So sánh Sony WH-1000X, Sennheiser PXC550 và ATH-DSR7BT: 10 triệu nên chọn tai nghe không dây nào?

    M.Đức,  

    Năm 2017 là một năm sôi động của thị trường tai nghe không dây, cả 3 ông lớn là Sennheiser, Audio Technica và Sony đều ra mắt cho mình những cặp tai nghe không dây trùm đầu đầu bảng. Nhưng đâu mới là sản phẩm tốt nhất, xứng đáng với mức giá cao cấp 10 triệu đồng mà người dùng bỏ ra?

    Để không bị tụt hậu trong "cơn sốt" tai nghe không dây, 3 ông lớn trong làng tai nghe đã ra mắt những cặp tai nghe trùm đầu đầu bảng trong năm 2017. Sennheiser từ Liên Bang Đức với cặp PXC550, 2 hãng Nhật Bản: Sony với cặp WH-1000XAudio Technica (ATH) với sản phẩm DSR7BT. Cả 3 đều hướng tới người dùng cao cấp, với mức giá xấp xỉ 10 triệu đồng, nhưng đâu mới là sản phẩm đáng giá nhất?

    Thiết kế

     Sennheiser PXC550

    Sennheiser PXC550

    Cả PXC550 và DSR7BT đều có thiết kế tối giản nhất có thể với chỉ độc một màu đen mà thôi. Cả 2 cũng đều có thiết kế khung kim loại chắc chắn, nhưng phần vỏ lại hoàn toàn khác nhau. DSR7BT có vỏ bằng kim loại giống, với những đường cắt kim cương cao cấp. Nếu như sử dụng tai nghe vào mùa đông và sờ vào vỏ, ta sẽ cảm nhận được hơi lạnh đặc trưng của kim loại. PXC550 có phần vỏ làm bằng nhựa, với chất liệu nhựa dễ bám vân tay.

     Audio Technica DSR7BT

    Audio Technica DSR7BT

    Với WH-1000X, người dùng có 2 lựa chọn màu là màu đen hoặc màu beige nổi bật hơn. Cặp tai nghe này cũng có độ hoàn thiện rất tốt với phần khung kim loại, vỏ ngoài bằng nhựa. Nhưng những phần nhựa của WH-1000X lại được làm tốt hơn so với PXC550, như phần khớp nối hoàn thiện giống kim loại, và phần đeo tai có những chấm sần như bóng golf để chống bám bẩn và vân tay.

     Sony WH-1000X mark II

    Sony WH-1000X mark II

    Về thiết kế, WH-1000X có thiết kế đẹp và hiện đại nhất, độ chắc chắn cao nhất là DSR7BT với phần vỏ kim loại, PXC550 tụt lại phía sau với thiết kế nhiều nhựa và dễ bám vân tay. Cả 3 đều có phần đệm tai rất dày, nên tuy có thiết kế khác nhau nhưng đều cho sự thoải mái cao khi đeo.

    Công nghệ

    Sennheiser và Sony như "thần giao cách cảm" khi tích hợp 2 công nghệ giống hệt nhau trong 2 cặp tai không dây đầu bảng. Công nghệ đầu tiên là chống ồn chủ động, mỗi tai nghe đều được tích hợp microphone để "nghe ngóng" những âm thanh bên ngoài để tạo ra các âm thanh ngược pha để triệt tiêu, giúp không gian âm thanh tĩnh lặng hơn. Tiếp theo đó là mặt cảm ứng được tích hợp trên phần đeo tai nghe, giúp người dùng điều khiển nhạc, nhận cuộc gọi, chỉnh âm lượng. WH-1000X ngoài ra còn có những công nghệ của Sony cho âm thanh như Hi-res, DSEE HX và LDAC.

    Cặp DSR7BT không có nhiều công nghệ thú vị, nhưng những thứ hãng tích hợp đều để phục vụ cho khả năng chơi nhạc. Tai nghe có chuẩn Hi-res như cặp WH-1000X, ngoài ra còn được tích hợp một bộ DAC chuẩn 24 bit bên trong để phục vụ việc chơi nhạc có dây qua cổng...USB trên máy tính.

    Thời lượng pin

    Cũng như những công nghệ được kèm theo, PXC550 và WH-1000X lại tiếp tục vượt mặt sản phẩm từ Audio Technica. PXC550 và WH-1000X đều có thời lượng pin lên tới 30 tiếng, tức là người dùng có thể nghe nhạc tới 1 tháng nếu như sử dụng mỗi ngày 1 giờ! Cặp DSR7BT có thời lượng nghe nhạc là 15 giờ, không hề tệ một chút nào, nhưng chỉ bằng một nửa so với các đối thủ!

    Chất âm

    Tất cả những yếu tố khác chỉ là phụ trợ, phần so sánh quyết định nằm ở khả năng trình diễn âm thanh của các cặp tai nghe này. Nhìn một cách tổng thể, cả 3 cặp tai nghe đều có chất âm sạch sẽ cùng độ chi tiết khá vì đều là những dòng cao cấp của các hãng, nhưng cách thể hiện từng dải âm lại có điểm khác biệt dẫn tới mục đích phối nhạc khác nhau.

    Sennheiser PXC550 đánh dấu sự chuyển đổi chất âm của hãng âm thanh Đức ở một số dòng tai nghe không dây. Thay vì có chất âm dày, ấm và đậm đà để chơi nhạc Jazz, nhạc có lời chậm rãi như các dòng truyền thống của hãng thì PXC550 có kiểu âm nhiều năng lượng, sáng và thiên về dải cao hơn. Cũng chính vì thế mà giọng ca sĩ mất đi sự "ướt át" thường thấy của các cặp tai nghe HD599 hay HD650 cùng hãng. Thay vào đó là kiểu giọng lạnh, điện tử và khỏe khoắn hơn. PXC550 rất thích hợp với các bài nhạc Pop hiện đại hay nhạc EDM nói chung.

    WH-1000X có lẽ có chất âm "chung chung", ít điểm nhấn nhất trong cả 3 cặp tai nghe, một chất âm mà Sony đã sử dụng từ cặp 1000X đời đầu. Đây không phải là một điều xấu, thậm chí còn là thế mạnh vì tai nghe có khả năng thể hiện tốt nhiều thể loại nhạc, mang tính "tạp" cao hơn. Tai nghe không thiên quá nhiều vào dải nào, chỉ nhấn nhẹ một chút ở dải trầm để chất âm chung không bị mỏng. Với WH-1000X thì người dùng có thể chơi các thể loại nhạc khác nhau, từ Pop, Dance tới Jazz, Ballad mà không cho cảm giác bị "lố". Nhưng ngược lại, với những ai tìm chất âm có cá tính, thú vị thì sẽ thích 2 cặp tai còn lại.

    ATH DSR7BT thì ngược lại so với PXC550, với kiểu âm tôn vinh giọng ca sĩ nhất có thể. Audio Technica nổi tiếng với phần trung ngọt ngào và trữ tinh rất đặc trưng mà không hãng nào có thể sao chép được. Ở DSR7BT, hãng vẫn giữ kiểu chơi này, nên rất thích hợp với các bài nhạc có lời, nhạc trữ tình nhất là những soundtrack của các ca sĩ Nhật Bản. DSR7BT cũng nổi bật trong 3 cặp tai ở dải cao có tính kim khí tốt, sạch sẽ và sáng sủa.

    Trong hạng mục chất âm, ta không thể nói bất cứ sản phẩm nào vượt trội so với 2 đối thủ, chỉ là mỗi cặp có một thế mạnh và điểm yếu khác nhau, phù hợp với từng đối tượng khách hàng mà thôi.

    Tổng kết

    Trong 3 sản phẩm, cặp Sony WH-1000X nổi bật lên với nhiều điểm mạnh nhất. Tuy vậy đây cũng là sản phẩm mới nhất trong cả 3, được ra mắt trong quý 4 năm 2017, còn 2 đối thủ thì đã được giới thiệu từ đầu năm. Chắc chắn trong 2018, Sennheiser và Audio Technica sẽ ra mắt những cặp tai nghe mới để cạnh tranh tốt hơn với Sony.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ