Mặc công an liên tục cảnh báo, người phụ nữ mất gần 70 triệu đồng vẫn không tin mình vừa bị lừa đảo: "Để tôi chuyển khoản cho các anh xem”

    Ánh Lê ,  

    Vì nhẹ dạ cả tin, người phụ nữ Trung Quốc đã bị lừa một khoản tiền lớn mà không hề hay biết.

    Mặc công an liên tục cảnh báo, người phụ nữ mất gần 70 triệu đồng vẫn không tin mình vừa bị lừa đảo: "Để tôi chuyển khoản cho các anh xem” - Ảnh 1.

    Một buổi sáng cuối tháng 8 năm 2023, Đồn cảnh sát Tư Đồ thuộc Sở Công an thành phố Đan Dương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc nhận được cảnh báo sớm từ Phòng an ninh mạng địa phương rằng chị Lý - một người dân trong vùng gần đây đã nhiều lần chuyển tiền vào một tài khoản lừa đảo. Sau khi nhận được lệnh, vì nghi ngờ người phụ nữ này có khả năng bị lừa đảo, cảnh sát đã lập tức liên lạc ngay với chị Lý để cảnh báo.

    Biết tin, chị Lý cũng đồng ý đến đồn cảnh sát Tư Đồ nhưng không phải để trình báo mà để làm rõ với phía cảnh sát rằng mình không bị lừa.

    “Đây chắc chắn không phải là lừa đảo. Tôi sẽ chuyển khoản cho các anh xem", chị Lý khẳng định chắc nịch nhưng ngay lập tức bị cảnh sát ngăn lại. Không chỉ chị Lý, chồng của chị cũng cho biết vợ mình đang làm công việc bình thường để kiếm tiền chứ không có chuyện lừa đảo xảy ra. Nghe vậy, phía cảnh sát yêu cầu hai vợ chồng này thuật lại toàn bộ sự việc một cách chi tiết.

    Hóa ra trước đó không lâu, chị Lý thông qua một người quen trên mạng mà nhận làm việc bán thời gian trên một ứng dụng mua sắm trực tuyến tên là Moudong. Sau khi tạo tài khoản và đăng nhập vào app này, nhân viên của nền tảng trên đã hướng dẫn chị đặt mua một số mặt hàng chỉ định để tạo đơn hàng ảo. Khi thêm sản phẩm vào giỏ hàng, chị Lý cần chụp ảnh màn hình lại và gửi cho bên kia để họ cho chị mã QR để thanh toán trước với mục đích tích điểm hoặc tạo đơn hàng ảo. Sau đó, đơn vị kinh doanh sẽ trả lại tiền mua sản phẩm và tiền hoa hồng cho chị mà không mất thêm một chi phí gì.

    Nhân viên cho biết nếu chị Lý thanh toán qua WeChat, tiền hoa hồng mà chị nhận được sau mỗi đơn hàng sẽ là 5%. Trong trường hợp thanh toán qua tài khoản ngân hàng riêng, tiền hoa hồng chị nhận được sẽ là 7%. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị Lý có thể nhận được tiền trả lại trên WeChat hoặc Alipay. Tuy nhiên, nhân viên ứng dụng này cũng lưu ý rằng chị Lý phải thực hiện ít nhất 5 đơn hàng mỗi ngày để nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn trên nền tảng bán hàng này.

    Mặc công an liên tục cảnh báo, người phụ nữ mất gần 70 triệu đồng vẫn không tin mình vừa bị lừa đảo: "Để tôi chuyển khoản cho các anh xem” - Ảnh 2.

    Ảnh minh họa: Internet

    Trình bày sự việc xong, chị Lý đưa điện thoại di động của mình cho cảnh sát kiểm tra các đơn hàng với vẻ mặt rất tự tin. Tuy nhiên, câu nói “Đây không phải là một vụ lừa đảo điển hình sao!” từ phía cảnh sát khiến người phụ nữ này bỗng bất động trong giây lát.

    "Sao có thể là lừa đảo được? Tất cả đều được vận hành trên nền tảng Moudong rất nổi tiếng. Để tôi thực hiện cho các anh xem", chồng chị Lý nói.

    Thấy hai vợ chồng này vẫn chưa hiểu ra vấn đề, cảnh sát cho biết: "Kẻ lừa đảo cho phép anh chị mua hàng trên nền tảng này, nhưng chúng lại không để 2 người thanh toán trên nền tảng này. Mỗi lần thanh toán, chị quét mã QR do kẻ lừa đảo cung cấp. Đó chính là vấn đề."

    Thấy hai người vẫn im lặng, cảnh sát lại hỏi: “Sau 2 lần rút được tiền, đối phương có yêu cầu anh chị làm một nhiệm vụ gì lớn hơn không?”

    "Đúng, họ nói rằng họ có một đơn đặt hàng lớn và yêu cầu tôi chuyển 1.850 NDT (hơn 6,2 triệu đồng). Sau khi tôi thanh toán thành công, bên kia nói rằng đơn hàng này có bốn mặt hàng và tôi phải thanh toán cả bốn mặt hàng để có được hoa hồng”, chị Lý nói.

    Sau khi kiểm tra, cảnh sát phát hiện người phụ nữ này đã chuyển khoản tổng cộng hơn 20.000 NDT (hơn 67 triệu đồng) để hoàn thành nhiệm vụ của bọn lừa đảo. Họ cũng đưa ra nhiều trường hợp lừa đảo tương tự để vợ chồng chị Lý dễ hình dung và hiểu rõ sự việc. Sau đó, phía cảnh sát lại hỏi: “Cho đến nay, anh chị đã kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc này rồi ?”

    "Chỉ có giao dịch thứ nhất và thứ hai có lãi, tổng cộng hơn 70 NDT (hơn 200.000 đồng). Còn giao dịch thứ ba, đến giờ tôi vẫn chưa nhận được tiền", chị Lý trả lời.

    Nói đến đây, 2 vợ chồng chị Lý im lặng một lúc, sau đó như đã hiểu ra vấn đề, họ liền rối rít cảm ơn cảnh sát tại Đồn Tư Đồ. Có lẽ nếu không có sự can ngăn kịp thời đó, số tiền mà 2 vợ chồng này bị lừa không chỉ dừng lại ở 20.000 NDT.

    Cũng theo điều tra từ phía cảnh sát, chị Lý không phải là đối tượng duy nhất sa vào bẫy “làm thêm” này của bọn lừa đảo. Hiện phía cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để có thể tóm gọn những đường dây lừa đảo tương tự. Để tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng trên, phía cảnh sát kêu gọi mọi người nên nâng cao nhận thức và tránh tin vào những lời mời gọi trên mạng internet để rồi bị lợi dụng và trở thành công cụ giúp những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi phạm pháp.

    (Theo Sina)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ