Mối liên hệ giữa việc dùng smartphone và chứng mất ngủ ở tuổi teen

    Tấn Minh, Theo VnReview 

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những đối tượng tuổi teen dùng smartphone nhiều hơn từ 1-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày sẽ dẫn đến tình trạng ngủ không đủ giấc vào ban đêm.

    Mối liên hệ giữa việc dùng smartphone và chứng mất ngủ ở tuổi teen - Ảnh 1.

    Theo Futurity, nghiên cứu này là bằng chứng sát thực nhất đến thời điểm hiện tại chứng minh rằng tần suất sử dụng các thiết bị điện tử của tuổi teen trong những năm gần đây là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của trình trạng ngủ không đủ giấc.

    Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hai cuộc khảo sát được thực hiện trên 360.000 đối tượng tuổi teen, trong đó tập trung vào những thay đổi trong thời gian giấc ngủ và thói quen sử dụng smartphone từ 2009 đến 2015. Họ phát hiện ra rằng có một sự thay đổi lớn trong thói quen đi ngủ của tuổi teen vào năm 2012, tức là ngay thời điểm các smartphone bắt đầu trở nên phổ biến.

    Nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian sử dụng smartphone càng nhiều thì tỉ lệ tuổi teen mắc chứng ngủ không đủ giấc càng tăng:

    - Năm 2009, có hơn 17% số lượng người tuổi teen ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm so với năm 2015

    - 35% người tuổi teen sử dụng các thiết bị điện tử trong hơn 1 tiếng/ngày ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm

    - 52% người tuổi teen sử dụng các thiết bị điện tử trên 5 tiếng/ngày ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm. Tức là những người tuổi teen sử dụng smartphone quá 5 tiếng/ngày có hơn 50% khả năng ngủ ít hơn những người sử dụng 1 tiếng/ngày.

    Ngủ 9 tiếng/đêm

    Thiếu ngủ là một trong những hậu quả xuất phát từ việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ - Giáo sư tâm thần học Zlatan Krizan tại Đại học bang Iowa (Mỹ) cho hay. Trung bình, một người tuổi teen nên ngủ khoảng 9 tiếng/đêm.

    "Cơ thể của chúng ta sẽ luôn cố gắng để đạt được đủ số giờ ngủ cần thiết, tức là nếu bạn thiếu ngủ, cơn buồn ngủ sẽ luôn đeo bám bạn cho dù bạn đang làm bất kỳ điều gì. Những người tuổi teen sẽ phải tìm cách ngủ bù vào cuối tuần, nếu không sẽ phải ngủ gật ngay trong giờ học".

    Việc tạo thói quen ngủ đủ giấc và đặt ra giới hạn trong việc sử dụng smartphone từ lúc còn nhỏ sẽ giúp tăng cường tính tự chịu trách nhiệm cho bản thân sau này. Jean Twenge - tác giả nghiên cứu, giáo sư tại Đại học Bang San Diego, tác giả cuốn sách iGen vào năm 2017 - cho biết nghiên cứu này đặt ra vấn đề phải có sự giám sát trong việc sử dụng smartphone, đặc biệt đối với một thế hệ tuổi teen ngày nay đang lớn lên cùng vô số các thiết bị điện tử bên cạnh.

    "Nhận thức được sự quan trọng của giấc ngủ đối với sức khoẻ vật chất và tinh thần, cả người lớn lẫn tuổi teen nên xem lại liệu smartphone có đang làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình hay không. Cần chú ý rằng không nên dùng các thiết bị có màn hình trước khi đi ngủ, bởi chúng sẽ làm ảnh hưởng đến sự buồn ngủ của cơ thể".

    Theo Giáo sư Krizan, ý thức tự giác của bản thân là chưa đủ để vượt qua "cám dỗ" smartphone, bởi bản thân smartphone quá hữu dụng trong công việc, kết nối gia đình, thông báo các tình trạng khẩn cấp... Và bên cạnh smartphone, vẫn còn nhiều thiết bị điện tử khác mà chúng ta sử dụng mỗi ngày.

    Sự tác động của chính quyền hay xã hội có nhiều giới hạn trong việc đề cập đến vấn đề này. Dù các trường học đã ra quy định cấm sử dụng smartphone trong lớp học, nhưng trách nhiệm của các bậc cha mẹ là rất quan trọng, nhằm hạn chế con em tuổi teen của mình sử dụng smartphone, đặc biệt là vào đêm khuya. Giáo sư Krizan cũng cho rằng, giải pháp hữu hiệu thường đến từ các tổ chức xã hội, do đó các công ty công nghệ phải đóng một vai trò nào đó để giải pháp thực sự mang lại hiệu quả.

    Đặt chế độ im lặng trên điện thoại

    "Cách mà các công ty công nghệ phát triển các thuật toán trên điện thoại giống như họ đang làm thuốc phiện. Những lập trình viên luôn muốn đảm bảo một điều rằng khi sử dụng phần mềm của họ, người dùng sẽ không bao giờ chán và bỏ điện thoại xuống. Họ muốn bạn phải cập nhật, kiểm tra thông tin liên tục, bấm like và bấm vào các nội dung càng nhiều càng tốt. Đó là lý do vì sao chúng ta thường xuyên nhận các thông báo, khiến càng lúc càng khó để đặt điện thoại xuống và làm việc khác".

    Giáo sư Krizan nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không thể thay đổi thói quen nêu trên nếu các công ty công nghệ không trao quyền kiểm soát thiết bị lại cho người dùng. Facebook và Twitter thậm chí còn đưa ra những "phần thưởng" (như lượt like, lượt view...) khiến chúng ta phải thường xuyên kiểm tra xem có ai like hay retweet hay chia sẻ lại những bức ảnh của mình hay không.

    "Có lẽ bạn nghĩ bạn đang kiểm soát smartphone của mình, nhưng không phải thế. Nếu bạn thường xuyên phải kiểm tra nó, tức là nó đang kiểm soát hành vi của bạn. Nó là loại ma tuý đặc biệt của thế kỷ 21".

    Tạo ra một thói quen, một nền văn hoá mà ở đó không có các thông báo tin nhắn, ở đó người dùng sẽ có những khoảng thời gian yên tĩnh không tiếng ồn từ điện thoại, sẽ không phải một sớm một chiều mà thực hiện được, nhưng Giáo sư Krizan tin rằng nếu cố gắng, chúng ta sẽ thấy được những hiệu ứng vô cùng tích cực.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ