LG G7 ThinQ: Thà rằng từ bỏ ngay ban đầu

    Liam,  

    Không đèn, không trống và cũng không có những sân khấu hoành tráng tại London hay bất kỳ một hội chợ công nghệ nào, mẫu đầu bảng của LG đã chính thức ra mắt. Và cũng không có nghi ngờ gì cả, đây là chiếc điện thoại nhàm chán nhất của LG trong suốt 5 năm qua.

    Có lẽ là kể từ G4 đến nay, LG vẫn chưa có nổi một lần ra mắt smartphone đầu bảng được thực sự thành công. Từ sự cố bootloop cho đến những module mở rộng đắt tiền và thừa thãi, từ lỗi tản nhiệt buộc G4 phải sử dụng chip Snapdragon 808 “hạng hai” cho đến lỗi màn hình trên chiếc Pixel 2 XL sản xuất “hộ” Google năm ngoái, dường như những chiếc smartphone đắt tiền của LG luôn luôn bị nguyền rủa.

    LG G7 ThinQ: Thà rằng từ bỏ ngay ban đầu - Ảnh 1.

    Chậm chân 2 tháng so với đối thủ Galaxy S9...

    Chiếc G7 năm nay cũng vậy. Khi các đối thủ đang chuẩn bị vén màn smartphone đầu bảng tại MWC, CEO của LG bất ngờ gây sốc khi yêu cầu bộ phận di động phải “đập đi dựng lại” thiết kế đã có sẵn. 4 tháng đầu năm qua đi, gã khổng lồ Hàn Quốc không hề có câu trả lời dành cho iPhone X hay Galaxy S9.

    Những tưởng LG sẽ chấp nhận lùi một bước để phục hận thật mạnh mẽ, nhưng những hình ảnh rò rỉ về một chiếc G7 có "tai thỏ" vẫn cứ liên tiếp xuất hiện suốt từ MWC tới nay. Đến tuần này thì “rò rỉ” trở thành chính thức: mẫu LG cao cấp nhất cũng đã có “tai thỏ” như iPhone X (và cả một binh đoàn smartphone Trung Quốc). Một nhà sản xuất từng đem lại vô vàn hy vọng cho các fan Android bằng G2 và Nexus 4, nay lại quay ra chạy theo tính năng ngớ ngẩn nhất của Apple.

    LG G7 ThinQ: Thà rằng từ bỏ ngay ban đầu - Ảnh 2.

    Tai thỏ và hình nền theo phong cách iPhone X...

    Đáng tiếc rằng nếu không nói về “tai thỏ” thì G7 ThinQ cũng gần như chẳng còn gì đáng nói nữa cả. Cấu hình chiếc smartphone này rất mạnh, nhưng thị trường đâu thiếu các sản phẩm chạy Snapdragon 845 và 4GB RAM. Thiết kế của G7 ThinQ không hề xấu, nhưng các đường nét thì quá ư nhạt nhẽo khi đứng cạnh các đối thủ cao cấp. Tính năng camera AI được đặt hẳn thành tên sản phẩm (ThinQ), nhưng “nhận diện vật thể để điều chỉnh khung hình” không phải là bất cứ thứ gì mới mẻ - chưa kể LG cũng chẳng thể thiết kế thuật toán và chip riêng để đẩy mạnh hình ảnh như Apple hay Google.

    Điểm cộng riêng duy nhất của G7 là bộ Quad-DAC cho chất lượng âm thanh cao cấp. Trong một thế giới nơi cái chết của cổng tai nghe cũng chẳng thể khiến bất kỳ nhà sản xuất nào gặp khó, Quad-DAC sẽ đưa G7 đi xa tới đâu?

    LG G7 ThinQ: Thà rằng từ bỏ ngay ban đầu - Ảnh 3.

    Thiết kế không còn chút nỗ lực nào cả...

    Cũng giống như Galaxy S9, LG G7 không phải là một sản phẩm có thể đem lại cảm giác tươi mới. Khác với Galaxy S9, LG G7 không mang trong mình một thương hiệu đã liên tục đứng đầu thị trường Android cao cấp trong nửa thập kỷ vừa qua. Ở vị thế bất lợi cả về thị phần lẫn thời gian, mẫu LG đầu bảng năm nay thậm chí còn không mang trong mình bất kỳ một niềm cảm hứng hay một quyết tâm “phục hận” nào cả.

    Thà rằng LG bỏ qua luôn thế hệ G của năm nay. Thà rằng gã khổng lồ Hàn Quốc tập trung sáng tạo để phục hận với V40. Nhưng không, LG vẫn cố gắng một cách bệ rạc, cố gắng tạo ra một chiếc smartphone "đầu bảng" không khác gì một lá cờ trắng trước Apple và Samsung.

    Thông điệp đính kèm lá cờ trắng ấy? "Smartphone của chúng tôi đã thất bại nhiều năm, giờ chúng tôi chỉ làm sản phẩm theo kiểu ‘cho nó có’ mà thôi”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày