Gắn động cơ tên lửa vào đuôi xe đạp từ năm 18 tuổi, giờ thì chàng trai này đang thách thức cả SpaceX của Elon Musk trong lĩnh vực tên lửa giá rẻ

    Hùng Vũ Spiderum,  

    Sau hàng thập kỷ nghiên cứu và phát triển, Peter Beck và Rocket Lab đã sẵn sàng đưa các quả tên lửa chi phí thấp ra thế giới.

    Peter Beck là một chàng trai cần mẫn hơn đa số các cô cậu mới lớn cùng lừa tuổi khác. Anh dành phần lớn tuổi trẻ của mình để mò mẫm trong xưởng gara của gia đình tại một vùng quê nhỏ của New Zealand, giữa hằng ha sa số các loại thiết bị hàn tiện. Ở tuổi 15, anh đã tự lắp ráp từ A đến Z một chiếc xe đạp aluminum. 16 tuổi, anh mua một chiếc Austin Mini cũ đã hoen gỉ với giá 300 USD và tân trang lại nó hoàn toàn, thiết kế lại động cơ và hệ thống treo và sửa lại toàn bộ các miếng vỏ xe. Cha mẹ của Beck, một giám đốc viện bảo tàng và một giáo viên, đã ủng hộ con trai của mình—tất nhiên là trong giới hạn cho phép. "Mẹ hay mang bữa tối xuống và đặt lên chiếc ghế dài cho tôi, nhưng tôi thường quên khuấy đi mất cho đến khi nó nguội ngắt," Beck nói. "Và sớm muộn bà cũng sẽ phải to tiếng, ‘Đừng mài giũa nữa và hãy lên giường đi ngay.’ "​

    Năm 1999, khi mới chỉ 18 tuổi, Beck đã làm một điều mà đa số người khác sẽ cho là thật ngu ngốc. Sau khi đã đọc hết tất cả những cuốn sách trong thư viện hướng dẫn cách tự tạo ra nhiên liệu, anh đã thành lập một phòng thí nghiệm trong một chái nhà sau vườn và quyết tâm thực hiện việc chế tạo một động cơ tên lửa. Không có bộ đồ bảo vệ nào, anh chọn cách bọc các túi nilon quanh mình và đeo một chiếc mũ hàn trong khi thực hiện chưng cất peroxide và các chất hóa học khác.

    Sau khi đã thử nghiệm thành công một trong số các thiết kế động cơ của mình, anh quyết định đã đến lúc dấn thân vào một cuộc phiêu lưu thực sự. Anh lắp chiếc động cơ đó vào phần sau của chiếc xe đạp tự chế, mặc một bộ đồ bó sát màu đỏ và một chiếc mũ bảo hiểm trắng, sau đó thực hiện một cuốc xe thử nghiệm trong một bãi gửi xe gần nhà. Chúi người về phía trước với một tư thế gần như nằm rạp xuống, anh đã đạt được đến tốc độ gần 90 dặm một giờ (144km/h). Để giảm tốc độ xuống, đầu tiên anh ngồi thẳng người dậy, qua đó cho phép sức cản không khí góp phần hạ tốc độ của chiếc xe, giảm thiểu trường hợp phanh xe bị mòn và lốp xe bị tan chảy. "Chỉ có một vài người trên Trái đất này dám đặt chân của mình vào trong một quả tên lửa thôi," Bech nói. "Đó là một cảm giác rất tuyệt vời."

    Đối với nhiều người, một bài thử nghiệm tên lửa thành công mà được thực hiện với loại nhiên liệu "cây nhà lá vườn" có thể đã đem về cho họ một bằng cử nhân kỹ thuật. Nhưng thay vào đó, Beck lại quyết định chọn lấy một loạt các loại công việc và các lớp học nghề. Anh làm việc cho một nhà phân phối aluminum, dọn dẹp vệ sinh và lắp ra các loại máy xay và máy tiện. Bên cạnh đó, Beck còn chế tạo các du thuyền hạng sang, trở thành một chuyên gia trong việc phân tích âm học để làm giảm tiếng động của động cơ và cánh quạt. Chưa dừng lại ở đó, anh làm việc cho một nhà sản xuất thiết bị gia dụng gần nhà, mà ở đó anh đã học được cách đúc khuôn kim loại. Cuối cùng, anh đã tham gia vào một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển được chính phủ đầu tư hỗ trợ.

    Tại mỗi điểm dừng chân đó, anh lại hoàn thành hết các công việc được giao một cách tròn trịa, sau đó lại trở về nhà và thức đến khuya để mò mẫm với các bản thiết kế động cơ tên lửa của mình. Các đồng nghiệp rất trân trọng sự kiên cường của Beck, và thỉnh thoảng họ lại nhìn thấy trên bàn làm việc của anh xuất hiện một loại chất liệu đắt tiền nào đó, ví dụ như một khối titanium trị giá 2000 USD.

    Năm 2006, vợ của Beck chuyển công tác và nhờ đó hai vợ chồng anh đã được đến nước Mỹ trong vòng một tháng. Anh đã giành lấy cơ hội này để tham qua các công ty và các viện nghiên cứu không gian vũ trụ của đất nước này, thỉnh thoảng xuất hiện không báo trước tại những nơi như Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của họ, cùng với các công ty như Boeing và Rocketdyne. Anh hy vọng sẽ kiếm được một công việc ở đâu đó nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được sự thất vọng. "Tôi đã mong sẽ được gặp tất cả những con người làm startup tại đây, những người luôn tràn đầy năng lượng với đủ những thứ điên rồ diễn ra ở khắp nơi," anh nói. "Nhưng rốt cuộc là chẳng có cái gì như thế cả." Các công ty và các phòng thí nghiệm vẫn đang xây dựng các quả tên lửa và thảo luận về các nhiệm vụ chinh phục sao Hỏa, nhưng cách tiếp cận của họ xem chừng đã lỗi thời.

    Giả thuyết của Beck, mà một công ty khác hiện nay trong ngành đang ngày càng tin tưởng, đó là không gian sẽ được mở ra rộng khắp, chỉ cần chúng ta tìm được cách đưa những thứ chúng ta cần vào quỹ đạo với giá thành rẻ hơn. Các quả tên lửa hiện hành tại thời điểm đó là vô cùng khổng lồ, được thiết kế để mang theo các vệ tinh có kích cỡ của chiếc xe buýt. Beck hiểu rõ rằng các linh kiện điện tử rẻ tiền và phần mềm thông minh sẽ giúp cho việc xây dựng hạm đội các vệ tinh nhỏ hơn, rẻ tiền hơn trở thành hiện thực. Các loại máy móc này sớm muộn sẽ được sản xuất lên đến con số hàng trăm và sẽ rất cần đến các chuyến đi ra ngoài không gian.

    Lúc này, Tập đoàn Công nghệ Khám phá Không gian của Elon Musk, hay còn gọi là SpaceX, vẫn còn chưa đạt được những bước tiến như hiện nay. Các đợt phóng tên lửa vẫn được thực hiện bởi chính phủ, và chi phí mỗi đợt có thể lên đến từ 100 đến 300 triệu USD. Các cơ quan không gian chính thống vẫn thực hiện phóng tên lửa nhiều nhất là mỗi tháng một lần, nhưng họ vẫn ưu tiên cho các công ty vô tuyến viễn thông và quân đội hơn. Beck tin rằng con người sẽ không thể thực sự được thử nghiệm trong không gian trừ phi chúng ta có thể phóng các quả tên lửa tiết kiệm chi phí đều đặn. "Thật khó để đi vào không gian," anh nói. "Tôi đã biết rằng chúng ta sẽ phải làm cho nó trở nên dễ dàng hơn, và rằng tôi sẽ phải xây dựng một quả tên lửa."

     Cơ sở nghiên cứu và phát triển của Rocket Lab

    Cơ sở nghiên cứu và phát triển của Rocket Lab

    Và rồi Rocket Lab đã ra đời

    Năm 2007, chính phủ New Zealand đã cho phép Beck sở hữu miễn phí tiền thuê một tầng nhà tại phòng thí nghiệm anh vẫn đang làm việc. Giờ đây anh đã có thể tiếp cận tới các trang thiết bị cao cấp, nhưng vẫn cần tiền để mua các loại vật tư khác. Vì thế anh đã gọi cho Mark Rocket (tên thật), một doanh nhân Internet giàu có và người bạn Kiwi đồng hương (cách gọi vui người New Zealand), người mà Beck đã nghe thấy rất nhiều lần trên radio nói chuyện về mối quan tâm tới không gian của mình. Beck bước chân đến buổi họp của họ với một lời đề nghị cho phóng tên lửa giá rẻ một tuần một lần. Rocket đã cảm thấy khá hứng thú và đã bắt đầu gọi điện thoại khắp nơi. "Lúc tôi đang trình bày ý tưởng cho luật sư và các kế toán của tôi, đã có một vài cái lông mày nhíu lên," ông nói. "Quả là điều đó nghe thật giống một cách dễ dàng để vung tiền ra ngoài cửa sổ. Nhưng Peter có những chiếc động cơ để cho tôi xem, và chúng tôi cũng có cùng chung chí hướng."

    Beck đã huy động được 300 nghìn USD từ Rocket và người thân cùng bạn bè, sau đó dành hai năm để xây dựng một bản thử nghiệm. Tháng 11 năm 2009, anh và hai nhân viên mới đã cho ra mắt Ātea-1—một sự liên hệ tới chữ Māori có nghĩa là không gian. Anh đã thu xếp để có thể phóng một quả tên lửa dài hơn 6 mét, chỉ nặng khoảng 130kg, từ một bệ phóng tại đảo Great Mercury, được đồng sở hữu bởi một doanh nhân có tên Michael Fay. Để đổi lấy quyền sử dụng hòn đảo, Fay được cho phép đặt vào trong hành lý của quả tên lửa một vài miếng xúc xích cừu nhà làm. "Chúng được bọc bằng giấy thiếc," ông nói. "Tôi nghĩ sẽ thật thú vị nếu có mấy miếng xúc xích lần đầu được đi vào không gian."

    Trung tâm điều khiển là một chái nhà vườn ẩn mình sau sườn đồi, với một chiếc bàn cũ dùng làm bàn máy tính. Beck ăn mặc như một nhà khoa học điên rồ, với mái tóm xoăn màu nâu nổi lên từ chiếc áo thí nghiệm trắng. "Theo truyền thống của những nhà khám phá vĩ đại New Zealand," anh nói trước khi bắt đầu đếm ngược, "New Zealand ơi, chúng ta sẽ đi vào không gian." Anh giã ngón tay cái vào nút khai hỏa màu đỏ và chạy ra khỏi nhà để ngắm nhìn quả tên lửa của mình vụt bay lên bầu trời xanh thẳm vào không gian. "Nàng tuyệt thế giai nhân của ta!" anh hét lớn, nhảy cẫng lên trong sự sung sướng.

     Bên trong phân xưởng chứa tên lửa tại Launch Complex 1 của Rocket Lab.

    Bên trong phân xưởng chứa tên lửa tại Launch Complex 1 của Rocket Lab.

    Kể từ lần thí nghiệm thắng lợi vang dội đó, Rocket Lab đã trở thành một nhà sản xuất thành công và gây nhiều tiếng vang. Cơ sở sản xuất của công ty, vốn chỉ là một vài nhà kho thấp mái nằm gọn ở một vùng công nghiệp thuộc Auckland, nay đã có một khu vực lắp ráp khổng lồ cho các quả tên lửa Electron của họ. Đồng thời, nay họ cũng có các phòng cho các kỹ sư phần mềm tinh chỉnh những chiếc động cơ Rutherford—vốn được đặt theo tên nhà vật lý học gốc New Zealand, Ernest Rutherford. Rocket Lab thường thực hiện các buổi thử nghiệm động cơ ở cách địa điểm đó vài dặm, trên một đồng cỏ rộng gần sân bay Auckland. Thỉnh thoảng cũng có những vụ thử nghiệm thất bại—ví dụ như lần một đầu đánh lửa ngang bướng đã gây ra một vụ cháy nhỏ khiến cho cả sân bay phải tạm dừng hoạt động—nhưng nhìn chung, công ty đã có một bước tiến xa và nhanh hơn hẳn các công ty khởi nghiệp trung bình khác trong ngành không gian. Họ đã huy động được 148 triệu USD để thiết lập hoạt động của công ty và được định giá trị vào khoảng hơn 1 tỷ USD.

    Đối thủ của SpaceX

    Ở một mức độ nào đó, tất cả các quả tên lửa có thể đưa vào sử dụng hiện nay đều có điểm chung: thân hình mỏng, với các ống dẫn kim loại chứa chất liệu gây nổ nhiều nhất có thể. Sáng tạo đột phá của Rocket Lab về cơ bản là lựa chọn sử dụng sợi cacbon thay vì aluminum, qua đó cho phép chiếc Electron nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các mẫu cạnh tranh khác. Nó đồng thời cũng nhỏ hơn hẳn—một chiếc vỏ bóng loáng màu đen, cao khoảng 17 mét, rộng 1.2 mét, với 9 bộ động cơ Rutherford tại đầu máy. Trong khi "con trâu cày" của SpaceX, chiếc Falcon 9, cao hơn 70 mét và rộng 3.6 mét, có thể đưa được tải trọng 25 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái đất, thì chiếc Electron chỉ chịu được tải trọng hơn 225kg. Tuy vậy, Rocket Lab chỉ thu phí 5 triệu USD cho mỗi chuyến, trong khi SpaceX thu hơn 60 triệu USD.

    Mục tiêu phóng tên lửa mỗi tuần một lần của Beck tham vọng hơn mục tiêu phóng một tháng một lần của SpaceX. Và mục tiêu này của anh cũng được hậu thuẫn bởi một sáng tạo đột phá khác: động cơ Rutherford là một trong số những động cơ đầu tiên được in 3D hoàn toàn, có nghĩa rằng các phụ tùng của chúng có thể được gắn chặt lại với nhau mà không cần qua bước lắp ráp bằng tay. Điều này cho phép Rocket Lab xây dựng các động cơ nhanh chóng chỉ bằng một nút bấm.

    Công ty giờ đây cũng có thể phóng tên lửa nhiều hơn nhờ có khu phóng riêng biệt của mình—một điều hiếm thấy trong ngành công nghiệp không gian—tại bờ Đông hòn đảo phía Bắc New Zealand. Launch Complex 1 tọa lạc tại một góc nhọn của bán đảo Mahia. Khung cảnh ở đó thật đáng kinh ngạc: một bệ phóng dài và rộng 8 mét, được bao bọc xung quanh bởi đồng cỏ mênh mông rộng hơn 4000ha của trang trại nuôi bò và gia súc, nơi Rocket Lab cho thuê đất của mình. Tất cả mọi thứ đó được nằm trên một cao nguyên với các vách đá lởm chởm và dựng đứng, thả mình xuống các bãi biển và mở ra đại dương rộng lớn. Cách đây vài thập kỷ, người châu u và người người Mỹ đã xây dựng lên các trạm săn cá voi nơi đây; trong thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II, binh lính Mỹ cũng đã tập hạ cánh lên bãi biển gần đó.

     Chương trình thử nghiệm Electron bắt đầu vào tháng Năm năm 2017. Công ty đã công bố bắt đầu các chuyến bay thương mại vào cuối năm nay với giá khởi điểm là 5 triệu USD.

    Chương trình thử nghiệm Electron bắt đầu vào tháng Năm năm 2017. Công ty đã công bố bắt đầu các chuyến bay thương mại vào cuối năm nay với giá khởi điểm là 5 triệu USD.

    Những thách thức và cơ hội cho Rocket Lab

    Ngày nay, có khoảng 13,000 người đang sinh sống tại vùng ngoại ô. Nền kinh tế địa phương, vốn dựa trên nông nghiệp, đánh bắt, và du lịch, đã gặp nhiều khó khăn, và các hoạt động xã hội đen đã và đang trở thành một vấn nạn. Sự xuất hiện của Rocket Lab tại nơi đây đã làm dấy lên cả niềm tin cũng những mối nghi ngại. Để có được sự cho phép để phóng tên lửa, Beck và đội ngũ của mình đã phải ngồi lại ăn bánh qui và uống trà với người dân nơi đây, thảo luận về việc tại sao các cuộc phóng tên lửa có thể sẽ ảnh hưởng tới nghề đánh bắt và cuộc sống thanh bình nơi đây.

    Công ty cũng đã phải giải hòa với chính phủ Mỹ. Trụ sở chính thức của Rocket Lab thực ra được nằm tại Huntington Beach, thuộc California, qua đó cho phép nó thu hút các nhà đầu tư và khách hàng Mỹ dễ dàng hơn. Tuy vậy, trong hơn 40 năm qua, chính phủ liên bang đã từ chối rất nhiều những yêu cầu xuất khẩu tên lửa—những thứ mà về cơ bản cũng chính là đạn hỏa tiễn—để đem đi phóng ở nước ngoài. Công ty đã phải mất khoảng hai năm đàm phán để đi đến được một thỏa thuận chính thức, và Beck đã phải bay đi và về rất nhiều để viếng thăm Nhà trắng. "Có một người đàn ông ngồi cạnh tôi ở đại sứ quán New Zealand sau khi chúng tôi đã kí vào thỏa thuận," Beck nói. "Ông ta rõ ràng là không vui một tẹo nào. Ông đã dành cả sự nghiệp chính trị của mình để xóa bỏ một khoản thuế khỏi một quả táo, còn chúng tôi thì vừa mới thương thảo một hiệp định song phương."

    Mất khoảng chín tiếng để đi xe từ Auckland đến bán đảo Mahia, vì thế nên đa phần các nhân viên của Rocket Lab chọn cách bay 45 phút đến một thị trấn nhỏ có tên Gisborne ("Gizzy," theo cách gọi của người dân địa phương,) sau đó đi xe mất hai tiếng tới bệ phóng. Các kỹ sư ở đây sống trong một chuỗi các loại nhà gọi là ‘bach,’ loại nhà dựng ở bãi biển khá phổ biến tại New Zealand. "Cuộc sống thực ra cũng không tệ chút nào nếu bạn không phải làm việc 80 giờ một tuần," Shane Fleming, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động của Rocket Lab tại Mỹ chia sẻ.

     Electron, máy phóng hạng nhẹ của Rocket Lab, được thiết kế để phục vụ cho thị trường vệ tinh nhỏ với các cơ hội phóng tên lửa chuyên dụng và thường xuyên.

    Electron, máy phóng hạng nhẹ của Rocket Lab, được thiết kế để phục vụ cho thị trường vệ tinh nhỏ với các cơ hội phóng tên lửa chuyên dụng và thường xuyên.

    Vị trí khá xa xôi này cũng đồng nghĩa với việc một khi bệ phóng đã có thể đi vào hoạt động bình thường, công ty sẽ không phải lo lắng về chuyện bị chậm trễ vì các chuyến bay thương mại hay thậm chí là ách tắc giao thông nữa. Rocket Lab đã được cấp phép để phóng tên lửa đều đặn—ba ngày một lần—hơn bất kỳ nhà sản xuất tên lửa nào khác. Và bởi vì bệ phóng này là sở hữu riêng bởi công ty của Beck, nên không giống các đối thủ cạnh tranh, họ sẽ không phải xếp hàng chờ đợi đến lượt tại các bãi phóng thuộc chính phủ Mỹ, nơi thường xuyên bị phong tỏa mỗi khi quân đội có việc cần đến chúng hoặc có vấn đề phức tạp nào đó trong bộ máy quan liêu. Bãi phóng này cũng có một lợi thế nữa về mặt kỹ thuật: vĩ độ và sự biệt lập của bán đảo Mahia giúp bệ phóng của Rocket Lab có được một góc phương vị rộng hơn bất kỳ bãi phóng nào khác trên thế giới, qua đó cho phép công ty này hướng đầu tên lửa của mình tới một lượng rất lớn các quỹ đạo khác nhau mà không phải lo lắng về giao thông trên không.

    "Chi phí là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả tại đây lại là tần suất," Beck nói. "Đó là thứ giúp hiện thực hóa ‘chòm sao’ vệ tinh cùng những ý tưởng mới và sự dịch chuyển lượng tử trong ngành công nghiệp này." Và ngay bây giờ công ty đã có lịch hẹn phóng tên lửa dài tới tận hai năm từ đủ các khách hàng khác nhau, bao gồm cả những nhà sản xuất vệ tinh và bệ hạ cánh trên Mặt trăng, những người đang nóng lòng chờ đợi minh chứng bản mẫu.

    Quả tên lửa đầu tiên được phóng và tương lai rộng mở của Rocket Lab

    Ngày 25 tháng Năm, sau một vài ngày chậm trễ vì lý do thời tiết, đội ngũ Rocket Lab đã tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị quả tên lửa Electron cho lượt phóng đầu tiên của nó. Sau khi đã dẫn các động vật ở trang trại tới một khoảng cách an toàn, bốn người đàn ông đã đến xưởng chứa và đặt chiếc máy lên một xe chở có đường ray, sau đó đẩy đi khoảng 150 mét tới một máy nâng lên bệ phóng tự động.

    Không lâu sau đó quả tên lửa đã được nâng lên vào vị trí đứng dọc và đổ đầy bằng loại nhiên liệu pha lẫn giữa oxy lỏng và dầu hỏa cao cấp. Các kỹ sư sau đó đã dành hàng tiếng đồng hồ để đi qua tất cả các bài kiểm tra nghiêm ngặt và đợi cho đến khi điều kiện thời tiết được tối ưu nhất. Cuối cùng, vào lúc 4:20 chiều, Beck đã ra lệnh phóng tên lửa. Ba phút sau, chiếc Electron đã vụt bay lên bầu trời.

     Launch Complex 1

    Launch Complex 1

    Quả tên lửa đã không đạt được tới quỹ đạo như mong muốn, nhưng lần thử nghiệm vừa rồi vẫn được coi là một thành công. Chuyện tên lửa bị nổ tung trong những chuyến bay thử đầu tiên là không hề hiếm; dù vậy, ngoài việc không bị phát nổ, chiếc Electron còn gửi được tín hiệu dữ liệu từ xa về. Beck, lúc đó đã hơn một ngày rưỡi chưa được ăn gì, đã quay trở lại nhà máy để chia vui cùng với mọi người trong công ty, và lúc đó họ đã đang nâng cốc để ăn mừng rồi.

    Beck cho rằng Rocket Lab giờ đây đã giải quyết được vấn đề về quỹ đạo, và anh đang lên kế hoạch thực hiện thêm hai lượt phóng thử nghiệm nữa bắt đầu trong sáu tuần tới. Nếu chúng thành công, Rocket Lab sẽ bắt đầu cho phóng các tên lửa cho khách. Công ty khởi nghiệp tại San Francisco có tên Planet Labs, nhà sản xuất những loại vệ tinh bé bằng cái hộp giày, sẽ được đặt các thiết bị của mình lên tên lửa của Rocket Lab trong hai buổi phóng thử nghiệm tới cũng như ba buổi phóng thương mại đầu tiên. Rocket Lab cũng hy vọng rằng sẽ có thể đăng ký với các công ty khởi nghiệp làm vệ tinh hình ảnh đang mong muốn cạnh tranh với Planet, cùng với những bên khác đang xây dựng các phòng thí nghiệm nhỏ trên quỹ đạo và các hạm đội của những vệ tinh truyền thông tí hon.

    Các công ty đang lớn này đang mở ra một cơ hội rất lớn cho Rocket Lab. Trong một năm trung bình chỉ có 100 kỳ phóng tên lửa được thực hiện, và họ sẽ ưu tiên cho các vệ tinh truyền thống cỡ lớn được đi trước. Các nhà sản xuất vệ tinh nhỏ nhìn chung sẽ phải đợi và tìm các khoảng trống tiện lợi nhỏ để đặt máy móc của mình lên. Việc này giới hạn tần suất để chúng có thể lên được không gian và qua đó đặt các công ty này vào quyền quyết định của các khách hàng lớn. Rocket Lab đã hứa sẽ biến các công ty như Planet Labs từ những kẻ "đi ké" trở thành những khách bay thường xuyên và chuẩn xác. "Có một chút chênh lệch giữa tốc độ sản xuất vệ tinh của chúng tôi và cơ hội để chúng tôi có thể đưa chúng lên," Mike Safyan, giám đốc văn phòng phóng tên lửa và chấp hành luật tại Planet đã nói. "Và đây sẽ là một sự giúp đỡ lớn."

     Bãi điều khiển phạm vi.

    Bãi điều khiển phạm vi.

    Sớm hay muộn, Rocket Lab sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành này. Một số các công ty tương tự, bao gồm Vector Space Systems hay Virgin Orbit của Richard Branson, đã xuất hiện tại nước Mỹ; bản thân họ cũng mong muốn được thực hiện khoảng một trăm lượt phóng mỗi năm. "Chúng tôi nghĩ rằng thị trường trên tổng thể sẽ có khoảng 400 đến 500 lượt phóng mỗi năm," Jim Cantrell, đồng sáng lập và là CEO của Vector đã nói. "Vẫn có đủ chỗ cho khoảng bốn đến năm nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa nữa."

    Không ai biết cuộc đua vào không gian mới này sẽ diễn biến ra sao, nhưng đã có rất nhiều những nhà đầu tư nhiệt thành và đầy lý tưởng đang coi nó như là chương tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người—thứ mà cuối cùng sẽ đưa chúng ta trở thành một giống loài đa hành tinh. "Ý tưởng về một sự phát triển cấp tiến mạnh mẽ cho loài người là điều mà những công ty này đang hướng tới," Matt Ocko, cộng sự đồng quản lý tại công ty VC Data Collective, công ty đã đầu tư vào Rocket Lab và Planet Labs. "Họ mở ra và dự đoán những chức năng cấp tiến trong khả năng tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình của loài người."

    Lẽ dĩ nhiên, sẽ là quá lời nếu nói rằng Peter Beck và New Zealand đang đứng trên mặt trận tiên phong của tất cả những thứ này. Nhưng việc Beck chưa bao giờ được huấn luyện nghiêm túc, và sự biệt lập của đất nước quê hương anh lại cho anh có được một điểm lợi, để từ đó anh có thể tái hình dung lại ngành công nghiệp tên lửa. Shaun O'Donnell, người đã làm việc cùng với Beck rất nhiều năm trước tại phòng thí nghiệm của chính phủ, đã nhớ lại cái ngày mà họ đang trên đường trở về nhà từ phòng thí nghiệm,. Beck đã kéo ông sang một bên và bảo rằng anh sẽ ra đi để xây dựng một công ty tên lửa. "Việc đó nghe có phần thật điên rồ," O'Donnell nói. Tuy vậy, ông đã trở thành một trong số hai nhân viên đầu tiên của Beck, và hiện nay là phó chủ tịch chịu trách nhiệm cho các hoạt động tại New Zealand của Rocket Lab. "Bây giờ nhìn lại, đó quả là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Lúc đó ngành công nghiệp không gian còn chưa tồn tại, và tôi chưa bao giờ một lần nghĩ rằng mình sẽ làm việc này. Điều đó chỉ đơn giản thể hiện rằng Peter là một người thực sự biết giữ lời hứa của mình."

    Beck tin tưởng rằng Rocket Lab là công ty duy nhất đang thực sự sẵn sàng cho những biến chuyển lớn của tương lai. "Chúng tôi không phải ở đây ‘vì anh ta là một người Kiwi, và anh ta thích cái chỗ này,’ " Beck nói. "Mọi thứ đều quay trở lại câu chuyện về tần suất và việc tạo ra một môi trường phóng tên lửa mới. Đó là lý do vì sao chúng tôi thành lập Rocket Lab, và nếu bạn không tập trung vào điều đó, bạn sẽ chỉ biết nghĩ đến chuyện xây dựng thêm một quả tên lửa mà thôi."

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày