Liệu pháp miễn dịch chữa khỏi nhiều loại ung thư di căn chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất?

    zknight,  

    Bệnh nhân đang có cơ hội rất cao được tiếp cận với phương pháp điều trị mới này.

    Trong một nghiên cứu mới của Trường Y Đại học Stanford, các nhà khoa học đã tìm ra được một liệu pháp miễn dịch rẻ tiền, đặc hiệu nhưng có khả năng điều trị nhiều loại ung thư có khối u rắn khác nhau bao gồm: ung thư hạch, ung thư vú, đại tràng và ung thư da...

    Thử nghiệm được thực hiện trên chuột, chỉ với một mũi tiêm duy nhất, chứa 2 chất kích thích miễn dịch, các nhà khoa học đã xóa được toàn bộ dấu vết của ung thư trên cơ thể chúng, kể cả khối u 'di căn' cách xa khu vực mũi tiêm.

    Bởi kết quả đến bước này đã rất khả quan, một nhóm bệnh nhân mắc ung thư hạch lymphoma đang được tuyển chọn để tham gia thử nghiệm lâm sàng loại thuốc mới này trên người.

     Tác giả nghiên cứu: Giáo sư Ronald Levy và Sagiv-Barfi tại Đại học Stanford

    Tác giả nghiên cứu: Giáo sư Ronald Levy và Sagiv-Barfi tại Đại học Stanford

    Khi chúng tôi kết hợp 2 tác nhân miễn dịch với nhau, chúng tôi thấy sự suy giảm của các khối u trên toàn bộ cơ thể”, bác sĩ Ronald Levy, giáo sư ung thư học tại Stanford cho biết. “Cách tiếp cận này không cần nhắm mục tiêu miễn dịch đặc hiệu của khối u, không đòi hỏi kích hoạt trên diện rộng và chỉnh sửa gen các tế bào miễn dịch của bệnh nhân”.

    Bởi sự đơn giản của nó, phương pháp này được hứa hẹn sẽ rẻ tiền hơn các liệu pháp miễn dịch khác. Trong so sánh, liệu pháp miễn dịch đầu tiên mới được cấp phép tại Mỹ có giá tới hơn 10 tỷ VND/liều, nhưng hiện mới chỉ được dùng cho bệnh nhân ung thư máu và chưa điều trị được khối u rắn.

    Trong số 2 tác nhân miễn dịch các nhà khoa học sử dụng trong mũi tiêm, một loại thuốc đã được phê chuẩn để sử dụng trên người, loại còn lại đang được thử nghiệm lâm sàng. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân đang có cơ hội rất cao được tiếp cận với phương pháp điều trị mới này.

    Một mũi tiêm hiệu quả trên toàn cơ thể

    Giáo sư Levy, tác giả nghiên cứu này là một nhà tiên phong trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông đã dẫn tới việc phát triển rituximab, một trong những kháng thể đơn dòng đầu tiên được chấp nhận sử dụng để điều trị ung thư ở người.

    Chúng ta biết, liệu pháp miễn dịch là những phương pháp kích thích tế bào miễn dịch trong cơ thể, để tấn công tế bào ung thư. Có nhiều liệu pháp miễn dịch khác nhau. Một số liệu pháp kích thích toàn bộ hệ miễn dịch của cơ thể. Một số khác chỉ nhắm mục tiêu vào một số loại tế bào miễn dịch và cơ chế cụ thể của nó.

    Tuy nhiên, nhìn chung những phương pháp này, giống như liệu pháp CAR-T mới được phê duyệt tại Mỹ, đòi hỏi phải rút tế bào miễn dịch của bệnh nhân khỏi cơ thể và chỉnh sửa gen chúng. Nhiều phương pháp kể trên đã thành công, nhưng chúng đều có nhược điểm – chẳng hạn như giá thành cao, thời gian điều trị dài và thậm chí có phản ứng phụ chết người.

    "Cách tiếp cận của chúng tôi sử dụng một lượng nhỏ hai tác nhân, để kích thích các tế bào miễn dịch chỉ một lần duy nhất và chỉ trong chính khối u”, giáo sư Levy cho biết. “Ở chuột, chúng tôi thấy đã những hiệu ứng tuyệt vời diễn ra trên diện rộng, bao gồm việc loại bỏ các khối u trên toàn bộ cơ thể".

     Chữa ung thư chỉ cần một mũi tiêm duy nhất?

    Chữa ung thư chỉ cần một mũi tiêm duy nhất?

    Ung thư là một căn bệnh rất “láu cá” trên khía cạnh miễn dịch. Các tế bào miễn dịch, chẳng hạn như tế bào T, ban đầu có thể phát hiện các protein bất xuất hiện trên tế bào ung thư, sau đó thâm nhiễm để tấn công khối u. Tuy nhiên, khi khối u phát triển dần lên, nó thường tìm ra cách để ngăn chặn không cho tế bào T tiếp tục làm điều đó.

    Phương pháp của giáo sư Levy có thể kích hoạt lại các tế bào T bằng cách tiêm hai tác nhân trực tiếp vào vị trí khối u. Liều được sử dụng ở mức rất nhỏ, chỉ vài microgram. Trong so sánh, 1 microgram có giá trị bằng 1 phần triệu gam.

    Một trong hai tác nhân mà giáo sư Levy sử dụng là oligonucleotide CpG, một đoạn DNA ngắn, có tác dụng khuếch đại biểu hiện của thụ thể OX40 trên bề mặt tế bào T. Loại còn lại là một kháng thể liên kết với OX40. Thụ thể OX40 có tác dụng kích hoạt các tế bào T tấn công tế bào ung thư.

    Bởi vì hai tác nhân được tiêm trực tiếp vào khối u, chỉ có các tế bào T đã xâm nhập vào khối u mới được kích hoạt. Hướng tiếp cận này không đòi hỏi kích thích hệ miễn dịch trên diện rộng, đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, khi các tế bào miễn dịch quá hung hăng, tấn công cả các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

    Mặc dù vậy, kích hoạt một lượng nhỏ các tế bào T trong khối u cũng có thể cho hiệu quả điều trị toàn thân. Bởi khi các tế bào được hoạt hóa đặc hiệu để tiêu diệt ung thư, một vài trong số đó sẽ thoát ra khỏi khối u ban đầu để tìm và phá hủy các khối u tương tự đã di căn trong cơ thể.

    Liệu pháp miễn dịch của các nhà khoa học Stanford đã hoạt động cực kỳ ấn tượng trong một thí nghiệm với chuột. Đó là khi họ cấy hai khối u lymphoma (ung thư hạch) vào hai vị trí khác nhau trên cơ thể chuột. Sau khi tiêm hai tác nhân kích thích miễn dịch vào chỉ một khối u, các nhà khoa học thấy cả hai khối u của chuột đều teo nhỏ lại.

    Bằng cách này, 87 trong số 90 con chuột đã được chữa “khỏi” bệnh ung thư. Chỉ có 3 trong số các con chuột bị tái phát, mặc dù vậy, một đợt điều trị lặp lại đã một lần nữa khiến các khối u tiêu biến. Các nhà nghiên cứu đã mở rộng thử nghiệm liệu pháp, trên cả những con chuột mắc phải ung thư vú, đại tràng và u hắc tố, một tình trạng ung thư da.

    Tất cả đều cho hiệu quả. Sử dụng liệu pháp này trên khối u gốc, nơi ung thư xuất hiện đầu tiên thường ngăn ngừa sự xuất hiện của các khối u mới trong tương lai, khối u di căn và gia tăng đáng kể tuổi thọ của động vật, các nhà nghiên cứu cho biết.

     Chỉ cần nhận diện được ung thư, các tế bào T của hệ miễn dịch có thể tiêu diệt chúng

    Chỉ cần nhận diện được ung thư, các tế bào T của hệ miễn dịch có thể tiêu diệt chúng

    Để kiểm tra độ đặc hiệu của phương pháp, nhà nghiên cứu Sagiv-Barfi đã thử hiệu quả của nó trên những con chuột mắc 2 loại ung thư khác nhau. Cô đã cấy ghép vào những con chuột cùng một tế bào ung thư lymphoma ở hai địa điểm, thêm vào đó một tế bào ung thư ruột ở vị trí thứ ba.

    Thuốc tiếp tục được tiêm vào một trong hai vị trí của khối u hạch, nhưng có tác dụng với cả khối u không được tiêm ở vị trí còn lại. Tuy nhiên, liệu pháp không gây ảnh hưởng đến khối u ung thư ruột.

    "Đây là một phương pháp tiếp cận rất đặc hiệu”, giáo sư Levy nói. "Chỉ có các khối u có cùng các protein mục tiêu với khối u được tiêm mới bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang tấn công các mục tiêu cụ thể, mà không cần xác định chính xác những protein nào mà các tế bào T cần nhận ra".

    Sau những thành công với thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học tại Stanford đang tuyển dụng khoảng 15 bệnh nhân ung thư hạch để thử nghiệm liệu pháp này trên người. Nếu thành công, giáo sư Levy tin rằng liệu pháp này còn có thể hữu ích với nhiều loại ung thư khác nhau có khối u rắn.

    "Tôi không nghĩ có một giới hạn về loại khối u mà chúng tôi có thể điều trị, miễn là nó đã bị các tế bào miễn dịch thâm nhập”, giáo sư Levy nói.

    Tham khảo Stanford

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ