Nga, Mỹ và cuộc chạy đua chiến đấu cơ thế hệ thứ 6

    TVD,  

    (GenK.vn) - Mang tên là “Máy bay chiến thuật thế hệ kế tiếp", hay còn được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ 6, dự kiến sẽ được phát triển và đưa vào sử dụng chính thức trong khoảng 2025-2030.

    Trong khi các máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-35 (Mỹ) hay T-50 (Nga) vẫn đang trong các giai đoạn thử nghiệm và giải quyết một số vấn đề công nghệ cuối cùng nhằm đưa vào sản xuất và sử dụng, bên cạnh đó các dự án máy bay thế hệ 5 của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn đang nằm trên giấy. Thì dự án nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6 của hai cường quốc quân sự là Nga và Mỹ đã bắt đầu được tiến hành.

    Mang tên là “Máy bay chiến thuật thế hệ kế tiếp" (Next Generation Tactical Aircraft/Next Gen TACAIR), hay được biết đến với cái tên máy bay chiến đấu thế hệ 6, dự kiến sẽ được phát triển và đưa vào sử dụng chính thức trong khoảng 2025-2030. Các hãng công nghiệp quốc phòng của Nga và Mỹ cũng đã công bố những hình ảnh, video cũng như một số tính năng tiên tiến của các mẫu máy bay thế hệ kế tiếp của họ, như tiêm kích F/A-XX của hãng Boeing, mẫu máy bay không người lái tàng hình của Lockheed Martin và mẫu phi cơ ném bom PAK-DA của Nga.

    Cho nên, đối với những nước có tham vọng giành quyền kiểm soát trên không trong tương lai, hành động hiện nay đã chứng minh một câu nói thịnh hành là: không thể thua trên vạch xuất phát.Có lẽ câu nói này luôn đúng trong mọi lĩnh vực cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới, chứ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực chế tạo và sử dụng vũ khí quốc phòng.

    Mỹ - Kẻ đi trước một bước

    Năm 2011, nhà máy của hãng Boeing đã công bố một ý tưởng máy bay chiến đấu “thế hệ thứ sáu” với mục tiêu rõ ràng, đưa ra phản ứng với cuộc tranh chấp máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay sau năm 2025. Đây là máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi, 2 động cơ, dòng chữ “F/A-XX” trên hình ảnh về máy bay này là mã số chương trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của Hải quân Mỹ.

    Khác với phiên bản mô hình F/A-XX thế hệ trước, loại đời mới sẽ có thêm cánh mũi (phía trước của cánh chính máy bay). Thiết kế này làm tăng tính tàng hình của F/A-XX. Để giảm khả năng nhận biết và phát hiện về sự hiện diện của nó trước các phương tiện radar hiện đại của đối phương, chỗ nối ghép giữa cánh và thân máy bay sẽ được ăn khớp với nhau đến mức tuyệt đối và gần như không phát hiện ra khe hở, đồng thời máy bay loại này cũng sẽ không thiết kế phần đuôi nằm ngang như thông thường (cơ chế không đuôi).

    Nhờ có thiết kế khá độc đáo, nên theo Flightglobal, phiên bản chiến đấu cơ F/A-XX mới sẽ rất khó bị đối phương phát hiện, và dễ dàng thực hiện các động tác tác chiến trong cả vùng mở cũng như vùng cấm, vùng hạn chế bay (A2/AD).

    chiến đấu cơ F/A-XX

    Ngoài ra, thế hệ máy bay chiến đấu mới này còn được tăng cường khả năng chiến đấu trong các mặt như tầm tác chiến, sức chịu đựng, khả năng sống sót, kết nối dữ liệu giữa các phương tiện tác chiến trong khu vực, khả năng nhận biết tình huống, hệ thống kết nối những người tác chiến và hiệu quả của vũ khí. Hệ thống tương lai sẽ phải đối phó với các địch thủ được trang bị với thiết bị tấn công điện tử tiên tiến thế hệ mới, hệ thống phòng không được tích hợp một cách tinh vi, hệ thống dò tìm thụ động, vũ khí năng lượng có dẫn hướng, và khả năng tấn công tin học.

    Nga- Kẻ đi sau nhưng không hề chậm chân

    Trong cuộc họp với các nhà hành pháp tại Nga vào tháng 4 năm 2013, trung tướng Viktor Bondarev của Không quân Nga đã tiết lộ, tất cả các tài liệu liên quan đến dự án phát triển mẫu máy bay ném bom thế hệ 6 của nước này đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt và sẽ chính thức bắt tay vào hoàn thiện.

    Mẫu máy bay PAK-DA thế hệ 6 sẽ có thiết kế cánh khá lạ mắt và khả năng vô hiệu hóa radar của đối phương, chiếc máy bay sẽ có tốc độ cận âm và được dự kiến sẽ trở thành ứng cử viên xuất sắc nhất thay thế cho đội phi cơ ném bom chiến lược thay vì là máy bay tiêm kích chiến đấu.

    Theo hãng tin Nga RIA Novosti, các sỹ quan chỉ huy của Không quân Nga khẳng định, mặc dù PAK-DA là mẫu máy bay ném bom chiến lược nhưng nó sẽ được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử tiên tiến nhất và có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa có đầu đạn hạt nhân hay có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí tấn công chính xác có thể điều khiển khác (bom dẫn đường bằng laser, tên lửa dẫn đường…).

    Trái ngược với quan điểm của Mỹ khi tập trung phát triển các mẫu máy bay siêu thanh (các dự án X-51, Falcon HTV-2), PAK-DA không phải là một chiếc máy bay có tốc độ siêu âm nhưng nó lại có thể mang tên lửa siêu âm.

    Sukhoi cũng tuyên bố sẽ nghiên cứu và phát triển cả hệ thống điều khiển có người lái và hệ thống điều khiển không người lái, bắt kịp xu hướng các máy bay không người lái có khả năng chiến đấu (UCAV) hiện nay. Cũng theo tiết lộ của Không quân Nga, mẫu máy bay ném bom không người lái dựa trên thiết kế và công nghệ của PAK-DA sẽ ra đời trong khoảng từ năm 2040-2050.

    Nhật Bản và Ấn Độ - Không chịu thua kém

    Thời gian trước, Nhật Bản đã đưa ra khái niệm nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ 6 “I3”. Hầu như đồng thời, theo tờ “Thời báo Tài chính” Đức, một cơ quan nghiên cứu Ấn Độ đề nghị nghiên cứu phát triển một loại máy bay chiến đấu kiểu mới có tốc độ tối đa có thể đạt 5 lần tốc độ âm thanh, độ cao có thể đạt 100 km, tức là tiếp cận bên ngoài bầu khí quyển.

    Như vậy, máy bay chiến đấu tiên tiến này của Ấn Độ trên thực tế là một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

    Đồng thời, bài báo cho rằng, khi tiếp tục nhìn vào máy bay chiến đấu không người lái X-47, X-37B đã bay thử của Mỹ và máy bay Neuron từng tham gia triển lãm hàng không của Pháp - một loạt thông tin này nhắc nhở Trung Quốc rằng: Rất nhiều nước đã sớm sẵn sàng cho nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.

    Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo sẽ áp dụng công nghệ buồng lái tiên tiến và “bắn đám mây”.

    Ý tưởng này tương tự “điện toán đám mây”, sử dụng hệ thống liên kết dữ liệu tiên tiến, sử dụng tốp máy bay như “đám mây”, thông qua các phương thức như chia sẻ thông tin, tạo thành một nhóm phát động tấn công có hiệu quả nhất.

    Chẳng hạn, khi biên đội nhiều máy bay chiến đấu tiếp cận đối phương, nếu máy bay A chưa thể phát hiện máy bay địch ở gần đó, trong khi máy bay B thì lại phát hiện được, thì máy bay B có thể thông báo tình hình cho máy bay A, hơn nữa radar trên mặt đất và tàu chiến trên biển cũng có thể truyền số liệu vào hệ thống này.

    Điều này có thể làm cho phạm vi tấn công của máy bay chiến đấu được mở rộng rất lớn, đồng thời tăng thêm cơ hội “đánh đòn phủ đầu”, giảm tiêu hao đạn dược.

    Hiện tại và tương lai

    Sự phát triển của công nghệ radar đã khiến những máy bay chiến đấu tàng hình dần bị mất đi sức mạnh vốn có, bên cạnh đó các quốc gia trên thế giới cũng đã bắt kịp những công nghệ quân sự tiên tiến nhất. Buộc các cường quốc như Nga và Mỹ phải nghiên cứu và chế tạo những siêu chiến đấu cơ thế hệ mới nhằm củng cố vị thế quân sự của mình.

    Những siêu chiến đấu cơ thế hệ mới này sẽ được trang bị các công nghệ tàng hình tiên tiến hơn, động cơ mạnh hơn giúp chúng có thể đạt vận tốc siêu âm cho đến vượt âm, vũ khí uy lực hơn và những hệ thống điện tử, mạng kết nối và radar tiên tiến hơn. Thậm chí với hệ thống điều khiển không người lái, những siêu chiến đấu cơ này có thể hoạt động liên tục trên bầu trời.

    Tuy nhiên, bàn về các máy bay thế hệ 6 lúc này vẫn còn quá sớm, trong khi những dự án chiến đấu cơ thế hệ 5 vẫn đang trong thời gian phát triển và thử nghiệm. Mỹ vẫn đang gặp nhiều rắc rối với dự án F-35, trong khi T-50 của Nga mới bước đầu đưa vào bay thử nghiệm. Mặc dù vậy với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ quân sự, có thể đến năm 2030, chúng ta sẽ thấy những cuộc chiến mà người lính ngồi trước màn hình máy tính như đang chơi Battlefield hay Call of Duty.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ