Phát hiện vi nhựa trong không khí ở TPHCM gấp 50 lần thủ đô Paris

    Nguyễn Hoài,  

    TPO - Nghiên cứu về mật độ vi nhựa trong không khí ở khu vực bãi rác Phước Hiệp, TPHCM cho thấy tốc độ lắng đọng vi nhựa lên đến 1.367 hạt/m²/ngày, cao hơn 50 lần so với kết quả quan trắc tại thủ đô Paris (Pháp), theo Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022.

    Tăng nguy cơ ung thư

    Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa công bố Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022. Theo báo cáo, ô nhiễm vi nhựa được ghi nhận ở tất cả các môi trường đất, nước, không khí và trầm tích tại Việt Nam.

    Trong môi trường không khí, các kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm vi nhựa chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo về mật độ vi nhựa trong không khí ở khu vực bãi rác Phước Hiệp, TPHCM cho thấy tốc độ lắng đọng vi nhựa lên đến 1.367 hạt/m²/ngày, cao hơn đến 50 kết quả quan trắc tại thủ đô Paris của Pháp.

    Các quan trắc ở TP HCM còn phát hiện được số mảnh nhựa có kích thước từ 5 đến 200µm trong khí quyển. Thành phần nhựa trong khí quyển chủ yếu là dạng sợi (chiếm 64%) và dạng mảnh (chiếm 36%). Các mảnh nhựa được phát hiện có mật độ cao hơn trong mùa khô và thấp hơn trong mùa mưa.

    Phát hiện vi nhựa trong không khí ở TPHCM gấp 50 lần thủ đô Paris- Ảnh 1.

    Ô nhiễm không khí ghi nhận ngày 5/1/2024 ở TPHCM. Ảnh: Hữu Huy.

    Một nghiên cứu khác tại TPHCM cũng chỉ ra tốc độ lắng đọng vi nhựa từ khí quyển trong khu vực đô thị dao động trong khoảng 71 - 917 hạt/m²/ngày. Các mảnh vi nhựa dạng sợi phổ biến hơn dạng mảnh, có kích thước từ 300 - 5.000µm.

    Tại đường phố ở TP Đà Nẵng, mật độ vi nhựa trung bình 20 hạt/m 2 , một số khu vực ghi nhận mật độ từ 22 - 40 hạt/m 2 .

    Theo báo cáo, vi nhựa trong không khí có tác động đến sức khỏe con người thông qua quá trình hít thở. Các hạt vi nhựa bị hít vào trong phổi có thể được làm sạch tự nhiên thông qua phản xạ hắt hơi và các quá trình đào thải khác của con người. Tuy nhiên, những hạt vi nhựa vẫn còn lưu trú được trong phổi sẽ gây ra các chứng viêm.

    Một số loại vi nhựa dạng sợi có thể tồn tại trong phổi lên đến 180 ngày. Quá trình này gây tích lũy lâu dài có thể dẫn đến ung thư phổi. Ngoài ra, hầu hết các vi nhựa đều chứa các thành phần phụ gia, thuốc nhuộm là các chất độc đối với sinh vật và con người. Nhiều loại nhựa như polycarbonate (PC), polystyrene (PS) và polyvinyl clorua (PVC) đã được chứng minh là giải phóng các đơn phân độc hại, gây độc cho quá trình sinh sản, gây đột biến và ung thư.

    Ghi nhận tỷ lệ vi nhựa cao ở các hồ Hà Nội

    Không chỉ ở môi trường không khí, môi trường nước cũng như nhận ô nhiễm vi nhựa. Nghiên cứu được thực hiện tại sông Hồng, hạ lưu sông Đáy, hệ thống sông Nhuệ - Tô Lịch, sông Hàn, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, hồ Tây, hồ Trị An và một số hồ ở Hà Nội.

    Theo các kết quả nghiên cứu, mật độ vi nhựa trung bình trong nước sông qua các nghiên cứu là 2,3 hạt/m³ (sông Hồng), 2,7 hạt/m³ (sông Hàn), 3,9 hạt/m³ (sông Đồng Nai). Ở hạ nguồn sông Đáy, vi nhựa tập trung trong nước sông dao động từ 269,96 hạt/m³ đến 863 hạt/m³. Mật độ vi nhựa trong nước sông vào mùa mưa cao hơn mùa khô. Các dạng tồn tại của vi nhựa chủ yếu là dạng sợi (chiếm từ 92 - 96%), còn lại là dạng mảnh(chỉ chiếm từ 3 - 7%).

    Phát hiện vi nhựa trong không khí ở TPHCM gấp 50 lần thủ đô Paris- Ảnh 2.

    Ô nhiễm rác thải nhựa ở bờ biển Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

    Tại hệ thống sông Nhuệ - Đáy, thành phần của vi nhựa chủ yếu là PE, PP. Nước ở kênh Phú Lộc, chảy qua đô thị Đà Nẵng có mật độ vi nhựa dao động từ 630 – 3.840 hạt/m³, với giá trị trung bình lên đến 1.482 hạt/m³.

    Trong nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, vi nhựa tập trung với mật độ lớn từ 228.120 đến 715.124 sợi/m³, 23 - 300 mảnh và màng nhựa/m³. Trong trầm tích, vi nhựa tập trung với mật độ từ 38 - 498 hạt/m³. Thành phần hóa học của vi nhựa chủ yếu là PE (51%), PP (27%), PVC (13%) và các loại khác (8,3%)

    Đáng lưu ý, vi nhựa trong nước hồ Tây tập trung đến 611 hạt/m³, cao hơn nhiều lần so với nước hồ Trị An (chỉ có 1,5 hạt/m³). Vi nhựa trong trầm tích hồ ở Hà Nội được ghi nhận dao động từ 2.767 đến 2.833 hạt/kg. Vi nhựa dạng sợi và dạng mảnh với thành phần PE và PP là phổ biến nhất.

    Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của vi nhựa trong các hồ ở Hà Nội xuất phát chủ yếu từ các hoạt động dân sinh xung quanh hồ. Trong nước sông Nhuệ - Tô Lịch ở khu vực Hà Nội, vi nhựa có mật độ lên đến khoảng 56 hạt/m³. Thành phần vi nhựa dạng sợi có nguồn gốc từ nước thải sinh hoạt, dệt may và xử lý chất thải.

    Theo các nhà khoa học, ô nhiễm vi nhựa trong môi trường nước sẽ tác động đến sinh vật, và di chuyển theo chuỗi thức ăn. Từ đó, tác động đến sức khỏe con người.

    Vi nhựa là các polyme tổng hợp, có kích thước đường kính hạt từ 1µm đến 5 mm. Vi nhựa có thể chia thành loại nguyên sinh và thứ sinh. Các vi nhựa nguyên sinh là sản phẩm tạo ra để sử dụng trong công nghiệp, ví dụ: chất tẩy rửa mỹ phẩm và y sinh, vi nhựa được tạo ra trong quá trình sản xuất và chế biến hạt nhựa và sản phẩm nhựa. Các vi nhựa thứ sinh được tạo ra trong quá trình phân rã, vỡ mảnh sản phẩm nhựa. Các nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 14 triệu tấn vi nhựa đã được tích lũy ở đáy đại dương, hàng năm có khoảng 1,5 triệu tấn vi nhựa phân tán vào môi trường biển. Trong đó, 98% vi nhựa phát sinh trên đất liền và chỉ có khoảng 2% vi nhựa phát sinh từ các hoạt động trên biển. Nhiều nghiên cứu đã xác định được vi nhựa phân bố trong hầu hết các môi trường trên Trái Đất như khí quyển, biển, sông, hồ, đất, nước ngầm, sinh vật và sản phẩm như muối, nước uống.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ