Đột nhập "kho tàng trữ" bàn phím cơ trị giá 200 triệu của Giám đốc trẻ mua xe sang 7 tỷ ở tuổi 22

    M.Đức,  

    Cư dân mạng chắc vẫn chưa hết dậy sóng với tin một giám đốc trẻ tuổi mua được xe Mercedes giá 7 tỷ ở tuổi 22, nhưng với dân công nghệ thì sẽ ấn tượng hơn với bộ sưu tập bàn phím cơ trị giá hơn 200 triệu của anh.

    Cuối tháng 1 vừa qua, cư dân mạng dậy sóng khi biết tin một thanh niên sinh năm 1996 nhưng đã tốt nghiệp đại học nước ngoài, về nước mở công ty và mua được cả xe Mercedes giá 7 tỷ đồng.

    Áp dụng đúng lời dạy của cha ông "Thấy người sang bắt quàng làm họ", tôi có quen anh này sau một vài lần giao lưu trên mạng và gặp mặt để đàm đạo về công nghệ. Lúc anh mua xe 7 tỷ, tôi cũng không thực sự quan tâm vì bản thân không phải là người mê xe. Nhưng ít ai biết rằng, anh Tú là một người đam mê công nghệ nói chung và bàn phím cơ nói riêng. Khi biết tin anh tự thưởng Tết cho mình bằng một loạt các bộ phím cơ đặt làm riêng đắt tiền, là một người sử dụng và đam mê "môn nghệ thuật nhựa", tôi bèn nhắn tin để ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của anh.

    Đến chơi, tôi thấy anh tay xách một thùng lớn nặng hơn 10 cân toàn bàn phím và các phụ kiện. Anh Tú đã chơi phím cơ lâu, nhưng tới Tết Mậu Tuất 2018 này, sau một năm làm việc vất cả anh "tậu" luôn cho mình một loạt các bộ bàn phím Custom (đặt làm riêng), vừa để sử dụng vừa để sưu tầm.

    Bộ bàn phím này mang tên TGR VKC. Toàn bộ phần vỏ được làm bằng kim loại đặc, bên trong lại được thêm "tạ" bằng đồng nên tổng trọng lượng bàn phím lên tới 3 cân! Những bộ bàn phím đắt tiền thường được làm nặng để cho cảm giác đánh đầm tay hơn, không bị di chuyển nếu như có lỡ tay đụng vào.

    Bộ VKC này theo như anh Tú không được bán ra rộng rãi, chỉ được bán số lượng nhỏ khoảng 100 chiếc toàn cầu, cho những ai là thành viên lâu năm của một hội nhỏ. Tổng giá trị của bộ này là khoảng 20 triệu đồng.

    Con đường dẫn anh vào niềm đam mê phím cơ cũng rất tình cờ. Theo như anh kể, trong thời gian học tại Singapore, gia đình nơi anh cư trú tại đó rất đam mê phím cơ, từ phụ huynh tới con cái, nên anh cũng bị "lây". Thời gian đầu anh chỉ chơi những bộ bàn phím hãng bán thông thường, nhưng không đủ thỏa mãn nên về sau anh chuyển sang chơi những bộ phím độc, hiếm, được đặt làm riêng để phù hợp với nhu cầu sử dụng.

    Bộ phím EM7 này anh mới nhận về, nên chưa có thời gian lắp đặt đầy đủ. Nhưng chính vì vậy ta có cơ hội nhìn vào bảng mạch bên trong những bộ phím này. Những bộ phím đắt không chỉ vì có phần vỏ được gia công chắc chắn, mà còn ở phần mạch làm riêng.

    Bảng mạch là thứ không đẹp đẽ, một khi đã lắp đầy đủ vào thì "khuất mắt trông coi", không ai nhìn thấy cả, nhưng cũng có vai trò lớn trong quá trình sử dụng. Chính vì vậy những bộ bàn phím đắt tiền đều có mạch làm kĩ càng, với những mối hàn sạch sẽ, độ bền cao.

    Bộ EM7 này có giá bán $1000 (khoảng 23 triệu đồng), đã có người trả giá $1500 nhưng anh không muốn bán, để sưu tập.

    Bộ bàn phím đắt tiền nhất tôi được thử là bộ Dolphin rev.2, có giá trị khoảng $2000, tương đương 45 triệu đồng.

    Bộ phím này có phần vỏ được khoét cong nhìn đặc sắc, được sơn tĩnh điện đỏ 2 bên. Bên trong phím có đèn LED để sáng lên lúc bật máy. Trên phím có một vỏ phím (keycap) được đặt làm riêng với họa tiết cá chép Nhật khá đẹp.

    Riêng chỉ 1 keycap này thôi cũng có giá thị trường vào khoảng $100, hơn 2 triệu đồng! Không chỉ vậy, chỉ riêng tiền lắp ráp linh kiện của bộ bàn phím này cũng có giá 2 triệu đồng, tất cả làm nên một bộ bàn phím có giá đắt như một chiếc Tivi này!

    Đây chỉ là phần nổi của bộ sưu tập bàn phím cơ của anh Tú, bao gồm những bộ vừa mới về. Tổng trị giá những bộ "chìm" của anh có giá hơn 100 triệu đồng nữa, nâng tổng giá trị toàn bộ sưu tập "nhựa và sắt" này lên khoảng hơn 200 triệu đồng!

    Trời dần tối, tôi chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh trong một buổi gặp mặt gần nhất của hội bàn phím cơ Việt Nam Vietnam Mechanical Keyboard. Anh hứa sẽ đem những tác phẩm nghệ thuật đắt tiền này đi để "công chúng" có thể ngắm nhìn và gõ thử.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày