"Lớp da" của Trái đất suy giảm nghiêm trọng, chuyên gia cảnh báo con người sẽ bị ảnh hưởng

    Nguyệt Phạm , Tổ quốc 

    Theo các nhà khoa học, "lớp da" này đang bị phá hủy nghiêm trọng, nếu nó biến mất thì sự an toàn của con người và nhiều loài sẽ bị ảnh hưởng.

    Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers of Microbiology đã cho thấy "lớp da" của Trái đất (hay còn gọi là lớp vỏ sinh học của Trái đất) đang bị suy giảm nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và cách sử dụng đất của con người.

    Lớp vỏ sinh học của Trái đất vốn được các nhà khoa học mệnh danh là "lớp da sống" của hành tinh. Giống làn da bảo vệ cơ thể con người, lớp đất phủ bảo vệ sự sống ở dưới lòng đất, đặc biệt là những nơi khô hạn. Nó là tập hợp của nấm, địa y, rêu, tảo xanh lam và các loại vi sinh vật tạo thành một lớp bề mặt lâu năm trong lòng đất. Lớp vỏ này hiện đang bao phủ khoảng 12% bề mặt Trái đất.

    "Lớp da" của Trái đất suy giảm nghiêm trọng, chuyên gia cảnh báo con người sẽ bị ảnh hưởng - Ảnh 1.

    "Lớp da" của Trái đất đang bị suy giảm nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và cách sử dụng đất của con người. (Ảnh: Scitech Daily)

    Mặc dù ít người để ý nhưng "lớp da" của Trái đất có vai trò rất quan trọng với sức khỏe của hành tinh. Nó có nhiệm vụ lấy carbon và nitơ trong không khí và giữ chúng lại trong đất. Đồng thời lớp vỏ sinh học này còn giúp tái chế các chất dinh dưỡng và giữ các hạt đất lại với nhau. Ngoài ra, sự hiện diện của lớp vỏ sinh học ở vùng đất khô cằn làm giảm đáng kể lượng bụi có thể xâm nhập vào khí quyển.

    Đặc biệt, chức năng giữ các hạt đất kết thành khối và không bị phân hủy thành bụi của "lớp da" này rất hữu ích trong việc giúp ổn định và làm giảm xói mòn cho đất.

    Theo giáo sư Estelle Couradeau, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, các vi sinh vật của lớp vỏ sinh học đang rất chăm chỉ tạo ra chất diệp lục và góp phần cố định carbon, nitơ ở bên trong lòng đất cho đến khi đất khô trở lại. Thế nhưng, chúng đang bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu khiến cho lớp vỏ này bị suy giảm trầm trọng.

    "Lớp da" của Trái đất suy giảm nghiêm trọng, chuyên gia cảnh báo con người sẽ bị ảnh hưởng - Ảnh 2.

    Việc mất đi "lớp da" này sẽ khiến các sa mạc mở rộng, Trái đất tăng lượng phát thải và lượng bụi lắng đọng trên toàn cầu từ 5 tới 15%. (Ảnh: Scitech Daily)

    Việc mất đi "lớp da" này sẽ khiến các sa mạc mở rộng, Trái đất tăng lượng phát thải và lượng bụi lắng đọng trên toàn cầu từ 5 tới 15%. Đất sẽ trở nên khô hơn và có nhiều khả năng bị thổi bay. Lớp vỏ sinh học thiếu địa y cũng sẽ tạo ra ít nitơ hơn, và do đó ít thực vật có thể sống sót hơn, để lại nhiều đất trống hơn. Sau đó, các loài động vật sống dựa vào thực vật sẽ suy giảm theo. Vì thế việc tổn hại lớp vỏ sinh học có thể gây ra tác động lớn đến toàn bộ hệ sinh thái. Ước tính đến năm 2070, từ 25 – 40% lớp vỏ sinh học của Trái đất sẽ biến mất, môi trường sống của chúng ta sẽ có nhiều bụi hơn, đất kém ổn định và khô hơn, và nhiều loài sẽ không còn khả năng sống ở những nơi khô hạn này...

    Hiện nay, các nhà nghiên cứu địa chất và sinh thái đang nỗ lực phát triển lớp vỏ sinh học nhân tạo, và cấy chúng vào những nơi lớp phủ bị tổn hại, nhưng cách này không chắc tạo ra đủ chất dinh dưỡng để duy trì sự sống. Ngoài ra, việc phát triển tảo xanh lam và rêu đã có kết quả, nhưng địa y thì không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ