Đây là lý do tại sao rất nhiều người cứ "cao su" mà mãi không sửa được

    Kuroe,  

    Bản thân những người hay đi muộn thường không cố ý đi muộn đâu, chỉ là đối với họ thì thời gian trôi qua khác với chúng ta một chút mà thôi.

    Bất cứ ai trong chúng ta ắt hẳn cũng từng có một vài lần đi muộn, có thể là vì tắc đường, cũng có thể chỉ đơn thuần là ngủ quên không đặt chuông báo thức. Tuy nhiên, cũng có những người lúc nào cũng muộn, ít thì 5-10 phút, nhiều thì 1-2 tiếng, đến mức những người quen của họ phải ngán ngẩm thốt lên rằng: "Cao su là một môn nghệ thuật, và người cao su là cả một nghệ sĩ".

    Vậy điều gì làm cho những người này lúc nào cũng "cao su" được như vậy? Và tại sao, dù ai cũng biết cao su là rất xấu nhưng đây vẫn là thói quen khó bỏ của rất rất nhiều người?

    Các nhà khoa học đã cố gắng giải đáp vấn đề này từ hàng thập kỷ qua, thế nhưng vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Cho đến mới đây, một giả thuyết mới đã được đưa ra, đó là do đặc điểm tính cách riêng của mỗi người mà mức độ cao su của mỗi người cũng sẽ rất khác nhau.

    "Chúng ta đã đưa ra rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề đi muộn, thậm chí còn đưa ra cả những hình phạt nặng nề dành cho những người đến muộn. Thế nhưng, nghịch lý là kể cả khi những hình phạt đó tồn tại, thì những người cao su vẫn sẽ cứ cao su mà thôi." - Justin Kruger, một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội học tại trường Đại học New York cho biết.

    Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho mọi người đến muộn, đó là họ chỉ đơn thuần không đánh giá được chính xác khoảng thời gian họ cần để hoàn thành một công việc nào đó - chẳng hạn như việc chuẩn bị để đi làm bị lâu hơn dự kiến của những người này, khiến cho họ đến muộn.

    Theo nghiên cứu thì rất nhiều người có đánh giá sai lệch về thời gian họ cần để hoàn thành một công việc nào đó, và sai số này rất lớn, lên tới 40% tổng thời gian.

    Một đặc tính khác của những người hay "cao su", đó là họ thường có xu hướng thích làm nhiều việc cùng một lúc (Multitask). Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2003 bởi Jeff Conte, đến từ trường đại học San Diego thì trong số 181 nhân viên làm việc ở ga tàu điện ngầm tại New York, những người thích multitask có tỉ lệ đi làm muộn nhiều hơn.

    Lý giải cho điều này, theo các nhà khoa học, là việc làm nhiều thứ cùng một lúc khiến cho những người này khó có nhận thức rằng họ cần làm gì hơn.

    Trước đó hai năm, vào năm 2001, Conte cũng phát hiện ra rằng việc "cao su" còn phụ thuộc cả vào nhân cách của mỗi người. Ông đã chia những người tham gia nghiên cứu vào thành hai nhóm, với nhóm A có xu hướng tập trung vào các thành tựu cá nhân, và họ thường xuyên đi sớm. Trong khi ấy, những người thuộc nhóm B thì có xu hướng thích thoải mái, và họ hay đến muộn hơn.

    Trên thực tế, cảm nhận về thời gian của những người thuộc hai nhóm A và B cũng rất khác nhau. Nghiên cứu của Conte cho thấy rằng, những người thuộc nhóm A cảm thấy 1 phút trôi qua chỉ trong 58 giây, trong khi đối với những người thuộc nhóm B thì con số này kéo dài tận 77 giây. Hay nói cách khác, đối với nhưng người thuộc nhóm A, thời gian sẽ trôi chậm hơn những người thuộc nhóm B. Cũng vì lý do này, những người thuộc nhóm B sẽ luôn cảm thấy thiếu thời gian, rằng "ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã muộn giờ mất rồi".

    Đương nhiên, biết được những điều trên vẫn là chưa đủ để giải quyết vấn đề giờ cao su - theo thống kê thì mỗi năm Mỹ thiệt hại khoảng 90 triệu USD do vấn đề nhân viên đi muộn.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã đưa ra một số lời khuyên để chúng ta có thể dần cải thiện vấn đề này.

    Cụ thể, đối với những người thường xuyên đánh giá sai về thời gian họ cần để làm một việc nào đấy, thì việc chia nhỏ công việc ra thành nhiều bước cụ thể sẽ giúp họ cải thiện vấn đề này. Theo như một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012, thì việc yêu cầu mọi người hình dung rõ ràng về những việc mình cần làm, giúp cho họ đánh giá một cách chính xác hơn thời gian mà họ cần để hoàn thành công việc.

    Bên cạnh đó, những người hay đến muộn cũng nên nhận ra rằng họ không thể ở 2 chỗ cùng một lúc, và nên kéo giãn các kế hoạch của mình ra thay vì ôm đồm làm nhiều thứ.

    Còn về nguyên nhân đặc điểm tính cách, thì bạn sẽ không có cách nào thay đổi điều đó cả. Những gì bạn có thể làm chỉ là hiểu rõ về tính cách của mình, từ đó lên kế hoạch phù hợp để bù trừ cho khoảng thời gian mà bạn có thể bị "cao su".

    Bởi suy cho cùng, muốn thay đổi thì phải biết chấp nhận những yếu điểm của mình trước đã.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ