Apple của Tim Cook vừa chào đời đêm qua

    Minh Lết,  

    Dường như Tim Cook vẫn đang cố gắng tìm cách thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm quá cố.

    Sự kiện đêm 10/09 (giờ Hà Nội) vừa qua của Apple trôi đi để lại cho tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn.

    Sau khi sự kiện kết thúc, dư vị trong tôi là chút bàng hoàng, chút tiếc nuối và rất nhiều băn khoăn. Vì những sự chất chứa ấy tôi nghĩ mình có đôi điều muốn chia sẻ với bạn đọc GenK coi như mua vui lúc "trà dư tửu hậu".

    Thất vọng bởi lẽ...

    Trước khi sự kiện diễn ra tôi đã có 1 bài viết về việc Tim Cook sẽ xây dựng 1 Apple của riêng mình như thế nào.

    Những gì diễn ra trong đêm qua nhìn chung đều xoay quanh những nhận định ấy: Tim Cook đang bẻ lái Apple khỏi quỹ đạo của 1 công ty phớt lờ mọi quy luật thị trường để tìm 1 cách tiếp cận thân thiện hơn, đưa khách hàng vào trọng tâm trong quy trình sáng tạo sản phẩm của mình thay vì đặt 1 vài cá nhân vào vị trí hạt nhân như dưới thời Steve Jobs.

    Nhưng điều tôi không ngờ được là đêm qua Apple không chỉ đánh mất tính cách "thủ cựu" dưới thời Steve Jobs mà nó còn đánh mất luôn sự chi li, chú ý đến từng chi tiết nhỏ của Apple ngày đó.

    Dưới thời Steve Jobs, không bao giờ, xin nhắc lại là không bao giờ chúng ta được thấy 1 chiếc iPhone với phần camera lồi ra như thế này.

    Dưới thời Steve Jobs, không bao giờ, xin nhắc lại là không bao giờ chúng ta được thấy 1 chiếc iPhone với phần camera lồi ra như thế này.

    Đây không phải là chuyện xấu hay đẹp mà là chuyện 1 chiếc camera lồi có thể trở nên cực kỳ vướng víu, dễ xước, dễ bong tróc... có nghĩa là những yếu điểm thực sự ảnh hưởng tới cả chức năng cơ bản nhất của 1 chiếc điện thoại. 1 Steve Jobs khăng khăng đòi hỏi mainboard của từng chiếc iPhone phải được hàn trông cho thật đẹp mắt sẽ không bao giờ chấp nhận 1 chiếc camera lồi ra như thế kia, vì bất kỳ lý do gì. Triết lý thiết kế dưới thời Steve Jobs là bất kể sản phẩm nào, khi vuốt tay trên bề mặt đều phải cảm nhận được những góc vuốt, chuyển mượt mà, không cấn gợn.

    Sự chi ly gần như là ám ảnh về độ hoàn hảo của sản phẩm từ Steve Jobs đã trở thành 1 phần cốt lõi trong văn hoá của Apple làm nên thành công của hãng trong suốt bao năm qua. Đánh mất cùng 1 lúc quá nhiều thứ làm nên cốt lõi, Apple của Tim Cook sẽ đi về đâu?

    Bàng hoàng bởi lẽ...

    Truyền thống các lễ ra mắt sản phẩm trước đây của Apple thường được tổ chức khá khoa học xen lẫn giữa keynote giới thiệu là các đoạn demo sản phẩm vừa giữ sự kiện ở 1 nhịp độ vừa phải, giúp người xem không bị ngợp vừa giúp các cơ quan báo chí tiện đăng tải thông tin. Trong 120 phút sự kiện tối qua, Apple "quất" người xem hết tốc lực từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, quãng thời gian demo sản phẩm vừa ngắn vừa sơ sài, các "tiết mục văn nghệ" cũng không mấy hấp dẫn khiến người xem cảm thấy hụt hơi. Trong cái nhịp độ cuống cuồng ấy, Apple xoáy sâu vào nhiều tính năng không thực sự cần thiết như 1 vài apps lẻ của Apple Watch trong khi những thứ cần phải nói nhiều hơn như thời lượng pin lại không được đề cập gây hụt hẫng cho người xem.

    Nhịp độ quá nhanh của sự kiện khiến người xem có cảm giác hơi mệt mỏi.

    Nhịp độ quá nhanh của sự kiện khiến người xem có cảm giác hơi mệt mỏi.

    Và điều gây bàng hoàng nhất cho tôi đó là việc Apple phát đi sự kiện của mình trên trang Apple.com/live với phần âm thanh được lồng tiếng Trung Quốc với giọng đọc nữ. Bên cạnh tiếng Anh của người dẫn dắt chương trình, có 1 giọng nữ nói tiếng Trung Quốc liên tục thuyết minh và đoạn video live stream ấy được phát đi toàn cầu trên tất cả các quốc gia chứ không giới hạn ở 1 vùng lãnh thổ nào. 1 người bạn của tôi ở Mỹ cho biết anh ta cũng phải chịu cảnh 2 thứ tiếng cãi nhau trên 1 video.

    Việc Apple bắt tất cả người xem live stream cùng nghe thuyết minh tiếng Trung cho sự kiện của mình là 1 việc làm vô lý.

    Việc Apple "bắt" tất cả người xem live stream cùng nghe thuyết minh tiếng Trung cho sự kiện của mình là 1 việc làm vô lý.

    Tôi hiểu rằng tiếng Trung Quốc là thứ tiếng phổ biến thứ 2 trên thế giới chỉ sau tiếng Anh, tôi cũng hiểu được thị trường Trung Quốc vốn có số dân tới 1/5 dân số thế giới quan trọng như thế nào với Apple và tôi hiểu Tim Cook khao khát lấy lòng người Trung Quốc để tiến đánh thị trường màu mỡ nhất thế giới. Nhưng việc "ép" 4/5 dân số còn lại trên trái đất nghe tiếng Trung Quốc mà không hề có cách nào để tắt phần lồng tiếng đi được thực sự là 1 nước đi rất thiếu suy nghĩ của Apple.

    Apple của Steve Jobs chắc chắn sẽ không bao giờ làm những việc tương tự, dù cho lợi nhuận từ 1 live stream lồng tiếng Trung Quốc đem lại có lớn tới đâu.

    Tiếc nuối bởi lẽ...

    Đêm hôm qua tôi chưa được nhìn thấy 1 chiếc smartwatch "định nghĩa lại hoàn toàn phân khúc của nó" như Tim Cook tuyên bố. Apple Watch là 1 sản phẩm có thiết kế khá lạ, nhiều bổ sung về cách tương tác. Nhưng tự chung lại nó không bước chân ra khỏi lằn ranh của các smartwatch đương thời.  

    Apple của Tim Cook vừa chào đời đêm qua

    Đâu rồi nét đơn giản không 1 chi tiết thừa thãi từng làm nên thương hiệu của Apple? Apple Watch không xấu nhưng quá rườm rà, việc sử dụng chất liệu chrome bóng cũng là 1 phá cách rất lạ. Nếu đưa sản phẩm này ra không có thuyết minh bao nhiêu người sẽ đoán đây là 1 sản phẩm của Apple?

    Nhìn lại các iDevices thành danh đều phải khai phá 1 tính năng mà trước đó chưa tồn tại trên các sản phẩm khác. iPod bật lên nhờ iTunes và dung lượng lưu trữ ấn tượng, iPhone sống nhờ màn hình cảm ứng xuất sắc cùng App Store có 1 không 2 trong những năm đầu, iPad chinh phục người dùng bằng khả năng duyệt web và giải trí di động chưa có tiền lệ. Apple Watch chưa khai phá được một tính năng nào thực sự mới có thể đem lại lơi thế cạnh tranh cụ thể.

    Giao diện quá chật chội của Apple Watch khiến người dùng không khỏi cảm thấy ái ngại.

    Giao diện quá chật chội của Apple Watch khiến người dùng không khỏi cảm thấy ái ngại.

    Tất nhiên thực hư Apple Watch ra sao thì còn đợi chúng ta được "sờ tận tay, day tận trán" sản phẩm này. Tuy nhiên qua những gì Apple Watch thể hiện đêm qua, tôi có thể khẳng định Tim Cook chưa có được tầm nhìn sản phẩm như Steve Jobs.

    Thay cho lời kết

    Để cho bạn đọc khỏi mất công tranh luận, tôi xin khẳng định luôn tất cả các sản phẩm ra mắt đêm qua của Apple đều sẽ là những thành công vang đội về mặt thương mại. iPhone 6 và iPhone 6 Plus có vẻ là những thiết bị tuyệt vời khi đã khắc phục yếu điểm cuối cùng của iPhone: màn hình bé. Apple Watch không thực sự nổi trội nhưng chắc chắn vẫn sẽ bán đắt như tôm tươi nhờ vào thương hiệu Apple quá lớn. 

    Điều tôi muốn nói ở đây là đêm qua đánh dấu cho 1 triều đại mới ở Apple. Tim Cook đã thực sự tiếp quản và lèo lái Apple theo con đường của mình. Tim Cook cũng đang cố gắng đẩy Apple ra xa khỏi ảnh hưởng của Steve Jobs, bắt đầu bằng việc đặt tên sản phẩm, thay vì iDevices, iServices như thời Steve Jobs thì thiết bị, dịch vụ dưới thời Tim Cook có xu hướng bắt đầu bằng Apple: Apple Watch, Apple Pay.

    Chữ i của Steve Jobs đã được thay bằng logo táo dưới thời Tim Cook.

    Chữ "i" của Steve Jobs đã được thay bằng logo táo dưới thời Tim Cook.

    Bất kỳ doanh nghiệp nào ở thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo đều sẽ gặp khủng hoảng về phương hướng và văn hoá. Apple cũng đang trải qua giai đoạn ấy. Những thay đổi của Tim Cook đã bắt đầu thể hiện ra ngoài thay vì ở dạng "tiềm ẩn" khi phải núp dưới cái bóng quá lớn của Steve Jobs như trước đây.

    Những bước đi của Apple đêm qua thực sự là những thay đổi căn bản và táo bạo nhất trong lịch sử của Táo Khuyết. Hiệu/hậu quả của những thay đổi ấy ra sao là điều khó lòng đoán trước được. Tôi chỉ biết chắc chắn 1 điều rằng, Apple của Tim Cook vừa chào đời đêm qua.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ