Kỷ nguyên nhân bản người đang đến, và chúng ta vẫn còn chưa quyết định được có nên làm vậy hay không

    zknight,  

    Mọi thứ sức mạnh của khoa học đều ẩn chứa mối đe dọa.

    Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thế giới về cơ bản đã đạt đến một nền hòa bình ổn định. Đó là lúc chúng ta đặt rất nhiều kỳ vọng cho những tiến bộ khoa học, sẽ tạo nên muôn vàn điều kỳ diệu trong thế kỷ 21 tới.

    Một trong số những kỳ vọng ấy không gì khác chính là công nghệ tế bào gốc, lĩnh vực đứng bên cạnh một bước đột phá năm 1996: Khi con người lần đầu tiên chứng minh họ có thể nhân bản sinh vật có vú, một con cừu giống Dorset Phần Lan được đặt cho cái tên Dolly.

    Kể từ đó đến nay đã tròn một phần năm thế kỷ, công nghệ tế bào gốc dĩ nhiên đã không làm cho con người thất vọng. Nó đã được ứng dụng để chữa trị ung thư, bệnh thần kinh, tim mạch và thậm chí là trong phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, rõ ràng chúng ta vẫn chưa chứng kiến được "điều kỳ diệu" mà khoa học ám chỉ.

    Vào những năm cuối cùng của thế kỷ trước, một số nhà khoa học từng muốn có một "người Dolly". Hoặc một con người có thể được tạo ra từ chỉ hai bào gốc của cùng một người, một sẽ được biến thành tế bào trứng, một sẽ trở thành tinh trùng.

    Có thể tạo ra những con người từ tế bào gốc, hay thậm chí là hàng loạt con người nhân bản theo cách này, dường như không nằm ngoài tầm với của khoa học. Nhưng liệu mong đợi điều kỳ diệu ấy ngay lúc này có là quá sớm?

    Một số nhà khoa học nói rằng: Không! Chúng ta không những mong đợi mà còn phải chuẩn bị và dẹp mọi con đường để sẵn sàng chờ đón thời khắc đó: Ngày mà một con người có thể được tạo ra từ những tế bào gốc.

     Kỷ nguyên nhân bản người đang đến, chúng ta phải chuẩn bị ngay lúc này

    Kỷ nguyên nhân bản người đang đến, chúng ta phải chuẩn bị ngay lúc này

    Quá trình tạo ra một con người từ những tế bào gốc được gọi là IVG (In Vitro Gametogenesis), hình thành giao tử trong ống nghiệm. Trong mặt bằng nổi của những nghiên cứu khoa học được công bố, chúng ta chưa bao giờ chứng kiến kỹ thuật này được thực hiện thành công trên tế bào người.

    Có nhà khoa học nào từng thử nghiệm thành công điều đó một cách bí mật? Đó là điều chúng ta không biết chắc. Nhưng ở phía mặt "sáng" của khoa học, IVG còn đang gặp nhiều khó khăn trên động vật linh trưởng. Với những loài bậc thấp hơn như chuột thì kỹ thuật này đã được thực hiện thành công.

    Ít ra, đó cũng là cơ sở cho thấy con người sớm muộn cũng làm chủ được IVG. Bởi vậy, trong một bài báo khoa học vừa công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, các nhà nghiên cứu lập luận rằng: Bây giờ chính là thời điểm chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề đạo đức và văn hóa, xung quanh công nghệ tế bào gốc này.

    Là một trong 3 tác giả, Eli Adashi, giáo sư y khoa tại Đại học Brown nói rằng những lợi ích của công nghệ IVG đã hiện hình rất rõ ràng. Khi lợi ích xuất hiện, sẽ có những người đứng lên đấu tranh cho sự tồn tại của nó, một minh chứng cho rằng kỷ nguyên của IVG đang đến.

    Bạn hãy tưởng tượng có một cô gái trẻ mắc ung thư. Cô đã trải qua những đợt hóa xạ trị và đang trong quá trình bình phục”. Mặc dù vậy, trong những năm tháng còn lại sau này, cô muốn tìm cho mình một mục đích sống, còn điều gì có thể ý nghĩa hơn một đứa bé?

    Nhưng cô gái ấy đã mất khả năng sinh sản sau quá trình điều trị ung thư”, giáo sư Adashi nói. Trong một trường hợp như vậy ngày hôm nay, cô gái sẽ cần phải có trứng của người hiến tặng. Tuy nhiên, khắc phục vô sinh ở phụ nữ không hề đơn giản. Các bác sĩ không thể dễ dàng tạo ra hoặc phục hồi trứng từ một người phụ nữ, đơn giản như làm với tinh trùng của đàn ông, giáo sư Adashi giải thích.

    Công nghệ IVG sẽ là cứu cánh cho tình huống ấy, mà không cần quá trình chờ đợi trứng hiến tặng rất phức tạp và tốn kém. Các bác sĩ đơn giản là dùng tăm bông lấy một tế bào gốc trên má của người phụ nữ, nuôi cấy nó trong ống nghiệm và sẽ có đủ, bất kể bao nhiêu, số trứng mà họ cần, để sinh ra bao nhiêu đứa bé mà họ muốn.

    Tương tự thì những người đàn ông hiếm muộn do rối loạn di truyền cũng sẽ hưởng lợi ích rất lớn từ IVG. Các bác sĩ có thể lấy một tế bào gốc của anh ta để tạo ra một nguồn cung vô hạn tinh trùng.

    Cuối cùng thì IVG có thể làm cho công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có giá rẻ hơn rất nhiều. Các cặp vợ chồng sẽ không phải trải qua hàng ngày trời xét nghiệm, lấy tế bào phức tạp rồi có khi gặp những rủi ro chớ trêu như những đứa bé lẫn lộn cha mẹ.

    Họ chỉ cần ngồi vài phút trong phòng khám, các bác sĩ cầm hai chiếc tăm bông và thế là xong, hãy chờ đợi 9 tháng sau để có được đứa bé.

    Những người có thể đang mong đợi công nghệ IVG nhất có lẽ là những cặp đôi đồng tính. Bởi công nghệ này có thể tạo ra một đứa bé chia sẻ DNA của cả hai người. Họ sẽ thực sự trở thành một cặp cha mẹ, bất kể thuộc giới tính nào đi chăng nữa.

     Khi lợi ích xuất hiện, sẽ có những người đứng lên đấu tranh cho sự tồn tại của nhân bản bằng tế bào gốc

    Khi lợi ích xuất hiện, sẽ có những người đứng lên đấu tranh cho sự tồn tại của nhân bản bằng tế bào gốc

    Với tất cả những lợi ích ấy, điều gì đang cản trở sự phát triển của IVG? Đó cũng là vấn đề mà bài báo của Giáo sư Adashi đề cập đến. Có một ranh giới mà các nhà khoa học phải đối mặt bây giờ và trong tương lai: đạo đức.

    Mặc dù cũng phải nói rằng, bất kể một công nghệ mới nào liên quan đến việc tạo ra con người đều phải trải qua các bài kiểm tra khắt khe: từ môi trường phòng thí nghiệm (in vitro) cho tới trên sinh vật sống (in vivo), từ động vật bậc thấp cho tới linh trưởng và con người.

    Họ phải đảm bảo rằng bất kể đứa bé nào sinh ra trong quá trình này đều có sức khỏe tốt và sống như một người bình thường. Với những gì đã làm được trong quá khứ, chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng sớm muộn khoa học cũng sẽ đạt tới giới hạn đó.

    Nhưng sau đó thì sao? Vấn đề phải đối mặt tiếp theo đến từ chính những ưu việt của IVG.

    Nếu bạn có một nguồn cung vô tận của trứng và tinh trùng, chắc chắn sẽ có rất nhiều phôi thai được tạo ra”, Giáo sư Adashi nói. Nếu một nhóm số lượng lớn phôi được tạo thành, dù cho mục đích là tạo ra những đứa trẻ, hay chỉ để nghiên cứu khoa học, có khả năng rất nhiều phôi sẽ phải bị tiêu hủy, vô tình có, cố ý có.

    Trên một khía cạnh của đạo đức con người hiện tại, phá hủy phôi đồng nghĩa với giết người.

    Không phải là một vấn đề quá mới, những câu hỏi đạo đức đặt ra xung quanh tế bào gốc và phôi người vẫn luôn bủa vây lĩnh vực nghiên cứu này trong nhiều năm nay, thậm chí có lúc còn trở thành vấn đề chính trị.

    IVG đã luôn mở đầu cho những cuộc tranh luận. Và khi chúng ta ngày càng tiến gần đến thời khắc áp dụng thành công nó trên người, các cuộc tranh luận sẽ ngày càng dày đặc hơn. Ví dụ như những nhóm hoạt động vì nhân quyền sẽ phản đối IVG, trong khi những cặp đôi đồng tính và vợ chồng hiếm muộn có thể ủng hộ nó.

     Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ có thể nhân bản vô tính con người nếu được chấp nhận

    Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ có thể nhân bản vô tính con người nếu được chấp nhận

    Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đâu đó trên hành tinh vào ngay thời điểm này các thí nghiệm IVG vẫn đang được tiến hành. Một số nhà khoa học sẽ không tham gia vào bất kể một cuộc thảo luận nào vì mục đích của họ chỉ là được nhìn thấy “điều kì diệu” trong cuộc đời mình.

    Năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc đã mạnh dạn tuyên bố rằng họ có thể nhân bản con người nếu được chấp nhận. Thậm chí, có hẳn một nhà máy nhân bản đã được xây dựng ở Thiên Tân để "chờ sẵn". Trước mắt, họ sẽ sử dụng nó để nhân bản vô tính bò và thử nghiệm với động vật linh trưởng.

    Mười hay hai mươi năm không phải một thời gian quá dài”, Giáo sư Adashi nói. Nó có thể là khoảng thời gian đủ để bạn tin tưởng rằng ở đâu đó trên hành tinh này đã có một bào thai người IVG được sinh ra. Hoặc cũng có thể là chúng ta đang nói quá lên vấn đề, nhưng bài học là đừng để nước đến chân mới nhảy.

    Qua bài báo khoa học của mình, Giáo sư Adashi và các đồng nghiệp muốn nhắn nhủ rằng: “Chúng ta không thể chờ đợi đến thời điểm đó. Hãy bắt đầu những cuộc thảo luận về đạo đức ngay bây giờ. Giống như bất kể một cuộc thảo luận nào, nó sẽ mất rất nhiều thời gian”.

    Nếu những cuộc thảo luận không được bắt đầu ngay lúc này, có nhiều khả năng con người sẽ phải đối mặt với một hậu quả đáng tiếc. Mọi thứ sức mạnh của khoa học đều ẩn chứa mối đe dọa như vậy, trước đây là năng lượng hạt nhân, bây giờ là chỉnh sửa gen và công nghệ tế bào gốc.

    Đừng đợi cho tới khi một bài báo trên Science hay Nature tuyên bố các nhà khoa học đã tạo phôi người thành công với IVG. Bây giờ, chính là thời điểm mà nhân loại phải “nghị sự” về việc tạo ra những con người từ tế bào gốc. “Chúng ta cần phải sẵn sàng cho điều đó, càng sớm càng tốt”, giáo sư Adashi cảnh báo.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày