Liên Hợp Quốc: Tầng ozon sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060 nhưng cả thế giới vẫn cần chung tay, góp sức hơn nữa

    Thiên Long,  

    Các nhà khoa học ước tính, tầng ozon ở Bắc Bán Cầu sẽ hồi phục trở lại trong hơn một thập kỷ tới và sau khoảng 30 năm tiếp theo, tầng ozon ở Nam Bán Cầu sẽ trở lại nguyên vẹn lại như xưa.

    Cách đây khoảng 30 năm trước, thế giới đã cùng nhau chung tay ký Nghị định thư Montreal 1989, nhằm cắt giảm khí thải phá hủy tầng ozon và cứu Trái Đất khỏi nguy cơ bị tia cực tím tấn công.

    Liên Hợp Quốc: Tầng ozon sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060 nhưng cả thế giới vẫn cần chung tay, góp sức hơn nữa - Ảnh 1.

    Sau hơn 30 năm các nước chung tay cắt giảm CFC và các khí nhà kính độc hại, gây nguy hiểm cho tầng ozon, có vẻ như mọi thứ đang dần tiến triển tốt hơn.

    Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, tầng ozon tại bắc Bán Cầu có thể hồi phục vào năm 2030 và Nam Bán Cầu là 2060.

    Tất nhiên những chất cấm như CFC có thể vẫn đang phát thải ở một nơi nào đó trên thế giới mà chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng rõ ràng với sự chung tay của các quốc gia và việc giảm thiểu triệt để khí CFC trong ngành công nghiệp điện lạnh đã giúp mọi thứ dần tốt lên.

    Hồi năm 2016, các nhà nghiên cứu tại MIT (Viện công nghệ Massachuset) đã phát hiện thấy những dấu hiệu  hồi phục đầu tiên của tầng ozon tại Nam Cực. Trong khi đó, nghiên cứu đánh giá sự suy giảm tầng ozon 2018 do các bên như NASA, Liên Hơp Quốc và Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã mang tới nhiều tin vui.

    Báo cáo chỉ ra tầng ozon đang dần tái tạo với tốc độ từ 1-3% mỗi thập kỷ kể từ năm 2000. Theo đà này, tầng ozon sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060 trước khi lỗ thủng dần được vá lại vào những năm 2050.

    Dự đoán khả quan trên có được từ quá trình phân tích các chất làm suy giảm tầng ozon trong khí quyển. Theo các nhà nghiên cứu, nồng độ các chất hóa học nguy hiểm này đã giảm xuống khá nhiều. Đây là một thông tin vui bất chấp gần đây giới khoa học rộ lên tin đồn cho rằng vẫn đang có một nguồn phát thải CFC bí mật trên Trái Đất chưa bị ngăn chặn và nó xuất phát chủ yếu ở khu vực Đông Á.

    Liên Hợp Quốc: Tầng ozon sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060 nhưng cả thế giới vẫn cần chung tay, góp sức hơn nữa - Ảnh 2.

    Vào năm 2010, chất CFC-11 đã bị liệt vào danh sách các hóa chất bị cấm sử dụng của Nghị định thư Montreal. Tuy nhiên các nhà khoa học phát hiện thấy cho đến nay, nồng độ chất CFC-11 trong không khí vẫn không hề suy giảm.

    Tháng 5/2018, các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra, mức độ CFC-11 trong giai đoạn 2014-2016 đang cao hơn 25% so với mức trung bình giữa năm 2002-2012. Điều này phần nào khẳng định đã có một nguồn phát thải khí CFC-11 mới mà chúng ta chưa thể tìm ra.

    Cách đây không lâu, tổ chức điều tra môi trường (EIA) đã phần nào tìm ra một nguồn phát thải. Họ đã điều tra 22 công ty tại 10 tỉnh ở Trung Quốc. Trong đó 18 công ty bị phát hiện sử dụng CFC-11 trong sản xuất bọt xốp cách nhiệt. Phía Trung Quốc sau đó cũng đã thực hiện một chiến dịch xử lý các công ty trên nhưng hiện chưa công bố mức độ thiệt hại.

    Bản sửa đổi, bổ sung Kigali cho Nghị định thư Montreal dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019. Theo đó sẽ có thêm hóa chất mới bị cấm sản xuất và sử dụng trong công nghiệp để tránh gây tác hại cho tầng ozon, đó là hydrofluorocarbons.

    Các nhà khoa học và môi trường đang rất kỳ vọng vào những bước tiến tiếp theo của Nghị định thư Montreal trong việc "chữa lành" tầng ozon và đem tới một bầu khí quyển an toàn cho nhân loại.

    Tham khảo Newatlas

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ