Hai tuần trải nghiệm Xperia XA2: Tốt, nhưng chưa đủ tốt

    Cú Vọ,  

    Liệu rằng với mức giá rẻ đến bất ngờ, Xperia XA2 có đủ tốt để mang tới trải nghiệm mà người dùng kì vọng từ thương hiệu Sony?

    Xperia XA2 hiện đang nhận khá nhiều chú ý từ phía người dùng Việt. Lý do phần lớn nằm ở mức giá được cho là rất tốt so với các đời máy Sony trước đây, cộng thêm lợi thế về phần cứng và phong cách thiết kế mới mẻ.

    Trên lý thuyết, Xperia XA2 gần như là một “món hời” với hàng tá điểm cộng đáng quan tâm đối với các fan Sony. So với XA hay XA1, máy rõ ràng là một bản nâng cấp siêu hấp dẫn, nhất là về cấu hình và pin.

    Cụ thể, XA2 đã được Sony trang bị con chip Snapdragon 630 mạnh mẽ thay vì dòng MediaTek Helio vốn không được đánh giá cao; viên pin 3300mAh giờ cũng khiến người dùng yên tâm ngay khi đọc thông số thay vì phải mù mờ tin vào những quảng cáo như trước, còn màn hình thì được nâng lên fullHD 1080p thay vì HD 720p và bộ khung làm từ kim loại hoàn toàn chứ không phải nhựa như XA1. Thậm chí, hãng cũng đã quyết định đưa cảm biến vân tay ra mặt lưng để giữ lấy phong cách viền cạnh siêu mỏng của dòng sản phẩm này.

    Thiết kế - Đẹp nhưng vẫn còn sạn

    Có rất nhiều người đang chê bai kiểu thiết kế mới của XA2 là “mất chất” chỉ vì vị trí cảm biến vân tay. Tuy nhiên, đây hoàn toàn có thể coi là một đánh đổi xứng đáng để vừa mang lại sự tiện lợi mà không phá vỡ truyền thống viền mỏng. Có thể bạn không để ý nhưng thực tế, mặt lưng của Xperia XA2 được Sony lấy cảm hứng từ các đời máy cũ như Xperia S phía dưới đây. Vậy nên, nếu có nói rằng Sony giờ đã “mất chất” có lẽ cũng không đúng chút nào.

     Mặt lưng cong nhẹ, camera ở giữa sát viền rõ ràng vẫn rất Sony mà?

    Mặt lưng cong nhẹ, camera ở giữa sát viền rõ ràng vẫn rất "Sony" mà?

    Dù vậy, rất tiếc là thiết kế của Xperia XA2 vẫn còn vài hạt sạn. Điểm trừ đầu tiên mà tôi nhận thấy ngay trong những ngày đầu tiên sử dụng chính là 4 góc máy quá sắc cạnh. Miếng nhôm ở phía trên và dưới được cắt kim cương mà lại còn hơi nhô ra khỏi cạnh, thường xuyên chọc vào lòng bàn tay rất khó chịu. Nếu bạn từng không ưa sự vuông vức của Xperia XZ thì chắc sẽ còn thấy “ức chế” hơn khi cầm XA2 trên tay.

     4 góc của máy được làm quá sắc, dễ gây khó chịu khi cầm nắm.

    4 góc của máy được làm quá sắc, dễ gây khó chịu khi cầm nắm.

    Điểm trừ thứ hai là vị trí của camera chính nằm quá sát viền. Vì đã quen sử dụng các máy Xperia với camera ở góc trên, ngón tay tôi thường xuyên xuất hiện trong khung hình mỗi khi chụp ảnh theo chiều ngang với XA2. Lẽ ra Sony nên đẩy cụm camera này xuống thấp hơn như trên XA2 Ultra thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.

     Camera chỉ cần năm lệch xuống thấp hơn thôi là tuyệt vời.

    Camera chỉ cần năm lệch xuống thấp hơn thôi là tuyệt vời.

    Điểm trừ thứ ba nữa, nhỏ thôi nhưng cũng dễ gây khó chịu chính là cách sắp xếp khay SIM/thẻ nhớ theo dạng lớp rất “kì cục". Thay vì để khay thẻ nhớ ở lớp ngoài để dễ tháo lắp thì Sony lại ẩn nó vào lớp thứ 2. Tức là, mỗi khi chỉ muốn tháo thẻ nhớ thôi thì chúng ta lại phải tháo cả SIM 1, tăng tỉ lệ gãy khay cũng như rơi rớt mất SIM. Hơn nữa, mỗi lần mở khay này ra, kể cả không có SIM đi nữa thì máy vẫn tự động restart, tốn thêm 1 - 2 phút chờ đợi mới được sử dụng tiếp.

     Không hiểu sao Sony lại thiết kế ra bộ khay SIM dị thế này được.

    Không hiểu sao Sony lại thiết kế ra bộ khay SIM "dị" thế này được.

    Màn hình - Đẹp đúng tiêu chuẩn

    Trải nghiệm hình ảnh trên Xperia XA2 không có gì để chê cả. Mặc định, màn hình của máy có ám xanh nhẹ và màu hơi nhạt nhưng đều có thể tinh chỉnh lại trong Cài đặt. Tấm nền LCD IPS fullHD có độ tương phản tốt, độ sáng cao, màu đen khá sâu, đủ để đáp ứng nhu cầu của hầu hết người dùng.

    Dù không có công nghệ X-reality nhưng Sony vẫn trang bị cho XA2 hai chế độ màu sắc là Tiêu chuẩn và Siêu Sống động. Trong đó, chế độ Tiêu chuẩn chỉ tăng một chút về bão hòa màu và tương phản, đủ để bạn thấy hình ảnh, video đẹp mắt hơn, còn chế độ Siêu Sống động thì có phần hơi “gắt”, dễ làm hình ảnh bị bệt, màu sắc giả tạo và nhìn chung là khá phản tác dụng.

    Cấu hình - Đủ mạnh mẽ để “cân” mọi tác vụ

    Đã lâu lắm rồi chúng ta mới thấy một chiếc smartphone tầm trung của Sony được trang bị chip Snapdragon chứ không phải MediaTek. Đúng như mong đợi, con chip mới có đủ khả năng xử lý các tác vụ từ nặng đến nhẹ với độ ổn định cao.

     Xperia XA2 cân tốt các tựa game đồ họa nặng hiện nay.

    Xperia XA2 "cân" tốt các tựa game đồ họa nặng hiện nay.

    Bỏ qua các con số benchmark vốn đã không còn là thước đo chuẩn mực, Xperia XA2 hoàn toàn có thể làm hài lòng các gamer di động với độ mượt cao khi chơi. Dù tốc độ mở ứng dụng còn khá chậm (do chuẩn bộ nhớ eMMC cũ) và RAM chưa tối ưu tốt lắm (vẫn thường xuyên phải reload các ứng dụng), nhưng GPU Adreno 508 thì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đem lại tốc độ khung hình mượt mà. Nếu bạn có hứng thú mua smartphone để chiến game thì Xperia XA2 cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

     Điểm hiệu năng của Xperia XA2 qua ứng dụng AnTuTu.

    Điểm hiệu năng của Xperia XA2 qua ứng dụng AnTuTu.

    Pin - “ngon” y như kì vọng

    Trái với hai đời máy trước vốn đều dựa vào các thuật toán phần mềm để tối ưu viên pin chỉ 2300mAh, Sony giờ trang bị cho XA2 hẳn một cục pin dung lượng tới 3300mAh. Trong hai tuần trải nghiệm, máy chưa hề làm tôi thất vọng về khoản này.

     Viên pin 3300mAh của XA2 dư sức chạy đủ trong một ngày dài.

    Viên pin 3300mAh của XA2 dư sức "chạy" đủ trong một ngày dài.

    Trước khi dùng, tôi dự đoán máy sẽ đạt con số khoảng 5 - 6 tiếng bật màn hình và dùng đủ trong 1 ngày. Kết quả thì đúng là như vậy, kể cả khi dùng nhiều từ 7 giờ sáng thì đến 10 giờ tối, máy vẫn còn khoảng 20 - 30% pin và chưa bao giờ cạn giữa chừng.

    Với nhu cầu ít hơn, chỉ nghe gọi một chút, lướt web, check Facebook, Instagram khoảng 2- 3 giờ và chơi game nhẹ nhàng thì Xperia XA2 hoàn toàn có thể dùng được 2 ngày liền cho một lần sạc. Khi bật chế độ STAMINA lên thì con số sẽ tiếp tục tăng nữa. Tuy nhiên, tính năng này thực tế cũng không cần thiết cho lắm, nhất là khi phải đánh đổi lấy hiệu năng của máy. Bạn chỉ nên bật trong các trường hợp cực kì cần thiết mà thôi.

     Thời gian sáng màn hình dễ dàng vượt mức 5 giờ và có thể lên tới 7 giờ nếu nhu cầu dùng ít.

    Thời gian sáng màn hình dễ dàng vượt mức 5 giờ và có thể lên tới 7 giờ nếu nhu cầu dùng ít.

    Thời gian sạc pin cũng được cải thiện kha khá dù hộp máy không đi kèm củ sạc nhanh. Thường thì tôi mất khoảng 2.5 giờ để sạc đầy cho máy nếu dùng sạc thường, còn chuyển sang sạc nhanh QuickCharge 2.0 thì con số giảm xuống khoảng 1 giờ 40 phút.

    Camera - Nhiều lượng mà thiếu chất

    Cụm camera có lẽ là thứ ít được cải thiện nhất trên Xperia XA2. Dù được quảng bá là có phần cứng rất tốt, từ cảm biến 23MP “mượn” trực tiếp từ dòng máy cao cấp và khả năng selfie góc siêu rộng 120 độ nhưng dường như XA2 vẫn khó mà cạnh tranh được với các đối thủ cùng tầm giá về khoản này.

    Ảnh chụp từ máy thường có xu hướng xỉn màu, không tươi tắn; chi tiết không cao, dễ bị bệt, khử nhiễu chưa ổn lắm và tốc độ chụp/lưu ảnh còn khá chậm. Điểm cộng của hệ thống camera này có lẽ chỉ nằm ở tiêu cự 24mm rộng rãi và chế độ chụp HDR “một phát ăn ngay”, không phải chờ xử lý lâu.

     Độ chi tiết trong ảnh đủ sáng khá tốt nhưng vẫn thua một chút so với vài đối thủ cùng tầm.

    Độ chi tiết trong ảnh đủ sáng khá tốt nhưng vẫn thua một chút so với vài đối thủ cùng tầm.

     Màu sắc ảnh kém tươi tắn.

    Màu sắc ảnh kém tươi tắn.

     Ảnh chụp trong điều kiện đèn chiếu mạnh như thế này khá ổn dù dải tương phản động không cao, khó lấy được chi tiết trong vùng tối.

    Ảnh chụp trong điều kiện đèn chiếu mạnh như thế này khá ổn dù dải tương phản động không cao, khó lấy được chi tiết trong vùng tối.

     Ảnh chụp thiếu sáng khi đã cân chỉnh lại EV đru dùng, nhưng zoom lên thì sẽ thấy ngay độ chi tiêt chưa ổn và nhiễu hạt xuất hiện.

    Ảnh chụp thiếu sáng khi đã cân chỉnh lại EV đru dùng, nhưng zoom lên thì sẽ thấy ngay độ chi tiêt chưa ổn và nhiễu hạt xuất hiện.

     Chế độ HDR khá hiệu quả nhưng thường xuất hiện nhiều nhiễu hạt khi ảnh sáng không đầy đủ.

    Chế độ HDR khá hiệu quả nhưng thường xuất hiện nhiều nhiễu hạt khi ảnh sáng không đầy đủ.

    Về camera selfie, ngoài góc chụp 120 độ thì tôi không thấy có điểm gì đáng khen cả. Chất lượng cảm biến kém cộng với khẩu độ f/2.4 quá nhỏ khiến ảnh chụp dễ bị tối màu, mất chi tiết và cũng không có bộ phần mềm làm đẹp da ấn tượng như những anh hàng xóm.

     Ngoài lợi thế về góc chụp siêu rộng, khả năng selfie của XA2 chắc chắn không thể sánh bằng những đối thủ như OPPO F5 hay Galaxy J7 Pro.

    Ngoài lợi thế về góc chụp siêu rộng, khả năng selfie của XA2 chắc chắn không thể sánh bằng những đối thủ như OPPO F5 hay Galaxy J7 Pro.

    Chế độ chụp thủ công trên Xperia XA2 đã được cải thiện khá nhiều, cho phép chỉnh tay mọi thông số, từ khoảng nét cho tới ISO và tốc độ chụp. Tuy nhiên, vì không lưu được ảnh RAW và chất lượng ảnh cũng không được cải thiện nhiều so với chế độ Auto nên tôi không cảm thấy hứng thú cho lắm.

    Phần mềm - Còn quá nhiều lỗi vặt

    Đây có lẽ là khía cạnh thấy tôi thất vọng nhất về Xperia XA2. Máy chạy sẵn nền tảng Android 8.0 Oreo gần như thuần gốc nhưng lại còn rất nhiều lỗi vặt.

    Điển hình trong số lỗi này là “SystemUI không phản hồi”. Dòng thông báo khó chịu gần như ngày nào cũng xuất hiện ít nhất một lần trong khi dùng Instagram hay VSCO. Các ứng dụng cũng dễ gặp tình trạng crash bất ngờ khiến máy đơ khoảng vài chục giây rồi tự thoát ra màn hình chính.

     Dòng thông báo này thường xuyên xuất hiện, nhất là khi đang lưu ảnh từ ứng dụng VSCO.

    Dòng thông báo này thường xuyên xuất hiện, nhất là khi đang lưu ảnh từ ứng dụng VSCO.

    Lỗi lớn thứ hai liên quan tới pin. Không rõ là do đâu nhưng ứng dụng Google Photos và Instagram thường xuyên làm hao rất nhiều pin dù chỉ được phép chạy nền. Vấn đề này chưa hề xảy ra trên các thiết bị khác chạy Android 7 và 8 mà tôi từng/đang sử dụng.

     Ứng dụng Photos hao tốn rất nhiều pin dù chỉ được phép chạy nền.

    Ứng dụng Photos hao tốn rất nhiều pin dù chỉ được phép chạy nền.

    Lỗi thứ ba nằm trong ứng dụng camera. Mỗi khi chuyển sang độ phân giải 12MP thì chất lượng ảnh chụp ra thấp hơn hẳn 23MP, không phải chỉ về độ chi tiết mà còn về cách xử lý màu và nhiễu hạt. Ngoài ra, chế độ chạm để lấy nét cũng hoạt động không chính xác. Khoảng nét thường bị lệch về phía sau vật thể khoảng vài mm, đủ để làm hỏng những bức ảnh macro cận sát.

     Ảnh chụp cỡ 12MP (phải) xuất hiện nhiều nhiễu hạt hơn hẳn cỡ 23MP (phải).

    Ảnh chụp cỡ 12MP (phải) xuất hiện nhiều nhiễu hạt hơn hẳn cỡ 23MP (phải).

    Kết

    Nhìn chung thì Xperia XA2 vẫn là một thiết bị khá ổn, nhất là về cấu hình và giá cả. Đối thủ của máy hiện nay có thể kể đến là OPPO F5, Huawei Nova 2i hay Galaxy J7 Pro. Chúng đều có những lợi thế vượt trội so với XA2, điển hình như camera hay màn hình FullView thời thượng.

    Có lẽ, nếu Sony chăm chút kĩ lưỡng hơn chút nữa để khắc phục những vấn đề trên, Xperia XA2 đã có thể trở nên hấp dẫn gấp nhiều lần trong mắt người dùng và số lượng nhỏ những fan Sony còn lại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ