa thập kỷ đã đẩy AMD ra khỏi cuộc chơi CPU khiến Intel có thể hoàn toàn tự tung tự tác cũng như “đẻ” ra một thị trường ngách HEDT dành cho những người cần hiệu năng mạnh hơn thứ mà Core i mang lại cũng như chưa cần đến những tập lệnh chuyên biệt của Xeon để làm việc. Cũng bởi sự độc quyền này mà Intel có thể thoải mái đặt giá bán cho dòng CPU này.

    Ở thời điểm hiện tại, cùng với 1000 USD, nếu theo đội xanh, bạn sẽ chỉ có một CPU i9-7900X 10 nhân 20 luồng trong khi với cùng số tiền đó, đội đỏ sẽ cho bạn Ryzen Threadripper 1950X với 16 nhân 32 luồng. Không những thế, Intel còn hạn chế tính năng của chipset và số làn PCIe ở những dòng CPU thấp hơn i9-7900X, nhất là từ i7-7740K trở xuống. Với AMD, bạn sẽ có đủ 64 làn PCIe, 8 khe cắm RAM với thiết lập kênh tứ kể cả với CPU Threadripper rẻ nhất.

    Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng các CPU Skylake-X vẫn là các CPU mạnh nhất phân khúc HEDT hiện nay khi so về chỉ số IPC hay khả năng cân số khung hình cao mà game và card đồ hoạ xuất ra. Vấn đề là phần lớn những người đầu tư HEDT sẽ sử dụng chúng để làm việc và hiệu năng đa nhiệm lại chính là thứ giúp Threadripper và chipset X399 toả sáng.

    Thêm nhân là thêm sầu cho Intel

    Khi AMD ra mắt vi kiến trúc Zen hay sau này được chuyển thể thành Ryzen, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về Infinity Fabric. Đây là kết nối nội CPU để truyền tải dữ liệu giữa các cụm nhân CCX. Như với Ryzen 7, CPU này là sự kết hợp của 2 cụm CCX có 4 nhân Zen, được liên kết bằng Infinity Fabric, để tạo thành một CPU 8 nhân. Chỉ đến gần đây, người ta mới nhận ra Infinity Fabric hoạt động tốt thế nào và AMD có thể ứng dụng nó trong việc thiết kế CPU thế nào.

    Thực tế, nhờ Infinity Fabric, AMD dễ dàng chế tạo ra Threadripper 1950X vốn là 2 chiếc Ryzen 7 1800X đặt trên một vi mạch. Kết quả là chúng ta có một CPU khổng lồ theo đúng nghĩa đen với kích thước 72x55mm. Threadripper đang là CPU cho người tiêu dùng to nhất từ thời Pentium 2 đến giờ.

    Khi mới bán ra, AMD Ryzen 7 gặp hàng tá phàn nàn bởi chính thiết kế Infinity Fabric của mình. Trong gần nửa năm qua, các phần mềm đã bắt đầu được vá lỗi hoặc chỉnh sửa lại để phù hợp với thiết kế đa CCX của Ryzen. Tất nhiên, hiệu năng của Infinity Fabric vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xung nhịp RAM của hệ thống, khiến Ryzen cũng như Threadripper luôn khát xung nhịp và băng thông bộ nhớ trong. Cũng may là, Threadripper tương thích với những thanh RAM 3200MHz tốt hơn Ryzen rất nhiều.

    Ra mắt sau và phát triển dựa rất nhiều vào Ryzen giúp Threadripper có một nền tảng khá ổn định cả về phần cứng lẫn phần mềm. Điểm khác biệt lớn nhất của Threadripper có lẽ là thiết lập bộ nhớ kênh tứ đồng thời hỗ trợ RAM tự sửa lỗi ECC. Chưa kể, số lượng làn PCIe cũng tăng đáng kể, lên tới con số 64 và 4 trong đó được dành để kết nối với chipset X399.

    Với Threadripper, người dùng có thể chạy tới 4 card đồ hoạ trên cùng 1 hệ thống với 2 chạy ở băng thông x16 và 2 chạy ở băng thông x8 mà vẫn đủ để chạy thêm 3 chiếc NVMe. Ở thời điểm ra mắt, Threadripper có 2 phiên bản 1950X với 16 nhân 32 luồng chạy ở xung nhịp 3,4GHz/4,0GHz và 1920X trang bị 12 nhân 24 luồng chạy ở xung nhịp 3,5GHz/4,0GHz. Nếu được trang bị giải pháp tản nhiệt tốt, cả 2 CPU này còn có thể được kích xung lên tới 4,2GHz nhờ công nghệ XFR của AMD.

    Bo mạch chủ cũng phải “chất”

    Dù Threadripper mang lại nhiều sức mạnh hơn ở mức giá rẻ hơn rất nhiều so với Core i9, sự chênh lệch về giá thành giữa các bo mạch chủ X399 và X299 là gần như không có. Người dùng cũng hoàn toàn có thể yên tâm với các bo mạch chủ Threadripper bởi các đối tác đã chứng minh điều đó ở các bo mạch chủ X370, B350 hay A320.

    Điểm nổi bật nhất của các bo mạch chủ X399 không gì khác chính là socket TR4 có kích thước khổng lồ. Không như Ryzen sử dụng tiếp xúc PGA, Threadripper là dòng CPU dành cho người tiêu dùng đầu tiên của AMD sử dụng LGA tương tự như các CPU Intel. Có tất cả 4094 chân tiếp xúc trên socket nên socket TR4 này có thể được coi là socket mong manh nhất thế giới. Cũng bởi vậy, AMD đã phải thiết kế một cách lắp CPU hoàn toàn mới.

    Đầu tiên, để mở socket, người ta sẽ cần tháo 3 con vít torx bằng công cụ đi kèm trong hộp hoặc một bộ tô-vít đa năng. Các CPU Threadripper cũng được gắn trên một khay nhựa màu cam để trượt vào rãnh trên khay của nắp socket. Dù không đơn giản nhưng các CPU Intel nhưng ít nhất thì cách lắp CPU này của Threadripper lại giảm thiểu tối đa rủi ro, nhất là khi bạn có nhiều gấp gần 4 lần số chân tiếp xúc so với LGA 1151 của Kaby Lake để làm cong.

    Kích thước ngoại cỡ của CPU và socket khiến không giải pháp tản nhiệt khí hay nước nào ở thời điểm hiện tại có thể tương thích với dòng CPU này. Hiểu được vấn đề thiếu tương thích với tản nhiệt từ socket AM4 của Ryzen, AMD đã trang bị cho dòng CPU con cưng của mình một ngàm thay thế để dùng cho các tản nhiệt nước AIO được OEM bởi Asetek. Dù có công suất thoát nhiệt lên tới 180W trên cả 1950X và 1920X, nhiệt độ hoạt động của 2 CPU này vẫn tốt hơn CPU 140W, i9-7900X rất nhiều nhờ thiết kế tán nhiệt được hàn khít lên vi mạch. Có thể bạn không biết nhưng khoảng nửa thập kỷ vừa qua, Intel luôn bị “chửi” vì cố định miếng tán nhiệt của CPU chỉ bằng keo chất lượng thấp thay vì hàn chặt khiến người dùng luôn gặp vấn đề về nhiệt độ và nhiều khi phải “delid” để cải thiện vấn đề.

    Vậy nhiều nhân thế có thực sự cần thiết?

    Ngoài mức giá đã không dành cho mọi người, hiệu năng của Threadripper cũng không khác là bao. Phần lớn các tựa game hiện nay chưa thể tận dụng được nhiều hơn 4 nhân CPU chứ đừng nói tới tận 16 nhân. Số nhân/luồng lớn của Threadripper chỉ thực sự có ích cho những người làm render, biên tập và xử lý video, hình 3D,... khi các tác vụ này tận dụng cực tốt số lượng nhân/luồng lớn trên CPU.

    Dù thiên về phục vụ làm việc, AMD vẫn tích hợp hàng loạt các tính năng phục vụ chơi game cho Threadripper. Điển hình là chế độ Local Mode để ưu tiên cho các nhân CPU có khoảng cách gần nhất tới thanh RAM để giảm thiểu độ trễ. Theo quảng cáo của AMD thì các tựa game như Gears of War Ultimate hay Fallout 4 sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, tôi cũng không trông mong nó sẽ thay đổi một trời một vực hiệu năng.

    Quan trọng hơn cả là Chế độ tương thích cũ Legacy Compatibility Mode. Khi bật lên, hệ thống sẽ nhận diện 1950X là một CPU 8 nhân 16 luồng trong khi 1920X là 6 nhân 12 luồng bởi nhiều tựa game sẽ không thể khởi động khi nhận diện CPU có nhiều hơn 20 nhân ảo. Các tựa game này có thể kể đến như Dirt Rally hay Far Cry Primal. Các tựa game như Fallout 4, Dota 2, Hero of the Storms hay Civilization VI cũng sẽ hoạt động tốt hơn với CPU 8 nhân trở xuống.

    Hiệu năng

    Với nhiều người, các công cụ benchmark có thể không phản ánh đúng được hiệu quả của một CPU trong công việc bởi nhiều người sẽ sử dụng chúng với những phần mềm chuyên biệt với những tập lệnh cũng như sự tối ưu hoá được chuyên biệt. Tuy nhiên, điểm benchmark vẫn là một cách để mang lại cho người dùng một cái nhìn trực quan nhất về sức mạnh của CPU cũng như dễ dàng hơn để so sánh các đối thủ cùng tầm giá.

    Đúng như bản chất của vi kiến trúc, ở tất các các bài thử, Threadripper 1950X và 1920X đều thua i9-7900X ở điểm đơn nhân bởi cả xung nhịp lẫn chỉ số IPC của Ryzen vẫn chưa thể so được với Skylake. Thế nhưng, nhờ số nhân/luồng vượt trội, Threadripper tỏ ra hoàn toàn lấn lướt trước đối thủ của mình, i9-7900X. Tất nhiên, khi các CPU i9 với 12 nhân đến 18 nhân của Intel ra đời, AMD sẽ khó lòng có thể cạnh tranh sòng phẳng nhưng cái giá 1000 USD cho 16 nhân 32 luồng vẫn là quá hời cho người dùng.

    Hiệu năng gaming của Threadripper cũng thua kém Core i9 kha khá. Điều này cũng chẳng có gì lạ khi vốn Ryzen đã phải buông cờ trắng trước Kaby Lake ngay từ khi ra mắt. Dù đã nhận được những bán vá lỗi cũng như chỉnh sửa lại mã nguồn, các tựa game trên thị trường hiện nay vẫn chưa thể tận dụng được toàn bộ sức mạnh của Ryzen.

    Thực ra, việc thua kém đôi chút này cũng không thực sự quan trọng bởi mức chênh lệch chỉ là khoảng 15-20 FPS là cùng. Và chênh lệch này chủ yếu xuất hiện khi người ta chơi game ở độ phân giải 1080P bằng những chiếc card hàng khủng như GTX 1080 trở lên. Khi đó, CPU với IPC và xung nhịp thấp sẽ không thể xử lý được hết số khung hình khổng lồ mà GPU xuất ra. Vấn đề là khi FPS đã ở tầm trên 100 thì mắt bạn có thực sự nhận ra sự khác biệt giữa 10 FPS, kể cả khi sử dụng màn hình 144Hz?

    Đã vậy, khi chơi game ở độ phân giải 4K (2160P), thứ mà những người đầu tư PC hàng khủng đang hướng tới thì Threadripper, đặc biệt là 1950X tỏ ra chẳng hề thua kém mà thậm chí còn lấn lướt i9-7900X ở những tựa game DirectX12. Tất nhiên, khi công nghệ GPU tiến lên với FPS khi chơi game ở độ phân giải 4K có thể đạt mức khoảng 150 hoặc hơn, CPU nói chung và Threadripper nói riêng sẽ lại là yếu tố gây nghẽn cổ chai và sự thua kém về IPC lẫn xung nhịp của vi kiến trúc Ryzen sẽ càng rõ hơn. Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó vẫn là một khoảng thời gian dài đủ để người ta không cần quan tâm quá nhiều tới.

    Ngôi bá chủ vẫn của Intel nhưng ngai vàng chẳng còn vững chãi nữa rồi

    Phải công nhận một điều rằng hiệu năng nói chung của Threadripper là quá hấp dẫn, kể cả khi thua kém chút ít về gaming. Nếu bạn là một người đam mê phần cứng luôn muốn trang bị cho mình những linh kiện tốt nhất mà không muốn bị dắt mũi và trả nhiều tiền hơn cho thứ mình nhận được, Threadripper là lựa chọn tối ưu. Nếu lấy Intel Core i9-7980XE làm thước đo thì với số tiền 2000 USD đó, bạn có thể chịu thiệt 2 nhân 4 luồng để mua Threadripper 1950X, một chiếc bo mạch chủ khủng, card đồ hoạ, RAM và thậm chí một chiếc ổ NVMe siêu tốc.

    Hay nếu bạn là một người sử dụng máy tính để kiếm tiền, Threadripper không chỉ có giá hấp dẫn mà còn có hiệu năng có thể đánh bại những chiếc workstation đắt tiền trang bị CPU Intel. Không những thế, với việc hỗ trợ RAM ECC, Threadripper còn mang công nghệ vốn chỉ được trang bị trên các CPU Xeon đắt tiền lên phân khúc HEDT. Nếu làm việc theo dạng freelance hay là doanh nghiệp nhỏ, việc đầu tư Threadripper cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc rất nhiều, như cách mà Ryzen 7 vượt mặt Core i7 Kaby Lake vậy.

    Với Ryzen, AMD đã khiến CPU 8 nhân trở thành “bình dân học vụ”. Cũng nhờ thế mà một Intel đang ngày càng chủ quan hơn và “hút máu” người dùng nhiều hơn phải bừng tỉnh và tập trung hơn vào thị trường CPU máy bàn. Với Threadripper, AMD không chỉ mang tới thị trường những CPU nhiều nhân để cạnh tranh với Intel mà thậm chí còn định hình lại thị trường HEDT. Giờ đây hiệu năng hàng khủng kiểu như i7-6950X giá 1700 USD đã có thể dễ dàng đạt được với 1950X vốn có giá chỉ 1000 USD. Chẳng thế mà truyền nhân của i7-6950X là i9-7900X có mức giá cũng chỉ 1000 USD dù cùng có 10 nhân, 20 luồng và bóng bán dẫn 14nm.

    Cuối cùng thì hiệu năng tối thượng vẫn là của Intel nhưng ngai vàng của đội xanh đã không còn vững như trong 1 thập kỷ vừa qua bởi AMD đã thực sự trỗi dậy, Ryzen rồi.

    Ưu điểm

    -Hiệu năng vượt trội so với CPU Intel cùng giá

    -Mọi CPU đều đầy đủ chức năng, bất kể giá

    -Bắt buộc phải dùng tản nhiệt nước nhưng chạy mát hơn Skylake-X nhiều

    -Giá bán cực cạnh tranh

    Nhược điểm

    -Ép xung hạn chế, điểm yếu cố hữu của vi kiến trúc Ryzen

    -Cần PSU cũng như tản nhiệt tốt

    -Vẫn thua kém nhiều về chỉ số IPC so với Intel

    Tham khảo ArsTechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ