Người Việt trẻ có cần điều chỉnh lại thói quen ăn thịt đỏ của mình hay không?

    zknight,  

    Ăn thịt đỏ vừa phải để nhận đủ lợi ích dinh dưỡng và phòng tránh bệnh tật trong tương lai.

    Trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, thịt lợn và thịt bò là hai loại thực phẩm hiếm khi vắng mặt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng ăn quá nhiều thịt đỏ (thịt của các loài động vật có vú bao gồm lợn, bò, cừu…) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư đại tràng.

    Mặc dù vậy, bởi hai căn bệnh thường chỉ bắt đầu tấn công ở độ tuổi trung niên, chúng ít nhận được quan tâm bởi giới trẻ. Nhiều người trẻ hiện nay vẫn ăn thịt đỏ hàng ngày một cách rất vô tư, từ hàng quán cho đến ở nhà.

    Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu họ có cần điều chỉnh lại thói quen ăn thịt đỏ của mình hay không? Và nên ăn thịt đỏ thế nào từ khi còn trẻ thì sẽ phòng tránh được nguy cơ bệnh tật trong tương lai?

     Người Việt trẻ có cần điều chỉnh lại thói quen ăn thịt đỏ của mình hay không?

    Người Việt trẻ có cần điều chỉnh lại thói quen ăn thịt đỏ của mình hay không?

    Người trẻ cũng cần quan tâm đến thịt đỏ trong chế độ dinh dưỡng

    Thịt đỏ có lẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng hiện nay. Lý do bởi nó còn là vấn đề gây tranh cãi. Năm 2010, một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Meat Science có tựa đề: “Tiêu thụ thịt đỏ: Cái nhìn tổng quan về lợi ích và nguy cơ”.

    Trong đó, các nhà khoa học Anh và Ireland đã nhìn lại hơn 20 nghiên cứu trong vòng một thập kỷ rưỡi để chỉ ra: Thịt đỏ là một nguồn protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác bao gồm sắt, kẽm và vitamin B12. Nếu được tiêu thụ vừa phải, thịt đỏ sẽ là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.

    Ở khía cạnh nguy cơ, các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều báo cáo nói ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư đại tràng. Tuy nhiên, hai căn bệnh này thường xảy ra ở độ tuổi trung niên.

    Các nghiên cứu về thịt đỏ phần lớn cũng tập trung vào đối tượng những người trên 30 tuổi. Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu người trẻ có cần quan tâm đến thịt đỏ hay không?

    Để trả lời, chúng tôi đã hỏi ý kiến của bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Lâm sàng và tiết chế, Viện dinh dưỡng quốc gia. Bác sĩ Thu cho biết: “Xu hướng ăn thịt của người Việt Nam đang tăng lên nhưng không có dữ liệu đánh giá riêng cho thịt đỏ”.

    Mặc dù vậy, người trẻ tất nhiên là cần quan tâm đến điều này. Thịt đỏ cũng như tất cả các loại thực phẩm khác, nếu biết sử dụng hợp lý và đúng cách thì sẽ là nguồn dưỡng chất thiết yếu và giá trị, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thì không có lợi cho cơ thể chúng ta.

    "Cơ thể chúng ta cần thịt ở một nhu cầu nhất định. Nếu ăn quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể để chuyển hóa và thận để thải trừ các chất thải của quá trình chuyển hóa thịt", bác sĩ Thu cho biết. "Ăn nhiều thịt đỏ còn đồng thời đưa vào cơ thể một lượng chất béo tích lũy sẵn trong thịt, gây các bệnh về chuyển hóa lipid máu. Nếu thịt được chế biến không đúng cách và ăn vào quá nhiều trong thời gian dài còn tiềm ẩn nguy cơ gây đột biến các tế bào trong cơ thể, gây nên ung thư sau này".

    Chúng ta nên ăn thịt đỏ như thế nào?

     Ăn thịt đỏ vừa phải để nhận đủ lợi ích dinh dưỡng và phòng tránh bệnh tật trong tương lai.

    Ăn thịt đỏ vừa phải để nhận đủ lợi ích dinh dưỡng và phòng tránh bệnh tật trong tương lai.

    Như nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra, tiêu thụ thịt đỏ ở mức độ vừa phải là một phần của chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Vậy thế nào là vừa phải?

    Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Anh, một người ăn nhiều hơn 90 gam thịt đỏ chín mỗi ngày nên giảm con số xuống 70 gam. Nghiên cứu năm 2005 chỉ ra ăn 160 gam thịt đỏ mỗi ngày làm tăng hơn 30% nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

    Năm 2007, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến cáo mọi người không nên ăn quá 500 gam thịt đỏ mỗi tuần. Đây cũng là con số được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ.

    Tại Việt Nam, bác sĩ Thu cho biết: “Hướng dẫn ăn uống cho người Việt chưa tính riêng tới thịt đỏ. Để có sức khỏe tốt và lâu dài, chúng ta nên ăn đủ số lượng cần thiết và đa dạng các loại thực phẩm".

    Riêng về thịt và các sản phẩm từ đậu/đỗ, Viện Dinh dưỡng khuyến nghị mỗi người chỉ nên ăn 5-6 đơn vị mỗi ngày (1 đơn vị tương đương 30- 40g thịt/cá/trứng hoặc 60g đậu phụ), và tổng lượng chất béo từ động vật không nên chiếm quá 60% tổng chất béo trong cả ngày. Trong đó, một điều cần lưu ý là chất béo có trong thực phẩm nguồn động vật, chủ yếu đến từ thịt các loại, chứa nhiều chất béo no, không có lợi cho sức khỏe.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ