Máy chủ điện toán đám mây của Tesla bị hack để đào tiền mã hóa

    Chíp,  

    Theo hãng bảo mật RedLock, hacker đã xâm nhập vào máy chủ điện toán đám mây của Tesla và sử dụng tài nguyên máy tính cho việc khai thác tiền mã hóa.

    Trong một báo cáo về các mối đe dọa bảo mật trên điện toán đám mây mới được phát hành, nhóm nghiên cứu của RedLock đã cảnh báo Tesla về vụ xâm nhập và mọi thứ đã được giải quyết. Theo RedLock, một trong hàng trăm hệ thống mã nguồn mở mà hãng xe điện của CEO Elon Musk đang sở hữu không hề được bảo vệ bởi mật khẩu. Lỗ hổng này khiến các hacker có thể xâm nhập vào các máy chủ điện toán đám mây mà Tesla thuê của Amazon.

    Trong một email trả lời truyền thông, phát ngôn viên Tesla tuyên bố rằng không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề này ảnh hưởng tới thông tin cá nhân của khách hàng cũng như gây tổn hại tới sự an toàn của các mẫu xe Tesla.

    "Chúng tôi duy trì một chương trình săn lỗi nhận thưởng để khuyến khích những nghiên cứu kiểu như thế này và sau khi nhận được báo cáo chúng tôi đã giải quyết nó chỉ trong vài tiếng đồng hồ", phát ngôn viên Tesla chia sẻ. "Lỗ hổng này dường như chỉ ảnh hưởng tới những chiếc xe đang được sử dụng nội bộ để kiểm tra kỹ thuật và cuộc điều tra ban đầu của chúng tôi không tìm ra dấu hiệu nào cho thấy sự riêng tư của khách hàng và mức độ an toàn của xe bị xâm phạm".

    Theo RedLock, dữ liệu của Tesla chẳng giá trị bằng việc dùng các máy chủ của họ cho việc khai thác tiền mã hóa.

    "Sự phát triển bùng nổ gần đây của tiền mã hóa khiến hacker kiếm được nhiều tiền nhờ việc đánh cắp tài nguyên máy tính của các doanh nghiệp/tổ chức để khai thác tiền ảo thay vì tập trung vào dữ liệu", Gaurav Kumar, CTO của RedLock, tuyên bố. "Đặc biệt, máy chủ điện toán đám mây công cộng của các doanh nghiệp/tổ chức là những mục tiêu lý tưởng bởi chưa có những phần mềm bảo mật hiệu quả dành cho điện toán đám mây. Chỉ trong vài tháng qua chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều vụ tấn công khai thác tiền mã hóa, bao gồm cả vấn đề ảnh hưởng tới Tesla".

    Kurma cho biết kẻ xấu đã lợi dụng phương thức khai thác tiền mã hóa Stratum và che dấu hành vi bằng cách giấu IP thực sự của máy chủ khai thác phía sau CloudFlare và giữ CPU ở mức thấp cùng những phương thức khác.

    Máy chủ điện toán đám mây của Tesla bị hack để đào tiền mã hóa - Ảnh 1.

    "Vì phần mềm bảo mật dành cho điện toán đám mây vẫn còn yếu nên chúng tôi dự đoán rằng loại hình tội phạm mạng này sẽ tăng cả về quy mô và tốc độ trong thời gian tới", Kumar nói. "Các tổ chức/doanh nghiệp cần phải chủ động giám sát các máy chủ điện toán đám mây công cộng của mình".

    Kumar nói thêm rằng lỗ hổng trong các dịch vụ điện toán đám mây không phải lỗi của các nhà cung cấp như Amazon, Microsoft hoặc Google mà là một trách nhiệm chung. "Tất cả mọi bên đều phải tăng cường giám sát, nỗ lực từ một nhà cung cấp không bao giờ là đủ", Kumar nhận định.

    RedLock ước tính rằng 8% doanh nghiệp/tổ chức sẽ phải đối mặt với những cuộc tấn công của tội phạm mạng chuyên khai thác tiền mã hóa. Tuy nhiên, do sự giám sát không chặt chẽ, thiếu hiệu quả, phần lớn những cuộc tấn công này không bị phát hiện.

    Nghiên cứu của RedLock cho thấy 73% doanh nghiệp/tổ chức cho phép sử dụng tài khoản gốc để thực hiện những tác vụ, đi ngược lại quy tắc cơ bản về bảo mật. Trong khi đó, 16% doanh nghiệp/tổ chức sử dụng tài khoản dễ xâm nhập. RedLock ước tính khoảng 58% doanh nghiệp/tổ chức có tối thiểu một dịch vụ điện toán đám mây có thể bị khai thác công cộng, 66% có cơ sở dữ liệu không được mã hóa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ