Đánh giá card đồ họa Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition: Muốn VGA to nạc, nghĩ ngay đến

    Durian,  

    Giữ nguyên thiết kế nhưng thay đổi về kích thước liệu có gì khác ở Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition cho với đàn anh?

    Thương hiệu Gigabyte Aorus vốn đã quá quen thuộc với thị trường máy tính Việt Nam với những sản phẩm được định vị cao cấp và luôn so kè sức mạnh lẫn thiết kế với các nhà sản xuất đứng đầu khác như Asus hay Msi. Trong đợt ra mắt chiếc card đồ họa mạnh GeForce mạnh nhất hiện nay GTX 1080Ti, Aorus ra quân với 2 phiên bản GTX 1080Ti 11G thường và Xtreme Edition. 2 phiên bản này có vẻ ngoài giống hệt nhau nhưng thông số trên Xtreme Edtition chắc chắn sẽ lớn hơn và giá cũng sẽ cao hơn so với bản thường một chút như thường thấy trên các dòng VGA khác.

    Đập hộp sản phẩm:.

    Sau khi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới là Aorus bao gồm các linh kiện và sản phẩm dành cho người dùng cao cấp. Phần vỏ hộp của các sản phẩm này cũng đã bắt đầu có một sự thay đổi đồng nhất. Cách thiết kế các chi tiết có phần thoáng hơn tạo sự sang trọng, phần phối màu cũng không lòe loẹt nhưng vẫn thể hiện được cá tính của cả một dòng sản phẩm cao cấp với đặc trưng là logo đầu chim lấy cảm hứng từ vị thần Horus đầy quyền năng và tốc độ của người Ai Cập cổ. Thông tin trên vỏ hộp cũng cực kì tối giản và sử dụng biểu tượng để thay thế các dòng diễn giải.

    Bên trong là một hộp đen với logo Aorus nằm ở chính giữa. Mở hộp ra chúng ta thấy ngay lớp xốp và thông điệp đến từ nhà sản xuất được bọc trong một bao giấy đen cũng có logo Aorus. Bên trong là một quyển hướng dẫn nhỏ và driver được nhà sản xuất cung cấp thông qua một đĩa CD. Và khi lật lớp xốp cực dày được uốn theo hình dáng của mặt dưới để giúp cố định chiếc card đồ họa trong hộp thì sản phẩm cực to nạc của chúng ta mới xuất hiện và một đầu chuyển molex sang 8 pin được đặt gọn gàng trong khe đựng bên cạnh.

    Tổng quan thiết kế:

    Tổng thể thì Aorus GTX 1080Ti có dáng dấp khá đồ sộ, nhưng vẫn giữ hầu hết thiết kế của dòng Xtreme Gaming của Gigabyte kể từ khi ra mắt dòng sản phẩm đồ họa cao cấp sử dụng GPU Pascal của Nvidia. Một bộ khung mặt nạ khá là thoáng so với mặt bằng chung, hầu hết chúng ta chỉ có thể thấy được phần viền xung quanh, một chữ X ở giữa còn lại là khoảng không gian của 3 chiếc quạt gió. Đây có thể là ưu điểm của Aorus khi mà luồng khi thổi vào các phiến tản sẽ được thu vào nhiều hơn và đều hơn vì không có nhiều phần chắn gió như các hãng khác, có tới 3 quạt nhưng chiều dài của Aorus lại ngắn hơn so với những chiếc GTX 1080Ti sử dụng 3 quạt khác, cuối cùng phải kể đến sự mỏng và thoáng của chiếc mặt nạ sẽ không làm VGA bị trĩu xuống thêm vì độ nặng đến từ lớn tản nhiệt dày nữa. Tuy nhiên nó lại là con dao 2 lưỡi khi vừa mới cầm trên tay thì cảm giác không chắc chắn từ phần mặt nạ sẽ khiến không ít người cảm thấy thất vọng. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta không quá động chạm nhiều đến một chiếc VGA khi nó đã được lắp đặt trong thùng máy nên cũng không cần phải quan tâm cho lắm đến khía cạnh này. Bên cạnh đó, 2 đường chéo cũng được trang bị các cụm đèn led và ở giữa là một logo Aorus nhỏ như một điểm nhấn duy nhất cho khu vực này bớt trống trải.

    Backplate trên Aorus GTX 1080Ti không chỉ đơn thuần là một tấm kim loại để che chắn cho mạch. Gigabyte đã trang bị cho GPU một phiến tản nhiệt bằng đồng ngay trên backplate. Chưa dừng lại ở đó, để tăng thêm độ ngầu cho sản phẩm thì một logo Aorus trong suốt với cụm đèn led lớn được đặt ngay trên mặt này để người sử dụng có thể dễ dàng chơi đùa với ánh sang khi mà phần mặt nạ đa phần được úp xuống khiến chúng ta khó mà thấy được những hiệu ứng đang diễn ra ở bên dưới.

    Phần cạnh bên của Aorus GTX 1080Ti cũng được tận dụng để làm cho hiệu ứng led trở nên lung linh hơn bằng một logo Aorus khá lớn nằm ngay chính giữa, tính năng fan stop với đèn báo cũng được Gigabyte tận dụng để “điền thêm vào chỗ trống” để chiếc VGA to nạc bớt phần u tối.

    Hệ thống tản nhiệt của Aorus GTX 1080Ti thuộc trường phái “beefy” to nạc với 5 ống đồng được trang bị dọc theo các lớp nhôm dày mỏng dày đặc. Cộng thêm sự hỗ trợ của 2 plate đồng ốp trực tiếp lên mặt trước và sau của GPU làm nhiệt lượng được tỏa ra đều và nhanh chóng được luồng khí trong thùng máy hút vào và xả ra ngoài. Tuy được trang bị tới 3 quạt đường kinh 100mm nhưng điểm đặc biệt của Aorus là chiếc quạt ở giữa chìm xuống và chạy ngược chiều so với 2 quạt ở 2 bên. Chiếc quạt này ngoài khả năng tăng cường lượng gió thổi vào giàn nóng của VGA còn có thêm tác dụng điều hướng cho không khí tản đều sang hai bên của phiến tản thay vì thổi trực tiếp. Đây chính là điểm nhấn về hiệu năng tản nhiệt khiến Gigabyte có thể khác biệt với phần còn lại của thị trường để trở thành người đứng đầu.

    Kết nối:

    Để cung cấp nguồn năng lượng cho Aorus GTX 1080Ti Xtreme hoạt động thì ngoài khe PCIe ra, một cặp chân nguồn phụ 8 pins sẽ bổ sung điện để card đồ họa có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

    Một điểm mà tôi khá ưng ngay khi nhìn qua các cổng kết nối của Aorus GTX 1080TI là 100% số chúng được mạ vàng chống nhiễu. Một trong những sự trau chuốt tuy nhỏ nhưng lại rất hứu ích cho người dùng, đảm bảo được những trải nghiệm cao cấp.

    Một trong những điểm khác biệt nữa trên Aorus GTX 1080Ti, đó là Gigabyte đã trang bị cho chúng tới 3 cổng kết nối HDMI – kết nối xuất hình phổ biến nhất hiện nay, bao gồm 2 cổng ở mặt sau và một cổng rất đặc biệt nằm ngay ở phía đầu bên kia của card đồ họa. Với điều này, những màn hình sử dụng cổng HDMI và kính VR sẽ có nhiều cơ hôi sống chung một mái nhà hơn là việc phải tranh giành vị trí của nhau hoặc phải chuyển sang kết nối Display Port vốn chưa thực sự thông dụng hiện nay.

    Ngoài ra thì Aorus GTX 1080Ti cũng được trang bị 2 cổng Display Port và 1 cổng Dual-link DVI-D để đảm bảo tính đa dạng cho nhiều đối tưởng sử dụng khác nhau.

    Đánh giá hiệu năng:

    Hệ thống thử nghiệm Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition của Genk test lab bao gồm:

    Main: Asus TuF Z270 Mark1

    CPU: Intel Core i7-7700k

    RAM: Kingston HyperX Fury 2x8Gb bus 2400MHz

    VGA: Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition

    SSD: Kingston HyperX Savage 240Gb

    Bài test 1: Hệ thống LED

    Hệ thống LED trên Aorus GTX 1080Ti hoạt động trơn tru và thể hiện một màn trình diễn ánh sáng rất đều ở cả 3 khu vực, mặt nạ phía trước, backplate phía sau và ở cạnh bên với các loại hiệu ứng khác nhau thông qua phần mềm tinh chỉnh card đồ họa do Gigabyte cung cấp.

    Bài test 2: Nhiệt độ

    Nhiệt độ phòng: 31 độ C

    Là một phiên bản được OC sẵn với mức xung trên core mặc định cao hơn so với bản Ref của Nvidia một chút (khoảng gần 200Mhz), nhưng Aorus GTX 1080Ti không vì thế trở nên nóng bức. Ở mức nhiệt cao nhất trên GPU là 78 độ khi full load và thấp nhất là 36 độ khi đang ở idle với quạt ở chế độ auto thì đây là một mức chấp nhận được với card đồ họa và nếu các bạn muốn đảm bảo cho card trở nên mát hơn thì có thể chỉnh tốc độ quạt bằng tay ở mức khoảng 70-85% thì sẽ giảm được đến 5 độ C. Ở mức quạt 100% thì hơi ồn một chút nhưng bù lại khi full load card chỉ nóng ở mức 69 độ mà thôi.

    Bài test 3: Hoạt động trong Game

    Sử dụng những tựa game cơ bản như GTA V Ultra Setting MSAA x4 hay The Witcher 3 Ultra Hair Work vẫn luôn là những bài test chính xác nhất thể hiện hoạt động của card đồ họa ở điều kiện thực tế. Để đảm bảo cho hiệu năng không bị ảnh hưởng. Toàn bộ các tựa game trên đều được chạy trên ổ cứng SSD Kingston HyperX Savage với tốc độ đọc/ghi khoảng 560MB/s và 530MB/s để các phân cảnh được load một cách nhanh chóng, tránh hiện tượng sụt khung hình.

    Rất ấn tượng khi game chạy mượt mà và luôn giữ khung hình trong khoảng 160 FPS với GTA V và 120 FPS với The Witcher 3. Ngay cả khi ở mức min fps luôn đạt trên 100 khung hình giúp cho những chuyển động mượt mà và sống động hơn bao giờ hết. Ngoài ra những hiệu ứng cần được xử lý cao như khử răng cưa cũng như hiệu ứng trên tóc cũng được xử lý khá tốt chứ không chỉ riêng chất lượng đồ họa trên vật thể. Cá nhân tôi cảm thấy Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình ở độ phân giải FHD (1920x 1080p). Tuy nhiên sẽ còn là một chặng đường dài phía trước để Nvidia có thể thống trị độ phân giải 4K ở thời điểm hiện tại.

    Tổng kết:

    Mức giá của Aorus GTX 1080Ti Xtreme Edition trên thị trường hiện nay là khoảng 20 triệu hơn một chút. Giá này thì chưa phải là cao nhất nhưng xét về hiệu năng thì ổn so với mặt bằng chung. Tuy còn vài hạt sạn trong thiết kế, nhưng nếu xét về tổng thể thì chiếc card đồ họa này vẫn đủ sức để làm hài lòng fan của Gigabyte với những cải tiến về hiệu năng so với GTX 1080.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày