Bitcoin tìm cách chống rửa tiền

    PV,  

    Vụ Liberty Reserve bị lôi ra ánh sáng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành tiền tệ ảo. Mỹ đang tìm cách quản lý tiền ảo.

    Vụ rửa tiền khổng lồ có giá trị lên đến 6 tỉ USD được xem là một trong những vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử Mỹ, là bằng chứng cho thấy phát kiến công nghệ lại một lần nữa tạo ra những vấn đề nghiêm trọng quá mới mẻ, làm cho cả phía các hãng đầu tư lẫn những nhà làm luật lúng túng. Tuy nhiên, sự kiện này cũng là lời cảnh tỉnh cho các bên để siết chặt kiểm soát giao dịch điện tử, mà nổi trội nhất là tiền tệ ảo Bitcoin.

     Bitcoin - một loại tiền điện tử, hay còn gọi là tiền ảo. Ảnh: FLICKR - ZCOPLEY

    Bitcoin - một loại tiền điện tử, hay còn gọi là tiền ảo. Ảnh: Flcikr - Zcopley

    FBI từng cảnh báo

    Không như Liberty Reserve, vốn tạo ra một nền tảng giao dịch riêng tạo điều kiện cho việc rửa tiền, Bitcoin là một công nghệ tiền tệ ảo riêng biệt. Bitcoin được ủng hộ bởi rất nhiều nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Công nghệ tiền tệ ảo này dựa trên một phần mềm mã nguồn mở, cho phép bất kỳ người dùng nào với kiến thức kỹ thuật và có cấu hình máy tính mạnh mẽ đều “khai thác” được.

    Sau đó, Bitcoin có thể được mua bán, trao đổi bằng tiền thật thông qua các sàn giao dịch. Những người ủng hộ loại tiền tệ ảo này thường đưa ra nhiều lý do khá thuyết phục cho tiềm năng của Bitcoin. Họ cho rằng đồng tiền ảo không cần nhiều cơ sở hạ tầng để kiểm soát và cũng không bị gắn kết với một nhà băng nào nên không bị đe dọa bởi những nguy cơ an ninh. Tính bảo mật tuyệt đối của Bitcoin vừa là một tính năng được người dùng ca ngợi nhưng cũng là lý do khiến các nhà cầm quyền lo sợ sẽ bị tội phạm lợi dụng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì luật pháp hiện nay vẫn chưa thể thích ứng để quản lý Bitcoin và các điều luật cũ chỉ làm chậm đà phát triển của công nghệ này mà thôi.

    Thật ra, mối lo ngại về việc rửa tiền bằng Bitcoin đã từng được nhắc đến nhiều lần trước đây. Hồi tháng 2-2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã từng đưa ra báo cáo giải thích cách thức mà các tổ chức tội phạm sử dụng Bitcoin để trung chuyển tiền trên thế giới. Báo cáo này lại được lặp lại một lần nữa vào tháng 3 vừa qua bởi Bộ Tài chính Mỹ. FinCEN, nhánh chống tệ nạn rửa tiền của Bộ Tài chính Mỹ, nói rằng các công ty tiền tệ ảo cũng phải thông qua các luật chống rửa tiền như các tổ chức tài chính khác, trong đó bao gồm việc theo dõi khách hàng và báo cáo những hoạt động đáng ngờ với chính phủ Mỹ. Nhưng công nghệ này phát triển quá nhanh và chóng vánh, hầu hết những công ty đứng sau các thị trường giao dịch Bitcoin đều còn khá non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các luật tài chính.

    Luật cho tiền tệ ảo

    Ngay sau báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, vấn đề luật trở thành chủ đề chính tại hội nghị Bitcoin 2013 ở San Jose diễn ra cách đây 2 tuần. Jerry Brito, Giám đốc Chương trình Chính sách công nghệ tại ĐH George Mason, cho biết các công ty kinh doanh tiền tệ ảo đang nhận ra rằng họ sẽ phải chấp nhận việc đăng ký chính thức trở thành những tổ chức giao dịch tài chính trên 48 bang tại Mỹ.

    Quá trình này đòi hỏi phải thông qua những cuộc phỏng vấn trực tiếp tại từng bang và được FinCEN hướng dẫn. Charlie Shrem, Giám đốc điều hành của hãng giao dịch BitInstant.com, phát biểu: “Dù có đồng ý với các điều luật hay không, chúng ta vẫn phải tuân thủ”. Điều này có nghĩa là các công ty làm việc với giao dịch từ tiền thật sang Bitcoin phải thuê các nhân viên luật để theo dõi việc trung chuyển từ tiền ảo ra thế giới thật, đặc biệt là chuyển thành USD hoặc các loại tiền tệ khác. Công đoạn này có thể sẽ tiêu tốn đến hàng chục ngàn USD - gánh nặng tài chính quá lớn cho các công ty nhỏ còn non trẻ.

    Hiện tại, cộng đồng Bitcoin đang liên tục tìm cách để gây ảnh hưởng đến các cơ quan làm luật. Bitcoin Foundation - một tổ chức kêu gọi ủng hộ Bitcoin, được tạo thành bởi liên minh của nhiều công ty hoạt động trong lãnh vực này - đang tìm cách thuê luật sư ở Washington để có thể đưa những vấn đề tiền tệ ảo lên bàn thảo luận với các nhà làm luật. Một cuộc cải cách luật pháp sẽ rất cần thiết để ngành tài chính có thể thích nghi với tiền tệ ảo.

    Theo Reuters, vào lúc này, ưu tiên hàng đầu của các cơ quan hành pháp Mỹ là lật mặt các phi vụ rửa tiền và giao dịch phi pháp của bọn tội phạm. Liberty Reserve không phải là mục tiêu đầu tiên. Trước đó, Mt.Gox, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất hiện nay, cũng có 2 tài khoản ngân hàng bị tạm giữ bởi Bộ An ninh nội địa Mỹ với lý do là công ty này thực hiện các giao dịch tài chính mà không có giấy phép chính thức. Hôm thứ năm tuần rồi, Mt.Gox thông báo công ty này yêu cầu tất cả người dùng phải chứng thực tài khoản của mình trước khi được phép tiếp tục giao dịch.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ