GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả "Rubik đối kháng"

    Tấn Minh,  

    Người tạo ra GoCube gọi đây là "chiếc Fitbit dành cho dân Rubik", và hiện đã thu về gần 1 triệu USD trong chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter.

    Khối lập phương Rubik được xem là món đồ chơi phổ biến nhất từng được tạo ra trên thế giới: người ta ước tính đã có hơn 350 triệu khối rubik đã được bán ra trên toàn cầu kể từ khi nó lên kệ tại Budapest vào thập niên 1970. Món đồ chơi này được phát minh vào năm 1974 bởi nhà điêu khắc và giáo sư thiết kế nội thất Erno Rubik. Nó đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, với cộng đồng người chơi đông đảo và có tính cạnh tranh cao trong việc làm sao để hoàn thành khối rubik nhanh nhất có thể. (Kỷ lục thế giới hiện tại là 4.22 giây).

    GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả Rubik đối kháng - Ảnh 1.

    Tua nhanh đến năm 2018, một startup Israel là Particula vừa giới thiệu phiên bản công nghệ cao của món đồ chơi cổ điển này. Nó vẫn có hình dạng tương tự khối Rubik cổ điển, với 6 mặt màu khác nhau, mỗi mặt lại chia nhỏ thành 9 ô vuông. Nhưng không như phiên bản cổ điển, khối rubik kỹ thuật số GoCube có khả năng theo dõi mọi thao tác mà bạn thực hiện. 

    Nếu bạn đã rành chơi rubik, ứng dụng GoCube trên di động sẽ đo xem bạn hoàn thành trò chơi nhanh đến mức nào và thậm chí còn cho phép bạn đấu tay đôi hoặc đấu trực tiếp với nhiều bạn bè khác. Nếu bạn chỉ mới tập chơi, GoCube sẽ cung cấp các thử thách đơn giản hơn để bạn làm quen. Hiện GoCube đã thu về 800.000 USD trên Kickstarter, cao hơn rất nhiều so với mức 25.000 USD mà công ty tạo ra nó kỳ vọng.

    Đối với Udi Dor, nhà sáng lập và CEO của Particula, anh làm ra GoCube không phải chỉ vì niềm say mê của bản thân với món đồ chơi này, mà còn một lý do khác: một thách thức về mặt kỹ thuật. Vào tháng 5/2016, Dor và các bạn đang ngồi trò chuyện, và trong nhóm có một người đang chơi Rubik. Ý tưởng chợt nảy sau - tai sao họ không thể chơi đối kháng với nhau? Nếu trò xếp chữ có bản di động là Words with Friends, thì khối Rubik có gì?

    Dor chắc mẩm có ai đó hẳn đã tạo ra một ứng dụng như vậy rồi, nhưng hóa ra không phải. Anh đã tìm một loạt các bằng sáng chế liên quan chủ đề này, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không có bằng sáng chế nào được hiện thực hóa cả. Để tạo ra một khối Rubik có khả năng kết nối, bạn cần một cảm biến để theo dõi vị trí của từng khối nhỏ trong tổng số 54 khối tạo thành Rubik - không khó, nhưng cực đắt. Những cảm biến này không thể kết nối với nhau bằng dây, vì nếu thế, khối Rubik của bạn sẽ chẳng khác gì một đống mỳ Ý chỉ sau 1 giây. Thêm nữa, bản thân khối Rubik đã thực sự nhỏ, và việc đưa tất cả các thiết bị điện tử vào bên trong nó, để món đồ chơi này hoạt động hiệu quả và có thời lượng pin chấp nhận được, quả là một thách thức.

    GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả Rubik đối kháng - Ảnh 2.
    GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả Rubik đối kháng - Ảnh 3.

    Dor và nhóm của anh cuối cùng cũng nhận ra rằng, thay vì theo dõi vị trí của mỗi khối nhỏ, chỉ cần là theo dõi những thay đổi được tạo ra đối với mỗi khối đó nếu bạn đã biết trước tất cả các vị trí khởi điểm của chúng. Thay vì 54 cảm biến, 12 cảm biến là đã đủ để theo dõi các chuyển động theo chiều kim đồng hồ và 1 cảm biến cho các chuyển động ngược chiều kim đồng hồ trên mỗi mặt của khối Rubik. Bạn có thể cung cấp cho ứng dụng trạng thái ban đầu của khối lập phương bằng cách chụp hình nó trong ứng dụng, hoặc bắt đầu từ một khối Rubik đã hoàn thiện.

    GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả Rubik đối kháng - Ảnh 4.

    Khối GoCube thành phẩm tỏa sáng lung linh nhờ một đèn LED bên trong, báo hiệu rằng người chơi đã kết nối hoặc có ai đó đang mời họ thi đấu. Mọi thành phần liên quan xã hội của GoCube đều nằm trong ứng dụng, cho người chơi biết cần phải làm những bước nào để hoàn thiện khối Rubik của họ ở một trạng thái cụ thể mà ứng dụng cung cấp sẵn. 

    Nếu bạn cần sự trợ giúp, ứng dụng có thể cung cấp cho bạn các chỉ dẫn làm sao để đi từ khối Rubik hỗn loạn hiện tại thành một khối đã hoàn thiện. Với những người chưa đủ khả năng để hoàn thiện khối Rubik, ứng dụng sẽ cung cấp một số thử thách khác, như sắp xếp khối Rubik sao cho một mặt của nó trông như lá cờ của nhiều nước. Nó còn có một tựa game lấy cảm hứng từ Guitar Hero, hiển thị một đường hầm trên màn hình điện thoại và các ô vuông sáng nhỏ bay về phía người chơi, báo hiệu phần nào của khối Rubik mà bạn cần xoay để chiến thắng.

    GoCube: thiết kế lại khối Rubik huyền thoại, cho phép bạn chơi cả Rubik đối kháng - Ảnh 5.

    Với các fan cứng của Rubik, GoCube là một cách để đếm giờ và cải thiện kỹ năng của bạn. Bởi món đồ chơi này biết mọi chuyển động bạn đã thực hiện để giải Rubik, nó còn có thể phân tích bạn giải hiệu quả đến mức nào, từ đó đề xuất những nước đi hiệu quả hơn và thậm chí còn tạo ra các thử thách để người chơi phát triển kỹ năng nhanh hơn nữa.

    "Khi bạn có chiếc Fitbit dành cho dân Rubik này, với mọi loại dữ liệu và thông tin và các phân tích của nó, chúng tôi có thể cung cấp cho bạn chính xác những điểm yếu của bạn. Đây là một phương pháp dạy và luyện tập mới" - Dor nói.

    Một vài fan cứng của Rubik có thể không hào hứng với phiên bản kỹ thuật số của Particula. Nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm tính xã hội của món đồ chơi thông minh này, bạn có thể đặt hàng GoCube trên Kickstarter với giá 69 USD, trong khi nếu mua tại cửa hàng thì giá bán sẽ là 119 USD. Để dễ so sánh, khối Rubik cổ điển có giá chỉ 9.99 USD mà thôi.

    Tham khảo: FastCompany

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ