Dù bạo chi cho màn hình OLED nhưng các hãng Trung Quốc vẫn khó có cửa cạnh tranh với Samsung

    Thiên Long,  

    Các công ty Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều tiền cho công nghệ màn hình OLED nhằm bắt kịp đối thủ Hàn Quốc. Tuy nhiên giới phân tích tin rằng, để vượt qua Hàn Quốc không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

    Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit dự báo, sản lượng màn OLED cho smartphone sẽ tăng 260% trong vòng 5 năm tới. Dự kiến số tấm nền OLED có thể tăng từ 8,85 triệu m2 lên mức 31,89 triệu m2 vào năm 2022.

    Trong đó, thị phần của các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG dự kiến sẽ giảm từ 91% trong năm nay xuống 63% vào năm 2022 do sức ép cạnh tranh từ các hãng sản xuất Trung Quốc. Riêng thị phần của Samsung Display sẽ giảm từ 87% trong năm 2017 xuống 52% sau 5 năm tới.

    Lý do dẫn tới thị phần của Samsung hay LG sụt giảm không ngoài sức ép cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc. Những đối thủ tiềm ẩn đang ngày càng quan tâm hơn tới màn hình OLED. Nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc, BOE đã bắt đầu vận hành nhà máy OLED G6 đầu tiên, sau đó là B7 vào nửa cuối năm nay.

     BOE chỉ mới manh nha tham gia vào thị trường OLED nhưng đã cho thấy tham vọng vượt Samsung

    BOE chỉ mới "manh nha" tham gia vào thị trường OLED nhưng đã cho thấy tham vọng vượt Samsung

    Tiếp đó, BOE cũng dự kiến xây dựng thêm nhà máy B11 và B12 nhằm nâng cao năng suất. Hiện ba nhà máy OLED dẻo thế hệ thứ 6 đang có công suất từ 30 ngàn đến 40 ngàn tấm/tháng. Mặc dù vậy, BOE đang tham vọng xa hơn, dự tính xây thêm một nhà máy OLED uốn dẻo G6 khác sau khi B12 hoàn thiện.

    IHS Markit dự báo, thị trường màn hình AMOLED sẽ sớm có sự xáo trộn. Trong đó, thị phần các công ty Trung Quốc sẽ tăng từ 7% lên 35% vào năm 2022 do tốc độ mở rộng nhà xưởng ngày càng nhanh. Về năng lực sản xuất, BOE, Tianma và China Star dự kiến sẽ là ba hãng đi đầu chiếm tỷ lệ lần lượt là 15%, 6% và 5%.

    Tăng trưởng “nóng” nhưng chưa đủ bền vững để chạy theo Samsung

    Hãng phân tích IHS Markit đánh giá khá cao tốc độ tăng trưởng của các công ty Trung Quốc nhưng chưa nhìn thấy tiềm năng cạnh tranh được với Samsung.

    IHS Markit chỉ ra: “Các nhà sản xuất tấm nền Trung Quốc cần có trong tay nhiều hơn những bí quyết để đảm bảo năng suất, ổn định và độ tin cậy dù cho họ đang nỗ lực cải thiện sản lượng.

    Trong khi Samsung Display đã có đủ khả năng để tự bảo vệ trước các công ty Trung Quốc về năng lực sản xuất, sức mạnh kỹ thuật và công nghệ. Gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn sẽ giữ vững vị trí thống trị thị trường OLED”.

     Samsung nắm trong tay kinh nghiệm và lợi thế công nghệ OLED nhờ đi trước nhiều hãng

    Samsung nắm trong tay kinh nghiệm và lợi thế công nghệ OLED nhờ đi trước nhiều hãng

    Bên cạnh đó, một lợi thế khác của Samsung Display chính là khả năng tối ưu hóa hiệu suất và quy mô nhà xưởng rộng lớn, tập trung.

    Ngược lại, các nhà sản xuất OLED Trung Quốc có quy mô nhà xưởng phân bố rộng khắp nhằm đáp ứng nhu cầu của các hãng smartphone Trung Quốc.

    Chiến lược này tuy đem lại thuận lợi trong việc cung ứng tấm nền màn hình cho các hãng Huawei, Xiaomi, Oppo hay Vivo nhưng lại là trở ngại địa lý rất lớn cho các vị “khách sộp” như Samsung và Apple.

    Tham khảo Business Korea

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ