Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện "đầy toan tính" của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó

    Z-Lion,  

    Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều, Facebook đã làm quá tốt trong việc "khóa chân" người dùng của họ.

    *Dựa theo bài viết của Katie Reid trên trang web Fastcodesign

    Tôi đã xóa tài khoản Facebook vào cuối tuần vừa rồi. Trong nhiều năm qua, tôi vẫn luôn có cảm giác lo sợ công ty này sẽ tìm cách khai thác thông tin cá nhân của tôi, vì thế tôi đã vô hiệu hóa (deactivate) tài khoản của mình khoảng 3 năm trước. Thế nhưng khi vụ scandal liên quan đến công ty Cambridge Analytica vừa qua bị phanh phui khiến phong trào “xóa sổ Facebook” (#deleteFacebook) bùng nổ, tôi biết đã đến lúc mình phải hoàn thành công việc còn dang dở từ 3 năm trước.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 1.

    Vụ bê bối để lộ dữ liệu người dùng mới đây chính là động lực thôi thúc tôi xóa tài khoản Facebook của mình.

    Tuy nhiên, quá trình xóa Facebook của tôi lại diễn ra đầy khó khăn và mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Điều đó đã phần nào cho thấy mặt trái của mạng xã hội lớn nhất thế giới này, từ thiết kế giao diện phức tạp, vô lý cho đến những hoạt động thiếu sự minh bạch. Dưới đây là những gì tôi đã phải trải qua trong quá trình thoát khỏi sự kìm kẹp của Facebook.

    1. Không hề có chỉ dẫn rõ ràng cho quá trình xóa tài khoản Facebook của người dùng

    Hiện nay, đã có rất nhiều bài báo “mách nước” cho bạn cách để xóa tài khoản Facebook vì, như một lẽ đương nhiên, đội ngũ thiết của mạng xã hội này chẳng đời nào “vẽ đường cho hươu chạy” để người dùng phản bội họ cả.

    Cũng cần phải khẳng định là xóa tài khoản và vô hiệu hóa tài khoản là hai quá trình hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy lựa chọn vô hiệu hóa tài khoản trong mục cài đặt của Facebook, nhưng để xóa tài khoản thì lại là một câu chuyện khác.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 2.

    Nếu không chủ động tìm kiếm thì còn lâu bạn mới có thể xóa tài khoản Facebook của mình.

    Để bắt đầu quá trình này, bạn cần mở Trung tâm trợ giúp nhanh của Facebook và nhập vào thanh tìm kiếm “Làm thế nào để xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook” (hoặc chỉ cần nhập từ khóa “xóa” là được vì trào lưu #deleteFacebook vẫn đang nổi như cồn mà).

    Sau đó, Facebook sẽ buộc bạn phải truy cập vào trang trợ giúp riêng, đưa ra một thông báo khá dài và yêu cầu bạn hãy “cho họ biết” là bạn đang muốn xóa tài khoản của mình. Tại sao họ không đơn giản hóa quá trình này, như là đặt một phím “Xóa tài khoản của tôi” ngay trên đầu trang chủ chẳng hạn.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 3.

    Đây vẫn chưa phải là trang để xóa tài khoản mà bạn còn phải bấm thêm vào một hyperlink nữa.

    2. Làm cho người dùng bối rối với những thay đổi đột ngột trong thiết kế

    Sau khoảng 2, 3 lần bấm vào hyperlink ẩn trong những dòng thông báo của Facebook, cuối cùng thì tôi cũng đến được trang xóa tài khoản. Tại đây, các bước hướng dẫn của Facebook khá đơn giản, nhưng lại khiến tôi rất bối rối và liên tục phải thực hiện lại.

    Sau khi bấm vào lựa chọn “Xóa tài khoản của tôi”, một cửa sổ xác nhận sẽ hiện ra và yêu cầu tôi điền mã CAPTCHA vào. Hãy khoan nói đến đoạn mã này đã, thứ khiến tôi khó chịu hơn cả chính là tôi liên tục bấm nhầm vào lựa chọn “Hủy” (cancel) sau khi đã điền xác nhận đầy đủ.

    Có thể là do tôi vội vàng hấp tấp, nhưng Facebook cũng không phải dạng vừa khi đã đổi màu sắc giữa hai lựa chọn “Đồng ý” (xóa tài khoản) và “Hủy” một cách đầy láu cá. Thông thường, những lựa chọn đồng ý của Facebook sẽ có màu xanh dương, màu chủ đạo của nền tảng mạng xã hội này. Thế nhưng với quá trình xóa tài khoản, lựa chọn “Hủy” lại có màu xanh dương khiến tôi “mắt nhắm mắt mở” bấm nhầm đến mấy lần và đành ngậm ngùi nhập lại đoạn CAPTCHA để xác nhận.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 4.

    Tại sao bỗng nhiên lựa chọn "Hủy" lại có màu xanh dương vậy hả Facebook?

    Đây cũng không phải là một điều quá xa lạ trong thiết kế giao diện người dùng, đặc biệt là khi quyết định xác nhận thực hiện một hành động tiêu cực (trong trường hợp này là xóa Facebook). Sự thay đổi đột ngột trong thiết kế sẽ giúp người dùng hạn chế, hay ít nhất là giúp họ suy nghĩ lại về quyết định của mình.

    Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy cực kỳ khó chịu về điều này. Tôi đã phải tự mình tìm kiếm trang xóa tài khoản, sau đó là trải qua vài lần xác nhận phức tạp, bấm nhầm vào nút “Hủy” và rồi phải thực hiện lại từ đầu.

    Suy cho cùng, nếu đã giấu tính năng này kỹ như vậy thì Facebook cần hiểu rằng khả năng người dùng vô tình xóa vĩnh viễn tài khoản của họ gần như không thể xảy ra. Và nếu đã tự mình mày mò đến tận bước xác nhận cuối cùng, chẳng có lý do gì mà họ phải suy nghĩ lại về quyết định của mình. Vì vậy, việc đổi màu giữa hai lựa chọn “Xóa” và “Hủy” là không hề cần thiết.

    3. Kiểu trình bày quá "hại não" khi người dùng muốn xóa tài khoản

    Hãy trở lại với đoạn CAPTCHA mà tôi đã nêu ở trên. Không chỉ bấm nhầm vào nút “Hủy” mà tôi cũng liên tục nhập sai đoạn mã mà Facebook yêu cầu và nhận được thông báo dưới đây:

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 5.

    Một lần nữa phải khẳng định, tôi cũng có lỗi trong quá trình này bởi đã không đọc kỹ yêu cầu mà Facebook đưa ra. Nhưng hãy thừa nhận đi, chẳng mấy ai trong chúng ta bỏ thời gian để đọc cả. Chúng ta luôn có xu hướng điền đoạn mã xác nhận vào bất kỳ khung trống nào mà chúng ta nhìn thấy - một điều mà các nhà thiết kế giao diện người dùng cần phải cân nhắc lại.

    Và giữ đúng tư tưởng này, tôi hăm hở điền CAPTCHA vào khung trống đầu tiên và chỉ mò xuống khung trống phía dưới khi không thể nhìn rõ đoạn mã mà Facebook cung cấp. Sai lầm! Facebook yêu cầu phải nhập mật khẩu tài khoản trước, còn đoạn mã xác nhận thì điền vào khung thứ hai. Bạn có thể cho rằng đó là một tính năng bảo vệ người dùng khỏi bị kẻ gian lợi dụng, nhưng với tôi, về mặt thẩm mỹ mà nói, khung cửa sổ thông báo của họ vừa lộn xộn, vừa phức tạp lại đòi hỏi quá nhiều thông tin gây bối rối.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 6.

    Facebook yêu cầu chúng ta phải nhập mật khẩu trước khi điền mã CAPTCHA xác nhận.

    Chuyên gia về cấu trúc thông tin và thói quen sử dụng Steve Krug đã nêu rõ trong cuốn sách “Don’t Make Me Think” rằng điều quan trọng nhất mà các nhà thiết kế giao diện người dùng cần biết là người dùng không bao giờ đọc khi sử dụng website, họ chỉ tìm kiếm những từ khóa cần thiết (scan). Và theo nghiên cứu về mắt của Jakob Nielson vào năm 2008, chúng ta chỉ đọc chưa đến 20% nội dung thông tin hiển thị trên một trang web thông thường.

    Vì thế, chẳng mấy ai đọc từ đầu đến cuối, từ trên xuống dưới khung cửa sổ xác nhận của Facebook cả, và chắc chắn Facebook hiểu rõ điều này (tin tôi đi, họ nắm trong tay nhiều chuyên gia hơn bạn nghĩ đấy).

    4. Luôn biết cách chi phối cảm xúc người dùng

    Nếu vụ scandal Cambridge Analytica có gây ra bất cứ hiệu ứng tích cực nào thì đó chắc chắn phải là nó đã chỉ ra vấn đề trong thiết kế giao diện người dùng “hại não” của Facebook.

    Mặc dù rất khó chịu với kiểu thiết kế giao diện trong quá trình xóa tài khoản Facebook, nhưng tôi lại không hề bất ngờ về điều này. Nhiệm vụ của họ là phải chi phối cảm xúc người dùng và bằng mọi giá khiến người dùng phải gắn bó lâu dài với họ.

    Muốn xóa tài khoản Facebook ư? Giao diện đầy toan tính của mạng xã hội này còn lâu mới cho bạn làm điều đó - Ảnh 7.

    Facebook luôn biết cách khiến người dùng "mủi lòng" mỗi khi họ có ý định từ bỏ nền tảng mạng xã hội này.

    Ví dụ, khi tôi vô hiệu hóa tài khoản của mình vào 3 năm trước đây, Facebook đã đưa ra loạt thông báo để khiến tôi mềm lòng. Họ hiển thị tài khoản của bạn bè tôi, thuyết phục tôi tiếp tục sử dụng dịch vụ của họ và thậm chí còn cho biết họ sẽ rất nhờ tôi nếu tôi rời đi. Hay mới đây khi tôi quyết định xóa tài khoản, Facebook đã gửi cho tôi đến 59 thông báo thuyết phục tôi ở lại.

    Và điều quan trọng nhất, giao diện người dùng của Facebook đã khiến chúng ta đồng ý cung cấp thông tin cho bên thứ ba một cách quá dễ dàng mà chúng ta không hề để ý. Sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa, Facebook mới có thể khôi phục được niềm tin nơi người dùng sau vụ scandal vừa rồi. Và thay đổi thiết kế giao diện có lẽ sẽ là ý tưởng tuyệt vời nhất để họ bắt đầu kế hoạch của mình.

    Theo Fastcodesign

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ