Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì?

    Thanh Long, Phụ nữ số 

    Vậy là hai chữ trong sạch những cơn mưa nói cũng đủ rồi.

    Tưởng tượng bạn là một đạo diễn sản xuất quảng cáo truyền hình, và hôm nay, bạn nhận được một hợp đồng từ Thai Nakorn Patana, hãng dược phẩm Thái Lan đang sản xuất ra những viên thuốc cảm cúm Tiffy vỉ màu xanh lá cây.

    Giống bất cứ khách hàng nào khác, Thai Nakorn Patana yêu cầu bạn phải làm một TVC ngắn, không quá 30 giây nhưng phải khắc sâu được hình ảnh và công dụng của sản phẩm vào tâm trí người tiêu dùng. 

    Để làm được điều đó, bạn biết TVC (Television Commercials) này phải có một nhân vật nào đó bị ốm.

    Bây giờ, cách khoa học nhất để khiến ai đó bị ốm là gì? Đưa nhân vật vào không gian kín, đông người và dễ lây lan virus? Để một cô gái lên xe busmột chàng trai vào rạp chiếu phim và một nhóm người chen nhau trong thang máy mà không có bất kỳ ai đeo khẩu trang?

    Không, đây là quảng cáo của Thai Nakorn Patana và ở đây Thai Nakorn Patana không làm thế. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, hãng dược phẩm này đã kiên trì sử dụng một kẻ phản diện duy nhất trong tất cả các TVC quảng cáo của mình: Đó là những cơn mưa.

    Mưa trong một quảng cáo thuốc cảm cúm Tiffy. Video: VTV.

    Lại là mưa trong quảng cáo Tiffy. Video: Youtube.

    Mưa... Video: Youtube.

    ...vẫn là mưa. Video: Youtube.

    Mưa làm cho cô gái này bị cúm, cho cậu bé kia cảm lạnh. Thậm chí cả cầu thủ bóng đá – một trong những biểu tượng kinh điển nhất cho sức mạnh, sự bền bỉ và sức trẻ của con người – rồi cũng phải hắt hơi nếu trời đổ mưa giữa trận đấu.

    Với Thai Nakorn Patana, chỉ cần một cơn mưa thôi, tất cả mọi nhân vật trong vũ trụ TVC của họ đều có thể lăn ra ốm. 

    Sau đó thì đã có Tiffy:"Tiffy vỉ màu xanh lá cây. Tiffy giảm triệu chứng cảm cúm, sổ mũi, hạ sốt, nhức đầu. Tiffy chứa paracetamol. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng…"

    Bạn còn nhớ quảng cáo này không? Nó đã có tuổi đời hơn một thập kỷ rồi. Video: VTV.

    Và cả quảng cáo huyền thoại này nữa. Video: VTV.

    Bởi giá quảng cáo trên truyền hình rất đắt, TVC thường rất ngắn. Và bởi TVC rất ngắn, chúng phải nén và đóng gói thông điệp như một mũi tên găm vào não bộ người xem truyền hình. Đó là lý do bạn có thể nhớ một đoạn quảng cáo 15 giây, dù lần cuối cùng bạn xem nó đã là cả thập kỷ trước.

    Hệ quả của điều đó là gì? TVC cũng có thể gói ghém những thông điệp sai lầm, giáo dục bạn với những niềm tin không đúng với thực tế. Chẳng hạn như chất béo làm bạn béo, nước mắm chứa 3-MCPD có thể gây ung thư, còn nước mưa thì làm bạn ốm.

    Ngày nay, chúng ta biết đường mới là thủ phạm chính gây ra cơn đại dịch béo phì, nước mắm truyền thống có 3-MCPD, nhưng không thể đẩy bạn vào khoa hóa xạ trị. 

    Thế nhưng mưa, dường như đúng là những cơn mưa có thể làm bạn bị cảm lạnh thật. Bạn đã trực tiếp trải nghiệm điều đó, bị hắt hơi sổ mũi sau một ngày bị ướt mưa. 

    Vậy nếu không phải là nước mưa, cơ thể nhiễm lạnh khi mặc quần áo ướt, thì thứ gì mới là thủ phạm khiến bạn bị ốm?

    Với Thai Nakorn Patana, chỉ cần một cơn mưa thôi, tất cả mọi nhân vật trong vũ trụ TVC của họ đều có thể lăn ra ốm. Video: Youtube.

    Đặng Văn Lâm hắt hơi dù trời mới kéo mây đen, chưa kịp mưa. Video: Youtube.

    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cảm cúm hay cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng nhẹ xảy ra ở đường hô hấp trên, mũi và họng. 

    Tác nhân gây bệnh có thể là một trong số hơn 200 loại virus khác nhau, nhưng phổ biến nhất là rhinovirus. Cứ 10 người bị hắt hơi, sổ mũi thì có tới 5 người là do nhiễm virus này.

    Có một thực tế mà chúng ta có thể yên tâm, rhinovirus không tồn tại trong nước mưa. Nó cũng không thể sống trong đất, cát hoặc ẩn náu trên những tán cây để khi nước mưa xối xuống sẽ phát tán virus vào không khí. 

    Giống với các mầm bệnh khác, rhinovirus gây cảm cúm cho con người chỉ tồn tại được bên trong tế bào vật chủ là con người. Vì vậy nếu bạn bị cảm cúm, chắc chắc là bạn đã bị lây bệnh từ một người khác đã nhiễm virus từ trước đó.

    Trang web của Bệnh viện Johns Hopkins cho biết virus cảm lạnh thường lây lan qua các giọt bắn trong không khí do người bệnh ho hoặc hắt hơi. Mặc dù virus sẽ chết khi ra khỏi tế bào vật chủ, nhưng ở trong các giọt bắn này, chúng vẫn có thể tồn tại khoảng 3 tiếng đồng hồ.

    Đây là khoảng cửa sổ thời gian để lây truyền bệnh cảm lạnh.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 9.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 10.

    Đây mới là thủ phạm khiến bạn bị cảm lạnh. Ảnh: virologyresearchservices.

    Bạn có thể nhiễm cảm lạnh nếu chia sẻ chung một bầu không khí với một người đã bị cảm lạnh, nhất là trong các không gian hẹp như thang máy, xe bus hoặc không gian trong nhà có điều kiện thông gió kém.

    Cảm lạnh cũng có thể lây lan nếu bạn có tiếp xúc gần với người bệnh, chẳng hạn như bắt tay, ôm hôn hoặc đơn giản là cùng chạm vào một bề mặt như nút bấm thang máy, lan can cầu thang, tay nắm cửa…

    "Trái ngược với niềm tin phổ biến, trời lạnh hoặc mưa lạnh không gây ra cảm lạnh", trang web của Bệnh viện Johns Hopkins giải thích. "Chỉ tiếp xúc trực tiếp với virus cảm lạnh mới có thể khiến bạn bị bệnh. Và điều này chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với dịch tiết của người khác".

    Vậy vai trò của những cơn mưa trong quá trình lây nhiễm này là gì? Hãy thử áp dụng nguyên lý lây truyền virus vào kịch bản sau đây:

    Đó là một ngày âm u, và bạn đang trên đường đi làm thì gặp trời mưa. Bạn tấp vào làn bên dưới đường trên cao để trú tạm và đợi chờ mưa tạnh. Phản ứng nhanh nhạy của bạn dường như kích hoạt một hiệu ứng domino, khi những người khác theo sau bạn cũng bắt đầu dừng lại.

    Vậy là dưới trụ bê tông của làn đường trên cao chen chúc tới hàng chục người đang trú mưa cùng nhau.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 11.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 12.

    Khi trời mưa, chúng ta có xu hướng trú mưa cùng nhiều người. Ảnh: Báo phụ nữ.

    Một cơn mưa rào sẽ nhanh chóng tạnh, hoặc áp lực muộn làm sẽ khiến bạn mặc áo mưa để bất chấp tới công sở. Bạn gửi xe ở nhà xe, tiếp tục chen chúc đi bộ dưới hàng hiên có mái che và lọt vào sảnh công ty.

    Chiếc sảnh hôm nay bỗng trở nên đông người vì một lần nữa, nó trở thành chỗ trú mưa cho hàng chục người lao động vốn sẽ ở ngoài trời trong những ngày nắng, từ shipper, đội bốc dỡ hàng cho tới nhân viên bảo vệ…

    Sau đó, bạn lọt vào thang máy, chia sẻ một không gian chật hẹp với cả chục người sát bên mình. Lên văn phòng, đập vào mũi bạn là một thứ không khí ẩm ướt đặc trưng của những ngày mưa. Bạn ngồi ì trong văn phòng cả ngày, không ra ngoài ăn trưa, vì mưa cả ngày vẫn chưa tạnh.

    Nếu gọi ship đồ ăn, bạn sẽ lại phải quay lại thang máy, xuống chiếc sảnh đông nghịt người và chia sẻ không gian ẩm ướt khó chịu với hàng chục người, thêm hàng chục shipper nếu họ cũng gọi đồ ăn ở hàng chục quán khác với bạn.

    Cuối cùng, bạn mang đồ ăn trở lại bàn làm việc, ăn cùng hàng chục chiếc miệng khác ở văn phòng. Mưa vẫn rơi suốt buổi chiều cho tới khi bạn tan sở và mắc kẹt cả tiếng đồng hồ trên con đường ùn tắc.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 13.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 14.

    Mưa làm mật độ người trên đường tăng cao. Ảnh: Kenh14.

    Mệt mỏi về tới nhà, điều đầu tiên bạn làm là lau khô người, bật bình nóng lại và tắm nước ấm với hi vọng mình sẽ không bị cảm lạnh. Nhưng đến 3 giờ đêm hôm đó, bạn vẫn bị một cơn sốt đánh thức, người toát mồ hôi và nóng ran.

    Trong lúc cặp nhiệt độ, bạn thầm đổ lỗi cho cơn mưa đã khiến mình bị ốm.

    Điều đó thật không công bằng chút nào. Nguyên lý lây truyền virus nói rằng nếu bạn bị ốm, đó là do bạn đã nhiễm virus cảm cúm từ một người nhiễm bệnh trước đó. Những giọt mưa tinh khiết, rơi xuống từ bầu trời, dẫu có lẫn bụi bẩn hoặc vi khuẩn cũng không thể gây bệnh cho bạn.

    Vậy bạn đã nhiễm virus cảm cúm từ đâu? Hãy nhớ lại tại trụ bê tông làn đường trên cao mà bạn trú mưa, tại sảnh nơi bạn nhận đồ ship, tại công ty nơi bạn ăn trưa cùng mọi người, có ai đó đã hắt hơi hay không?

    Đúng vậy, những ngày mưa khiến loài người co cụm lại bên trong những ngôi nhà, tại các không gian kín. Những không gian chật hẹp đột nhiên có nhiều người hơn và trong đám đông đó, nguy cơ có một người đang bị ốm sẵn, ho hoặc hắt hơi để phát tán mầm bệnh cũng cao hơn.

    Hơi nước đã tiếp thêm sức mạnh cho vi khuẩn và virus tồn tại và bay lơ lửng trong không khí, bám đọng trên các bề mặt. Đó là cách mà một ngày mưa có thể khiến bạn dễ bị ốm, khi bạn có nguy cơ cao lây bệnh từ đám đông co cụm, chứ không phải từ việc bị ướt nước mưa hay nhiệt độ ngoài trời lạnh.

    Nếu bạn tắm mưa một mình ở ngoài trời và không tiếp xúc với ai, nó cũng giống như tắm vòi hoa sen ở trong nhà, không có chuyện bạn sẽ bị ốm.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 15.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 16.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 17.

    Mưa kéo chúng ta lại gần với nhau, chia sẻ những không gian chung nhỏ hẹp, từ đó tăng nguy cơ lây lan virus cảm lạnh. Ảnh: Kenh14.

    Vậy là hai chữ trong sạch những cơn mưa cũng đã nói đủ rồi. Bản thân những hạt mưa tinh khiết không có tội. Nếu bạn bị ốm trong những ngày mưa thì đó chính là vì những hành vi của bạn và đám đông bạn tiếp xúc.

    Tin tốt là chúng ta có thể tự điều chỉnh hành vi của mình để giảm nguy cơ mắc bệnh trong những ngày mưa gió. CDC chia sẻ các mẹo trên trang web của mình về các cách giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh:

    - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Chà xát tay với xà phòng tối thiểu 20 giây và giúp trẻ nhỏ làm điều tương tự. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn. Virus gây cảm lạnh có thể sống trên tay bạn và rửa tay thường xuyên có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh. 

    - Tránh chạm tay lên mắt, mũi và miệng nếu bạn chưa rửa sạch tay. Virus gây cảm lạnh có thể xâm nhập vào cơ thể bạn theo cách này và khiến bạn bị ốm. 

    - Tránh xa những người bị bệnh, những đám đông, những không gian kín tiềm ẩn lây lan virus. Nếu bắt buộc phải vào thang máy hoặc tới nơi đông người, hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối đa với những người mà bạn nghi ngờ đang nhiễm bệnh.

    Cuối cùng, nếu bạn đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa trên mà vẫn bị nhiễm virus cảm cúm, thì đó hẳn là do bạn thực sự đen đủi. Virus đã bằng cách nào đó, vượt qua mọi hàng rào phòng thủ và lẻn được vào cơ thể của bạn.

    Lúc này, những viên Tiffy vỉ màu xanh lá cây sẽ giúp ích.

    Hơn một thập kỷ qua, quảng cáo này đã khiến bạn tin nước mưa làm cho mình bị ốm: Sự thật là gì? - Ảnh 18.

    Thuốc cảm cúm Tiffy. Ảnh: Pharma.

    Mặc dù quảng cáo của hãng dược phẩm này có thể ấn định một niềm tin sai lầm rằng mưa làm bạn ốm, thành phần trong những viên thuốc của họ đã được chứng minh là có tác dụng với triệu chứng cảm lạnh:

    Mỗi viên Tiffy chứa 500 mg paracetamol có thể làm giảm đau đầu, đau họng và hạ sốt, 10 mg phenylephrine có tác dụng làm giảm triệu chứng nghẹt mũi và cuối cùng là 2 mg chlorpheniramine maleate có thể khắc phục tình trạng đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi họng gây hắt xì và sổ mũi.

    Một lần nữa, đó là Tiffy, Tiffy vỉ màu xanh lá cây. Tiffy giảm triệu chứng cảm cúm, sổ mũi, hạ sốt, nhức đầu. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

    Tổng hợp


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ