NASA, SpaceX khám phá các mối nguy hiểm sức khỏe trong không gian

    Nguyễn Mai, VTV 

    VTV.vn - NASA và SpaceX vừa bắt tay trong một sứ mệnh khám phá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người trong không gian.

    Một phi hành đoàn gồm bốn người đã được gửi lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) với một trong những nhiệm vụ chính trong 6 tháng tới là xác định xem liệu các vi sinh vật trong không gian tác động thế nào đến sức khỏe của các phi hành gia.

    Tàu vũ trụ Dragon có thể tái sử dụng trên tên lửa Falcon-9 nhận nhiệm vụ đưa 4 thành viên phi hành đoàn lên trạm vũ trụ ISS. Sứ mệnh Crew-7 có sự tham gia của một người thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA); một người thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu; một chuyên gia Nhật Bản và một chuyên gia Nga. Họ sẽ tiến hành tất cả các thí nghiệm trên trạm vũ trụ trong 6 tháng tới, bao gồm việc kiểm tra hàng loạt mối nguy hiểm về sức khỏe mà các phi hành gia phải đối mặt.

    Bà Tereza Poltarova, nhà báo khoa học ở London, Anh, nói: "Nhóm nghiên cứu sẽ lấy mẫu vi khuẩn bên ngoài trạm vũ trụ để tìm hiểu tác động của chúng lên hệ thống miễn dịch của các phi hành gia. Tôi tin rằng một số mẫu vi sinh vật sẽ được đưa về Trái đất nghiên cứu để phân tích rõ hơn về môi trường sinh sôi của chúng".

    NASA, SpaceX khám phá các mối nguy hiểm sức khỏe trong không gian - Ảnh 1.

    Phi hành gia NASA Kate Rubins đang thực hiện các thử nghiệm, xem xét cách các chuyến bay vũ trụ ảnh hưởng đến sự hình thành màng sinh học vi khuẩn. (Ảnh: NASA)

    Cũng theo phân tích của các chuyên gia, ngoài vi sinh vật có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, trong môi trường không trọng lực, các bắp cơ và xương trong cơ thể người gần như không vận động. Do đó, một vấn đề chung mà các phi hành gia gặp phải là sự sụt giảm khối lượng cơ bắp và mật độ xương rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, một số người gặp phải tình trạng mất cân bằng do não và thị lực không thích ứng được ngay với cảm giác lơ lửng. Một số người gặp vấn đề với hệ thống miễn dịch với các vết phát ban trên cơ thể hoặc dễ bị cảm lạnh hơn.

    Ông Matthias Maurer, phi hành gia thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cho biết: "Vì chúng ta cứ lơ lửng nên áp lực lên hộp sọ cao hơn, dẫn tới chất lỏng trong cơ thể đổ về não nhiều hơn. Chất lỏng này chèn ép lên dây thần kinh thị giác hoặc ép lên nhãn cầu nên thị lực của chúng tôi thay đổi khi ở trong môi trường không gian".

    Trong một nghiên cứu tại Canada, xét nghiệm máu trước và sau sứ mệnh lên không gian cũng cho thấy, có khoảng 100 gene của hệ miễn dịch hoạt động kém hơn trong các tế bào bạch cầu, tế bào quan trọng trong hệ miễn dịch, ngay khi các phi hành gia đặt chân lên không gian. Các gene này giống như rơi vào trạng thái ngủ đông và hoạt động bình thường ngay sau khi họ quay trở lại Trái đất. Vì vậy, hiểu được những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các phi hành gia được xem là điểm then chốt để sứ mệnh khám phá không gian được thành công hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày