TS Nguyễn Bá Hải - Nhà khoa học "điên" với chiếc kính "mắt thần" chỉ đường cho người khiếm thị

    PV,  

    Lặng lẽ nghiên cứu, sáng tạo và đi khắp các tỉnh thành trao kính "mắt thần" cho người khiếm thị, có lẽ TS Nguyễn Bá Hải sẽ vẫn chỉ là một nhà khoa học thầm lặng cho đến khi anh có 10 phút đối thoại cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thuyết phục Thủ tướng đầu tư vào dự án triệu đô của mình.

    Tôi biết TS Nguyễn Bá Hải từ nhiều năm trước, khi anh đã hoàn thành khóa học ở Hàn Quốc và trở về làm Phó bộ môn Điện - điện tử ô tô của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Người giảng viên năm ấy thường chia sẻ mọi cung bậc cảm xúc trên facebook, khi hân hoan, hớn hở vì cùng các sinh viên và cộng sự tạo ra một sản phẩm nào đó, khi thì trăn trở cho cuộc sống của người khiếm thị, người nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhũng hình ảnh và bài viết đa phần xoay quanh máy móc, chế tạo quá xa lạ làm tôi cũng không còn để ý nhiều đến nhà khoa học ấy nữa, cho đến một hôm, anh gửi lời kêu gọi mọi người giúp mình tìm một người mù hát rong trên phố.

    Lời kêu gọi ấy khiến tôi bắt đầu theo dõi anh nhiều hơn, qua bài chia sẻ, anh nói rằng anh xem một đoạn clip về chàng trai mù hát rong kiếm ăn trên đường phố Sài Gòn và muốn tìm gặp người này để tặng anh ấy một chiếc kính đặc biệt. Mọi người không biết chuyện gì xảy ra cho đến một thời gian sau, anh Hải chia sẻ một đoạn clip với nội dung: Tôi đã gặp người mù hát rong này và tặng kính "Mắt thần" cho anh ấy.

     Anh đã xuống đường, tìm kiếm chàng trai mù hát rong trên phố để tự tay trao tặng chiếc kính dẫn đường - (Ảnh cắt từ clip).

    Anh đã xuống đường, tìm kiếm chàng trai mù hát rong trên phố để tự tay trao tặng chiếc kính dẫn đường - (Ảnh cắt từ clip).

    Chiếc kính khi ấy bắt đầu được mọi người bàn tán nhiều hơn. Không ai hiểu cơ chế hoạt động của nó là như thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận rằng chiếc kính ấy đã được sinh ra vì tình thương yêu mà TS Bá Hải muốn dành cho những người nghèo mưu sinh trên đôi mắt mù lòa ở thành phố đầy những hiểm nguy này. Chàng trai mù ấy đã mỉm cười khi đeo chiếc kính do anh Hải chế tạo, và hàng nghìn người khác cũng đã có cùng một nụ cười như thế.

    TS. Nguyễn Bá Hải và dự án "Kính mắt thần" dành cho người khiếm thị.

    Dù cho chiếc kính ấy không thể làm đôi mắt họ sáng lên, dù những phiên bản ban đầu còn nhiều thiếu sót và bất tiện, nhưng nó cũng đã giúp người mù định hướng được đường đi lối rẽ, nó đơn giản là một chiếc kính dẫn đường, nhưng với người mù, đó là cả một niềm tin và hy vọng mới, để họ luôn nhớ rằng ở đâu đó trong cuộc đời này, họ sẽ luôn được một nhà khoa học quan tâm và dẫn lối bằng những cách tốt nhất.

     Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trong phòng làm việc của mình.

    Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trong phòng làm việc của mình.

    Chính vì thế trong vòng 4 năm ròng rã, song song những sản phẩm khác mà anh Hải dày công nghiên cứu, anh vẫn không quên cải tiến kính "Mắt thần" ngày một tốt hơn, từ một chiếc kính nặng cồng kềnh đến 2kg, sau 9 phiên bản, kính "Mắt thần" đã trở về hình dáng của một chiếc kính bình thường, trọng lượng chỉ khoảng 130gr. Không lâu sau, các mạnh thường quân đã cùng anh Hải thành lập công ty Kiến Bình Minh để nghiên cứu, chế tạo. Với mục đích phi lợi nhuận, cho đến nay, với 200 cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng lòng góp sức cùng TS Nguyễn Bá Hải đã mang kính "Mắt thần" đến hàng nghìn người khiếm thị trên khắp cả nước.

     Hàng nghìn chiếc kính Mắt thần phiên bản mới nhất đã đến tay người nghèo khắp cả nước.

    Hàng nghìn chiếc kính "Mắt thần" phiên bản mới nhất đã đến tay người nghèo khắp cả nước.

    Hành trình 4 năm đổi lấy 10 phút đối thoại cùng Thủ tướng

    TS Nguyễn Bá Hải sinh năm 1983 tại Đông Sơn, Thanh Hóa trong một gia đình thuần nông. Từ nhỏ, anh đã yêu thích trồng hoa và thường chạy theo những chiếc xe ô tô đi ngang qua nhà mình. Anh thi đậu á khoa ngành Cơ khí động lực - Đại học Sư phạm Kỹ thuật năm 2001.

    Cuộc sống sinh viên khó khăn với nhiều nghề làm thêm từ bán đồng hồ mắt kính dạo, bán sách cũ, thợ gò hàn,... vừa làm vừa bắt đầu tự học mọi thứ từ tiếng Anh đến vi tính, sau đó anh tốt nghiệp Thủ Khoa ngành Cơ khí động lực và nhận được học bổng chính phủ Hàn Quốc du học chương trình sau đại học. Hoàn thành và báo cáo tốt nghiệp Tiến sĩ khi mới 28 tuổi với 5 phát minh sáng chế có tính ứng dụng cao được doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu cùng với giáo sư của mình. Tuy nhiên anh đã trở về Việt Nam với ước mơ cống hiến và thay đổi đất nước. Hiện tại anh đang là giám đốc Trung tâm Dạy học số của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

    Lặng lẽ nghiên cứu, sáng tạo và đi khắp các tỉnh thành trao kính cho người khác, có lẽ anh vẫn chỉ là một nhà khoa học thầm lặng ít người biết cho đến khi anh xuất hiện trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 tại Bộ Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội vào ngày 11/9.

    70 nhà khoa học trẻ tham dự chương trình lần lượt chia sẻ những dự án, thành tựu của mình với chính phủ. TS Nguyễn Bá Hải là một trong những người cuối cùng nói về sản phẩm của mình, và chính anh đã làm không khí cuộc gặp gỡ nóng lên bởi phần trình bày đầy nhiệt huyết xung quanh những ý tưởng nghiên cứu chế tạo kính dẫn đường cho người khiếm thị, máy pha cà phê, cho đến robot có thể dạy tiếng Anh và con đường đưa các sáng chế của mình vào cuộc sống phục vụ cộng đồng.

    Ngay lập tức, những thông tin của anh thu hút được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng hỏi cặn kẽ từ tác dụng của kính dẫn đường đối với người khiếm thị đến giá thành và nhu cầu thực tế của sản phẩm. TS Bá Hải cho biết anh sẵn sàng tặng sáng chế này cho xã hội, cho Nhà nước. Sau khi nghe báo cáo về hành trình 4 năm của chiếc kính "Mắt thần", Thủ tướng đã quyết định cần hỗ trợ để nhóm nghiên cứu mở rộng dự án có ý nghĩa xã hội này.

     TS Bá Hải đã đổi 4 năm miệt mài cho 10 phút quý giá trong cuộc đời mình để thuyết phục Thủ tướng đầu tư triệu đô vào dự án kính Mắt thần cho người nghèo khiếm thị.

    TS Bá Hải đã đổi 4 năm miệt mài cho 10 phút quý giá trong cuộc đời mình để thuyết phục Thủ tướng đầu tư triệu đô vào dự án kính "Mắt thần" cho người nghèo khiếm thị.

    Chỉ với 10 phút quý báu trong cuộc đời mình, anh đã đã có thể nhìn thấy tương lai cho những kết quả nghiên cứu của mình để có thể đến với cộng đồng ở quy mô mà nếu chỉ mình anh và cộng sự với sự giúp sức của các nhà tài trợ sẽ khó hoặc rất lâu mới đạt được.

    Nhà khoa học gặm bánh mì, kéo violin, ngồi làm thơ và nói chuyện về máy móc

    Trước khi gặp anh Hải, tôi vốn cũng chỉ hình dung TS Nguyễn Bá Hải là một nhà khoa học như bao nhà khoa học khác, thích nghiên cứu, sáng tạo, thích nói chuyện cơ khí, điện tử và bận rộn cả ngày với lịch giảng dạy và chế tạo. Thật ra, anh Hải thú vị hơn chúng ta tưởng, anh có những suy nghĩ, những việc làm và trải nghiệm chẳng giống ai, nên không ít người gán cho anh cái tên là nhà khoa học "điên".

    Vậy nhưng anh Hải... "điên" thật, một cái "điên" cực chất và lạ, nó giúp anh sở hữu được không gian làm việc và nghiên cứu cùng các cộng sự trong khu vườn truyền đầy cảm hứng ở khuôn viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM. Chỉ cách đây 2 năm, nơi đó vốn là một căn nhà kho xập xệ, bỏ hoang, nhìn ra một bãi đất đầy cỏ dại mọc um tùm không người chăm sóc.

    Anh Hải khi ấy đã từ bỏ mức lương đáng mơ ước ở Hàn Quốc để trở về làm giảng viên ở trường, vì muốn có không gian riêng để nghiên cứu, sáng tạo, anh xin thầy Hiệu trưởng cho cải tạo lại khu vực này vừa là chỗ làm việc của Trung tâm Dạy học số, vừa cho "mọc" lên một ngôi nhà container do anh và cộng sự tự xây dựng để có không gian nghỉ ngơi, đọc sách và ươm mầm những hạt giống sáng tạo trong nhóm mình.

     Khu vườn riêng với ngôi nhà container nơi anh Hải nghỉ ngơi để sáng tạo.

    Khu vườn riêng với ngôi nhà container nơi anh Hải nghỉ ngơi để sáng tạo.

    Cứ đúng 6h30 hàng ngày sẽ có khoảng 5,6 sinh viên nhổ cỏ dại, nhặt lá vàng giúp làm sạch khu vườn, họ nói: "Muốn theo thầy Hải phải học cách chăm sóc khu vườn, rèn tính kiên nhẫn, nếu ai không theo nhặt lá nhổ cỏ mỗi ngày được thì thầy không nhận vào nhóm nghiên cứu đâu".

    Đến khoảng 7h sáng, TS Bá Hải với ổ bánh mì trên tay, ngồi gặm ngon lành ở băng ghế đá trước ngôi nhà container của anh. Đó là khoảng thời gian tạo cảm hứng nhất cho anh trong ngày, là lúc những ánh nắng đầu tiên của ngày mới rọi vào thế giới nhỏ của anh, nơi anh có đủ mọi thứ để an nhiên và hạnh phúc. Sinh viên nhổ cỏ và chăm sóc cây, các cộng sự chào ngày mới và nói với anh về những kế hoạch trong ngày, các thầy cô ở trường Đại học ghé vào khu vườn của anh để dùng ly cafe được làm từ chiếc máy pha cafe do anh thiết kế.

     Anh cùng các cộng sự trao đổi về quá trình nghiên cứu máy pha cafe.

    Anh cùng các cộng sự trao đổi về quá trình nghiên cứu máy pha cafe.

    Anh Hải có thể nói về gia tốc, vận tốc, modun, các câu chuyện về kỹ thuật và những ý tưởng sáng tạo suốt cả ngày mà không chán. Những lúc như thế, mắt anh lại long lên niềm vui sướng, hứng khởi, như một đứa trẻ hân hoan chia sẻ niềm vui của mình đến người khác. Nói chuyện máy móc chán chê, anh chuyển sang.... làm thơ, hoặc kéo đàn violin. Anh nói: "Mỗi lần tôi kéo đàn là mọi người sợ, bỏ chạy hết (cười), tôi có biết chơi đâu, nhưng mỗi khi buồn, mỗi lúc tâm trạng rối bời, tôi lại mang đàn ra kéo, đến khi nào tiếng đàn không còn đứt quãng, khi nào thanh âm xuyên suốt một mạch êm ru, thì tôi biết mình đã lấy lại được thăng bằng và tĩnh tâm để tiếp tục làm việc rồi".

    Cách chơi đàn của anh Hải khác biệt là thế, cách anh ấy làm thơ cũng... kỳ quái không kém. Anh kể, có hôm anh thức dậy lúc 3h sáng, từ Thủ Đức anh đạp xe 15km lên Nhà thờ Đức Bà ngắm bình minh và... ngâm thơ, sau đó lại đạp xe về. Trên đường đi anh tự đặt ra cho mình những câu hỏi: "Vì sao mình được sinh ra", "Mình đang muốn làm gì?", "Đạp xe vào sáng sớm thì được gì?"... Anh bảo, cuộc sống thú vị nhờ những lúc chúng ta đi tìm kiếm và trả lời những câu hỏi đó.

    Rồi anh cũng trả lời cho những bài toán mà mình đưa ra, chẳng hạn như khi con người rơi từ độ cao 20m xuống mặt nước thì gia tốc là bao nhiêu, tiếp xúc với mặt nước sẽ bị ảnh hưởng thế nào, rồi anh... đem thân mình ra để thử nghiệm. Trong những ngày còn ở Hàn Quốc, nhân một chuyến đi đến một con sông và có cơ hội đứng trên vách đá cao 20m để nhảy lộn vòng xuống nước. Anh rút ra được kết luận: khi rơi từ độ cao 20m với gia tốc 9,8m/s thì mặt nước sẽ trở thành... bê tông. Và vì anh đã lộn không đủ vòng nên đập mạnh toàn bộ thân mình xuống mặt nước đã hóa bê tông đó, xuất huyết toàn thân, nhập viện cấp cứu nhưng may mắn đã qua khỏi.

    Tự đặt câu hỏi và trả lời, anh cũng đã từng hỏi: "Nếu con mình sinh ra mà bị mù thì thế nào?", và rồi anh nghĩ ra cách chế tạo một chiếc kính dẫn đường. "Tôi nỗ lực nghiên cứu ra kính "Mắt thần", trước tiên là cho chính mình và người thân của mình sử dụng nếu trường hợp xấu xảy ra như vậy. Nên việc nghiên cứu không chỉ là thương người mù ngoài xã hội, mà còn thương cho chính mình nữa", anh nói.

    Dù vậy, nhưng khi hoàn thành chiếc kính đầu tiên và trao tặng cho người khiếm thị, anh mới cảm thấy sứ mệnh của mình không chỉ dừng lại ở việc làm kính để cho vui, mà còn muốn nhân rộng ra hơn, muốn chiếc kính đến tay nhiều người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước.

    Hiện tại, anh và các cộng sự vẫn không ngừng chế tạo hàng trăm chiếc kính mỗi tháng. Mọi quy trình hiện tại đã đi vào guồng nên 80% chiếc kính được tạo ra từ công nghệ, máy móc hiện đại, chỉ 20% phải gia công bằng tay. Anh nói, ngày trước tạo chiếc kính màu đen nhưng khi đến trường trung học đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, các em nhỏ nói muốn có một chiếc kính màu trắng nên anh đã thay đổi kiểu dáng và tròng kính cho phù hợp với sở thích của các em.

    Anh vẫn ấp ủ sẽ hoàn thành xong những tính năng mới của chiếc kính như sẽ có sách nói, có hướng dẫn người khiếm thị rẽ trái phải, cảnh báo vật cản bằng giọng nói, có thêm chức năng báo giờ, nghe nhạc, điều khiển không dây.

    Trong những lần tiếp xúc với người khiếm thị tại các Hội người mù trong thành phố, tôi cũng đã được nghe họ nói về chiếc kính của anh Hải. Tất nhiên có người không quen dùng, có bác chê dây nhợ rối quá, nhưng cũng có nhiều người đã đeo chiếc kính này để đi bán vé số, hàng rong khắp phố phường Sài Gòn mà lòng cảm thấy yên tâm hơn vì không phải lo va vào cột điện, đuôi xe tải. Tất cả những góp ý của mọi người về hạn chế của chiếc kính "Mắt thần", anh Hải đã ghi nhận và khắc phục, kính "Mắt thần" phiên bản mới với nhiều chức năng hơn sẽ được ra mắt vào năm sau, trong sự mong đợi của tất cả mọi người.

    "Tôi không thể chữa sáng mắt cho người khiếm thị, nhưng tôi hy vọng khi đeo chiếc kính "Mắt thần", họ sẽ cảm nhận được thế giới xung quanh mình, có thể có những phút giây thư giãn như tất cả chúng ta. Mang những màu sắc cuộc sống vào một đôi mắt của người mù khó lắm, nhưng tôi tin chúng tôi những người trẻ Việt Nam và cộng đồng sẽ chung tay làm được", anh Hải chia sẻ.

    TS Nguyễn Bá Hải là một trong 20 đề cử của hạng mục Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015.

    Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2015 chính thức được mở vào ngày 8/1 để độc giả tham gia vote cho những đề cử của mình tại tất cả các hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng năm nay.

    Ở giải thưởng WeChoice mùa 2, độc giả chỉ có thể bình chọn cho các đề cử qua app WeChoice Awards được tích hợp trong ứng dụng đọc tin Kenh14.vn. Download tại đây: trên IOS và trên Android.

    Vào ngày 26/1, cổng bình chọn sẽ được đóng. Sau đó, BTC sẽ công bố những cái tên được vinh danh nằm trong các hạng mục giải thưởng của WeChoice Awards 2015 thông qua lễ trao giải được tổ chức tại Tp.HCM.

    Theo Kênh14/Trí Thức Trẻ

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ