"Lên sàn" bao nhiêu tỷ đô đi chăng nữa thì Xiaomi vẫn khó có thể trường tồn vì một yếu tố căn bản: Sáng tạo

    Liam,  

    Có thứ gì Xiaomi làm là thực sự mới mẻ, hay tất cả chỉ là copy trắng trợn và chạy đua về giá?

    Nếu chọn ra một năm đáng nhớ nhất trong lịch sử Xiaomi thì chắc chắn các fan của Hạt Gạo Nhỏ sẽ chọn 2018. Liên tiếp sau khi vén màn 2 mẫu smartphone “đỉnh”, Tiểu Mễ đã quyết định IPO với mức giá trị thị trường được hy vọng vào khoảng 50-70 tỷ USD.

    Nhưng dù có trở thành một công ty trị giá hàng chục tỷ đô, dù có đứng thứ 6 thế giới về lượng smartphone xuất xưởng, Xiaomi vẫn khó có thể đứng chung một đẳng cấp với Apple, Samsung hay Huawei.

    Đầu bảng kiểu Xiaomi

    Lên sàn bao nhiêu tỷ đô đi chăng nữa thì Xiaomi vẫn khó có thể trường tồn vì một yếu tố căn bản: Sáng tạo - Ảnh 1.

    "Sáng tạo" kiểu Xiaomi...

    Hãy cứ nhìn vào thế hệ Mi đầu bảng mới nhất và bạn sẽ nhanh chóng hiểu tại sao. Đầu tiên là “nhìn” theo nghĩa đen: Mi 8 có vẻ ngoài gần như giống hệt Apple. Ở mặt trước, Xiaomi cũng chẳng quên copy “tai thỏ”, thứ thiết kế vô nghĩa vốn được Apple ra mắt vì chưa thể giải quyết vấn đề đặt camera xuống dưới màn hình.

    Câu chuyện sáng tạo của Xiaomi thực chất chỉ bao gồm những cuộc bám đuổi với Apple và các hãng khác – ví dụ như khi Xiaomi đặt tên phablet của mình là Note (“sổ ghi chép”) mà chẳng hề có bút stylus như Samsung. Bên cạnh hàng chục lần copy, Xiaomi chưa một lần nào đưa ra một ý tưởng nào thực sự mới mẻ cả. Hãy nhìn vào Mi 8: tai thỏ của Apple, thiết kế của Apple, chip Snapdragon thì hãng nào cũng có, OLED thì của Samsung sản xuất. Linh kiện mặt lưng hóa ra cũng chỉ là... fake, chưa kể HTC đã có ý tưởng đó từ trước. Nói tóm lại, Mi 8 thực sự có gì tự sáng tạo?

    Điểm 0 cho độc đáo

    Lên sàn bao nhiêu tỷ đô đi chăng nữa thì Xiaomi vẫn khó có thể trường tồn vì một yếu tố căn bản: Sáng tạo - Ảnh 2.

    Thứ duy nhất Xiaomi có riêng lại khá... ngớ ngẩn: camera đặt ở góc dưới màn hình.

    Câu trả lời rõ ràng là “không”. Và ngay cả chiếc smartphone tầm trung khác của Xiaomi là Mi Mix cũng gần như rơi vào tình huống tương tự. Mi Mix có 2 điểm đặc biệt, một là lớp vỏ gốm. Chưa bàn đến mức độ dễ vỡ, vỏ gốm không phải là ý tưởng mới – Motorola đã đem chất liệu này lên chiếc Moto X đình đám của năm 2013.

    Điểm đặc biệt thứ hai có lẽ cũng là ý tưởng sáng tạo duy nhất của Xiaomi trong cả lịch sử: thu nhỏ camera mặt trước vào phần viền dày cộm phía dưới. Rất nhanh chóng, ý tưởng lạ đời này bị chê giới chuyên môn chê tơi bời, và đến nay cũng chẳng có ai thèm “học” theo Xiaomi cả.

    Nói cách khác, chẳng hề mở ra được một thứ gì mới mẻ và có ích cho toàn bộ thị trường di động. Xiaomi không có những di sản mang tầm vóc khuynh đảo cả một ngành công nghiệp, như cái cách HTC, LG và Huawei đã tiên phong cho camera kép, như Samsung đã từng khai sáng ra cả một danh mục phablet, và như Apple đã từng mở cửa cho khái niệm “modern smartphone” tràn ngập thế giới.

    Lên sàn bao nhiêu tỷ đô đi chăng nữa thì Xiaomi vẫn khó có thể trường tồn vì một yếu tố căn bản: Sáng tạo - Ảnh 3.

    Còn lâu Xiaomi mới đạt đến đẳng cấp có thể tạo ra xu hướng cho cả thị trường học theo.

    Chính những điều này đang khiến trị giá thị trường của Xiaomi bị giảm hẳn 30 tỷ USD so với mức dự đoán ban đầu: các nhà đầu tư khó có lý do để tin rằng Xiaomi sẽ trường tồn. Do cuộc chiến smartphone đã bão hòa tăng trưởng và đang chuyển hướng sang nâng cấp, sức sáng tạo – hoặc chí ít là sự “độc nhất” – sẽ là yếu tố duy nhất cho phép các công ty có thể đảm bảo tương lai của mình. Nếu cứ tiếp tục tung ra các bản sao mờ nhạt của smartphone mang thương hiệu Táo, sẽ có ngày Xiaomi hụt hơi. Và khi đó, con số IPO của ngày hôm nay dù có lớn đến mấy cũng sẽ là vô nghĩa.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ