Nhìn dân công sở Đan Mạch, bạn sẽ thấy 'cố làm việc hùng hục cho xong để về với vợ con' là phương pháp sai bét để tạo ra một cuộc sống cân bằng!

    Văn Lê, Theo Trí Thức Trẻ 

    Cụ thể, chỉ số OECD’s Better Life Index chỉ ra rằng dân công sở Đan Mạch hiện là những người đạt được sự cân bằng công việc - cuộc sống ở mức cao nhất trong nhóm các nước OECD. Đồng thời, những đồng nghiệp của chúng ta ở Đan Mạch cũng là những người 'làm bàn giấy' hạnh phúc nhất nói chung, theo báo cáo về chỉ số này.

    Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã công bố một chỉ số có thể sẽ khiến dân công sở trên nhiều quốc gia bất ngờ.

    Thế nhưng, điều lạ lùng ở đất nước châu Âu này là dân công sở nơi đây không hề tồn tại khái niệm 'cân bằng cuộc sống - công việc' trong đầu họ. Thứ mà họ làm là kết hợp cả 2 yếu tố này hài hòa với nhau.

     Người Đan Mạch

    Người Đan Mạch

    Ví dụ, ở quốc gia này, dân công sở không phải làm việc trong quá nhiều giờ đồng hồ. Chính phủ Đan Mạch thì hỗ trợ hết mình những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ - đối tượng thường gặp vấn đề nhất với cân bằng cuộc sống, công việc – để giúp họ đat được sự cân bằng.

    Điển hình các chính sách như là việc những cặp vợ chồng này có thể xin nghỉ trong nhiều ngày chỉ để giải quyết công việc gia đình. Sau đó, họ mới trở lại công sở để giải quyết những công việc dở dang.

    Đây là một bằng chứng cho thấy trong khi dân công sở ở nhiều quốc gia vẫn đang mải miết đi tìm thứ được gọi là “cân bằng công việc - cuộc sống” thì có vẻ như những người làm công ăn lương ở Đan Mạch đã giải quyết xong bài toán khó nhằn này: kết hợp chúng cùng nhau.

    Từ trước đến nay, tách biệt công việc, cuộc sống và làm hết mình vẫn được coi là phương pháp tốt nhất để tạo ra một đời sống thoải mái. Ví dụ, chắc chắn bạn từng nghe lời khuyên ví dụ như không nên mang việc ở công ty về nhà làm, hay chỉ giải quyết những vấn đề cá nhân trong thời gian riêng của mình mà thôi, đừng để ảnh hưởng đến công việc.

    Thế nhưng, sự thực ở Đan Mạch nói trên, và cả một nghiên cứu mới được công bố từ tờ Human Relations có vẻ như chỉ ra rằng điều này là sai.

    Cụ thể, nghiên cứu của Human Relations nhấn mạnh rằng thực ra việc tách bạch 'cuộc sống công việc' và 'cuộc sống ở nhà' không những không giúp tạo ra sự thoải mái mà còn làm bạn càng stress hơn.

    Nói thêm, Human Relations là một ấn bản đặt tại Mỹ đã có lịch sử tồn tại gần 70 năm và rất uy tín trong những nghiên cứu về quan hệ xã hội, đặt trong bối cảnh môi trường làm việc ở các công ty. Nghiên cứu mới nhất về cân bằng công việc - cuộc sống này được Human Relations thực hiện trên hơn 600 nhân viên từ các công ty.

    “Về mặt tổng quát, không phải việc cố tách biệt, mà chính cho phép kết hợp công việc cuộc sống mới là chiến lược dài hạn các công ty nên làm để có thể vừa giảm bớt mệt mỏi trong quản lý nhưng vẫn giúp cho nhân viên của mình - những người đóng nhiều vai song song ở công sở và ở nhà - duy trì sức làm việc tốt” - nghiên cứu của tờ báo này viết đã chỉ ra.

    Việc đóng vai trò song song ở những vị trí của công việc và cuộc sống ngoài đời là điều bất cứ ai cũng phải làm. Những vai trò này dẫn đến một hiện tượng diễn ra mỗi ngày với mỗi người mà trong tâm lý học, các nhà khoa học gọi nó là các 'bước chuyển'.

    Theo định nghĩa, 'bước chuyển' này là việc bạn đang rất tập trung vào một việc ở công sở rồi đột nhiên một việc riêng tư lóe lên trong đầu và thu hút sự quan tâm của bạn. Hãy lấy ví dụ, bạn đang ngồi làm việc trên bàn. Đột nhiên, một ý nghĩ về công việc bạn cần thực hiện lóe lên trong đầu: “Mình cần nói chuyện với cô giáo ở trường về việc học tập của con trai mình”.

     Công sở Đan Mạch

    Công sở Đan Mạch

    Đây là một ví dụ điển hình của “bước chuyển”. Theo các nhà nghiên cứu, khi bạn càng cố tách bạch công việc và cuộc sống, “bước chuyển” này càng tiêu cực và sẽ càng làm bạn stress hơn, giảm năng lượng cho làm việc.

    Ở ví dụ trên, theo nghiên cứu của Human Relations, những người cố tách bạch công việc - cuộc sống sẽ đẩy suy nghĩ về việc nói chuyện cô giáo đi và tiếp tục tập trung vào công việc đang làm. Như tác dụng phụ, họ ắt sẽ cảm thấy stress gia tăng và bớt khả năng tập trung vào công việc đó.

    Nghiên cứu đưa ra lời khuyên cho các công ty rằng họ nên mở lòng mình, và cho phép nhân viên kết hợp “cuộc sống công việc” và “cuộc sống ở nhà” nhiều hơn, qua đó làm tăng hiệu quả của các nhân viên và của toàn công ty.

    “Trong dài hạn, sẽ là tốt hơn nếu cho phép nhân viên ấn nút trả lời và “đi loanh quanh một cách thoải mái” để nghe cuộc điện thoại mà gia đình họ gọi tới, hơn là thiết lập những quy định nghiêm ngặt để bắt nhân viên tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc và chỉ công việc mà thôi” - Nghiên cứu của Human Relations viết.

    Tóm lại từ những điều trên, thay vào việc cố làm 'hùng hục' để xong việc và rồi trở về nhà để có cân bằng công việc - cuộc sống, bạn hãy kết hợp nhuần nhuyễn cuộc sống và công việc. Đó mới chính là chiến thuật hoàn hảo để đạt được sự cân bằng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ