Đây là 9 căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin trong thập kỷ tới, từ HIV cho đến ung thư

    zknight,  

    Hiện tại, đã có vắc-xin ngăn ngừa một số bệnh ung thư nhất định.

    Một trong những vũ khí tốt nhất giúp con người chống lại bệnh truyền nhiễm là vắc-xin. Vắc-xin đào tạo và chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại mầm bệnh, trước cả khi chúng nhiễm vào cơ thể.

    Trong toàn bộ nền văn minh của con người, chúng ta là thế hệ được chứng kiến căn bệnh đầu tiên bị xóa sổ hoàn toàn bằng vắc-xin: đậu mùa. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng tốt cũng sắp sửa giúp con người xóa sổ căn bệnh thứ hai là bại liệt.

    Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều bệnh chưa có vắc-xin để phòng ngừa và chữa trị. Các nhà khoa học vẫn đang tham vọng tìm ra cách đối phó với chúng, chẳng hạn như ung thư hoặc tình trạng nghiện ma túy.

    Để được chấp thuận và đưa vào sử dụng, vắc-xin cần phải được chứng minh là an toàn và có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật. Hoặc là loại vắc-xin đó sử dụng để điều trị bệnh có sẵn, phải kích hoạt được hệ thống miễn dịch chống lại nó trong cơ thể.

    Liên tục và ngay lúc này, hoạt động nghiên cứu vắc-xin vẫn đang diễn ra trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Nhưng sự thật, từ quá trình nghiên cứu cho đến khi đưa một loại vắc-xin vào sử dụng có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.

    Trên con đường đó, 9 loại vắc-xin mà các nhà khoa học đang phát triển, được kì vọng là sẽ giúp chúng ta thay đổi cuộc sống trong 1 thập kỷ tới. Hãy cùng điểm xem đó là những loại vắc-xin nào:

    1. Bệnh lậu

    Lậu là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, và thường được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng trong một vài năm qua, kháng kháng sinh đã khiến cho một số trường hợp bệnh lậu không thể được điều trị.

    Bên cạnh yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu ra các loại kháng sinh mới, WHO cũng kêu gọi phát triển thêm vắc-xin phòng bệnh. Có ít nhất một loại vắc-xin đang được xem xét để chống lại bệnh lậu.

    Trong khi kiểm tra dữ liệu về tiêm chủng viêm màng não ở New Zealand, tình cờ, các nhà khoa học phát hiện rằng loại vắc-xin này cũng có thể ngăn ngừa bệnh lậu. Hóa ra, vi khuẩn gây viêm màng não và bệnh lậu có liên quan rất chặt chẽ với nhau - chúng như những người "anh em họ".

    Vắc-xin đã được sử dụng để dập tắt dịch viêm màng não bùng phát từ năm 2004 đến năm 2006, tới nay đã không còn được sử dụng nữa. Nhưng bởi phát hiện bất ngờ về bệnh lậu, nó có cơ hội được nghiên cứu trở lại trong vai trò một vắc-xin để phòng bệnh lậu.

    2. Ung thư

    Hiện tại, một số loại vắc-xin đã có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư nhất định. Chẳng hạn như, vắc-xin chống virus HPV ở người có thể ngăn ngừa được 6 loại ung thư khác nhau. Một loại vắc-xin viêm gan B cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư gan.

    Ngoài ra, với ung thư, vắc-xin còn có thể được sử dụng ngay cả khi một người đã mắc bệnh. Một phương pháp điều trị bằng vắc-xin đã được chấp thuận cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2010.

    Nhờ vắc-xin này, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã được lập trình lại với một protein đặc biệt giúp các tế bào miễn dịch tấn công ung thư.

    Các loại vắc-xin ung thư khác đang được nghiên cứu trong xu hướng y tế cá nhân hóa. Chúng sẽ mang đặc thù của từng bệnh nhân, với cách kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại một số loại tế bào ung thư gây ra bởi đột biến riêng biệt trên từng người bệnh.

    3. Sốt rét

    Sốt rét là một bệnh nhiễm ký sinh trùng lây truyền qua muỗi. Triệu chứng thông thường là những cơn ớn lạnh, sốt và buồn nôn. Bệnh nhân sốt rét có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng bao gồm suy thận cho đến tử vong.

    Trong một bản thông cáo báo chí, WHO cho biết chưa có một loại vắc-xin phổ thông nào giúp phòng bệnh sốt rét. Năm 2018 được chọn làm mốc để thí điểm một loại vắc-xin sốt rét ở 3 quốc gia.

    Mặc dù vậy, từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn thực hiện tốt các công tác phòng chống sốt rét thông qua diệt trừ muỗi. Số người chết do căn bệnh này đã giảm xuống đáng kể. Theo WHO, từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tử vong do sốt rét giảm tới 62%, tương được 6,8 triệu người đã được cứu sống.

    4. Ebola

    Một loại vắc-xin Ebola đã được chứng minh có tác dụng phòng bệnh hiệu quả. Trong một cuộc thử nghiệm lớn với sự tham gia của 6.000 người, công ty dược phẩm Merck cho thấy vắc-xin của họ có hiệu quả tới 100%.

    Loại vắc-xin này có thể dập tắt các đợt bùng phát Ebola trên mức độ đại dịch như những gì đã xảy ra giữa năm 2014 và 2016. Tuy nhiên, vì chỉ mang tính dự phòng ngắn hạn nên vắc-xin này chỉ được sử dụng trong dịch bệnh.

    Các nhà khoa học đang nghiên cứu để có được một giải pháp lâu dài hơn với Eboal, có thể là một loại vắc-xin phòng bệnh vĩnh viễn hoặc dài hạn. Trong một nghiên cứu, 75 tình nguyện viên khỏe mạnh đã được thử nghiệm loại vắc-xin này. Sau 1 năm tiêm, họ vẫn đáp ứng miễn dịch với tỷ lệ 100%. Một cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện để xem liệu vắc-xin này có tác dụng phòng ngừa Ebola lâu dài hay không.

    5. HIV

    Có rất rất nhiều nghiên cứu vắc-xin HIV đã được thực hiện trong vài thập kỷ qua, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn luôn thất bại.

    Cho đến tháng 7 năm 2017, Johnson và Johnson tuyên bố họ đã thử nghiệm một loại vắc-xin cho virus HIV-1 trên người khỏe mạnh. Kết quả là nó đã tạo ra được phản ứng miễn dịch và "dung nạp tốt".

    Hanneke Schuitemaker, phó chủ tịch của công ty và là người đứng đầu bộ phận phát hiện vắc-xin này cho biết: Phải mất từ 12 đến 13 năm để tiến đến thử nghiệm giai đoạn đầu cho vắc-xin HIV, có rất nhiều trở ngại trong lĩnh vực này.

    Chính quá trình thử nghiệm vắc-xin Ebola đã giúp các nhà khoa học có được một số kiến thức để phát triển vắc-xin HIV. Cho tới nay, vắc-xin HIV chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, nhưng các thử nghiệm đang được xúc tiến. Sẽ cần một thời gian nữa cho tới khi chúng ta có thể tiêm chủng để phòng ngừa căn bệnh thế kỷ.

    6. Norovirus

    Norovirus là nhóm virus gây đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa. Riêng tại Mỹ, có 21 triệu trường hợp nhiễm norovirus với triệu chứng nặng mỗi năm. Mặc dù có nhiều cách để phòng chống, chúng ta chưa có một loại vắc-xin nào để chủng ngừa norovirus.

    Tuy nhiên, công ty dược phẩm Vaxart đang phát triển một loại vắc-xin dạng viên có thể ngăn ngừa nhóm virus này. Vào tháng 2 năm 2017, Vaxart thông báo rằng đã thử nghiệm thành công loại thuốc này trên người.

    Vắc-xin được chứng minh là an toàn và có khả năng thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Mặc dù vậy, trước khi được chấp thuận, loại thuốc này của Vaxart phải được chứng minh là có hiệu quả phòng norovirus đáng kể.

    7. Cúm thường

    Hầu hết các căn bệnh có vắc-xin chỉ yêu cầu chúng ta tiêm chủng một hoặc một vài lần trong đời. Tuy nhiên, virus gây cảm cúm thông thường là loại đột biến nhanh và liên tục. Vì vậy, tạo ra được một loại vắc-xin để phòng cúm là cực kỳ khó.

    Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu tại hãng vắc-xin Sanofi đang tiến gần đến một loại thuốc phổ rộng, có thể ngăn ngừa được bệnh cúm. Thay vì tiêm cúm mỗi năm một lần, vắc-xin có thể bảo vệ chúng ta khỏi virus cúm qua nhiều mùa, kéo dài hiệu lực trong một vài năm.

    Vắc-xin cúm hiện nay có thể ngăn ngừa ba hoặc bốn chủng cúm trong một lần tiêm, tại sao vắc-xin mới của Sanofi còn có thể bảo vệ tốt hơn thế? Thay vì nhắm mục tiêu cụ thể tới một virus, vắc-xin này chống lại được nhiều chủng virus rộng, chỉ cần chúng chia sẻ điểm chung và bất kể có đột biến thêm đi chăng nữa.

    8. Nghiện heroin

    Có hai loại vắc-xin hiện nay có thể điều trị nghiện, nhưng cả hai đều chưa được thử nghiệm trên người. Mặc dù vậy, chúng đều rất hứa hẹn.

    "Vắc-xin sẽ hoạt động bằng cách tiêu hủy heroin được tiêm vào cơ thể, trước khi nó có cơ hội lên não và khiến bệnh nhân hưng cảm", Roger Crystal đến từ Opiant, công ty đang phát triển một trong hai loại vắc- xin tiềm năng cho biết.

    Một khi thử nghiệm thành công, loại vắc-xin này có thể là phương pháp lý tưởng để giúp cai nghiện và phục hồi cho đối tượng sử dụng heroin.

    9. Zika

    Ngay sau khi Zika được cảnh báo là đại dịch toàn cầu năm 2016, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm một loại văc-xin cho căn bệnh này. Không lâu sau, họ đã có được câu trả lời và bắt đầu các thử nghiệm trên người để kiểm tra vắc-xin đó.

    Vào tháng 3 năm 2017, nỗ lực đó lên đến đỉnh điểm khi một thử nghiệm giai đoạn 2 trên 2.490 người được bắt đầu, nhằm đánh giá xem liệu vắc-xin có hiệu quả hay không. Dự kiến. thử nghiệm này sẽ kết thúc vào năm 2019.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ