Nghiên cứu của ĐH Harvard: Trung Quốc bạo chi cho R&D nhưng lại vô tình kìm hãm sự sáng tạo công nghệ

    Nguyễn Hải,  

    Dù sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đang có tác dụng không thể chối cãi khi thúc đẩy R&D của nước này, vô tình nó lại đang cản trở sự sáng tạo của nước này tiến xa hơn.

    Không khó để nhận ra Trung Quốc đang tích cực đưa mình leo cao hơn trên nấc thang công nghệ, và bằng nhiều cách khác nhau, nhà nước Trung Quốc chính là người đứng đằng sau tất cả nỗ lực đó. Khi danh hiệu nhà sản xuất rẻ nhất thế giới của Trung Quốc sắp đến hồi kết thúc, sự sáng tạo đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển của chính phủ nước này.

    Với khuynh hướng tư tưởng của mình, Trung Quốc đang là minh chứng độc nhất cho việc nhà nước sử dụng quyền lực của mình để giúp nền kinh tế trở nên sáng tạo hơn. Tuy vậy, cho đến nay, các phân tích từ tạp chí kinh doanh Harvard (Harvard Business Review HBR) cho thấy, kết quả thu được rất lẫn lộn.

    Trong một vài khía cạnh quan trọng nhất, sự giúp đỡ của nhà nước rõ ràng đã đóng một vai trò quan trọng. Nhưng ở những khía cạnh khác, nhà nước vô tình lại gây trở ngại cho việc Trung Quốc nổi lên như một người khổng lồ công nghệ.

    Những tác động của chính phủ Trung Quốc

    Ở mặt tích cực, nhà nước Trung Quốc đã cho thấy vai trò mạnh mẽ của mình trong việc tăng cường các yếu tố đầu vào cho sự sáng tạo. Tổng đầu tư vào R&D (tính theo tỷ lệ với GDP) đã tăng từ 0,9% trong năm 2000 lên 2.0% vào năm 2015, và theo lộ trình, nó sẽ tăng lên 2,5% vào năm 2020.

    Ngoài ra, trong năm 2015, Trung Quốc cũng chiếm 20% chi phí cho R&D toàn cầu, trội hơn hẳn so với Nhật Bản ở mức 9% hay Đức ở mức 6%, và chỉ đứng sau Mỹ với tỷ lệ 26%. Số lượng tiến sĩ (PhD) về khoa học kỹ thuật tốt nghiệp mỗi năm đang gia tăng đáng kể và hiện tại cũng chỉ đứng sau Mỹ.

    Trong những năm gần đây, chính phủ cũng đã phát động một số chương trình nhằm nuôi dưỡng các tài năng khoa học. Nổi bật trong số đó là Quỹ Khoa học Quốc gia cho các học giả trẻ xuất sắc, giúp hỗ trợ nghiên cứu cho các dự án khoa học xứng đáng. Ngoài ra còn có Chương trình Học giả Chang Jiang nhằm thu hút các giáo sư xuất sắc của nước ngoài, Kế hoạch Nghìn Tài năng nhằm thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu người Trung Quốc đang ở nước ngoài quay trở lại.

    Trung Quốc cũng đóng vai trò trực tiếp trong tiến bộ công nghệ ở những lĩnh vực như thăm dò không gian, quốc phòng và siêu máy tính. Trên toàn cầu, đây là những ngành công nghiệp nhà nước thường đóng vai trò độc quyền hoặc khách hàng duy nhất. Vì vậy, sự sáng tạo công nghệ ở những lĩnh vực này có xu hướng được tài trợ bởi chính phủ và thực hiện trong các phòng thí nghiệm của chính phủ hoặc gần như do chính phủ đầu tư.

    Vẫn còn nhiều hoạt động khác nhằm tác động đến “hiệu ứng đầu vào” của sự sáng tạo, nhưng những hoạt động này đã đem lại kết quả như thế nào? Các báo cáo của Trung Quốc về tác dụng của chúng lại không mấy ấn tượng.

    Từ năm 2010 – 2015, tỷ lệ các bằng sáng chế của Trung Quốc được cấp phép bởi Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu hàng hóa Mỹ (USPTO) chỉ chiếm 2,2% so với các nước khác. Trong cùng thời gian đó, các bằng sáng chế được USPTO cấp phép có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc có tỷ lệ tương ứng là 18,8%, 5,5% và 5,5%.

    Theo báo cáo mới nhất của tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế với 34 nước thành viên chính thức, phần lớn đến từ các quốc gia có thu nhập cao), không trường đại học nào của Trung Quốc nằm trong top 30 trường hàng đầu thế giới về các công bố khoa học được trích dẫn. Điều đó cho thấy, tỷ lệ các công bố khoa học được trích dẫn của Trung Quốc trên thế giới là rất nhỏ.

    Nguyên nhân cho hiệu quả R&D thấp tại Trung Quốc

    Một phần nguyên nhân của năng suất thấp trong R&D của Trung Quốc nằm ở độ trễ giữa đầu tư vào R&D và các kết quả thu được. Phần còn lại nằm ở các khía cạnh thuộc về văn hóa xã hội của Trung Quốc, ví dụ như hậu quả của lối học vẹt và sự tôn trọng hệ thống cấp bậc.

    Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những thách thức về sự sáng tạo của Trung Quốc đã vượt xa các yếu tố về độ trễ thời gian hay các khía cạnh văn hóa: Một số chính sách và biện pháp thực thi của chính phủ, vốn được thiết kế để giúp Trung Quốc trở thành người khổng lồ về sáng tạo, nhưng thực chất lại trở thành trở ngại cho quá trình đó.

    Đầu tiên, như đã đề cập trong một bài xã luận khác của HBR đăng trên tạp chí Science, phần lớn các quỹ R&D của chính phủ Trung Quốc được phân bổ dựa trên các cơ sở về kết nối chính trị hơn là giá trị được đánh giá bởi các nhà khoa học độc lập. Chương trình thực thi còn làm gia tăng rủi ro hơn nữa khi nguồn quỹ được dành để xây dựng các tòa nhà tráng lệ và mua sắm trang thiết bị hơn là các nghiên cứu thực tế.

    Thứ hai, Trung Quốc chi tiêu tương đối ít cho các nghiên cứu cơ bản (chỉ 4% trên tổng số) khi so sánh với các nền kinh tế khác thuộc khối OECD (17% trên tổng số). Kết quả là, trọng tâm chính trong chương trình R&D của Trung Quốc vẫn nằm ở việc sử dụng các kiến thức hiện có để chỉnh sửa các sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp với thị trường Trung Quốc, trong khi vẫn không đủ các nỗ lực nghiên cứu để hướng thẳng tới việc phát triển những ý tưởng khoa học và công nghệ “mới cho thế giới”.

     So sánh về đầu tư cơ bản (Basic Research) giữa Trung Quốc và các nước thuộc OECD năm 2013.

    So sánh về đầu tư cơ bản (Basic Research) giữa Trung Quốc và các nước thuộc OECD năm 2013.

    Thứ ba, chính phủ đặt ưu tiên lớn hơn cho số lượng thay vì chất lượng của các bằng sáng chế. Từ năm 2010 đến năm 2015, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Nhà nước tăng gấp 3 lần, từ 300.000 đơn lên tới hơn 900.000. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 thậm chí còn muốn gấp đôi số lượng bằng sáng chế lên 1,8 triệu bào năm 2020. Việc đặt nặng vấn đề số lượng có nguy cơ sẽ làm giảm chất lượng của các bằng sáng chế hơn nữa.

    Thứ tư, “Vạn Lý Tường Lửa của Trung Quốc” làm các nhà nghiên cứu Trung Quốc khó có thể truy cập vào các thông tin toàn cầu. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc không thể truy cập Google Scholar. Họ có thể sử dụng Baidu Scholar, dù khá tốt khi tìm kiếm các tạp chí Trung Quốc nhưng không phải với các tạp chí quốc tế.

    Thứ năm, các công ty nước ngoài cảm thấy áp lực khi phải chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường rộng lớn này, và luôn phải chịu sự phân biệt đối xử đối với các vụ kiện tụng về sở hữu trí tuệ tại các tòa án Trung Quốc. Kết quả là, trong khi phần lớn những người khổng lồ công nghệ của phương Tây đều có phòng thí nghiệm R&D ở Trung Quốc, phần lớn những gì họ làm chỉ là địa phương hóa sản phẩm thay vì phát triển các công nghệ hoặc sản phẩm thế hệ kế tiếp.

    Họ không muốn chịu rủi ro về việc chuyển giao các công nghệ đột phá còn non trẻ cho các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc. Hệ quả trực tiếp từ việc này là làm cho Trung Quốc bỏ lỡ các hiệu ứng lan tỏa từ việc R&D các kỹ thuật đột phá bởi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, một yếu tố mấu chốt cho sự nổi lên của các hệ sinh thái sáng tạo như Thung lũng Silicon.

    Khi so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thấy rõ sự tương phản đối lập giữa hai nước này. Ngoại trừ một vài lĩnh vực như quốc phòng, Ấn Độ không có chính sách nào để trợ giúp các công ty trong nước trước các công ty nước ngoài. Các công ty nước ngoài cũng thường cảm thấy việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Ấn Độ an toàn hơn so với Trung Quốc.

    Vì vậy, cho dù Ấn Độ chỉ chi tiêu vào R&D bằng 1/10 so với Trung Quốc, những người khổng lồ về công nghệ của thế giới thực hiện nhiều công trình R&D quan trọng ở Ấn Độ hơn Trung Quốc. Theo các phân tích của HBR, trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, phòng thí nghiệm của 10 hãng công nghệ hàng đầu Mỹ tại Ấn Độ có số bằng sáng chế tại USPTO nhiều hơn 50% so với các phòng thí nghiệm của họ tại Trung Quốc.

    Kết luận

    Những phân tích trên đưa ra 3 kết luận về vai trò của Nhà nước như một nhà cải cách.

    - Một: nội dung của các chính sách rất quan trọng.

    - Hai: các mục tiêu chính sách không luôn luôn chuyển thành kết quả như mong muốn ở mức độ cơ bản.

    - Ba: những mâu thuẫn vốn có giữa ý thức hệ và các mệnh lệnh hành chính về đổi mới khó có thể tạo ra bước chuyển biến.

    Nhưng với quy mô và chất lượng của các nhà toán học, khoa học, và kỹ thuật của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại HBR cho rằng việc quốc gia này trở thành một trong những người khổng lồ về công nghệ của thế giới là điều khó tránh khỏi.

    Theo Harvard Business Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày