iPhone 7 dùng adapter có chất âm dở hơn cổng 3.5 thông thường, nhưng bạn có cảm thấy điều đó quan trọng?

    L.H.C,  

    Nếu có than phiền thì hãy than phiền về việc bạn lúc nào cũng phải kè kè một chiếc adapter. Về mặt chất lượng âm thanh, bước chuyển sang adapter của iPhone 7 là vô nghĩa với cả người dùng thông thường lẫn các tín đồ âm thanh.

    Trong một tin tức rất đáng chú ý về chiếc iPhone mới, một tạp chí âm thanh tại Đức đã đưa ra kết quả đo đạc cho thấy chiếc adapter Lightning-3.5 được Apple bán kèm iPhone 7 sẽ khiến cho chất lượng âm thanh trên iPhone 6s và iPad Air bị suy giảm. Cụ thể hơn, bài đo đạc này đưa ra kết luận như sau:

    "Kết quả là khá rõ ràng: với iPhone 6, dynamic range bị suy giảm ở mức 4.5 dB(A) cho file 24-bit. Với iPad Air, kết quả bị suy giảm 3.8 dB(A). Tín hiệu từ file 16-bit cũng tệ hơn mặc dù sự khác biệt không lớn đến như vậy: 1.8 db(A) và 3.1 dB(A) cho iPhone và iPad".

    Nếu đây là một bài thử nghiệm đo đạc chất lượng chip, RAM hay màn hình, chắc hẳn các iFan sẽ sớm "tá hỏa" vì bước thụt lùi đáng lo ngại còn các fandroid sẽ lên mạng chê cười hả hê về quyết định loại bỏ cổng tai nghe của Táo. Nhưng không, đây là một bài đo chất lượng tín hiệu âm thanh chắc chắn sẽ là... vô nghĩa với tất cả mọi người.

    Người dùng bình thường có quan tâm đến chất lượng âm thanh?

    Với đối tượng người dùng phổ thông vốn là mỏ vàng của các hãng smartphone, "24-bit" hay "FLAC" đều là những khái niệm xa vời. Hãy thử hỏi bất kỳ một fan cuồng nào đó của Adele xem người đó có sở hữu 3 đĩa nhạc của cô ca sĩ người Anh dưới các định dạng "hi-res" hay không và 9/10 khả năng là bạn sẽ nhận lại được một ánh nhìn khó hiểu. Yêu âm nhạc và yêu (thiết bị) âm thanh thực chất là 2 khái niệm rất khác biệt.

    Sự thật đáng buồn là với rất nhiều người dùng phổ thông yêu âm nhạc, chất lượng âm thanh trên các thiết bị di động chỉ bao gồm 2 yếu tố: 1, có tiếng và 2, không bị lỗi rè, ù hay vỡ tiếng. Cũng vì lý do này, những chiếc earbud hay in-ear rẻ tiền được bán kèm với điện thoại lại trở thành những chiếc tai nghe phổ biến nhất thế giới và thương hiệu tai nghe "cao cấp" được nhiều người biết đến nhất lại là Beats. Về bản chất, Beats by Dre chỉ là một thương hiệu "phụ kiện thời trang" với khả năng marketing siêu việt mà thôi.

    Trong suốt nhiều năm qua, từ PC desktop lên laptop rồi đến smartphone và tablet, quan niệm của người dùng phổ thông đối với chất lượng âm thanh vẫn luôn là như vậy. Ngày trước, điện thoại Walkman của Sony có chất âm hay hơn hẳn dòng Music Express của Nokia mà vẫn chẳng thể đọ được về doanh số. Ngày nay, gần như bất kỳ một bài so sánh nào giữa smartphone đầu bảng của Samsung, LG, HTC, Sony và Apple cũng đều chỉ xoáy vào thiết kế, tốc độ, trải nghiệm phần mềm và camera. Nếu có nói về âm thanh, có lẽ người ta cũng sẽ chỉ đề cập đến những bộ loa stereo bắt đầu phổ biến trên smartphone Android từ 3 năm trước.

    Vậy nên sự khác biệt một vài db(A) trên file 16-bit (vốn là định dạng phổ biến nhất hiện nay) cũng chưa chắc đã đem lại thay đổi ở mức có thể cảm nhận được. Đừng nhắc đến 24-bit làm gì cả.

    Vậy thì sự thiếu vắng của jack cắm tai nghe trên iPhone 7 sẽ tạo ra sự khác biệt nào với các iFan thông thường? Đầu tiên, họ sẽ phải mang theo mình một adapter khá bất tiện và có thể không "ăn nhập" về màu sắc với những chiếc tai nghe họ đang có. Họ phải chấp nhận lựa chọn giữa sạc pin và nghe nhạc. Thế nhưng, đây đều là những thay đổi ảnh hưởng đến tính tiện dụng của iPhone, và trong trường hợp bạn thực sự bực mình đến mức mua tai nghe Bluetooth của Sony chẳng hạn thì chất âm trên adapter Apple cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa.

    "Audiophile" có quan tâm đến chất lượng âm thanh CỦA ĐIỆN THOẠI?

    Nếu câu trả lời là có thì "audiophile" này hơi... thất bại. Quan tâm đến chất âm của smartphone (hay adapter của smartphone) làm gì nếu như bạn đã có DAC/amp hoặc DAP cao cấp?

    Nếu bạn muốn một chiếc smartphone tốt nhưng lại có âm thanh ở đẳng cấp audiophile, xin chia buồn với bạn. Những nỗ lực biến chính smartphone thành các thiết bị nghe nhạc cao cấp cho đến giờ vẫn chưa thực sự hoàn thiện, bao gồm cả chiếc LG V10 đình đám: tuy có thể coi là "tốt" hơn smartphone thông thường nhưng V10 vẫn chưa thể đạt đến tầm vóc của Astell&Kern hay Aune. Đàn em của V10 là G5 tuy có khả năng gắn module DAC để cải thiện chất âm nhưng lại chẳng được mấy ai quan tâm. Lý do là vì giá của module DAC B&O quá đắt mà chất lượng chưa chắc đã hơn vô số những chiếc DAC/amp giá mềm bán ngoài thị trường.

    Chip DAC cao cấp vẫn sẽ tốn chi phí hơn thông thường, nhưng sự hững hờ của người dùng phổ thông với chất lượng âm thanh khiến cho các mẫu smartphone có DAC "xịn" khó lòng có đất sống. Ở chiều ngược lại, một tên tuổi âm thanh khá nổi tiếng là Marshall năm ngoái đã ra mắt smartphone London có thiết kế đẹp và trải nghiệm âm thanh (có thể) coi là xứng tầm audiophile. Nhưng khi bỏ qua những điểm mạnh đặc trưng cho một thiết bị âm thanh, tất tần tật các yếu tố còn lại như màn hình hiển thị kém, chất lượng chế tác kém, chip Snapdragon 410 hiệu năng kém và chất lượng ảnh chụp kém đều khiến cho chiếc Marshall London trở thành một chiếc smartphone thất bại ở mức giá ngang ngửa iPhone 6s và Galaxy S7.

    Nói tóm lại, việc xây dựng ra một chiếc smartphone chất lượng có âm thanh cao cấp là không hề dễ dàng. Mua smartphone có DAC xịn cũng không phải là quyết định thông minh: ở thời điểm 2016, một chiếc smartphone tốt song hành cùng DAC/amp rời hoặc DAP cao cấp vẫn là hợp lý hơn rất nhiều so với Marshall London hay LG G5 (có module DAC B&O).

    Còn nếu một audiophile đã chấp nhận sử dụng iPhone như một phương tiện nghe nhạc tạm thời trong lúc di chuyển hay làm việc thì họ cũng nên sẵn sàng chấp nhận iPhone 7 adapter bị kém hơn iPhone 6s một vài db(A). Thay đổi ấy có ý nghĩa gì nếu như đằng nào thêm bớt một vài db(A) cũng chẳng thể giúp iPhone đạt đến đẳng cấp audiophile thực sự? Nếu để ý, bạn sẽ thấy các đời iPhone từ trước đến nay đã nhiều lần thay đổi chip âm thanh, những chiếc Galaxy đầu tiên cũng thu hút được một vài sự chú ý nhờ những cái tên như "Wolfson" hay "Yamaha". Nhưng cuối cùng thì bản chất của smartphone vẫn vậy: chúng không thể và không nên là những thiết bị nghe nhạc chất lượng.

    Mà có lẽ, ngay cả nhiều audiophile sở hữu những chiếc tai nghe, amp/DAC hàng chục triệu đồng cũng chẳng hề quan tâm db(A) là cái gì, có ý nghĩa thế nào với chất âm nữa cơ...

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ