Gene Munster: 'Nếu doanh số iPhone giảm, tương lai của Apple có thể là một công ty dịch vụ'

    Le Min Kop,  

    Nhà phân tích Gene Munster khẳng định, giới đầu tư đang thay đổi cách nhìn về Apple khi cho rằng công ty đang bước vào “mô hình mới” để được nhìn nhận như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhiều hơn là sản xuất phần cứng.

    Theo Gene Munster , cứ khoảng mỗi 10 năm lại có một mô hình mới làm thay đổi suy nghĩ của giới đầu tư về Apple. Từ năm 1980 đến 1985, công ty tập trung phát triển các mẫu máy tính để bàn. 1985 – 1997 là thời kỳ hậu Steve Jobs và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường PC. Giai đoạn 2001-2006 đánh dấu sự bùng nổ của iPod và gần đây nhất, từ 2007 tới nay, Táo khuyết sống dựa phần lớn vào iPhone. Ở mô hình tiếp theo, Gene Munster tin rằng Táo khuyết sẽ trở thành một công ty thiên về dịch vụ.

    Gene Munster: Nếu doanh số iPhone giảm, tương lai của Apple có thể là một công ty dịch vụ - Ảnh 1.

    Apple vẫn đang là công ty phụ thuộc nhiều vào iPhone, nhưng mọi thứ có thể sẽ thay đổi

    Trong bài viết của mình, Munster gợi ý một mô hình mới mang tên “Apple as a Service”. Ông tin rằng, các nhà đầu tư sẽ tránh cường điệu hóa về loạt sản phẩm mới và không còn quá thất vọng khi thấy doanh số bán hàng giảm, đồng thời cũng chẳng cần đến cái gọi là “siêu chu kỳ” của iPhone để duy trì lợi nhuận công ty.

    Theo hướng suy nghĩ mới, các nhà đầu tư sẽ dần từ bỏ thói quen thổi phồng về sản phẩm mới và không còn cảm giác lo lắng về doanh số của chúng (có thể mất một vài năm). Chúng tôi nghĩ rằng, dự đoán về các sản phẩm mới vẫn có thể sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, nhưng tầm ảnh hưởng sẽ ít đi”, Munster viết.

    Lấy ví dụ, Munster gợi ý Apple có thể sẽ phát hành một chiếc iPhone màn hình lớn với giá thấp vào mùa thu. Mặc dù điều này sẽ tốt để kích cầu người tiêu dùng, nhưng lại không đủ để tạo ra một siêu chu kỳ, tức đạt mức tăng trưởng lượng iPhone bán ra lớn hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

    Gene Munster: Nếu doanh số iPhone giảm, tương lai của Apple có thể là một công ty dịch vụ - Ảnh 2.

    Mảng dịch vụ đã tăng 31% trong quý II và tương lai có thể vẫn duy trì đà tăng cao

    Muster chỉ ra bốn yếu tố có thể biến Apple thành một công ty thiên về dịch vụ. Đầu tiên, ông đưa ra giả thuyết mức tăng trưởng trong kinh doanh iPhone sẽ đạt từ 0 – 5% (chiếm 62% tổng doanh thu) là minh chứng cho thấy một công ty phần cứng đang ngày càng hoạt động như một doanh nghiệp phần mềm.

    Dựa trên dự đoán của kinh doanh iPhone, mảng dịch vụ (hiện đã chiếm 15% lợi nhuận) có thể tăng trưởng ở mức 15% trong vài năm kế tiếp. Trong kết quả báo cáo gần đây, mảng này mang về 9,19 tỷ USD cho công ty, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 8,5 tỷ USD của giới phân tích.

    Thứ ba, việc Apple tự mua lại cổ phiếu của công ty dự kiến đạt 40 – 50 tỷ USD mỗi năm. Giả sử cổ phiếu Táo khuyết vẫn duy trì đà tăng thì chỉ riêng việc mua lại này có thể đẩy cổ phiếu tăng thêm 5% trong năm nay, 4% trong năm 2019 và 3% trong 2020.

    Vấn đề thứ tư là ở mảng sản phẩm mới, Apple vẫn cần phải đổi mới để duy trì mức trung thành cao của người dùng đối với iPhone đạt 90%. Theo mô hình mới, các hạng mục tiềm năng như nội dung gốc, AR (gồm cả kính thông minh) và hệ thống tự lái trở thành yếu tố có thể tác động tới việc định giá Apple.

    Nếu kết hợp những điều này lại với nhau, Munster tin rằng chúng sẽ tạo ra mức tăng trưởng ổn định cho doanh nghiệp từ 5 đến 10% mỗi năm. Một phần trong số đó dùng để trả lãi cho các cổ đông.

    Theo bản báo cáo tài chính mới nhất, Apple cho biết đạt 61,1 tỷ USD doanh thu với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 2,73 USD trong quý 2/2018. Trong đó, doanh số mảng dịch vụ đã tăng 31%. Số iPhone bán ra đạt 52,2 triệu chiếc, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 38 tỷ USD với mức giá bán trung bình mỗi chiếc là 728,30 USD.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ