Mọi điều bạn cần biết về sự kiện Nguyệt Thực dài nhất thế kỷ 21, diễn ra vào 23 giờ đêm nay

    Dink,  

    Nhanh tay đặt báo thức để không bỏ lỡ sự kiện nguyệt thực "mang tầm vóc vũ trụ" này!

    Dựa trên bài phân tích của anh Daniel Cunnama, nhà thiên văn học làm việc tại Đài quan sát Thiên văn Nam Phi.

    Mọi điều bạn cần biết về sự kiện Nguyệt Thực dài nhất thế kỷ 21, diễn ra vào 23 giờ đêm nay - Ảnh 1.

    "Trăng máu" tại Svalbard, Na Uy.

    Tại sao nó lại đáng mong chờ?

    Đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần, hay còn gọi là "trăng máu": Mặt Trăng sẽ nằm hoàn toàn trong bóng của Trái Đất.

    Mặc dù nguyệt thực diễn ra khá thường xuyên, nhưng sự kiện thiên văn đặc biệt diễn ra tối ngày hôm nay sẽ là sự kiện dài nhất thế kỉ 21 này, cụ thể là 1 tiếng 43 phút. Những sự kiện nguyệt thực thông thường chỉ dài khoảng 1 giờ đồng hồ.

    Lần nguyệt thực dài bất thường tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2025, với thời lượng 1 tiếng 22 phút (nếu như quỹ đạo các hành tinh vẫn ổn định và không có thảm họa vũ trụ gì diễn ra).

    Mọi điều bạn cần biết về sự kiện Nguyệt Thực dài nhất thế kỷ 21, diễn ra vào 23 giờ đêm nay - Ảnh 2.

    Ảnh chụp bởi Stanislaus Ronny Terence người Ấn Độ, chụp tại Frankfurt, Đức.

    Có thể quan sát được từ đâu?

    Hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ hiện rõ trên bầu trời Châu Phi, Châu Úc, Châu Á, Châu Âu và Nam Mỹ.

    Gần viền màu đỏ của hiện tượng trăng máu, ta sẽ nhìn thấy Sao Hỏa rõ ràng hơn (và ảo diệu hơn nhiều). Nó sẽ sáng hơn gấp 3 lần sao Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm.

    Tại sao lại gọi là "trăng máu", nghe có đáng sợ quá không?

    Bản thân là một nhà khoa học, Daniel Cunnama – tác giả bài phân tích nhanh – không thích cụm từ này. Nó liên hệ tới mê tín nhiều hơn là khoa học. Nguyệt thực thường có màu đỏ và đặc biệt đỏ khi nhật thực toàn phần.

    Trong thời gian diễn ra nguyệt thực, Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất, đa số ánh sáng phát ra từ Mặt Trời tới Mặt Trăng sẽ bị Trái Đất chặn lại. Một lượng nhỏ ánh sáng đỏ đi qua khí quyển Trái Đất tới được Mặt Trăng, khiến cho Trăng có màu máu. Từ đó mới sinh ra cái tên đáng sợ trên.

    Mọi điều bạn cần biết về sự kiện Nguyệt Thực dài nhất thế kỷ 21, diễn ra vào 23 giờ đêm nay - Ảnh 3.

    Nguyệt thực toàn phần tại Montevideo, Uruguay năm 2014.

    Các nhà thiên văn học đợi chờ gì từ sự kiện này?

    Quan sát Mặt Trăng bằng camera hồng ngoại, ví dụ như Vệ tinh Do thám Mặt Trăng của NASA, các nhà khoa học sẽ có cơ hội quan sát điều gì diễn ra khi bề mặt Mặt Trăng nguội đi nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp họ hiểu được bản chất của regolith – hợp chất đất đá trên bề mặt Mặt Trăng, xem xem nó thay đổi thế nào theo thời gian.

    "Người thường" chúng ta sẽ xem nguyệt thực ra sao?

    Hiện tượng thiên văn kì thú này sẽ bắt đầu vào 23 giờ 14 phút ngày 27/7 giờ Việt Nam. Một vòng sẫm màu sẽ bắt đầu xuất hiện trên bề mặt Mặt Trăng, đó chính là Trái Đất.

    Mặt Trăng sẽ đỏ dần lên từ khoảng 00 giờ 24 phút ngày 28/7, khi nó bắt đầu tiền vào vùng tối do bóng Trái Đất tạo ra. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ đạt đỉnh điểm vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 28/7, kéo dài cho tới 3 giờ 13 phút ngày 28/7.

    Đêm nay, Mặt Trăng sẽ nằm hoàn toàn trong bóng của Trái Đất. Chúng ta thật may mắn khi đây là thời điểm nửa đêm, thích hợp để ngắm một cái đĩa tối màu, hơi ánh đỏ xuất hiện trên bầu trời.

    Mong sao tối nay không mưa, trời quang mây tạnh để ta có dịp trải nghiệm một trong những hiện tượng thiên văn thú vị nhất thế kỷ 21.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ