Google hợp tác với hãng GSK để phát triển các loại dược phẩm công nghệ cao đột phá của y học

    Nguyễn Hải,  

    Một loại dược phẩm công nghệ cao mới có thể thay đổi hoàn toàn cách mọi người chữa bệnh trong vòng 10 năm tới.

    GlaxoSmithKline (GSK), công ty dược phẩm lớn nhất nước Anh vừa cho biết họ sẽ hợp tác với công ty mẹ của Google, Alphabet để phát triển các thiết bị điện tử cấy ghép thu nhỏ, nhằm phục vụ cho việc điều trị hen suyễn, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.

    Cụ thể hơn, GSK sẽ thành lập một liên doanh với Verily Life Sciences, một công ty con của Alphabet để nghiên cứu về các loại thuốc sinh điện tử (bio-electronic). GSK sẽ sở hữu 55% của liên doanh này, với tên gọi Galvani Bioelectronics, và Verily sẽ nắm giữ 45% còn lại.

    Trụ sở của Galvani sẽ được đặt tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển của GSK ở Stevenage, Hertfordshire, phía bắc của London và sẽ có một trung tâm nghiên cứu thứ hai tại trụ sở của Verily ở San Francisco. Cả hai công ty sẽ kết hợp các tài sản trí tuệ hiện tại của họ với nhau và đầu tư tới 540 triệu USD trong bẩy năm tới nếu việc hợp tác đạt được các mục tiêu nhất định.

    Dược phẩm sinh điện tử - liệu pháp chữa trị của tương lai

    GSK đã nghiên cứu các loại dược phẩm sinh điện tử từ năm 2012 trong một nỗ lực nhằm phát triển cách chữa trị mới đã được cấp bằng sáng chế, khi liệu pháp điều trị hô hấp Advair của họ đang gặp phải sự cạnh tranh dữ dội từ các liệu pháp gien. Họ đã đầu tư 50 triệu USD vào một quỹ đầu tư mạo hiểm về thiết bị sinh điện tử và cung cấp nguồn quỹ cho các nhà khoa học bên ngoài công ty làm việc về lĩnh vực này.

    Liệu pháp điều trị sinh điện tử gắn các thiết bị cấy ghép chạy bằng pin, với kích thước chỉ bằng hạt gạo hoặc nhỏ hơn, vào các dây thần kinh của mỗi cá nhân để sửa chữa việc trao đổi tín hiệu điện giữa hệ thống thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.

     Hình minh họa các thiết bị điện tử cấy ghép trong cơ thể.

    Hình minh họa các thiết bị điện tử cấy ghép trong cơ thể.

    GSK tin rằng việc thay thế các tín hiệu thần kinh này có thể mở ra các đường hô hấp khác cho người bị bệnh hen suyễn, giảm viêm trong ruột của những người bị bệnh Crohn và chữa trị cho những người mắc các bệnh mãn tính khác như viêm khớp. Cho đến nay, các thiết bị cấy ghép đã được thử nghiệm trên động vật, nhưng với mục đích tạo ra các phương pháp chữa trị mới, có thể bổ sung hay thay thế các loại thuốc vốn thường đi kèm với các tác dụng phụ.

    GSK và Verily (tên cũ là Google Life Sciences) cho biết việc hợp tác này sẽ kết hợp những hiểu biết về phát triển thuốc và bệnh lý học của GSK với thế mạnh của Verily trong việc thu nhỏ các thiết bị điện tử, dữ liệu và phần mềm cho các mục đích lâm sàng. Công ty mới sẽ bắt đầu hoạt động với 30 nhà khoa học, kỹ sư và các bác sĩ.

    Kris Famm, người đứng đầu bộ phận sinh điện tử của GSK, cho biết, một lợi thế của thiết bị sinh điện tử là nó cho phép các nhà nghiên cứu có thể áp dụng nó cho nhiều bệnh hơn khi công nghệ này phát triển. Ông cho biết, việc hợp tác với Verily sẽ đẩy nhanh quá trình này và ông hy vọng có thể tiến hành các thử nghiệm đầu tiên trên người trong ba năm tới.

     Hình vẽ cận cảnh mô tả một thiết bị sinh điện tử cấy ghép bám vào và bao quanh lấy bó dây thần kinh.

    Hình vẽ cận cảnh mô tả một thiết bị sinh điện tử cấy ghép bám vào và bao quanh lấy bó dây thần kinh.

    Chúng ta phải hình dung ra cách các thiết bị giao tiếp như thế nào với những dây thần kinh nhỏ trong cơ thể chúng ta, nhằm tìm ra cách để truyền tải các liệu pháp chữa trị. Chúng ta sẽ xây dựng các thiết bị tí hon, nằm ở trung tâm trong việc mang đến các biện pháp chữa trị này.” Ông Famm cho biết.

    Các thiết bị càng nhỏ, thì chúng càng cần ít năng lượng để sạc, và chúng càng hoạt động chính xác thì chúng càng có khả năng can thiệp tốt hơn. Hy vọng trong 10 năm tới sẽ có một lựa chọn chữa trị mà bác sĩ của bạn sẽ nói “Sao bạn không dùng thiết bị sinh điện tử?”, và một ca phẫu thuật sẽ chỉ còn rất ít thủ tục và nó sẽ giúp nội tạng làm những gì mà nó cần làm.”

    Moncef Slaoui, chủ tịch về vắc xin toàn cầu của GSK, sẽ giữ một ghế trong hội đồng quản trị của công ty mới, bên cạnh giám đốc điều hành của Verily, Andrew Conrad và Famm.

    Sự hợp tác bất chấp Brexit

    Galvani, tên của công ty mới được đặt theo tên Luigi Aloisio Galvani, một nhà khoa học thế kỷ 18, nghiên cứu về các phản ứng của ếch để mở đường cho việc phát triển khoa học thần kinh. Cả hai công ty hy vọng rằng liên doanh này sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay khi nó được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý cạnh tranh tại Mỹ.

    Tuần trước, GSK cho biết họ sẽ đầu tư 275 triệu bảng vào các hoạt động tại Anh, và nước Anh vẫn là một nơi tốt để hoạt động kinh doanh bất chấp việc bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu. Việc đầu tư vào Galvani có thể là thương vụ cuối cùng của giám đốc điều hành GSK, Sir Andrew Witty, người được cho sẽ rời khỏi công ty vào tháng Ba năm 2017 tới đây.

    Verily là một trong những phi vụ đầu tư dài hạn quan trọng của Alphabet. Nó là một phần trong bộ phận “các vụ đặt cược khác”, bao gồm cả Nest, công ty phát triển các thiết bị gia dụng kết nối với Internet – vốn đang hao tốn tiền của người khổng lồ công nghệ này.

    Brian Otis, giám đốc công nghệ của Verily, cho biết: “Đây là một sự hợp tác đầy tham vọng cho phép GSK và Verily nhằm kết hợp các nguồn lực và có tác động rất lớn đến một lĩnh vực mới nổi. Dược phẩm sinh điện tử là một lĩnh vực mới của việc thăm dò điều trị, và chúng ta biết rằng thành công sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa chuyên môn sâu về bệnh lý học và các công nghệ thu nhỏ mới.”

    Tham khảo Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ