GitHub thua lỗ: Làm không lo làm, chỉ chăm chăm thiết kế văn phòng đẹp, tuyển dụng ồ ạt, đốt tiền đầu tư

    PV,  

    Theo nguồn tin riêng của tờ Bloomberg thì startup GitHub đang thua lỗ do chi tiêu hoang tàn.

    Mặc dù cái tên GitHub không được biết đến nhiều bên ngoài ngành công nghệ nhưng các lập trình viên trên toàn thế giới đều hứng thú với phần mềm của hãng này. Công ty khởi nghiệp này hiện vận hành sản phẩm có thể coi là Google Docs cho giới lập trình viên - tạo kho để họ chia sẻ code và cùng cộng tác làm việc. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của tờ Bloomberg thì GitHub đang thua lỗ do chi tiêu hoang tàn.

    Ban đầu, sự nổi lên của GitHub đã thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm. Sequoia Capital là một trong số đó khi dẫn đầu thương vụ trị giá 250 triệu USD vào khoảng giữa năm 2015. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của GitHub đã quá hăng hái chi tiêu số tiền này. Công ty đã trả tiền để cho nhân viên đi công tác tới mọi nơi trên khắp thế giới từ Amsterdam, London, New York… Chi phí càng bị độn lên nhiều hơn khi lượng nhân viên tại trụ sở chính đã tăng gấp đôi, tới 600 người trong chỉ 18 tháng.

    Cụ thể theo nguồn tin từ tờ Bloomberg, GitHub đã thua lỗ 27 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2016 trong khi chỉ tạo ra được 95 triệu USD doanh thu.

    Dẫu vậy, ngồi trong văn phòng họp được trang hoàng bởi những bức tượng điêu khắc đắt đỏ, Chris Wanstrath - nhà sáng lập và CEO của GitHub vẫn nói rằng công ty "đang hoạt động trơn tru và vẫn tăng trưởng".

     CEO kiêm đồng sáng lập GitHub Chris Wanstrath

    CEO kiêm đồng sáng lập GitHub Chris Wanstrath

    GitHub gần đây đã tuyển Mike Taylor – cựu phó chủ tịch tài chính của Tesla Motors để quản lý chi tiêu cho công ty với vị trí Giám đốc tài chính. Công ty này cũng đang có ý định tuyển thêm một vị trí CEO thời vụ. 9 tháng đầu năm nay, GitHub đạt doanh thu vượt con số của cả năm ngoái với 98 triệu USD. “Tôi đang cực kỳ phấn khởi với những điều đang diễn ra. Chúng tôi đã có nhiều bước thăng trầm và hiện tại, tôi khẳng định là GitHub đang thăng”, CEO Wanstrath nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, một thứ nữa cũng đang "thăng" ở GitHub: phần chi tiêu. Báo cáo về thu nhập cho thấy họ đã lỗ 66 triệu USD trong 3 quý đầu tiên của năm nay. Con số này nhiều gấp đôi mức thua lỗ trong 9 tháng của Twilio Inc. - startup phần mềm ra đời cùng năm với GitHub.

    Ít nhất 12 thành viên ban lãnh đạo của GitHub đã rũ áo ra đi kể từ năm ngoái. Một vài người trong số họ cũng cũng bày tỏ sự không hài lòng với phong cách lãnh đạo của Wanstrath. Mặc dù khẳng định công ty vẫn pát triển dưới sự dẫn dắt của CEO Wansrtath nhưng GitHub lại từ chối đưa ra bình luận về tình hình tài chính. Wanstrath khẳng định: “Chúng tôi đã huy động được 250 triệu USD vào năm ngoái và đang tính toán để sử dụng số tiền này. Chúng tôi không hy vọng có thể có lợi nhuận vào lúc này”.

     Một góc trụ sở chính của GitHub

    Một góc trụ sở chính của GitHub

    Wanstrath khởi nghiệp GitHub với 3 người bạn của mình trong suốt giai đoạn khủng hoảng năm 2008 và đã tự bỏ tiền hoạt động trong suốt 4 năm. Thời điểm đó, họ khuyến khích nhân viên làm việc từ xa. Điều này không những buộc họ phải sử dụng công cụ của GitHub trong những dự án của chính mình mà còn tiết kiệm được tiền thuê văn phòng. GitHub nhanh chóng trở thành công cụ cần thiết trong quá trình viết code của tất cả các công ty công nghệ lớn nhỏ và tạo ra một thế hệ lập trình viên mới qua việc lưu trữ mã nguồn của họ miễn phí.

    Peter Levine – một đối tác tại Andreessen Horowitz – đã tiếp cận các nhà sáng lập GitHub và cuối cùng thuyết phuc họ nhận khoản vốn đầu tiên vào năm 2012. Andreessen Horowitz sau đó đã dẫn đầu vòng huy động vốn 100 triệu USD, còn Levine gia nhập hội đồng quản trị của GitHub. Năm tiếp theo, GitHub đã ký kết hợp đồng thuê kéo dài 7 năm trị giá 3 triệu USD cho trụ sở tại San Francisco.

    Điều này là động lực để các nhân viên tới văn phòng. Sảnh của tòa nhà được trang hoàng lộng lẫy và dành hẳn 5.000m2 để đặt những chiếc bàn gỗ và tác phẩm nghệ thuật hiện đại.

     Các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại văn phòng công ty

    Các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại văn phòng công ty

    Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ năm 2014 với thông tin một đối thủ cạnh tranh có cái tên "na ná" GitHub xuất hiện. GitLab thậm chí cung cấp dịch vụ và sản phẩm thay thế của GitHub với giá rẻ hơn. “Sự khác biệt lớn nhất của GitLab là sản phẩm được thiết kế dành cho doanh nghiệp còn GitHub thì không”, CEO GitLab cho biết. “Một trong những giá trị mà chúng tôi đề cao là sự tiết kiệm và đây là thứ gì đó ăn vào xương tủy mỗi người. Chúng tôi muốn đối xử tốt với các nhân viên nhưng không muốn tiêu tốn tiền vào những việc làm vô ích. Vì vậy, chúng tôi không có trụ sở văn phòng hoành tráng bởi vẫn có thể hoạt động hiệu quả mà không cần đến nó”.

    Hiện tại, GitLab tuyên bố có hơn 110.000 tổ chức bao gồm của IBM và Macy’s đang sử dụng các phần mềm của họ.

    Mặc cho sự trỗi dậy của GitLab, Wanstrath nói rằng đối thủ cạnh tranh đã giúp nâng giá trị hoạt động kinh doanh của công ty họ. “Khi khởi nghiệp, mọi người cười nhạo chúng tôi sẽ không có tiền mà phát triển các công cụ. Tôi đã chờ khoảnh khắc này từ lâu lắm rồi”.

    Với số tiền được đầu tư ban đầu, năm ngoái công ty được định giá ở mức 2 tỷ USD nhưng sau đó lại tuyển dụng quá đà. Họ đã dành 71 triệu USD chi cho lương và các khoản phụ cấp trong năm tài chính vừa qua theo một tài liệu của Bloomberg. Năm nay, khoản này đã tăng lên 108 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 10 trong khi đó vẫn còn 3 tháng nữa mới hết năm tài chính. Đây là mức chi tiêu lớn nhất của một công ty khởi nghiệp.

    Thời điểm hiện tại đã có ít nhất 5 nhân viên chủ chốt của GitHub ra đi và có sự xáo trộn trong ban lãnh đạo. Trong số đó có đồng sáng lập Scott Chacon - người rời bỏ công ty để tạo dựng 1 startup mới cho riêng mình. Anh này chia sẻ: "Kể từ khi cùng 4 người bạn khởi nghiệp cho tới tận bây giờ, GitHub vẫn là một điều gì đó hết sức tốt đẹp đối với tôi. Nhờ ở đây tôi đã được đi khắp thế giới đại diện cho GitHub. Họ cũng ủng hộ văn hóa làm việc từ xa của tôi nữa."

    Có nhiều bằng chứng cho thấy đặc quyền được đi khắp nơi tại GitHub có vẻ như vẫn sẽ còn tiếp tục. GitHub thì cho rằng những chuyến đi như vậy sẽ khuyến khích đội ngũ làm việc với nhau hiệu quả hơn. Tuần trước, ít nhất 20 nhân viên bộ phận Nhân sự của công ty đã được cho đi nghỉ dưỡng tại khách sạn Ritz Carlton ở Rancho Mirage, California.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ