Đoạn kết cho "Giấc mơ Trung Hoa" hay sự sụp đổ của thiên đường giá rẻ

    Nguyễn Hải,  

    Những năm tháng huy hoàng của nền kinh tế theo yêu cầu tại Trung Quốc dường như đã sắp vụt tắt, và thương vụ giữa Didi Chuxing với Uber chỉ là một trong những dấu hiệu của nó.

    Năm ngoái, Li Weiling đã sống thoải mái ở Bắc Kinh, nhờ sự ưu đãi từ các nhà đầu tư rủng rỉnh tiền trên toàn thế giới.

    Chuyên gia quảng cáo 30 tuổi này đang sống như vương giả tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất cả nước với mức lương chỉ 6.000 Nhân dân tệ (NDT) (tương đương 903 USD) một tháng: gọi xe có người lái trong giờ cao điểm để giao đồ ăn trưa đến tận nhà, trong khi cô đang lùng mua vé xem phim giá rẻ hay bất cứ việc gì khác.

    Đó là giấc mơ Trung Hoa, được viết nên bởi những khoản tiền kỷ lục đến từ những người khổng lồ trên Internet, các quỹ đầu tư quốc gia và những nhà đầu tư toàn cầu, những người đang rót hàng tỷ USD vào nền kinh tế theo yêu cầu đang phát triển. Tuy nhiên, dường như điều này đã đến hồi chấm dứt.

    Cuộc chiến sinh tử để giành giật người tiêu dùng

    Các startup được chống lưng bởi Baidu Inc, Alibaba Group Holding Ltd, và Tencent Holdings Ltd đã từng đề nghị những khoản giảm giá hào phóng đến không thể tin được cho các dịch vụ, từ massage theo yêu cầu đến các huấn luyện viên cá nhân.

    Nhưng khi sự hợp nhất bắt đầu tăng tốc giữa các startup – gần đây nhất là việc Didi Chuxing thâu tóm chi nhánh của Uber tại Trung Quốc – kỷ nguyên vàng của thời đại tiêu dùng trên smartphone đã dần suy yếu. Thương vụ của Didi không phải là vụ sáp nhập đầu tiên với mục đích chấm dứt một cuộc chiến một mất một còn bằng tiền đầu tư, và chắc chắn nó sẽ không phải là thương vụ cuối cùng – điều này cũng có nghĩa là, những người sẽ đến bấm chuông cửa nhà cô Li và hàng triệu người như cô, sẽ ngày càng ít dần.

    Những cuộc chiến bằng tiền trợ giá là một sự tàn bạo. Đúng, nó rất tuyệt vời cho người tiêu dùng, nhưng nó tàn bạo theo nghĩa phải đốt hàng núi tiền mặt cho cuộc chiến đó.” William Bao Bean, một đối tác đầu tư tại SOSV cho biết. “Và họ cũng đã huấn luyện người tiêu dùng Trung Quốc rằng, không cần phải trung thành, thay vào đó, hãy tìm đến bất kỳ đâu để có được mức giá rẻ hơn. Giờ sự trung thành của người tiêu dùng chả còn ý nghĩa gì ở Trung Quốc.”

    Người tiêu dùng Trung Quốc là một lực lượng luôn phải được tính đến. Họ lèo lái giá cả các loại hàng hóa toàn cầu, từ thép đến than và thu hút xuất khẩu từ Mỹ đến Nhật Bản. Và giờ họ đang làm điều tương tự với các dịch vụ theo yêu cầu, khi các startup đua nhau chạy theo mô hình kinh doanh từ trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O : online to offline) và tham gia cuộc chiến giảm giá thảm khốc để giành giật lấy người dùng.

    Cách làm này đã tỏ ra có hiệu quả: theo các dữ liệu đã được Didi trích dẫn, nền kinh tế chia sẻ theo yêu cầu của Trung Quốc có giá trị đến 1,95 nghìn tỷ USD trong năm 2015 với sự tham gia của hơn 500 triệu người.

    Sự suy tàn của những dòng tiền trợ giá

    Tuy nhiên, việc giảm giá mà họ từng rất ưa chuộng giờ đang dần co lại, bắt nguồn từ hai xu hướng đang làm rung động toàn cảnh bức tranh công nghiệp nội địa của quốc gia này: sự hợp nhất và sự cạn kiệt của những khoản đầu tư.

    Trong những năm gần đây, đầu tư vào ngành công nghệ ở Trung Quốc đã tăng trưởng bùng nổ. Theo PriceWaterhouseCoopers, năm ngoái, 20,3 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã đổ vào các doanh nghiệp Internet của Trung Quốc, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, làm lu mờ đi số tiền 16,3 tỷ USD mà các hãng Internet của Mỹ thu hút được.

    Tuy nhiên, cái gì có thể đi lên thì nó cũng có thể rơi xuống. Khối lượng tài sản và vốn đầu tư tư nhân chảy vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, cũng như tổng mức đầu tư cho toàn bộ quốc gia, đã đạt mức đỉnh vào mùa thu năm ngoái. Wilson Chow, một nhà phân tích của PwC tại Thâm Quyến, dự tính rằng lượng tài sản và đầu tư tư nhân có thể sẽ sụt giảm 25% trong nửa đầu năm 2016, so với 6 tháng cuối năm 2015.

    Rui Ma, một đối tác tại 500 Startups, người giành thời gian để đi lại giữa California và Trung Quốc, đã khảo sát hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm năng động nhất ở Trung Quốc. Họ cho cô biết rằng quy mô các thương vụ của họ đã giảm một nửa so với cuối năm ngoái.

    Sự giảm tốc là hiện tượng toàn cầu, và nó vẫn đang diễn ra: chúng ta đang ở chính giữa mùa đông.” Kai-fu Lee, nhà sáng lập của hãng đầu tư mạo hiểm (VC Venture Capital) Sinovation Ventures ở Bắc Kinh cho biết. “Thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng tốc quá trình đi lên cũng như xu thế suy giảm: Với những thứ đã thành xu hướng, chúng sẽ tăng nhanh gấp hai hay ba lần – và sau đó khi chúng đã lỗi thời, chúng sẽ rơi như một viên gạch.”

    Rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tin vào công thức rằng nếu bạn có sự tăng trưởng người dùng khổng lồ, rồi sẽ có cách nào đó để chuyển hóa điều đó thành lợi nhuận. Nếu bạn có thể có 1 triệu, hay 3 triệu người dùng, sau đó mọi việc còn lại sẽ tự nó vận hành.” Ông Lee cho biết. “Quá nhiều người tin vào điều đó và bơm ngày càng nhiều tiền hơn, và giờ chúng ta có thể thấy rất nhiều các công ty O2O vẫn không thể kiếm được tiền.”

    Cuộc chiến kẻ thắng lấy đi tất cả

    Và điều đó thúc đẩy sự hợp nhất. Đấu trường dịch vụ theo yêu cầu đã chứng kiến một chuỗi các vụ sáp nhập trị giá nhiều tỷ USD từ năm 2015: Didi - Kuadi (dịch vụ gọi xe), Meituan - Dianping (mua hàng theo nhóm và thực phẩm), Ganji - 58.com (phân loại quảng cáo), Ctrip - Qunar (du lịch trực tuyến).

    Tất cả đều được chống lưng bởi ít nhất một trong bộ ba quyền lực về Internet của quốc gia này, Baidu-Alibaba-Tencent (BAT), những nhà đầu tư được cho là đã dàn xếp các vụ sáp nhập này để giảm lỗ. Trước khi sáp nhập, cả Uber và Didi, mỗi công ty đều dự định chi ra hàng tỷ USD để cố gắng tiêu diệt nhau.

    Điều đó không phải vì họ muốn phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc và tặng họ những viên kẹo, đó là vì họ nghĩ rằng nếu cuối cùng họ có thể trở thành nhà độc quyền, điều đó sẽ có giá trị rất nhiều tiền.” Richard Lim, đối tác quản lý tại GSR Ventures và là một nhà đầu tư từ đầu của Didi, cho biết. “Vì vậy, mục đích cuối cùng đó đã biện minh cho phương tiện của họ.”

    Didi, Baidu và những người chơi nổi tiếng khác trong nền kinh tế theo yêu cầu đã công khai về chiến thuật của họ (cho dù không ai sẽ phác thảo nên con số). Nhưng giờ làn sóng của các vụ sáp nhập quy mô lớn đã tạo ra những người chơi thống trị với quyền định giá không gì sánh được, việc giảm giá không còn cần thiết nữa. Hơn nữa, với áp lực từ các cổ đông để cắt giảm chi phí hơn nữa, BAT dường như đang hướng các startup của họ quay trở lại với việc kiếm lợi nhuận.

    Câu hỏi đặt ra lúc này là người tiêu dùng vốn đã nghiện với các dịch vụ giá rẻ như bèo đó, sẽ phản ứng như thế nào?

    Hãy nhìn vào dịch vụ chia sẻ chuyến đi: tiền trợ giá cho hàng loạt dịch vụ phổ biến đã giảm đi hơn 80% trong những tháng gần đây. Theo ghi nhận của khách hàng, chiết khấu vào giờ cao điểm cho các chuyến xe Uber tại Bắc Kinh đã rơi xuống chỉ còn 1,4 NDT từ mức 8 NDT ba tháng trước. Điều đó có nghĩa là một chuyến xe có giá 8 NDT vào tháng Năm giờ sẽ tốn khoảng 13 NDT. Người dùng của Shenzhou Zhuanche, hay còn gọi là Ucar, cho biết giờ họ chỉ nhận được 20 NDT với chuyến xe tiếp theo, khi tạm ứng 100 NDT trong tài khoản của họ, so với số tiền 100 NDT mà họ nhận được vào đầu năm nay.

    Tương tự như vậy, những lĩnh vực khác cũng đã bắt đầu cắt giảm các khoản trợ giá. Edaixi, một trong những dịch vụ giặt ủi trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã bắt đầu loại bỏ việc chiết khấu, theo Zhang Rongyao, nhà sáng lập và là chủ tịch của Edaixi, người sở hữu công ty Rongchang Yao China Network Technology Beijing Co.

    Dịch vụ giặt ủi có thể sống sot mà không cần đến các khoản trợ giá lớn bởi vì nhu cầu mạnh mẽ của nó.” Ông cho biết. “Điều quan trọng để thành công trong mô hình O2O là quy mô của nhu cầu. Các dịch vụ giặt ủi và giao đồ ăn dường như sẽ là người sống sót bởi vì cả hai mô hình kinh doanh này đều dễ dàng gia tăng quy mô.”

    Thêm vào đó, các thói quen mới sẽ rất khó bị tiêu diệt. Người tiêu dùng có thể miễn cưỡng trả thêm tiền để duy trì lối sống của họ, ngay cả khi nó có nghĩa là tiền tiết kiệm sẽ ít đi trong dài hạn. “Nếu mọi người đã nghiện những sự tiện lợi mới, họ sẽ thấy khó có thể quay lại nếp sống cũ được nữa.” Ông Chow từ PwC cho biết.

    Ngay cả với Li, người làm việc quảng cáo tại Bắc Kinh, cô cũng đã cắt bỏ các dịch vụ không cần thiết – như cô sẽ ít đi xem phim hay hòa nhạc hơn – nhưng theo ông Arthur Kroeber, giám đốc quản lý của GaveKal Dragonomics, một công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh cho rằng, thị trường tổng thể cho các dịch vụ mới sẽ tiếp tục mở rộng.

    Lý do của việc đó rất đơn giản, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả khi nó đang giảm tốc một cách đột ngột, vẫn đang mở rộng và sẽ tiếp tục tiếp sức cho sự tăng trưởng của tầng lớp khá giả. Ông dự đoán các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình có thể sẽ tăng gấp đôi lên con số 180 triệu trong thập kỷ tới.

    Cho đến nay, việc chiết khấu vẫn xuất hiện ở một vài lĩnh vực, những người như cô Li chỉ phải săn tìm những dịch vụ đó khó hơn mà thôi. “Một trong số chúng sẽ đưa ra mức giá mà tôi chấp nhận được. Chỉ là sẽ mất thêm thời gian để tìm chúng.”

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ